Ngày 22 tháng 5 năm 2025
Liên kết website

Hà Nội tổ chức Hội nghị về Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, xây dựng điểm đến du lịch tại xã Đông Ngạc, huyện Từ Liêm, Hà Nội”

Cách trung tâm Thủ đô Hà Nội chừng 10 km, xã Đông Ngạc thuộc huyện Từ Liêm gồm 03 làng cổ Đông Ngạc, Nhật Tảo, Liên Ngạc. Trong xã, làng Đông Ngạc có số lượng di tích nhiều hơn cả - làng có tới 16 di tích trên tổng số 21 di tích của toàn xã đã được xếp hạng di tích lịch sử, văn hóa cấp thành phố và cấp quốc gia.

Đông Ngạc cũng là xã có nhiều nghề thủ công truyền thống và những biểu đạt văn hóa đậm nét Hà thành. Đặc biệt, làng Đông Ngạc là làng nổi tiếng về truyền thống hiếu học, đã từng có nhiều người đỗ đạt khoa bảng, trở thành những nhân vật nổi tiếng trong lịch sử dân tộc, có đóng góp to lớn cho sự phát triển của quê hương, đất nước. Trước xu thế đô thị hóa và hiện đại hóa đang phát triển và ngày càng mở rộng như hiện nay, việc bảo vệ các giá trị di sản văn hóa, cả vật thể và phi vật thể, của các làng cổ nói chung, của các làng cổ xã Đông Ngạc nói riêng, đang phải đối mặt với nhiều thách thức to lớn.
Nhằm tìm ra giải pháp cho vấn đề trên, trong khuôn khổ Chương trình số 04-CT/TƯ ngày 18 tháng 10 năm 2011 của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa – xã hội, nâng cao chất lượng nguồn lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”, sáng ngày 30 tháng 3 năm 2012, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố Hà Nội đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý thuộc các lĩnh vực lịch sử, văn hóa, du lịch, kế hoạch và đầu tư, quy hoạch kiến trúc, xây dựng, tài nguyên và môi trường, nông nghiệp và phát triển nông thôn, khoa học và công nghệ, tài chính,… đóng góp cho đề cương Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, xây dựng điểm đến du lịch tại xã Đông Ngạc, huyện Từ Liêm, Hà Nội”. Tham gia hội nghị còn có đại diện chính quyền địa phương các cấp, từ huyện, xã và đại diện các thôn Đông Ngạc, Nhật Tảo và Liên Ngạc.
Với mục tiêu bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa (vật thể và phi vật thể) của các làng cổ thuộc xã Đông Ngạc, đồng thời củng cố, xây dựng tính cách người Hà Nội thanh lịch, văn minh cho người dân nơi đây để làm cho Đông Ngạc trở thành một điểm đến du lịch hấp dẫn của Hà Nội, dự thảo Đề án đã đưa ra nhiều hoạt động như điều tra, khảo sát, sưu tầm thông tin, tư liệu, nghiên cứu, đánh giá nhằm nhận diện giá trị và sức sống của các di sản văn hóa để xây dựng các phương án và kế hoạch bảo tồn các di tích lịch sử, văn hóa; hỗ trợ duy trì và phát triển các nghề truyền thống; gìn giữ và phát huy những tri thức dân gian đặc sắc; quy hoạch cơ sở hạ tầng, đường đi, công trình công cộng (bến bãi đỗ xe, khu vệ sinh công cộng, khu dịch vụ bán hàng lưu niệm, hệ thống biển báo chỉ dẫn... phục vụ du lịch. Đề án chia làm hai giai đoạn thực hiện: Giai đoạn I từ quý II năm 2012 đến hết 2013 sẽ tiến hành các hoạt động khảo sát, nghiên cứu, đề xuất phương án quy hoạch, bảo tồn và xây dựng, xuất bản các công cụ quảng bá, giáo dục về di sản; Giai đoạn II từ 2014 đến 2020 sẽ triển khai các hoạt động bảo tồn, tôn tạo, thực hiện các quy hoạch công trình công cộng đã nêu trong Đề án; tổ chức các hoạt động quảng bá, giáo dục nâng cao nhận thức của cộng đồng và kết nối tuyến du lịch của Hà Nội với Đông Ngạc để phát huy giá trị.
Một trong những điểm góp ý đáng lưu ý là Đề án cần phải chú trọng phát huy vai trò của cộng đồng và quan tâm tới lợi ích của cộng đồng vì đây là yếu tố đảm bảo tính khả thi và tính bến vững của Đề án.

Liên kết website