Ngày 6 tháng 7 năm 2025
Liên kết website

Đình Tân Nhuận Đông, tỉnh Đồng Tháp

Đình Tân Nhuận Đông (xã Tân Nhuận Đông, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp) xây dựng vào khoảng đầu thế kỉ XIX với tên gọi ban đầu là “Đình Phú Nhuận”, được vua Tự Đức ban sắc phong “Thành Hoàng Bổn Cảnh” vào năm 1852. Ngôi đình có lịch sử tồn tại hơn một thế kỷ qua không chỉ làm nơi tổ chức lễ hội, sinh hoạt văn hóa tinh thần của dân làng mà Đình còn là nơi diễn ra các sự kiện cách mạng của quân và dân nơi đây trong hai cuộc kháng chiến bảo vệ độc lập dân tộc. Đình được xây dựng theo lối kiến trúc đặc trưng của đình thần ở Nam Bộ. Tổng thể kiến trúc của đình bao gồm các hạng mục công trình như: cổng đình, sân đình, đài liệt sĩ, miếu Thần Nông, đền thờ Quan Thánh Đế Quân, miếu Sơn Quân, gian thờ chánh điện, nhà túc và nhà bếp.

 

Cổng đình hướng về phía Đông, được xây dựng chủ yếu bằng bê tông cốt thép. Phía dưới đắp nổi chữ “ĐÌNH THẦN TÂN NHUẬN ĐÔNG” bằng xi măng; phía trên có “lưỡng long chầu nhật”. Cổng đình cao 2,8m, ngang 8.3m.

Sân đình nằm phía bên trái đình, lát gạch hình chữ nhật. Đi hết sân gạch là đến Đài liệt sĩ, trên đỉnh là biểu tượng ngôi sao năm cánh màu vàng bằng xi măng tượng trưng cho sự đoàn kết của các tầng lớp bao gồm sĩ, nông, công, thương, binh trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam đã anh dũng hi sinh vì độc lập dân tộc.

Miếu Thần Nông bên phải cổng vào, được xây dựng bằng bê tông có kiến trúc mái chồng mái được lợp ngói âm dương, giữa hai tầng mái trang trí dãy hoa cúc vàng, nền lót gạch tàu. Miếu có chiều dài 5,1m, rộng 2,6m. Mặt ngoài của miếu là bức bình phong mang ý nghĩa chen chắn những gì không may mắn đồng thời tạo thêm phần trang nghiêm ấm cúng (cao 3,1m, ngang 1,7m). Ở giữa bức bình phong được vẽ một vòng tròn đôi, bên trong vòng tròn đắp nổi hình tượng “Long Mã” bằng những mảnh sành sứ nhiều màu sắc với thế đứng uy nghi, hùng dũng trên mặt nước, mang một cuốn thư trên mình. Qua hình tượng này, người dân muốn gửi gắm ước mơ về cuộc sống thanh bình an cư lạc nghiệp; sự kết hợp hài hòa giữa âm dương trong vũ trụ đồng thời đề cao văn chương, trọng chữ nghĩa.  

Đền thờ Quan Thánh Đế Quân

Có thể nói rằng, việc thờ Quan Thánh là sự giao thoa hài hòa giữa văn hóa người Hoa với văn hóa người Việt. Tại đình Tân Nhuận Đông, nhân dân thờ Quan Công không chỉ vì Ông trung can nghĩa đảm, tài trí hơn người mà chính vì Ông vốn là hiện thân của thần linh và luôn sẵn sàng cứu giúp cho những người gặp khó khăn, hoạn nạn. Đền thờ Quan Thánh nằm bên phải miếu Thần Nông và ở vị trí góc trái phía trước so với gian nhà chánh điện của đình. Cổng đền được xây dựng bằng xi măng, ngang 4,55m, cao 3,1m.

Đền thờ Quan Thánh Đế Quân có dạng kiến trúc kiểu mái chồng mái được lợp bằng xi măng giả ngói, giữa hai tầng mái trang trí ba dãy lam thông gió, dãy giữa có treo bảng chữ Kiến Hòa t”, diện tích 78.4 m2. Trước đền có bốn cột gỗ được sơn màu vàng dùng để chống đỡ mái.

Hai bên cửa chính của đền có hai cửa sổ góp phần tạo nên không khí thoáng mát cho không gian thờ tự bên trong đền.

Trước khánh thờ Quan Thánh đế quân phía bên phải có tượng ngựa màu vàng. Kế đến là bàn thờ Tiền hiền, Hậu hiền, Hương chức tiền vãng. Bên trái là bàn thờ Chư vị vong linh thờ hai bài vị màu đỏ không khắc chữ. Bên trong cùng thờ tượng của các nhân vật Quan Vũ, Quan Bình và Châu Xương gồm ba tượng nhỏ đặt trước ba tượng lớn. Bên phải và trái khánh thờ là bàn thờ Hữu ban liệt vị và Tả ban liệt vị.

Mộ Sơn Quân nằm bên trái đền thờ Quan Thánh Đế Quân, là ngôi mộ thờ thần hổ (biểu trưng cho sức mạnh, làm chúa cả muôn loài, là vật canh thần). Cho nên, nhân dân thờ thần hổ nhằm mong muốn bảo vệ dân làng có cuộc sống yên vui, an cư lạc nghiệp.

Mộ được xây dựng bằng bê tông, chiều dài 5m, ngang 3.5m. Xung quanh có sáu cột xi măng được nối với nhau tạo thành một hàng rào chắc chắn bảo vệ mộ. Mộ được xây dựng theo kiểu mái chồng mái, lợp ngói âm dương. Bên trong miếu thờ bài vị đắp nổi chữ “Sơn Quân” màu đỏ, cao 3.6m, ngang 2m.

Đình

Xét về quy mô kiến trúc, đình Tân Nhuận Đông là một trong những ngôi đình lớn tiêu biểu của tỉnh Đồng Tháp nói chung, của huyện Châu Thành nói riêng. Đình có kết cấu và trang trí nội thất độc đáo, có kích thước chiều dài 30m, chiều rộng 16m.

Đình hướng về phía Nam, gian nhà chánh nằm ở trung tâm khuôn viên. Đình Tân Nhuận Đông được xây dựng theo lối kiến trúc ba gian hai chái bằng vật liệu gỗ là chủ yếu với kiến trúc mái chồng mái. Mái lợp ngói vảy cá, riêng các bờ nóc và gờ mái xây xi măng đã phủ màu rêu phong cổ kính. Trên các bờ nóc, gờ mái trang trí đề tài hoa văn, hồi văn, cuốn thư và bốn con rồng sơn màu vàng đặt ở bốn gốc mái. Ở giữa các tầng mái được trang trí, chạm khắc nhiều họa tiết, hoa văn như bình hoa, cuốn thư, ngọc như ý, hoa văn, tuần lộc, lưỡng long chầu nhật…rất công phu và đạt trình độ mỹ thuật cao. Với những họa tiết trang trí như trên đều mang ý nghĩa cầu mong cho nhân dân được an cư lạc nghiệp, đất nước thái bình yên vui.

Kết cấu bên trong gồm ba gian chính (vỏ ca, chánh điện, hậu điện) gồm các cột cái, cột quân và cột hiên được chọn lựa từ những loại gỗ quý, thân tròn, to khỏe, bền chắc như: căm xe, cà chất...Cho dù đã hơn 100 năm, nhưng những hàng cột này vẫn đảm bảo sự chắc chắn nhờ sự liên kết với nhau giữa cột, kèo, đòn tay, trính, xuyên... theo kết cấu “vì kèo trụ trốn” bằng kỹ thuật ráp mộng khít khao, theo chiều ngang, chiều dọc.

Gian Vỏ ca là nơi dùng làm sân khấu tổ chức văn nghệ, diễn tuồng, hát bội…trong các dịp tế lễ. Sân khấu Vỏ ca hướng vào chánh điện của đình. Gian này có diện tích 225m2 và chiều cao 8,5m. Hai vách của Vỏ ca được thiết kế theo lối thượng song hạ bản, vừa đảm bảo tính chịu lực, lại vừa mang yếu tố thẩm mỹ cao, đồng thời tạo ra không gian thoáng mát cho ngôi đình.  Phía trước sân khấu là nghi thờ học trò lễ, tiếp đến là một khoảng sân trống được lót gạch tàu làm nơi để khán giả ngồi xem biểu diễn nghệ thuật, nơi đặt bàn học trò lễ vào mỗi dịp cúng đình. Hai cột phía trước sân khấu có cặp liễn đối làm từ gỗ xà cừ được chạm nổi khắc chìm hình rồng, phượng, nai, trâu nước, hoa cúc, các vị phúc thần và hình tượng con dơi hết sức khéo léo, tinh tế.

Phía sau sân khấu có một gian buồng để các diễn viên hóa trang chuẩn bị cho chương trình biểu diễn. Hai bên gian buồng có hai bức bình phong, vẽ tranh phong cảnh sông núi và cảnh “long hổ hội”.

Bên phải đặt mõ bằng gỗ và chiêng, bên trái đặt trống cái, các vật dụng này được sử dụng trong việc thực hiện các nghi thức trong các kỳ tế lễ.

Gian Chánh điện cũng được xây dựng theo kiểu ba gian, hai chái. Gian Chánh điện có diện tích khoảng 260m2 và cao gần 9m. Cửa được làm từ những loại gỗ quý, thiết kế theo kiểu “thượng song hạ bản”, xếp dưới dạng pa-nô có thể kéo ra đóng vào một cách dễ dàng.

Nối liền giữa khung cửa là hệ thống bao lam được lắp ráp thành từng mảng nối tiếp nhau đến tận trần nhà. Về hình thức, bao lam được thể hiện một cách công phu, trau chuốt chia thành từng ô học. Đây là phong cách nghệ thuật điêu khắc gỗ tiêu biểu của các nghệ nhân dân gian vào cuối thế kỷ XIX. Nội dung trang trí được lồng vào từ khung riêng theo từng đồ án với hình dạng khác nhau: hình thượng song hạ bản, hình song tiện, hình ô võng, hình pa-nô. Phía trên của mỗi gian đều có tấm hoành phi. Gian thờ này có hai cặp câu đối chữ Hán chạm khắc hình Tứ linh ở bốn gốc (mỗi tấm liễn có hai linh vật ở hai đầu) và đề tài điển tích với hình nhân cưỡi ngựa, tay cầm gươm giáo, miêu tả sinh động cuộc chiến tranh bảo vệ nước nhà, thể hiện ước mong được hòa bình, an cư lạc nghiệp của nhân dân.

Bàn thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh bên trong gian chánh điện, được làm từ loại gỗ quí và được khảm xà cừ (cẩn ốc xà cừ). Trên bàn thờ có đặt tượng chân dung Bác Hồ bằng đồng.

Bàn thờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp bên phải gian thờ Bác Hồ với khí tự chính là di ảnh của Đại tướng.

Bàn thờ Thần đặt sau bàn thờ Bác Hồ. Đây là gian chánh thờ “Thành Hoàng Bổn Cảnh” – nơi trang nghiêm nhất của ngôi đình. Phía trên khánh thờ có bức hoành phi Tối linh từ”. Dưới bức hoành phi  là bao lam bằng gỗ được chạm lọng theo từng ô dưới dạng đồ án gồm nhiều hình dạng: hình song tiện, hình ô võng, hình pa-nô, họa tiết hoa sen, hoa cúc, chim công, chim phượng rất tinh tế và đạt trình độ thẩm mỹ cao. Hai cột ở trước bàn thờ có cặp liễn đối được sơn son thiếp vàng, chạm  trổ  đề tài “Tứ linh” hết sức khéo léo giá trị nghệ thuật thẩm mỹ cao.

Hai bên bàn thờ, đặt lộng và lỗ bộ, mỗi bên có cặp hạc đứng trên lưng qui. Trong khánh thờ bài vị được sơn son thiếp vàng chạm hình rồng uốn lượn, trên bài vị khắc chữ “thần” dạng đại tự. Khánh thờ Thần cũng là nơi đặt Sắc phong thần và thanh kiếm lệnh, chuông đồng, lỗ bộ nhỏ....

Bàn thờ Kỹ nghệ Tiên sư bên phải của gian chánh điện xung quanh khám thờ được lộng hình hoa văn hoa lá, rồng phượng cách điệu.

Bàn thờ Ngũ Hành Chúa Xứ bên trái của gian chánh điện.

Bàn thờ Tiền hiền Hậu hiền gian bên phải sát vách của khu vực chánh điện (sau bàn thờ Kỹ nghệ Tiên sư) là bàn thờ những người có công khai khẩn đất đai, quy dân lập làng lập ấp. Trên bàn thờ có các bài vị của: Phạm Văn Khoa, Chánh bái Phạm Văn Long, Tiền vãng Hà Giác Linh, Hậu vãng Phạm Văn Lung và Trần Văn Trạch, Phạm Đăng Phùng và bài vị Hành binh.

Hậu điện từ ngoài nhìn vào có thể thấy hai vách sau cùng của khu vực Hậu điện. Mặt trước của vách bên trái được bố trí Bàn thờ Hữu ban Ngũ phương ngũ thổ và vách bên phải bố trí bàn thờ Tả ban Bạch Mã thái giám.

Nhà khách và nhà túc (nhà ăn)

Nhà khách: nằm bên phải của đình, được xây cất bằng vật liệu sắt thép kiên cố, mái lợp tôn, là nơi chuẩn bị đồ ăn thức uống cúng thần và đãi khách, góp phần tổ chức thành công các kỳ lễ hội ở đình.

Nhà túc (nhà ăn): nằm trong tổng thể của nhà khách nhưng được ngăn vách bởi bức tường gạch, là nơi tập trung những sản vật đóng góp của nhân dân, nơi chế biến thức ăn và sắp cỗ trong các dịp cúng đình để dâng lên thần.

Trong giai đoạn chống thực dân Pháp, đình Tân Nhuận Đông còn là căn cứ huấn luyện cán bộ quân đội của ta. Sau khi đất nước hoàn toàn giải phóng, năm 1976, đình Tân Nhuận Đông được chính quyền địa phương trưng dụng làm kho chứa phân bón cho các tập đoàn trong địa phương. Đến năm 1993, Đình được bàn giao lại cho Ban tế tự Đình quản lý, gìn giữ và tổ chức cúng bái đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân.

Với giá trị tiêu biểu trên, đình Tân Nhuận Đông, xã Tân Nhuận Đông, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp đã được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia theo Quyết định số 3233/QĐ-BVHTTDL ngày 04/11/2020./.

 

                                        Khánh Chi

 (Theo hồ sơ tư liệu Cục Di sản văn hóa)

Liên kết website