Ngày 24 tháng 4 năm 2025
Liên kết website

Hoạt động nghiên cứu khoa học của Cục Di sản văn hóa trong những năm gần đây

Trong những năm gần đây, nhận thức rõ tầm quan trọng của nghiên cứu khoa học (NCKH) đối với việc tăng cường hiệu quả công tác quản lý nhà nước và nâng cao trình độ năng lực chuyên môn của đội ngũ cán bộ, công chức, Cục Di sản văn hóa đã và đang triển khai thực hiện một số đề tài NCKH về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với những yêu cầu từ hoạt động thực tiễn của ngành, đó là:

- Đề tài cấp Nhà nước “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Phật giáo ở Việt Nam trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế” (đang chuẩn bị nghiệm thu);
- Đề tài cấp Bộ “Nghiên cứu nhằm bảo tàng hóa di sản văn hóa làng (từ thực tiễn một số làng Việt cổ)” (đã hoàn thành);
- Đề tài cấp Bộ “Sổ tay (cẩm nang) tiền cổ kim loại Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản, Pháp lưu hành ở Việt Nam từ đầu công nguyên đến 1975” (đã hoàn thành);
- Đề tài cấp Bộ “Nghiên cứu ứng dụng các giải pháp bảo quản phòng ngừa hiện vật hữu cơ trong các bảo tàng ở nước ta” (đã hoàn thành);
- Đề tài cấp Bộ “Nghiên cứu bảo tồn hệ thống tượng tròn trong di tích kiến trúc truyền thống vùng châu thổ Bắc Bộ” (đang chuẩn bị nghiệm thu).
Cùng đó, từ năm 2008 đến nay, thực hiện chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục Di sản văn hóa đã nghiên cứu, soạn thảo, trình các cấp có thẩm quyền ban hành 01 Luật, 01 Nghị định, 04 Thông tư và đang tiếp tục xây dựng một số dự thảo văn bản quy phạm pháp luật nhằm từng bước hoàn thiện hành lang pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, đáp ứng yêu cầu tăng cường hiệu lực pháp luật, đẩy mạnh xã hội hóa và hội nhập quốc tế trong tình hình hiện nay.
Hoạt động NCKH của cán bộ, công chức Cục Di sản văn hóa còn được thể hiện qua việc Tạp chí Di sản văn hóa được xuất bản định kỳ 4 số/năm, với nhiều bài viết của cán bộ, công chức có giá trị cả về lý luận và thực tiễn; những tài liệu liên quan đến công tác nghiệp vụ về bảo tàng, tu bổ di tích, bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể... đều đặn được tập hợp, phiên dịch và xuất bản thành các ấn phẩm cung cấp cho các đơn vị trong ngành trên toàn quốc; Trang thông tin điện tử (Website) của Cục Di sản văn hóa cũng liên tục được cập nhật những tin, bài của cán bộ trong Cục cùng đội ngũ cộng tác viên trong và ngoài ngành.
Bên cạnh đó, Cục Di sản văn hóa đã phối hợp với Viện Bảo tồn di tích nghiên cứu và triển khai có kết quả Dự án thực nghiệm tu bổ đình Chu Quyến để xây dựng quy trình tu bổ di tích kiến trúc gỗ trong điều kiện Việt Nam và điều chỉnh các định mức cho công tác tu bổ di tích; phối hợp với Viện hóa học (Viện khoa học và Công nghệ Việt Nam) tiếp tục nghiên cứu áp dụng công nghệ sử dụng hóa chất để chống tiêu tâm các cột gỗ, chống mối mọt trong di tích kiến trúc gỗ truyền thống cho các di tích bị hư hỏng nhưng không có khả năng hạ giải tu bổ, giúp cho việc tăng cường khả năng chịu lực cho các di tích.
Cục Di sản văn hóa còn trực tiếp tổ chức nghiên cứu, xây dựng Phần mềm “Quản lý thông tin hiện vật tại các bảo tàng và di tích lịch sử-văn hóa” phiên bản 1.0 nhằm phục vụ yêu cầu xây dựng kho cơ sở dữ liệu về hiện vật hiện lưu giữ, bảo quản tại các bảo tàng và các di tích lịch sử văn hóa trên toàn quốc, đồng thời là công cụ tiện ích và hữu hiệu trong việc quản lý dữ liệu thông tin về hiện vật trong các bộ sưu tập ở Việt Nam, hướng tới được sử dụng như một biện pháp quản lý thông tin về di sản văn hóa của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhằm ngăn chặn việc buôn bán trái phép tài sản văn hóa. Năm 2012, Cục sẽ hoàn thành việc nâng cấp phần mềm lên phiên bản 2.0 nhằm nâng cao hiệu quả phần mềm trong công tác quản lý, khai thác, xử lý thông tin hiện vật của các bảo tàng và di tích.
Trong kế hoạch công tác hàng năm, Cục Di sản văn hóa thường xuyên phối hợp với các cơ quan, tổ chức trong nước và quốc tế tổ chức nhiều cuộc hội thảo khoa học, hội nghị, tập huấn với mục tiêu bồi dưỡng chuyên sâu và cập nhật kiến thức chuyên môn cho đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của các đơn vị, địa phương. Một số cuộc hội nghị, hội thảo, tọa đàm, tập huấn đã được tổ chức trong thời gian gần đây như: Hội thảo khoa học “Bảo tồn di tích và cuộc sống đương đại” (Hà Nội, 2007); Hội thảo về kiểm kê hiện vật bảo tàng (TP. Hồ Chí Minh, 2007); Hội nghị “Kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể tại Việt Nam - bài học và kinh nghiệm” (Hà Nội, 2008); Hội thảo “Văn hóa Óc Eo - nhận thức và giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị di tích” (An Giang, 2009); Tập huấn về công tác nghiên cứu, sưu tầm và tư liệu hóa tài liệu, hiện vật bảo tàng tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên (Lâm Đồng, 2010); Tập huấn về kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể (tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Quảng Nam, Hải Dương, 2010)...
Từ những kết quả đạt được, có thể khẳng định công tác NCKH trong lĩnh vực bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, do Cục Di sản văn hóa chủ trì thực hiện trong thời gian qua, đã gắn liền và trực tiếp phục vụ có hiệu quả các yêu cầu đặt ra từ hoạt động thực tiễn, đáp ứng kịp thời cả nhiệm vụ chính trị cũng như khoa học, tác động tích cực tới sự trưởng thành của đội ngũ cán bộ trẻ và góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và phát triển sự nghiệp xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi và kết quả đạt được, công tác NCKH của Cục Di sản văn hóa vẫn còn những hạn chế, khó khăn do nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan khác nhau, đó là:
- Nguồn kinh phí dành cho công tác NCKH còn hạn hẹp, do đó không có điều kiện triển khai các đề tài, dự án với quy mô lớn, trên phạm vi rộng, đòi hỏi chi phí cao.
- Do là cơ quan quản lý nhà nước, vừa không chuyên về NCKH, vừa phải thực hiện nhiều nhiệm vụ, cấp bách trên lĩnh vực bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, nên việc triển khai thực hiện các đề tài NCKH của Cục Di sản văn hóa tuy đã có kế hoạch, lộ trình nhưng tiến độ triển khai vẫn thường bị chậm.
- Phần lớn đội ngũ cán bộ, công chức của Cục còn trẻ, đang bước những bước đầu tiên trên hành trình học tập, nghiên cứu dài lâu, đòi hỏi nhiều vốn liếng, kinh nghiệm, phương pháp,... nên còn nhiều “chập chững” khi được tham gia thực hiện các đề tài cấp Nhà nước, cấp Bộ, thậm chí cả đề tài cấp cơ sở.
Từ thực tiễn nêu trên, để triển khai có hiệu quả công tác NCKH của Cục Di sản văn hóa trong những năm tới, cần thiết phải có một số giải pháp đồng bộ:
- Dành kinh phí ổn định và thỏa đáng cho công tác nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ, từ đó, cần ưu tiên bố trí kinh phí hàng năm cho việc thực hiện các đề tài khoa học cấp cơ sở.
- Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức (ưu tiên đối tượng cán bộ trẻ) thông qua các chương trình đào tạo ngắn hạn cũng như dài hạn ở cả trong và ngoài nước.
- Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ, công chức tham gia NCKH, trước mắt là những đề tài cấp cơ sở.
- Lựa chọn những vấn đề mang tính cấp thiết theo yêu cầu thực tiễn để triển khai các đề tài nghiên cứu nhằm từng bước nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước và chất lượng hoạt động chuyên môn trên lĩnh vực bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.
- Có hình thức khen thưởng phù hợp để động viên các đơn vị, cá nhân đạt nhiều thành tích trong công tác NCKH.

Liên kết website