Ngày 23 tháng 11 năm 2024
Liên kết website

Hang Xóm Trại và mái đá Làng Vành, tỉnh Hòa Bình

Di tích hang Xóm Trại và mái đá Làng Vành phân bố trên địa bàn huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình, là 2 địa điểm tiêu biểu nhất đại diện cho giai đoạn Hòa Bình giữa (Hòa Bình đặc trưng) có ý nghĩa rất quan trọng trong diễn trình phát triển của Văn hóa Hòa Bình. Mái đá Làng Vành đã được xác định có khung niên đại kéo dài từ 17.000 - 8.000 BP và được xếp vào giai đoạn trung gian của Văn hoá Hoà Bình. Hang Xóm Trại, khi mới được phát hiện (1971) và công bố lần đầu trên Kỷ yếu Những phát hiện mới về Khảo cổ học năm 1975 di tích được gọi là Hang Chùa, vì trong hang có ngôi chùa nhỏ bằng gỗ. Cho đến năm 1981, cuộc khai quật đầu tiên do Viện Khảo cổ học tiến hành đã xác định tên di tích là hang Xóm Trại.

1. Hang Xóm Trại: nằm ở sườn phía Đông của một quả núi đá vôi có tên là Khụ Trại bên bờ suối Lạn, thuộc Xóm Trại (hay còn gọi là xóm Trại Sào), xã Tân Lập, trên độ cao 15m so với mặt thung lũng, cửa hang rộng 08m, mở về hướng Đông hơi chếch Bắc. Hang cao 92m so với mực nước biển, ăn sâu vào hơn 13m, cửa hang cao 10m.

Cửa vào hang Xóm Trại và khoảng giữa lòng hang rộng bằng nhau tạo thành hình vòng cung. Trong hang sáng sủa, thoáng đãng, ánh sáng có thể lọt vào tận đáy hang. Từ phía ngoài vào, cách cửa hang 05m có một khối đá vôi lớn chắn ở giữa, đây là khối thạch nhũ đã rơi từ trên cao xuống có thể cùng với giai đoạn đá rơi ở khu vực Đông Nam Á cách ngày nay khoảng 12.000 đến 8.000 năm trước.

Quan sát ở vệt ngấn trên vách hang, có thể nhận biết tầng văn hóa ở hang Xóm Trại vốn rất dày, đến gần 04m, nhưng phần trên đã bị nhân dân đào bới san phẳng nên chỉ còn lại 03m. Trong đó chứa tàn tích thức ăn của người cổ, vỏ các loài nhuyễn thể, chủ yếu là ốc suối (ốc vặn) bị gãy phần đuôi và vỏ ốc núi, ốc sên, khá thuần nhất từ trên xuống dưới, ở độ sâu gần 01m, có một lớp vỏ ốc bị đốt cháy dày từ 0,50m đến 0,8m. Lớp ốc cháy phân bố gần khắp mặt hang, cao ở xung quanh và thấp dần vào giữa hang. Số lượng vỏ ốc trong hang Xóm Trại là rất lớn có thể lên tới hàng trăm mét khối. Kết quả thống kê cho biết ở hang Xóm Trại có khoảng trên 30 ngàn m3 vỏ trầm tích. Cùng với xương cốt động vật, vỏ và hạt một số loài quả, thảo mộc, dấu tích than tro của bếp lửa, còn có mảnh di cốt người và mộ táng, công cụ đá, công cụ xương và các phế liệu công cụ, những khối tảng đá nguyên liệu và cả những mảnh đá vôi lăn lở vào do quá trình biến động địa chất, những dấu vết hoạt động của con người và động vật hiện đại đào bới trong hang. Tại đây, ngoài công cụ đá, công cụ xương còn có nhiều vỏ trai, mảnh xương răng động vật và những mảnh gốm từ giai đoạn Tiền sử đến lịch sử.

Trong tầng văn hóa, các nhà khảo cổ đã phát hiện một số di tích của người xưa để lại như bếp lửa và mộ táng. Trong các lần khai quật, đều phát hiện lẻ tẻ các bộ phận khác nhau của di cốt người cổ như các mảnh xương sọ, xương hàm dưới... Đặc biệt, trong quá trình giải phóng phần đất lấp của các hố khai quật cũ để phục vụ công tác trưng bày năm 2008, các nhà khảo cổ đã phát hiện một mộ táng. Di cốt người, chỉ còn phần nửa thân dưới, phần thân trên đã bị đào phá. Người chết được chôn trong tư thế nằm co, mang theo 2 công cụ ghè đẽo, 1 chày nghiền và một mũi nhọn bằng sừng động vật. Theo nghiên cứu của các nhà cổ nhân chủng học, mộ táng của người Xóm Trại phát hiện năm 2008 là mộ của một người đàn ông khoảng 35 - 40 tuổi có chiều cao 1,65 - 1,68m. Những di cốt lẻ tẻ và mộ táng phát hiện trong hang Xóm Trại đều thuộc về giai đoạn Văn hóa Hòa Bình.

Các nhà khảo cổ đã phát hiện một số lượng đáng kể xương cốt các loài động vật như khỉ, nhím, dúi, gấu ngựa, mèo rừng, lửng, cầy giông, cầy hương, lợn rừng, bò rừng, nai, tê giác... Kết quả phân tích cổ động vật cho thấy đây là di cốt của các loài vật sinh sống trong môi trường tự nhiên xung quanh mà người cổ Xóm Trại đã săn bắt mang về làm thức ăn. Ngoài ra, người cổ Xóm Trại còn thu lượm nhiều loại củ quả trong tự nhiên mang về hang để ăn và bỏ lại dấu tích hạt quả. Phân tích thành phần bào tử và phấn hoa ở hang Xóm Trại cho thấy rằng, kết quả mẫu phân tích ở các độ sâu khác nhau tương đối giống nhau. Ở đây có phấn hoa của cây thân gỗ, thân bụi, cây hạt trần, dương xỉ, các loại rau dại và loại tảo nước ngọt.

Ở hang Xóm Trại đã phát hiện được nhiều di tích bếp lửa, chỉ riêng đợt khai quật năm 2022, đã phát hiện 03 bếp lửa (02 bếp ở hố H3 và 01 bếp ở hố H2). Cấu trúc của bếp lửa trong hố khai quật ở hang Xóm Trại thường có hình bầu dục, dày trung bình từ 20cm đến 30cm không đều nhau, trong đó chứa đất màu xám, đỏ lẫn mùn than mịn màu xám trắng, các mảnh xương động vật cháy vụn, các hòn cuội lớn nhỏ có bám muội than. Khu vực rãnh đào đáy hố tiếp giáp với phần đáy hang xuất lộ di tích bếp lửa rộng cả mét vuông cấu tạo chủ yếu là than tro, cho thấy mức độ sử dụng cũng như thời gian hoạt động là rất dài. Đã xác nhận hai lõi bếp đặc trưng bởi tro màu trắng ở hai độ sâu khác nhau. Bếp 1 ở phía Tây Bắc hố, sâu 15cm dưới bề mặt khi bắt đầu khai quật. Bếp 2 ở phía Đông Nam hố, cách lõi bếp 1 khoảng 120cm, ở độ sâu 50cm. Xung quanh bếp rất nhiều công cụ đá, viên đá kê và xương răng động vật. Kết quả thống kê sơ bộ có tới 52 hòn kê là đá cuội suối và đá vôi dùng trong chế biến thức ăn và công cụ có liên quan đến 2 di tích bếp khá rõ ràng ở hố H3.

Một trong những đặc trưng quan trọng của hang Xóm Trại là bộ công cụ đá điển hình của Văn hóa Hòa Bình ở Việt Nam. Thông qua các cuộc khai quật, giới khảo cổ học đã thu được một số lượng lớn và phong phú về loại hình di vật đá. Trong bộ di vật đá, chúng ta có thể nhận thấy các nhóm công cụ ghè đẽo và nhóm mảnh tước làm từ cuội sông, suối tương tự như cuội sông suối ở khu vực thung lũng Mường Vang. Điều này chứng minh rằng, người cổ Xóm Trại đã khai thác ngay trong khu vực núi và suối gần nơi cư trú để làm công cụ lao động.

Về loại hình công cụ đá: nhóm công cụ ghè đẽo bao gồm các loại điển hình của Văn hóa Hòa Bình như công cụ hình hạnh nhân, bầu dục, hình đĩa, rìu ngắn, rìu dài, rìu mài lưỡi... Loại hình mảnh tước gồm các mảnh tước, phiến tước, mảnh tước dạng phiến với nhiều kiểu diện ghè có đặc điểm khác nhau như diện ghè còn vỏ cuội, diện ghè không còn vỏ cuội, diện ghè lõm, diện ghè có nhiều vết. Bên cạnh nhóm công cụ Hòa Bình là chủ yếu, các nhà khảo cổ cũng phát hiện được các loại công cụ đá ghè đẽo điển hình của truyền thống Văn hóa Sơn Vi như mũi nhọn thô, công cụ hình múi bưởi, công cụ dạng phần tư cuội...

Về kỹ thuật chế tác: Kết quả nghiên cứu sưu tập đồ đá hang Xóm Trại năm 1981 tồn tại tỷ lệ cao công cụ được ghè tiết kiệm nguyên thuỷ, loại được ghè tạo lưỡi trên rìa cạnh hòn cuội (39,2%), có một tỷ lệ đáng kể những công cụ được ghè hết một mặt hay ghè lan rộng trên mặt trên mặt lớn viên cuội và đáng lưu ý ở đây đã tồn tại phổ biến kỹ thuật gia công công cụ cuội trên loại cuội bổ (46%). Các thủ pháp kỹ thuật ghè đẽo tạo rìa lưỡi tác dụng và công cụ chiếm phần lớn. Một số còn lại (15%) được tạo đốc bằng kỹ thuật đạp bẻ hoặc chặt ngang loại này chủ yếu gặp ở các công cụ rìa ngắn, nửa bầu dục, nửa hình thoi, rìu dài (Viện Khảo cổ học 1989).

Tư liệu thu được từ trước đến nay ở di tích hang Xóm Trại cho biết di tích này vừa là nơi cư trú, vừa là nơi chế tác đồ đá, đồ xương và nơi để mộ táng của cư dân Văn hóa Hòa Bình. Dấu tích cư trú là liên tục, nhiều giai đoạn từ hậu kỳ Đá cũ đến sơ kỳ Đá mới và cho đến giai đoạn Đá mới muộn, bằng chứng là sự có mặt với số lượng lớn công cụ đá đã qua sử dụng, đồ gốm có vết đen (dấu của đun nấu), mảnh xương động vật có vết đập, chặt, chẻ, các vỏ các loài ốc nước ngọt. Các tàn tích động vật này là do con người săn bắt, thu hái đưa về hang ăn và bỏ lại tạo thành tầng văn hóa dày hàng mét có vết tích than tro, bếp lửa, đá kê làm nơi chế tác, xác nhận hang Xóm Trại là di tích cư trú của người Tiền sử với nhiều giai đoạn, từ khoảng 21.000 năm đến 2.500 năm cách ngày nay.   

Hang Xóm Trại đã thu được hệ thống sưu tập mẫu hạt quả rất phong phú nằm trong tầng văn hóa nguyên thủy, đây là một nét đặc biệt - một hiện tượng độc đáo của di tích Văn hóa Hòa Bình ở Việt Nam và Đông Nam Á. Di tích hang Xóm Trại đồng thời là kho mẫu về hạt quả nguyên thủy được bảo tồn tại chỗ duy nhất ở Việt Nam.

2. Di tích mái đá Làng Vành

Mái đá Làng Vành nằm ở cực Tây của dãy núi Đá Trắng, cao 64m so với mực nước biển. Đây là một mái đá khá rộng và thoáng mát, cửa rộng 30m, sâu 18m, vòm trần cao 10m, thấp dần về phía trong. Mặt bằng mái đá cao hơn mặt thung lũng xung quanh khoảng 05m. Toàn bộ phần có vết tích tầng văn hoá được chiếu sáng tự nhiên, cửa quay về hướng Tây Nam.

Tầng văn hoá di tích Mái đá Làng Vành dày 3,7m, chủ yếu được cấu tạo bằng vỏ ốc suối, ốc ruộng, ốc núi, đất sét vôi, một số than tro và các vỏ nhuyễn thể khác. Trong đó có chứa tổ hợp hiện vật đá, xương và một số đồ gốm. Tầng văn hoá ở đây do được tiếp nhận nhiều ánh sáng, nên độ gắn kết khá bền vững. Hiện tại trên một phần của vách mái đá còn sót lại những dấu vết của tầng văn hoá nguyên thủy, gần như tương ứng với độ dày của địa tầng với cấu tạo chủ yếu mùn đất có nguồn gốc từ đá vôi phong hóa màu xám mịn, bở dời và vỏ ốc, hến.

Di tích Bếp lửa: Đã phát hiện 04 bếp lửa (đều ở hố TS4). Cấu trúc của di tích bếp lửa trong hố thám sát ở mái đá Làng Vành thường có hình bầu dục, dày trung bình từ 20cm đến 30cm không đều nhau, trong đó chứa đất màu xám, đỏ lẫn mùn than mịn màu xám trắng, các mảnh xương động vật cháy vụn, các hòn cuội lớn nhỏ có bám muội than. Xung quanh bếp rất nhiều công cụ đá, viên đá kê và xương răng động vật.

Di tích cụm đá tảng được kê có ý thức ở đáy hố H1 mái đá Làng Vành, có vết mòn bóng, có thể liên quan đến các hoạt động của người Tiền sử, có khả năng là chỗ ngồi của họ. Các bàn kê bằng đá núi và đá tảng cuội suối có thể liên quan đến các hoạt động chế biến thức ăn và chế tác công cụ. Trong hố H1 và hố TS4 có tới 32 đá bàn kê.

Di tích xương động vật và vỏ ốc: Ở các hố khai quật mái đá Làng Vành với phương pháp sàng khô bằng sàng lưới sắt đã thu được một số lượng lớn xương động vật, vỏ các loài nhuyễn thể, càng cua và nhiều nhất là vỏ ốc... là tàn tích thức ăn do con người sống ở đây ăn và bỏ lại trong di tích. Ở các hố khai quật và độ sâu khác nhau, số lượng và thành phần loài xương động vật là khác nhau. Các hố thám sát ở bên ngoài, số lượng và thành phần xương động vật ít hơn rất nhiều và đơn giản hơn so với các hố trong mái đá.

* Công cụ xương, sừng:

Có 22 di vật xương - sừng và 01 bằng vỏ nhuyễn thể. Gồm những công cụ làm bằng xương, sừng hươu nai với 21 chiếc gồm loại hình rìu và đục lớn hai đầu đều mài thành lưỡi và một mảnh xương có trổ lỗ để đeo, 01 mũi nhọn, 02 hình đục, 01 hình cuốc và một mảnh xương có lỗ xuyên dây, 01 công cụ bằng vỏ trùng trục.

Di cốt người: Tìm thấy các mảnh của ít nhất là 8 chiếc sọ trong đó có những mảnh sọ bị cháy thành vôi, những mảnh sọ ở phần trán còn dấu vết màu đỏ.

Trong số hiện vật thu được từ cuộc khai quật di tích Mái đá Làng Vành năm 1929 của M. Colani còn 581 chiếc hiện đang được lưu trữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia (Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam 1967: Những hiện vật tàng trữ ở Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam về Văn hóa Hòa Bình).

Di cốt động vật: có khá nhiều mảnh xương răng động vật.

Về đặc trưng của bộ công cụ đá ghè đẽo ở di tích mái đá Làng Vành được đại diện bởi các viên cuội lớn kết cấu mịn và có các rìa tác dụng/rìa lưỡi theo chiều ngang và chiều dọc. Kỹ thuật chế tác công cụ được thực hiện bằng những nhát ghè từ một bề mặt cuội, hướng ghè hướng tâm từ rìa cạnh vào trung tâm. Diện ghè đều được chuẩn bị để có tác động tự nhiên phẳng. Thông thường công cụ đá ghè đẽo có sự lựa chọn về nguyên liệu, chủ yếu là những hòn cuội có kích thước vừa phải, hình dáng khá cân đôi, vừa tay cầm, cho thấy nguồn nguyên liệu cuội ở khu vực Làng Vành khá dồi dào và ổn định. Công cụ thường có một mặt phẳng và mặt còn lại với nhiều nhát ghè lan lên thân, bảo tồn âm bản song song với các nhát ghè có kích thước khác nhau, đôi khi kết thúc bằng các sóng ghè, dạng nếp nhăn.

Trong mặt bằng của tầng văn hoá ở hố TS4, di chỉ mái đá Làng Vành đã tìm thấy những điểm có vết than tro, các hòn đá bị nung chứng tỏ là bếp sinh hoạt và gần đó có thể có di tích mộ táng.

Hiện nay, di tích còn giữ được một phần tầng văn hoá gốc ở bên dưới các khối tảng đá sập lớn, trên vách mái đá còn lại khá nhiều những lớp trầm tích của kỷ đệ tứ. Trong ngách và sâu trong lòng hang bên cạnh mái đá cũng ghi nhận tầng văn hóa và dấu tích của người Tiền sử. Toàn bộ dãy núi Đá Trắng và phần cực Tây nơi Mái đá Làng Vành còn được giữ nguyên trạng.

Kể từ khi phát hiện cho đến nay, di tích mái đá Làng Vành là một trong những di tích Văn hoá Hoà Bình có tầng văn hóa dày và bộ di vật rất phong phú về công cụ đá cũng như công cụ xương so với các di tích Văn hoá Hoà Bình khác ở Việt Nam đã được khai quật. Cũng giống như di tích hang Xóm Trại, di tích mái đá Làng Vành thể hiện rõ nét về đặc trưng của một di tích lớn mang tính chất trung tâm và ở trung tâm vùng lõi của Văn hóa Hòa Bình ở Việt Nam. Đây là bằng chứng gốc về nguồn gốc của Văn hóa Hòa Bình ở Việt Nam và Đông Nam Á.

Với những giá trị đặc biệt tiêu biểu, di tích khảo cổ Hang xóm Trại và Mái đá làng Vành (huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình) được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt (tại Quyết định số 694/QĐ-TTg ngày 18/7/2024)./.

Tuyết Chinh

Theo hồ sơ tư liệu Cục Di sản văn hóa

Liên kết website