Lăng mộ và đền thờ Nguyễn Xí, tỉnh Nghệ An
Theo các tài liệu như Đại Việt sử ký toàn thư, Lam Sơn thực lục, Khâm Định Việt sự thông giám cương mục, Đại Nam nhất thống chí, Lịch triều hiến chương loại chí, Nghệ An ký, Bách thần lục, Từ điển Nhân vật xứ Nghệ, Nghệ Tĩnh trong tổ quốc Việt Nam, Tục thờ thần và thần tích Nghệ An, sắc phong thần, văn bia, gia phả họ Nguyễn Đình... cho biết, Nguyễn Xí sinh năm Đinh Sửu (1397) tại xã Thượng Xá, huyện Chân Phúc (nay là xã Khánh Hợp, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An). Ông là một nhà quân sự, nhà chính trị lỗi lạc, có nhiều cống hiến cho đất nước, quê hương.
Ông tham gia khởi nghĩa Lam Sơn từ những ngày đầu dấy binh. Trong suốt 10 năm khởi nghĩa, Nguyễn Xí luôn là vị tướng tiên phong, vào sinh ra tử, tham gia đánh thắng nhiều trận đánh lớn: Bồ Đằng, Trà Lân, thành Nghệ An, thành Diễn Châu, Tốt Động, Chúc Động, Đông Quan, Xương Giang... để đi đến “giang sơn thu về một mối”.
Năm Mậu Thân (1428), Lê Lợi lên ngôi vua, Nguyễn Xí được xếp vào hàng "khai quôc công thần" được phong chức "Long hổ thượng tướng suy trung bảo chính công thần". Năm Thuận Thiên thứ hai (1429), nhà vua cho khắc biển công thần, khi bàn công, ông đứng vào hàng thứ năm, được phong tước Huyện Hầu. Để thể hiện sự ưu ái đặc biệt cho những người có công lớn trong khởi nghĩa, Lê Lợi đã ban quốc tính cho Nguyễn Xí là Lê Xí. Đây là giai đoạn mở đầu cho thời kỳ làm quan của ông.
Với tấm lòng trung quân ái quốc, Nguyễn Xí đã phục vụ dưới 4 triều vua Lê: Lê Thái Tổ (1428 - 1433), Lê Thái Tông (1434 - 1442), Lê Nhân Tông (1443 - 1459), Lê Thánh Tông (1460 - 1497) và có nhiều công lao to lớn đối với nhà nước Đại Việt. Cho đến những năm cuối cùng ông tuy đã về nghỉ hưu, nhưng vẫn một lòng một dạ giúp đỡ vua Lê Thánh Tông xây dựng một nền thái bình thịnh vượng.
Năm Ất Sửu niên hiệu Thái Hòa thứ 3 (1445), ông làm Nhập nội đô đốc, năm Mậu Dần niên hiệu Thái Hòa thứ 6 (1448), ông được thăng chức Thiếu bảo, coi việc quân dân. Tháng 6 năm Canh Thìn niên hiệu Quang Thuận nguyên niên (1460), ông được tiến phong Khai phủ nghi đồng tam phủ, Nhập nội kiểm hiệu Thái phó, Bình chương quân quốc trọng sự, á quận hầu, giúp việc chính.
Nguyễn Xí được triều đình ban thưởng hàng nghìn mẫu ruộng lộc điền. Tổng số lộc điền lên đến 5135 mẫu, phân bố rải rác từ Hải Dương đến Nghệ An, Hà Tĩnh, bao gồm 6 trấn, 25 huyện, 93 xã. Việc khai thác và sử dụng ruộng đất của Nguyễn Xí đã góp phần đáng kể vào công cuộc mở mang kinh tế và quá trình hình thành nên nhiều làng xã ở nước ta trong thế kỷ XV, mà chỉ tính riêng trên địa bàn Nghệ An thì đã có hàng chục làng xã thuộc 5 huyện có lộc điền của ông. Đây là một trong những đóng góp quan trọng của Nguyễn Xí và dòng họ Nguyễn Đình.
Đặc biệt, ông rất chú trọng việc khai phá và xây dựng vùng Cửa Lò - Cửa Hội. Vào thế kỷ XV, vùng này biển còn ăn sâu vào đất liền, nhiều nơi còn ngập nước mặn, đất đai khai khẩn chưa được bao nhiêu, dân cư còn thưa thớt. Vì vậy, ngoài số ruộng lộc điền được ban cấp, ông còn tậu thêm 765 mẫu, tập trung chủ yếu ở vùng xung quanh Thượng Xá giao cho con cháu và nhân dân khai phá.
Ngoài ra, ông còn chỉ đạo những người con của ông chiêu dân khẩn hoang lập làng. Người con trai trưởng là Nguyễn Sư Hồi trong thời gian trấn nhậm hải môn tại Cửa Lò đã chiêu mộ dân chài ven biển và dân vùng ven sông Xá đến khai hoang lập làng Vạn Lộc (nay thuộc phường Nghi Tân, thị xã Cửa Lò). Người con thứ năm là Nguyễn Kế Sài được ông giao cho khai phá vùng Đồng Biển Trên, Đồng Biển Dưới, Trọt Nhà Trần ở phía tây làng (Làng Trung) và vùng Đập Hang, Trọt Miếu ở phía đông làng (Làng Trung). Người con thứ mười bốn là Nguyễn Nhân Thực khai khẩn vùng Đồng Nổi, Cửa Ngoài ở tây nam làng (Làng Trung). Sau Nguyễn Xí, con cháu của ông và nhân dân địa phương tiếp tục đẩy mạnh công cuộc khai phá để biến vùng Cửa Lò thành vùng đất trù phú, nhiều xóm làng đông đúc.
Số ruộng lộc điền và các loại ruộng đất của Nguyễn Xí và dòng họ Nguyễn Đình đã tạo tiền đề vật chất cho việc hình thành nhiều làng xã trên địa bàn Nghệ An, góp phần quan trọng vào việc mở mang kinh tế, nâng cao đời sống vă hóa, tinh thần cho người dân, đưa Nghệ An từ vùng đất trại, từng bước hòa nhập vào sự phát triển chung của quốc gia Đại Việt.
Để phát triển cuộc sống của nhân dân trong vùng, ông đã xuất tiền của, chỉ đạo nhân dân xây đắp đường sá, cầu cống. Ông còn cho cưới chợ Sơn tại làng Long Trảo (tức xóm Kỳ Sơn, xã Khánh Hợp ngày nay) làm nơi buôn bán, trảo đổi hàng hóa trong vùng. Trải qua hơn 500 năm, chợ Sơn đã xê dịch nhiều nơi (nay thuộc làng Xuân Đình, xã Nghi Thạch) nhưng đây vẫn là chợ lớn nhất huyện Nghi Lộc và thuộc loại những chợ lớn của tỉnh Nghệ An.
Vợ ông là Quốc phu nhân Lê Thị Ngọc Lân được phong tặng là Thục nhân. Ông có 16 người con trai và 8 người con gái. Các con của ông hầu hết đều là những người giỏi giang, là quan đại thần của nhà Hậu Lê.
Sau này, 15 người con trai của ông trở thành mười lăm chi họ lớn mạnh. Các thế hệ sau cũng kế thế phó tá vương triều Hậu Lê, Tây Sơn, Nguyễn, nhiều người được phong quan cao, chức trọng, và có nhiều cống hiến cho đất nước, quê hương. Theo thống kê của hội đồng gia tộc họ Nguyễn Đình, từ thời Hậu Lê đến thời Nguyễn, hậu duệ của Cương Quốc công Nguyễn Xí có 56 người được phong tước Quận công, 179 người được phong tước Hầu, 141 người được phong tước Bá, 7 người được phong tước Tử, 37 người được phong tước Nam.
Ông là người mở đầu cho dòng họ danh gia vọng tộc, nối đời trâm anh thế phiệt. Để răn dạy con cháu đời sau phải trung thành với vương triều, trung thành với đất nước, ngăn chặn những mầm mống phản nghịch, ông đã viết bản di huấn trình lên vua ngự phê rồi khắc vào bia đá để lưu truyền cho con cháu. Bản di huấn của ông được vua Lê Thánh Tông chuẩn y và cho đóng dấu nhà vua lên dòng chữ ghi niên hiệu viết văn bản vì thế nó không còn chỉ giới hạn trong phạm vi của một con người, một gia đình mà nó đã được nâng tầm lên mang tính chất quốc gia, phổ quát rộng rãi. Qua bản di huấn cho thấy rõ cốt cách con người Nguyễn Xí là sự thể hiện trọn vẹn và sinh động các quan hệ xã hội cơ bản tồn tại trong quốc gia quân chủ Đại Việt thế kỷ XV. Các quan hệ xã hội đó được cố định thành một phẩm chất quán xuyến con người ông từ đầu đến cuối, đó là phẩm chất “trung nghĩa”. Trung nghĩa với đất nước, trung nghĩa vương triều.
Những lời răn dạy của ông đến nay vẫn còn nguyên giá trị thời sự sâu sắc. Nó nhắc nhở con cháu không được quên quá khứ, hậu thế được hưởng vinh hoa phú quý chính là nhờ những công lao, gian khổ của ông cha. Vì thế phải tận trung, tận hiếu với nước, một lòng báo đáp triều đình. Ông đã qua đời hàng trăm năm nhưng con cháu của ông vẫn còn giữ gìn nề nếp gia phong của một dòng họ danh tiếng, để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp trong lịch sử.
Ông mất ngày 30 tháng 10 năm Quang Thuận thứ 6 (1465), hưởng thọ 69 tuổi. Nghe tin ông mất, nhà vua tiếc than, nghỉ chầu 3 ngày, ban tặng nhiều phẩm vật, nghi trang tế lễ. Ngày 13 tháng 12, an táng thi hài ông ở quê nhà huyện Chân Phúc, bên cạnh phần mộ của thân phụ ông.
Hai năm sau, Lê Thánh Tông lệnh cho xây dựng đền thờ ông tại quê nhà. Trải qua các triều đại phong kiến Lê, Tây Sơn, Nguyễn đều phong cho ông là thượng đẳng phúc thần và vẫn duy trì chế độ quốc tế ở đền thờ ông tại Thượng Xá (Nghi Hợp ngày nay).
Không chỉ có đền thờ do nhà nước xây dựng mà ông còn được nhân dân nhiều nơi lập đền thờ và tôn làm phúc thần như: Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Ninh Bình, Hà Nội. Đặc biệt, ông còn được phối thờ ở miếu Lịch đại đế vương do triều đình lập nên để thờ các bậc đế vương và danh thần, danh tướng các triều đại.
Hiện nay, tên của ông được đặt cho các công trình đường sá, trường học ở nhiều thành phố trên khắp cả nước như ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Vinh, Cửa Lò…
Khu Lăng mộ Nguyễn Xí tọa lạc tại xứ Đồng Lầm, xã Khánh Hợp, huyện Nghi Lộc. Tiếp giáp đông tây tứ cận khu lăng mộ là ruộng trồng hoa màu.
Đền thờ Nguyễn Xí được xây dựng trên một gò đất cao ráo, thoáng đãng, là công trình kiến trúc cổ còn tương đối nguyên vẹn và có giá trị lớn về khoa học và thẩm mỹ. Đền quay về hướng Nam "toạ quý hướng đinh". Bốn phía giáp đền là ruộng hoa màu.
Đền thờ cách lăng mộ khoảng 300m. Bao bọc xung quanh di tích là những non kỳ thủy tú của xứ Cửa Lò như núi Cờ, núi Kiếm, núi Mão, núi Đai, núi Voi, núi Ngựa, Lô Sơn, Cửa Xá, Cửa Lò… đây đều là những địa danh gắn liền với các giai thoại, huyền tích liên quan đến Cương Quốc công Nguyễn Xí và dòng họ Nguyễn Đình.
Khu đền chính có mặt bằng kiến trúc kiểu "nội công, ngoại quốc”, phía trước Nghi môn là hồ bán nguyệt vừa tạo thế phong thủy cho đền, vừa có tác dụng điều hòa không khí tự nhiên. Các bộ phận kiến trúc được bố trí theo tôn ty, đăng đối, hài hòa, đó là những mẫu mực của hệ tư tưởng Nho giáo. Thứ ba là về kỹ thuật xây dựng, công trình đã được nâng cao hơn nhiều so với mức trung bình của các công trình đồng đại. Trong điều kiện thiên nghiên khắc nghiệt như ở Nghệ An, mỗi năm phải hứng chịu cả chục cơn bão lớn, vị trí công trình lại gần biển, vật liệu hoàn toàn truyền thống, thủ công, không có bê tông cốt thép làm lõi nhưng công trình vẫn vươn cao cùng trời xanh, đương đầu với tuế nguyệt chứng tỏ kỹ thuật xây dựng của người xưa đã đạt đến trình độ điêu luyện. Vì thế mà trải qua cả trăm năm, công trình vẫn đứng vững cùng trời đất, những màu sơn kẻ vẽ vẫn tươi nhuận cùng năm tháng.
Nghệ thuật trang trí trên kiến trúc rất được chú trọng và tỷ mỹ đến từng chi tiết nhỏ. Các đề tài trang trí phong phú và đa dạng, về linh vật có: tứ linh, lưỡng long triều nguyệt, long ngư hí thủy, phượng hàm thư, phượng vũ, hổ phù, hổ, long mã phụ hà đồ, thần quy phụ lạc thư, rùa đội hạc, nghê, lân, sư tử, voi, ngựa, dơi, cá chép, chim, chuột… Về cỏ cây hoa lá có: tứ quý, mai hóa long, trúc hóa long, dây leo hóa rồng, hoa thị, lựu, đào, nho, phật thủ, cúc, sen, lá đề… về người và bảo vật có: lính canh, bát tiên, bát bửu, lược, đàn, sáo, kiếm, quạt, dây thao, bầu rượu, túi thơ, văn triện… chủ yếu là thể hiện trên chất liệu vôi vữa và chạm khắc trên chất liệu gỗ.
Với những giá trị tiêu biểu nêu trên, di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Lăng mộ và Đền thờ Nguyễn Xí, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt (theo Quyết định số 2280/QĐ-TTg ngày 31/12/2020)./.
Khánh Chi (Theo hồ sơ di tích lưu tại Cục Di sản văn hóa)