Ngày 6 tháng 10 năm 2024
Liên kết website

Đình Thổ Tang, tỉnh Vĩnh Phúc

Đình Thổ Tang thuộc thị trấn Thổ Tang, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Đình thờ vị thần Lân Hổ (tên thật là Phùng Tráng, xã Phùng Bảng, huyện Minh Nghĩa, thị trấn Sơn Tây, nay là xã Đồng Thái, huyện Ba Vì, tỉnh Sơn Tây), là người có công đánh hổ cứu dân, làm đến chức đô thống trong triều của Trần Nhân Tông, đưc phong tước Lân Hổ hầu. Khi vua đánh giặc ở Ma Sa, ông giữ chức Đô ngự long quân tiến trước đánh tan quân giặc. Sau khi thắng trận, Vua đã sai ông ở lại vùng biên giới và ông mất tại đây, nhiều làng ở vùng Sơn Tây, Ba Vì, Sơn Vi, Việt Trì... đã tôn ông làm thành hoàng làng. Ngoài ra dân làng còn tôn thờ bà Phùng Thị Dung (Dong) là mẹ của thần và thần Nuôi Ná.

 

Đình Thổ Tang nằm trên một bãi đất rộng, khá cao, bên cạnh là một hồ nước nhỏ, quay hướng Tây, một hướng khá hiếm trong loại hình di tích này. Đình có bố cục mặt bằng chữ Đinh gồm Đại bái và Hậu cung.

Đại bái gồm ba gian, hai chái lớn và hai chái nhỏ, diện tích 25,3x14,78m. Xung quanh nền đại bái được kè bằng đá tảng khá cao so với mặt đất. Hai bên tam cấp có hai con nghê chầu.

Đại bái làm bằng khung gỗ lim, gồm 48 cột gỗ lớn, trong đó là 08 cột cái (đường kính 0,7m), 16 cột quân (đường kính 0,52m) và 24 cột hiên (đường kính là 0,45m). Cột được làm theo kiểu đầu cán cân, chân quân cờ, bụng hơi phình to, phía chân thót vào.

Bộ vì nóc Đại bái được làm theo kiểu giá chiêng kết hợp chồng rường. Câu đầu được làm khá to, mập, đặt trên các đầu cột cái kê trên các đấu vuông. Trên câu đầu đặt một con rường, ở hai đầu khoét ổ đỡ hoành. Phía trên của con rường này đặt hai cột trốn đứng trên hai đấu vuông thót đáy. Con rường thứ hai đặt trên con rường thứ nhất qua các đấu vuông, con rường này ăn mộng vào thân cột trốn, trên lưng đặt hoành. Nối hai đầu cột trốn là một con rường bụng lợn cong, con rường này có nhiệm vụ đỡ thượng lương. Phần không gian hai bên cột trốn là con rường cụt được xếp chồng lên nhau qua các đấu vuông thót đáy, con rường cụt này cũng có nhiệm vụ đỡ hoành. Đặc biệt, tại đình Thổ Tang đôi hoành thứ hai không nằm trên lưng của rường bụng lợn mà lại do hai cấu kiện nhỏ, tương tự đầu dư được chạm cách điệu thành hình rồng vươn ra đỡ. Toàn bộ vì nóc đại đình đỡ 6 khoảng hoành và câu đầu được hai đầu dư từ cột cái vươn ra đỡ.

Liên kết giữa cột cái và cột quân của Đại bái theo kiểu cốn chồng rường. Nối giữa cột cái và cột quân là xà nách. Xà nách một đầu ăn mộng vào cột cái, đầu kia kê lên đầu cột quân. Trên lưng xà nách xếp ba con rường. Các con rường được xếp chồng lên nhau không có đấu kê và mỗi vì nách đỡ 5 khoảng hoành.

Cột quân và cột hiên liên kết với nhau bằng kẻ. Một chiếc kẻ dài với một đầu ăn mộng vào cột quân, đôi kẻ vươn ra đỡ dạ xà nách, đầu kia của kẻ đua ra đỡ mái hiên. Lưng kẻ được đặt thêm các ván nong để đỡ hoành. Kẻ và ván nong đại đình đình Thổ Tang đều được trang trí chạm khắc. Lưng kẻ đỡ 02 khoảng hoành, một phần của kẻ đua ra hiên, lưng kẻ hiên cũng đặt ván nong để đỡ con hoành cuối cùng của mái. Ở đình Thổ Tang, hệ thống xà trung và xà hạ chỉ có một xà nên không có hệ thống ván gió như ở nhiều di tích khác. Chỉ duy nhất có xà thượng ở hai gian hồi có hai hàng xà, ở giữa có hệ thống ván gió.

Nối cột cái và hai cột quân ở hai gian hồi là một xà đùi. Trên xà đùi người ta đặt một cột trốn rồi gác lên đó một bộ vì lửng. Vì lửng này cũng được làm theo kiểu cốn chồng rường, bộ vì này đã góp phần làm mở rộng lòng đình. Năm 1961 sàn gỗ đã bị mất, tuy nhiên ở bụng câu đầu hiện nay vẫn còn thấy mộng của hệ thống dầm sàn. Nền đình lát gạch, xung quanh là hệ thống chấn song gỗ, phía trước là hệ thống cửa đi đại đình.

Hậu cung nối với đại đình theo kiểu liên kết mái. Công trình này làm theo kiểu tường hồi bít đốc, bờ nóc đắp gạch hoa chanh, hai đầu bờ nóc đắp hai con kìm ngậm nước. Kết cấu bộ khung gỗ của hậu cung theo kiểu giá chiêng chồng rường tương tự như đại đình, tuy nhiên các cấu kiện kiến trúc gỗ đều có tiết diện nhỏ, mảnh, để trơn không có chi tiết trang trí.

Trên kiến trúc tòa Đại bái, đồ án trang trí rồng chiếm số lượng lớn, ngoài ra còn những đề tài phản ánh sinh hoạt của con người hoặc hình tiên nữ cưỡi rồng, phượng. Nhìn chung đề tài trang trí chạm khắc tại đình Thổ Tang khá phong phú và đa dạng. Các trang trí kiến trúc ở đình Thổ Tang tập trung chủ yếu ở các kẻ hiên, kẻ, vì nách, đầu dư... Có thể kể đến một số bức chạm chính ở đình Thổ Tang như sau:

- Các đầu dư đều được chạm hình rồng trong tư thế như đang lao ra với nhiều tua mác. Đao mác ở phía trong hơi uốn khúc, phía ngoài chạm thẳng. Rồng được chạm với tai to, hai râu ở mép tết vào nhau, nanh dài và to vắt lên phía trên, dưới mắt có dâu chạy vòng xuống dưới, ức rồng được chạm hoa. Một số đầu dư chạm rồng với nét chạm thô, đao mác to, bẹt, ít uốn khúc ở gốc, râu mép rồng cũng được chạm thô, lông mi hình lá, răng nanh to, để trơn.

- Đề tài chạm khắc ở các kẻ hiên khá phong phú. Kẻ hiên gian hồi phía Bắc chạm hình rồng, lẫn trong râu rồng là bốn người đàn ông đang ngồi uống rượu, hoa quả, quanh một chiếc sập được làm theo kiểu chân quỳ, chạm theo tích “Tứ hiệu Thường Sơn”. Ván nong của kẻ để trơn, không trang trí.

- Một kẻ hiên phía Nam của gian giữa ở mặt Bắc phía trên chạm hai người đàn ông cởi trần, vận khố đang khiêng một cái đòn, ở trên chạm hình tiên cưỡi rồng đang múa. Hình tiên nữ được thể hiện rất kỹ, có thấy cả đồ trang sức. Phía dưới chạm hình đầu rồng, bên cạnh đó chạm đề tài đánh ghen gồm ba người, một người đàn ông ngồi bá vai một cô gái, một người đàn bà khác đang xô tới. Mặt Nam ở phía trên chạm hai người đang ngồi trên ghế, vắt chân chữ ngũ ngửa mặt lên trời, vừa xem vừa vuốt râu. Phía dưới chạm hình rồng mẹ, rồng con. Hiện nay, cấu kiện này đang bị xuống cấp, nhiều chi tiết đã bị sứt gãy; mặt Bắc chạm một đầu rồng to, bên cạnh là rồng con và một con thạch sùng cuốn lấy nhau.

- Kẻ gian giữa phía Bắc chạm cảnh sinh hoạt của con người, một người ngồi co chân xếp một tay chống vào sườn, một tay dơ lên đỡ một vật gì đó, một người đàn ông khác đang đứng; ba ông lão râu dài đang vừa vuốt râu, vừa đánh cờ; Tiếp đến là một người đàn ông nhô ra ở phía sau một con hổ, một người khác đang cưỡi trên lưng một con hổ, phía dưới cũng có một con hổ khác. Sau đó là một người phụ nữ hai tay cầm hai con rắn. Người phụ nữ được chạm tóc búi, mặc váy. Cuối cùng là hình một con phượng đang bay, mỏ ngậm cuốn thư.

- Kẻ gian giữa phía Nam là một trong những cấu kiện có số lượng hình chạm phong phú nhất của Đại bái đình Thổ Tang, thể hiện nhiều đề tài của cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Mặt Bắc, trên chạm một người vận khố (hiện đã bị gãy từ lưng trở lên) đang bơi thuyền với vị trí ngồi ở đuôi thuyền. Thuyền là loại có mui như thuyền chài, vì vị trí của trang trí này ở gần cuối, ngay sát với cột hiên nên chiếc thuyền chỉ được chạm ở nửa cuối, dưới thuyền chạm hai con cá khá to đang quần nhau. Tiếp đó là hình hai người đàn ông đang ngồi, chạm một người đang ngồi xếp chân vòng tròn trên chiếu, đầu đội mũ cánh chuồn, mặc áo thụng, tay để trước ngực, hai bàn tay giấu trong ống tay áo, người kia không xác định được tư thế do đã bị mất nét. Bên trái là hình một người phụ nữ tóc vấn, đeo hoa tai, mặc áo dài phía trong có yếm đang khoanh tay đứng hầu. Bên phải là một người hầu gái đang trong tư thế quỳ, bê một cái tráp. Tiếp đến là hình chạm hai người đàn ông đang ngồi đánh cờ, một người được thể hiện trong tư thế ngồi nghiêng đang ngỏanh mặt ra, một người tỳ tay lên ghế chống cằm. Cuối cùng là cảnh ba người đàn ông, người cuối đang ngồi, hai người còn lại đang đi tới đưa một vật gì đó.

- Đợt dưới của kẻ cũng chạm nhiều đề tài. Đầu tiên là một người trong tư thế nằm vắt chéo chân, gối tay lên đầu, úp mũ lên mặt, phía dưới chạm cảnh đi cày. Một người đang cày, để mình trần, vận khố (hình người hiện gãy mất đầu), một người đi bên cạnh để xua con trâu, người này được chạm đang mặc áo ngắn, không có khuy, áo vắt chéo rồi buộc dây ngang lưng, quần xắn nganh tới gối. Trâu được chạm trong tư thế đang cày, to, khỏe. Bên cạnh chạm một người đàn ông đầu đội mũ cánh chuồn, một tay bê chén rượu, một tay đang phe phẩy quạt, người này đang ngồi hai chân co trên ghế có lưng dựa kiểu tay ngai. Bên trái chạm một người phụ nữ đang bê cái tráp, bên phải là một người đứng khom lưng chắp tay, dưới chân là một mâm bồng để quả. Cuối cùng là hình chạm một đoàn người, ở giữa là một người cưỡi ngựa, một tay để trên đùi, một tay đang với chén rượu do một người đứng trước ngựa đang giơ hai tay để nâng. Phía sau ngựa là hai người hầu, một người cầm vũ khí đi sau cùng, tiếp đó là một người một tay cầm ô che, một tay đang cầm tù và thổi. Phía trước con ngựa là hai người, một người phụ nữ mặc váy giơ tay giữ nón trên đầu và một đứa trẻ. Mặt Nam của kẻ này chạm rồng với mình dài, mập, đầu nhỏ, ở dưới chạm một đôi rồng đang uốn khúc, hai đầu châu vào nhau, râu rồng được chạm cuốn lại với nhau như hình một bông hoa.

- Kẻ gian bên phía Bắc, mặt phía Nam ở trên chạm hình rồng và hai người đang vật nhau. Hình rồng thon, dài, vảy lớn, không chạm đầu rồng. Hai người được thể hiện mình trần, đóng khố, một người nắm chân kéo ngã người kia. Đợt dưới, đầu tiên là một người đàn bà đang ngồi co chân, một tay chống cằm, một tay vòng qua người một đứa trẻ rồi để lên trên gối, phía dưới là một đứa trẻ đang ngồi. Phía trên chạm một người đang nằm viết, tay trái đè lên một quyển sách đang mở. Tiếp đó là một đôi nam nữ đang bá vai nhau trên mình một con rồng. Rồng được chạm với mình thon, vảy lớn, tai to, miệng rộng, rồng dài đến cuối của chiếc kẻ này, trên lưng rồng chạm hình những con thú nhỏ trong giống hình con sóc. Sau đó một người đang khom lưng cúi mình với điệu bộ cung kính trước một người một tay đang đứng chống nạnh, một tay vác một thanh gươm trên vai. Phía sau có một người đàn bà đang giơ tay đỡ một vật gì đó. Cuối cùng là một người đang cưỡi ngựa, phía trên có một đứa trẻ.

- Các cốn chồng rường trên xà nách cũng tập trung khá nhiều hình trang trí, chủ yếu là hình rồng với tiên nữ và đề tài sinh hoạt hàng ngày của con người. Tại giữa cốn phía Nam chạm một đầu rồng to, miệng rộng, môi dày, tai như tai thú, mi mắt được chạm hình như bông hoa. Ở góc chạm hình tiên nữ, dưới cùng của cốn chạm một con thú trong tư thế lộn đầu xuống đất giơ chân lên trời. Mặt Bắc của cốn chạm hình một con nghê ngồi.

- Cốn sau gian hồi phía Nam, mặt Tây phía trên chạm hình người bắn hổ, người được thể hiện mình trần, đóng khố đang giơ vũ khí ngắm bắn, con hổ đang giơ chân lên gãi tai. Trung tâm của cốn là hình một đầu rồng lớn, miệng rồng rộng, tai to, mắt lồi, mí mặt được chạm thành hình hoa. Ở góc dưới chạm hình một người mình trần đang ôm một con rắn rất to, đôi rắn uốn lượn chạy tới tận miệng của rồng. Xung quanh của rồng chạm nhiều hình mây mác, đao lửa và các con thạch sùng nhỏ. Dưới cùng của cốn trong một hình ô chữ nhật chạm cảnh người đánh nhau với hổ. Con hổ trong tư thế nhảy chồm từ trên xuống, người mình trần mặc khố đứng phía dưới choãi chân ra, tay nâng mộc trên đầu để đỡ.

- Tại cốn trước gian hồi phía Nam, mặt Đông chạm hình ổ rồng, có khá nhiều hình rồng to, nhỏ. Bên cạnh hình rồng là cảnh chạm một người đang cưỡi hổ chạy. Nét chạm thể hiện bước chạy của con hổ khá lớn, tốc độ chạy nhanh làm cho ống tay áo của người bay phồng lên. Góc dưới chạm cảnh hai người đang đánh vật, tiếp đó là hình một người đang cưỡi rồng, một tay giơ lên múa, một tay cần quạt. Cuối cùng là hình chạm một con người đang quỳ, tay giơ vũ khí ngắm bắn.

- Tại cốn phía Nam trong hậu cung mặt Bắc có chạm một đầu rồng lớn tương tự các hình rồng tại một số cốn kể trên. Góc trên cùng của cốn này chạm cảnh người đá cầu. Hai người được chạm mặc áo có thắt đai, tóc búi ở sau lưng, giơ một chân lên, quả cầu được chạm ngay ở sát chân. Giữa hai người có một con hổ đang nhô đầu ra.

- Tại cốn sau gian hồi phía Bắc, mặt Tây chạm một đầu rồng lớn, miệng rồng rộng, môi trên cong, mí mắt được chạm nhô hẳn ra như một bông hoa, góc của cốn chạm hai người đàn ông mình trần vận khố đang vác mộc đuổi đánh nhau.

Ngoài những đề tài sinh hoạt hàng ngày của con người, một đề tài cũng được thể hiện nhiều ở đình Thổ Tang đó là đề tài tiên nữ cưỡi rồng, cưỡi phượng. Tại ván gió xà thượng gian hồi phía Bắc, ở hai đầu của bức chạm là hai đầu rồng lớn với miệng rộng, môi dày, mắt to, tai lớn, chân có 4 móng. Trung tâm của bức chạm là hình hai tiên nữ, một được thể hiện trong tư thế chính diện, mặt quay ra ngoài, một trong tư thế ngồi nghiêng cưỡi rồng. Tiên nữ đầu vấn cao tóc, mặc váy có yếm ở trong, hai tay giơ ngang như đang múa. Lẫn xung quanh râu, tóc rồng là những con thạch sùng nhỏ.

Với những giá trị đặc biệt nêu trên, Thủ tướng Chính phủ đã xếp hạng đình Thổ Tang là Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt tại Quyết định số 1820/QĐ-TTg ngày 24/12/2018./.

Khánh Chi

Theo hồ sơ tư liệu của Cục Di sản văn hóa

Liên kết website