Lễ hội Cầu mưa, tỉnh Hưng Yên
Lễ hội Cầu mưa (còn gọi là Lễ hội Tứ Pháp), ở xã Lạc Hồng, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên, gắn liền với tín ngưỡng thờ Tứ Pháp (Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện) của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước, thể hiện ước muốn cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt.
Truyền thuyết về Tứ Pháp tại xã Lạc Hồng ngày nay cơ bản có nội dung theo giống truyền thuyết Tứ Pháp ở vùng Dâu - Bắc Ninh. Ngoài ra, còn có dị bản về việc người vùng dâu chặt cành lớn của cây Dung Thụ làm bốn đoạn đem bán. Người tổng Thái Lạc mua được ba đoạn, chờ buổi chiều mua nốt đoạn còn lại, buổi trưa mọi người thử đòn nào ngờ cả đòn khiêng và khúc gỗ vụt bay theo đoàn người đi trước. Thấy vậy, người dân Luy Lâu đuổi theo đòi lại. Nhưng đoàn người đuổi theo đến đâu thì trời đổ mưa tới đó nên người vùng Dâu để cho người tổng Thái Lạc mang về. Người dân Thái Lạc đã thuê ông Đào Khảm và Đào Lượng lấy bốn đoạn cành dâu tạc thành bốn pho tượng mẫu nhỏ. Ban ngày, các ông tạc tượng tại chùa Thái Lạc, ban đêm lại về ngủ tại chùa Un (nay thuộc xã Đình Dù, huyện Văn Lâm), do vậy, trong lễ hội xưa khi rước bốn bà đi tuần du quanh tổng bao giờ cũng phải ngự tại chùa Un một đêm. Đến thời Mạc, dựa vào mẫu tượng này, dân làng dùng gỗ mít tạc thành bốn pho tượng Tứ Pháp còn thờ đến ngày nay. Tượng Pháp Vân thờ ở chùa Thái Lạc (Pháp Vân tự), tượng Pháp Vũ thờ ở chùa Hồng Cầu (Pháp Vũ tự), tượng Pháp Lôi thờ ở chùa Nhạc Miếu (Pháp Lôi tự), tượng Pháp Điện thờ ở chùa Phạm Thái (Pháp Điện thiền tự). Trong dân gian vẫn gọi bốn bà lần lượt là bà Cả, bà Quê, bà Huế và bà Tông. Vào những năm hạn hán kéo dài dân các làng thuộc tổng Thái Lạc xưa lại tiến hành làm lễ cầu đảo và rước Tứ Pháp cộng đồng để cầu cho mưa xuống, mùa màng tươi tốt.
Lễ hội Cầu mưa xưa kia được diễn ra trong phạm vi rộng lớn bao gồm cả tổng Thái Lạc. Thời gian tổ chức lễ hội không cố định theo chu kỳ mà chủ yếu phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội. Lễ hội Cầu mưa xã Lạc Hồng được tổ chức đến năm 1943 thì bị gián đoạn do chiến tranh và nhiều nguyên nhân khác, đến năm 2005, được khôi phục theo đúng trình tự, nghi thức xưa. Tuy nhiên, sau khi được khôi phục lễ hội diễn ra chủ yếu tại các ngôi chùa thờ Tứ Pháp thuộc địa bàn xã Lạc Hồng, trung tâm là chùa Thái Lạc (Pháp Vân tự). tổ chức từ ngày mồng 6 đến mồng 8 tháng 3 (Âm lịch) hằng năm. Trong lễ hội có tổ chức rước kiệu Tứ Pháp cùng các trò chơi dân gian.
Trước khi diễn ra lễ hội, các ngôi chùa thờ Tứ Pháp được nhà chùa và nhân dân trong làng dọn dẹp, trang hoàng lộng lẫy, các kiệu rước được sửa soạn, lắp ghép. Người dân lựa chọn giai kiệu là những chàng trai khỏe mạnh, gia đình không vướng bụi đi rước kiệu, giai kiệu cởi trần, đóng khố được đan từ sợi dây thừng, gắn vải, hoa cúc chì, cườm... (lựa chọn, phân công người tham gia vào các công việc như: cầm cờ, chấp sự, giai cờ, giai trống, giai chiêng...)
Sáng mùng 5, bốn ngôi chùa thờ Tứ Pháp trong xã Lạc Hồng làm lễ mở cửa chùa và lễ hạ bệ tượng. Sau đó làm lễ mộc dục và phong y để hôm sau tham gia rước hội: các sư trụ trì dùng nước, nước ngũ vị hương, lau bằng khăn sạch lên tượng các vị thần Tứ Pháp. Áo của các vị thần Tứ Pháp sau khi phong y được cắt thành các miếng nhỏ chia cho dân làng và du khách dự hội lấy khước. Buổi tối, các lão bà cùng sư trụ trì các chùa thờ Tứ Pháp tụng kinh, kể hạnh, cầu cho mưa thuận, gió hòa. Các đội rước kiệu, đội kèn trống tập dượt; chuẩn bị sân để đánh Trăng. Riêng thôn Hồng Thái phải dựng sẵn ba gian nhà lá trước cửa chùa Pháp Điện để rước 3 Bà đến ngự một đêm. Xưa kia, lễ mở cửa chùa được tiến hành liên tục trong 3 ngày, sau đó đóng cửa 3 ngày, làm 3 lần như vậy tổng cộng là 18 ngày. Nếu trời không mưa mới tiến hành làm lễ rước cầu mưa.
Chiều mùng 5, nhân dân tổ chức tế lễ tại chùa. Tham gia tế lễ là những đội tế nữ tại bốn ngôi chùa thờ Tứ Pháp trong xã.
Sáng mùng 6, tại chùa Nhạc Miếu, sau khi lễ Phật, đoàn rước khởi kiệu bắt đầu rước tượng bà Pháp Lôi xuống chùa Thái Lạc. Đi đầu đoàn rước là đội dẹp đường, tiếp đến là đội cờ, phường bát âm, bát bửu, hương án, người cầm cờ lệnh, kiệu bà Pháp Lôi. Đi hai bên hương án và kiệu bà Pháp Lôi là những người cầm tàn quạt và lọng che. Trong quá trình rước, có lúc kiệu bà Pháp Lôi phải chạy. Khi chạy thì kêu “Huế! Huế! Huế!” (tên dân gian của bà Pháp Lôi), khi cờ reo xướng thì giai kiệu hô.
Đoàn rước đến chùa Hồng Cầu, lúc này kiệu bà Pháp Vũ cũng đã chuẩn bị xong nhưng chưa ra khỏi chùa, kiệu bà Pháp Lôi phải lùi lại để chờ kiệu bà Pháp Vũ ra, sau đó hai bà làm lễ chào nhau (thường gọi là lễ hạ thủ). Nghi thức này được tiến hành qua ba lần chào nhau. Khi chào nhau các giai kiệu cùng nhau nhún chân. Tiếp đến, đoàn khởi kiệu rước hai bà xuống chùa Thái Lạc. Kiệu bà Pháp Vũ đi trước, kiệu bà Pháp Lôi đi sau. Thứ tự đoàn rước giống như đoàn rước bà Pháp Lôi. Trong khi rước mỗi khi có trống lệnh Cờ Reo xướng, giai kiệu lại hô. Các câu xướng của cờ reo thường liên quan đến việc cầu mưa. Kiệu hai bà đi qua đình Thái Lạc (cạnh chùa Thái Lạc) thì dừng lại làm lễ chào Thánh trước cổng đình.
Khi đoàn rước đến gần chùa Thái Lạc, kiệu Pháp Lôi chạy thẳng xuống cổng chùa Thái Lạc. Xưa kia, khi kiệu Pháp Lôi chạy xuống chùa Thái Lạc thường vượt qua tường vào trong chùa (tường chỉ là tượng trưng, được đắp bằng đất trước cửa chùa cao khoảng 1m phủ cỏ lên trên). Khi không thấy kiệu bà Pháp Vũ đâu thì lùi lại, chờ kiệu bà Pháp Vũ tới. Hai kiệu vào đến sân chùa, dân làng thôn Quang Trung cũng bắt đầu rước kiệu bà Pháp Vân ra cửa chùa. Ba bà làm lễ chào nhau, kiệu Pháp Vũ chào trước, kiệu Pháp Lôi chào sau, cuối cùng là kiệu bà Pháp Vân chào lại. Sau lễ chào, kiệu Pháp Vân lùi vào trong gian giữa chùa, kiệu Pháp Vũ ở gian phía Đông, kiệu Pháp Lôi ở gian bên Tây. Khi ba kiệu chuẩn bị yên vị, cờ reo lại xướng, giai kiệu hô.
Ba bà công đồng ngự yên vị tại chùa Pháp Vân một đêm. Khi ba bà ngự yên vị tại chùa Pháp Vân, cộng đồng làm lễ khai hội. Buổi chiều, các giai kiệu và người dự hội tập trung tại sân Ủy ban nhân dân xã tham dự trò đánh Trăng (Giăng). Xưa kia, địa điểm đánh Trăng diễn ra trên các bãi đất rộng, gần khu vực đoàn rước đi qua. Trò đánh Trăng kéo dài khoảng 1 tiếng rồi nghỉ, tham gia chủ yếu là các giai kiệu và thanh niên trai tráng trong toàn xã. Thông thường mỗi lần đánh có khoảng 50 - 60 người tham gia. Ngoài ra còn có đội cờ, đội trống đứng cổ vũ. Trên khu đất rộng, Tiểu cổ mặc áo dài đỏ, đầu đội khăn đỏ, tay cầm trống khẩu đi trước. Một giai kiệu khoẻ mạnh, có giọng âm vang đi theo sau, tay cầm một lá cờ đỏ để ra hiệu và reo. Khi có hiệu lệnh, các giai kiệu đóng khố xếp hàng vòng tròn lần lượt chạy theo Tiểu cổ và Cờ reo. Cả đoàn chạy theo vòng xoáy chôn ốc theo chiều kim đồng hồ, sau đó quay ngược trở ra với quan niệm đây là vòng xoay vũ trụ, sự vần vũ của mây, mưa, sấm, chớp. Cứ như vậy, đi đủ ba vòng thì kết thúc một lần đánh Trăng. Trong khi đánh Trăng, Cờ reo xướng, giai kiệu hô. Trò đánh Trăng thể hiện tín ngưỡng cầu nước, cầu mưa và tục thờ mặt trời của cư dân nông nghiệp, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.
Trong thời gian này, các cụ lão bà và nhân dân địa phương tụng kinh và lễ Phật tại các chùa thờ Tứ Pháp trên địa bàn xã.
Mùng 7, trước khi rước ba Bà (Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi) xuống chùa Pháp Điện, dân làng làm lễ rước rồng lấy nước tại giếng cổ ở thôn Bình Minh. Bệ rồng được làm bằng gỗ, trên là chín con rồng (hai con to và bảy con nhỏ làm bằng thạch cao sơn màu đen. Mặt bệ được ghép liền kích thước vuông, bốn chân bằng tre để tròn, rồng được bện bằng rơm, bên ngoài đắp bùn. Người tham gia lễ rước rồng tập trung tại chùa Thái Lạc từ sáng sớm, gồm: 4 giai kiệu rước rồng; 8 người vác gầu múc nước làm bằng bẹ mo cau già, có cán tre dài; 4 giai rước kiệu chóe nước; đội cờ, phường bát âm, chiêng trống,… Sau khi làm lễ tại chùa Thái Lạc, đoàn rước khởi hành rước rồng ra giếng cổ làm lễ lấy nước rước về chùa Thái Lạc. Đi đầu đoàn rước là rồng dẫn đường, phường bát âm, đội cờ, hương án, bệ rồng, đi hai bên là đội cầm gầu múc nước (chạ long vương), kiệu chóe nước, theo sau là dân làng. Đoàn rước tới giếng, nhà sư làm lễ xin nước, dùng gáo dừa sơn đỏ có cán gỗ để múc nước vào một chiếc chum sành, sau đó mới đổ vào trong chóe. Trong khi đó, bên ngoài tiếng trống, tiếng chiêng, hòa cùng với các bản tấu nhạc của phường bát âm tạo không khí âm vang. Bên trong các già tiếp tục đọc kinh, kể hạnh. Khi múc xong, những người cầm gầu lần lượt múc nước từ giếng vảy ra xung quanh, miệng hô “Mưa! Mưa! Mưa!”. Sau khi lấy nước xong đoàn rước lại tiếp tục theo cung đường cũ quay trở về chùa Thái Lạc. Số nước lấy tại giếng cổ được chia thành ba phần đặt lên ban thờ ba Bà: Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi. Khi mọi thủ tục hoàn tất, lễ rước ba Bà xuống chùa Pháp Điện mới được tiến hành.
Từ chùa Thái Lạc, thứ tự đoàn rước như sau: Đầu tiên là đoàn rước bà Pháp Vân với rồng dẫn đường, phường bát âm, đội cờ (gồm cờ Thần, cờ Phật, cờ Tổ quốc), đội cầm gầu múc nước, trống cái, trống khẩu, cờ reo, hương án, kiệu bà Pháp Vân. Đi hai bên hương án và kiệu bà Pháp Vân là những người cầm tàn, lọng, quạt vả. Phía sau là các cụ hai giới, cùng dân làng và du khách thập phương tham gia đám rước. Tiếp đến là đoàn rước kiệu bà Pháp Vũ và kiệu bà Pháp Lôi, thứ tự đoàn rước được sắp xếp giống như đoàn rước bà Pháp Vân. Trên đường đi gặp những chỗ có nước, những người cầm gầu múc nước vảy lên làm phép, miệng hô “Mưa, Mưa, Mưa”. Trong quá trình rước, dưới sự điều khiển của người cầm cờ lệnh, cờ reo xướng, giai kiệu hô.
Đoàn rước đến khu vực gần đường 5, kiệu bà Pháp Lôi chạy vượt qua tiến vào gần cổng chùa Pháp Điện, rồi lùi ra đứng chờ hai kiệu sau. Khi các kiệu đến đủ, chị em làm lễ chào nhau, các giai kiệu chạy và nhún chân. Kiệu bà Pháp Điện không ra khỏi chùa mà chỉ được rước bà ra cửa chùa chào rồi lùi lại (vì nhân dân nơi đây quan niệm rằng nếu bà Pháp Điện ra khỏi cổng Tam quan chùa, nhìn vào làng nào thì làng ấy sẽ có hoả hoạn). Ba chị đến thăm phải ngự ở ngoài chùa vọng vào tại ba gian nhà lợp lá, người dân thôn Hồng Thái đã dựng trước cửa chùa Pháp Điện để khi ba Bà đến ngự ở đó một đêm.
Buổi chiều tổ chức giao lưu thi đấu thể thao: cầu lông, bóng chuyền nam và nữ. Buổi tối, dân làng và các lão bà lại tập trung tại các ngôi chùa thờ Tứ Pháp trong xã cúng lễ, đọc kinh, kệ, kể hạnh. Sân chùa là nơi giao lưu, biểu diễn văn nghệ giữa các xóm trong làng, thu hút đông đảo nhân dân và du khách thập phương.
Sáng mùng 8, các nhà sư làm lễ, kiệu ba Bà Pháp Vân, Pháp Vũ và Pháp Lôi được rước vào cửa chùa Pháp Điện, bốn Bà làm lễ chào nhau trong tiếng xướng của cờ reo và tiếng hô của giai kiệu. Sau nghi thức chào nhau, kiệu ba Bà được rước hoàn cung. Đoàn rước về đến cửa chùa Thái Lạc, kiệu bà Pháp Vân được rước vào chùa Thái Lạc, hai kiệu bà Pháp Vũ và Pháp Lôi đứng ngoài cổng chùa, làm lễ chào bà Pháp Vân, rồi rước trở về các chùa hoàn cung. Nghi lễ chào nhau được thực hiện giống như tại cửa chùa Pháp Điện. Về gần đến chùa của mình, các kiệu phải quay lưng đi trước để khi vào chùa không phải quay mặt tượng. Khi các bà về hoàn cung, lúc đó hội cũng coi như kết thúc. Buổi chiều, các chùa làm lễ kê chân nhang và yên vị Tứ Pháp.
Lễ hội Cầu mưa cùng với tín ngưỡng thờ Tứ Pháp ở vùng châu thổ sông Hồng phản ánh quá trình du nhập, phát triển của Phật giáo vào Việt Nam và quá trình khai phá vùng đất này. Tín ngưỡng thờ Tứ Pháp từ vùng Luy Lâu, Bắc Ninh đã lan tỏa ra các vùng phụ cận, trong đó có Hưng Yên. Lễ hội Cầu mưa là một bằng chứng phản ánh sự dung hòa giữa việc thờ Phật, với việc tôn thờ các vị Thần bảo hộ các cộng đồng làng xã trong vùng (qua việc Tứ Pháp trên đường tuần nhiễu đã dừng lại tại cửa đình làng để bái vọng Thành hoàng làng của làng mà đoàn rước đi qua). Lễ hội cũng phần nào phản ánh tập quán sử dụng nước của cư dân trong sản xuất nông nghiệp, dẫn thủy nhập điền. Thông qua các nghi lễ, nghi thức và các trò diễn xướng trong lễ hội, con người muốn tái hiện lại lịch sử, xã hội, cội nguồn của tự nhiên và con người. Lễ hội Cầu mưa là nơi cố kết cộng đồng, là sợi dây gắn kết các cá nhân, gia đình, dòng họ, làng xóm; biểu dương những giá trị văn hóa và sức mạnh của cộng đồng, tạo nên tính cố kết bền chặt của cư dân địa phương. Lễ hội Cầu mưa nhằm khẳng định nguồn gốc cộng đồng làng xã và bản sắc văn hóa của người dân trong xã; tỏ lòng thành kính và ghi nhớ công lao che chở, phù hộ dân làng của các vị Thần được thờ; góp phần giáo dục truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”… Lễ hội cầu mưa góp phần cân bằng đời sống tâm linh, thỏa mãn nhu cầu tinh thần của cá nhân, cộng đồng; cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt; bảo lưu và trao truyền các giá trị văn hóa của cộng đồng từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Với giá trị tiêu biểu, Lễ hội cầu mưa được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tại Quyết định số 68/QĐ-BVHTTDL ngày 12/01/2022./.
Dương Anh (Theo Hồ sơ tư liệu, Cục Di sản văn hóa)