Lễ đón nhận danh hiệu Di sản văn hóa Thế giới Thành Nhà Hồ
Sau gần một năm kể từ ngày Thành Nhà Hồ được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản văn hóa thế giới, tối ngày 16/6/2012, Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam long trọng tổ chức Lễ đón nhận danh hiệu Di sản Văn hóa Thế giới Thành Nhà Hồ, tại khu vực thành nội Thành Nhà Hồ, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa.
Tham dự buổi Lễ có các đồng chí: Nguyễn Sinh Hùng - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội; Lê Khả Phiêu - nguyên Tổng Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam; Tô Huy Rứa - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương; Phạm Quang Nghị - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội; Lê Thanh Hải - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh; Hoàng Tuấn Anh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Đinh La Thăng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải; Uông Chu Lưu - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; Mai Văn Ninh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Thanh Hóa; Nguyễn Thanh Sơn - Thứ trưởng Bộ ngoại giao, Chủ tịch Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam; ông Eric Falt - Trợ lý Tổng Giám đốc Tổ chức UNESCO; Bà Katherine Muller Marin – Trưởng Đại diện Văn phòng UNESCO Hà Nội; hơn 100 đại biểu đại diện của các Ủy ban quốc gia UNESCO các nước khu vực Châu Á - Thái Bình Dương; đại diện các Bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương, các tỉnh/thành trên cả nước, cùng đông đảo cán bộ, nhân dân tỉnh Thanh Hóa và du khách gần xa.
Thành Nhà Hồ được xây dựng năm 1397, có chu vi khoảng hơn 3 km, cao trung bình 5 - 6m, chủ yếu dùng vật liệu đá, xếp liền khối, bên trong đắp đất…, đã từng tồn tại với nhiều tên gọi khác nhau trong lịch sử, như Thành Tây Đô, Thành Tây Kinh, Thành An Tôn, Thành Tây Giao, Thạch Thành (Thành Đá), thuộc địa phận hai xã Vĩnh Long và Vĩnh Tiến, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa.
Với những giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học nổi bật, ngay từ đợt xếp hạng di tích đầu tiên vào năm 1962, Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã quyết định xếp hạng Thành Nhà Hồ là Di tích lịch sử quốc gia. Kể từ đó tới nay, nhiều hoạt động nghiên cứu, khai quật khảo cổ, bảo tồn, tôn tạo ở đây đã được triển khai nhằm nhận diện giá trị và tạo sự bền vững cho di sản có niên đại trên 600 năm tuổi này. Ngày 10/5/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định xếp hạng Thành Nhà Hồ là Di tích quốc gia đặc biệt.
Kể từ năm 2006, được sự cho phép của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã phối hợp với tỉnh Thanh Hóa và các cơ quan liên quan khẩn trương lập hồ sơ di sản Thành Nhà Hồ đệ trình UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới. Tại Kỳ họp lần thứ 35 của Ủy ban Di sản Thế giới họp tại Cộng hòa Pháp vào ngày 27/6/2011, với những tiêu chí nổi bật toàn cầu của mình, Thành Nhà Hồ đã chính thức được UNESCO ghi vào Danh mục Di sản Văn hóa Thế giới với tiêu chí (ii): là biểu hiện rõ rệt những sự giao thoa trao đổi quan trọng các giá trị nhân văn giữa Việt Nam và các nước trong khu vực Đông Á, Đông Nam Á vào cuối thế kỷ 14 - đầu thế kỷ 15, và tiêu chí (iv): di sản vừa là ví dụ nổi bật về một kiểu kiến trúc Hoàng thành biểu tượng cho quyền lực Hoàng gia tiêu biểu ở phương Đông, vừa là một pháo đài quân sự bề thế, chắc chắn, uy nghiêm.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định: “Thành Nhà Hồ là một kiến trúc quân sự độc đáo, gắn chặt với lịch sử dân tộc ta hơn 600 năm qua, đã được UNESCO đánh giá là di sản mang giá trị văn hóa nổi bật toàn cầu và ghi danh là Di sản Văn hóa Thế giới. Đây là niềm vui, niềm tự hào của nhân dân Thanh Hóa cũng như nhân dân cả nước. Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ cùng các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể khác được thế giới công nhận sẽ tô đậm thêm nền văn hiến ngàn năm hết sức phong phú của dân tộc Việt Nam, góp phần để bạn bè thế giới hiểu biết thêm về đất nước, con người Việt Nam, mở ra triển vọng, cơ hội mới cho phát triển du lịch, nghiên cứu văn hóa Việt Nam”.
Sau khi đại diện Lãnh đạo Bộ Ngoại giao và tỉnh Thanh Hóa đón nhận bằng Di sản văn hóa Thế giới Thành Nhà Hồ từ Ngài Trợ lý Tổng Giám đốc UNESCO, một chương trình nghệ thuật sân khấu hóa đặc sắc “Thành Nhà Hồ - Niềm tự hào Đất Việt”, với sự tham gia của khoảng 800 diễn viên đã được trình diễn hết sức sôi động. Các đại biểu và hàng vạn người tham dự buổi Lễ cùng nhân dân trên cả nước theo dõi Chương trình truyền hình trực tiếp buổi Lễ này đã có dịp ôn lại lịch sử đất nước ta giai đoạn vào cuối thế kỷ XIV, đầu thế kỷ XV - thời kỳ suy thoái, bế tắc của nhà Trần, và khát vọng dời đô nhằm củng cố, xây dựng lại giang sơn, xã tắc của Hồ Quý Ly; hiểu rõ hơn về quá trình xây thành đầy gian nan, vất vả, với tất cả trí tuệ, sức lao động tài tình của ông cha ta đương thời.