Ngày 3 tháng 5 năm 2025
Liên kết website

Hát Soọng cô của người Sán Dìu

“Soọng cô” tiếng Sán Dìu nghĩa là ca hát đối đáp, đặt lời theo thể thất ngôn tứ tuyệt, được ghi chép bằng chữ Hán cổ và lưu truyền trong dân gian bằng hình thức truyền khẩu. Truyền thuyết của người Sán Dìu kể rằng, ở làng nọ có cô gái tên Lý Tam Mói rất thông minh, xinh đẹp và có tài hát đối mà chưa có ai thắng được. Có ba chàng trai tài giỏi tìm đến mà cũng không đối đáp được, đành ra đi, để lại trong cô gái mối âu sầu, nuối tiếc vì không mời họ vào làng. Thế nên ngày ngày, cô gái cất tiếng hát da diết, khắc khoải, lâu dần trở thành giai điệu Soọng cô.

Người Sán Dìu ít hát Soọng cô trong lao động sản xuất mà chủ yếu hát vào lúc nông nhàn, giao lưu nam nữ giữa các làng. Họ thường hát khi quây quần bên bếp lửa vì họ quan niệm, hát bên bếp lửa sẽ được thần bếp (Chạo Am) phù trợ cho gia đình làm ăn may mắn, mùa màng bội thu. Chủ đề các bài Soọng cô gắn với các sinh hoạt hàng ngày: Hát khi có khách đến nhà: khi có bạn ở làng khác đến chơi, trai gái thường bộc bạch tình cảm của mình qua câu hát và để sẵn trầu cau đợi bạn hát đến cùng ăn; Hát chúc xóm làng: khi có khách đến, mọi người trong làng cùng tụ họp ngay từ khi thức dậy, quây quần bên bếp để thăm hỏi nhau và cùng hát; Hát làm quen: khách đến phải dừng lại trước cửa bếp, hát một số bài xin chỗ ngồi, rồi mới được chủ nhà trải chiếu, mời ngồi bên trái của bếp lửa, chủ nhà ngồi bên phải và hát đối đáp để làm quen; Hát giao duyên: nam nữ hát đối đáp những bài thổ lộ tâm tư, tình cảm của mình, xen vào những câu hỏi tên, tuổi, anh em họ mạc, quê hương bản quán, thăm hỏi sức khoẻ. Khi đã quen hơn, họ hát về ngày sum họp, mong muốn được sống chung làng, cùng gắn bó trong lao động, xây dựng gia đình đầm ấm, quê hương giàu đẹp; Hát tiễn: cả chủ và khách hát bày tỏ sự lo lắng những lời đã nói, đã hát chưa đủ làm bạn hiểu lòng mình, nên lưu luyến, bịn rịn như muốn được hát thêm cùng nhau. Soọng cô còn có những bài hát đề cao cuộc sống lao động, sản xuất như Soọng cô tam xíu lu (hát bên giếng làng) hoặc Soọng cô cao shan cón xúi (hát trên thác nước, đắp mương)... Soọng cô đề cao người cần cù lao động cấy trồng bao nhiêu, thì cũng chê cười những kẻ lười biếng bấy nhiêu.

Các lối hát hỏi thăm tên, địa chỉ của bạn hát. Ảnh: Theo Hồ sơ di sản

Trong mọi tình huống, người hát Soọng cô cần có sự nhanh trí, tài ứng khẩu dựa trên việc nắm giữ, thuộc lòng rất nhiều ca từ. Trong khi hát, nếu một bên không thuộc những bài hát hoặc không kịp thời ứng tác để đối đáp thì coi như thua cuộc. Do đó, ai ai cũng cố gắng học thuộc thật nhiều các bài bản để khỏi hổ thẹn khi hát đối đáp giao lưu.

 Soọng cô là tiếng nói của người lao động nên ngôn ngữ ca từ mộc mạc, dân dã, thể hiện bản chất bình dị, chất phác, hồn nhiên của người nông dân. Soọng cô cũng mang đậm phong cách dân ca qua cách sử dụng ngôn ngữ mang tính ước lệ, ẩn dụ với lối so sánh ví von phổ biến. Tuy Soọng cô chỉ có một làn điệu nhưng nội dung lời ca có 3 phần rõ rệt, đó là gọi, kểđáp. Phần kể được thể hiện nhiều hơn so với phần gọi và phần đáp, với nhiều nội dung khác nhau, như để giãi bày, thể hiện tâm trạng khát vọng để đạt được yêu cầu ước nguyện, nỗi lòng người hát. Nhịp trong hát Soọng cô ổn định về trường độ, thường sử dụng nhịp 2/4, 4/4, đôi khi nhịp tự do với âm vực không quá lớn, quãng âm luôn kế tiếp nhau đều đều, ít lên bổng xuống trầm đột ngột, ít đột biến luyến láy. Đây chính là đặc trưng vốn có để phân biệt Soọng cô với các loại dân ca của các dân tộc khác.

Do tính chất truyền khẩu, đối đáp ứng tác nên số lượng bài bản Soọng cô rất phong phú và được các nghệ nhân cùng học trò ở các câu lạc bộ thường xuyên trình diễn, truyền dạy. Hát Soọng cô là sinh hoạt văn hóa cộng đồng có ý nghĩa, mang lại niềm vui và hăng say trong lao động sản xuất, tạo nên tình cảm gắn bó với quê hương, làng bản và đồng bào người Sán Dìu.

Với những giá trị tiêu biểu đó, Hát Soọng cô của người Sán Dìu đã được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 3465/QĐ – BVHTTDL ngày 13/10/2015./.

Liên kết website