Định vị mã nguồn phần mềm là di sản số để phát triển bền vững
Các đại diện của cộng đồng Di sản Phần mềm đang phát triển đã tập trung tại UNESCO để làm rõ sứ mệnh của Di sản Phần mềm trong bối cảnh đổi mới/tiến bộ kỹ thuật số sôi động ngày nay.
Hội nghị chuyên đề thường niên lần thứ Hai về chủ đề “Mã nguồn phần mềm là di sản tư liệu và là yếu tố thúc đẩy phát triển bền vững” do UNESCO và Viện Nghiên cứu Khoa học và Công nghệ Kỹ thuật số Quốc gia Pháp (Inria) tổ chức vào ngày 07/02/2023, đã đánh giá những thành tựu của sáng kiến trong vài năm gần đây.
Xuyên suốt Hội nghị, năm khía cạnh chính của mã nguồn phần mềm đã được xem xét:
- Như một di sản tư liệu và là công cụ hỗ trợ cho giáo dục kỹ năng về kỹ thuật số.
- Như một đối tượng nghiên cứu mới nổi trong môi trường khoa học mở.
- Như một bước đi thuận lợi cho sự đổi mới và chia sẻ lẫn nhau trong ngành Công nghiệp và Quản trị.
- Điểm nhấn về phương thức bảo quản lâu dài.
- Tiến bộ công nghệ cho phép đánh giá/nhận định hàng loạt mã nguồn phần mềm.
Mã nguồn phần mềm tiêu biểu cho tri thức đặc biệt trong lịch sử gần đây của nhân loại. Điều quan trọng là phải cùng nhau hành động để kiến thức chứa đựng trong mã nguồn phần mềm được lưu giữ, đánh giá và chia sẻ đúng cách với tất cả mọi người.
Hội nghị chuyên đề cũng công bố việc thành lập một nhóm làm việc quốc tế không chính thức nhằm thúc đẩy nhu cầu quốc tế về công nhận mã nguồn phần mềm như một yếu tố hỗ trợ cho sự phát triển bền vững. Nhiệm vụ của nó đối với chương trình Ký ức Thế giới (MoW) của UNESCO, được tóm tắt như sau:
- Xác định phần mềm gốc để ghi vào Danh mục Di sản tư liệu của Chương trình Ký ức thế giới.
- Đề xuất tiêu chí mã nguồn phần mềm được đưa vào Nguyên tắc chung của Chương trình MoW.
- Đánh giá khả năng thiết lập một tổ chức chuyên cung cấp, hỗ trợ cho việc xác định, bảo tồn và quảng bá mã nguồn phần mềm dưới dạng di sản tư liệu kỹ thuật số để phát triển bền vững.
Inria đã khởi động Dự án Di sản phần mềm vào năm 2016 với mục tiêu thu thập, lưu giữ và cung cấp mã nguồn của tất cả phần mềm từng được viết thông qua một nền tảng mở chuyên dụng.
“Phần mềm ở xung quanh chúng ta. Nó là phương tiện của quá trình chuyển đổi kỹ thuật số. Nó là năng lượng của sự đổi mới. Nó là một trợ thủ đắc lực của nghiên cứu học thuật. Nó là một công cụ cần thiết cho hành chính công. Nhưng điều mà mọi người thường không nhớ là phần mềm không tự dưng mà có, nó được viết ra bởi các nhà phát triển con người để mọi người thực sự có thể đọc và hiểu nó” - Roberto Di Cosmo Giám đốc di sản phần mềm
Nguồn:https://www.unesco.org/en/articles/positioning-software-source-code-digital-heritage-sustainable-development?hub=1081
Tuyết Chinh (lược dịch)