Lễ hội điện Trường Bà
Người Việt đến khai phá và tụ cư ở Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi và chọn thị trấn Trà Xuân làm nơi giao thương. Họ tiếp biến tín ngưỡng bản địa hình thành dạng thức địa phương của tín ngưỡng thờ Mẫu Việt Nam nên đã lập Điện Trường Bà với mục đích cầu mong “gặp may mắn trong buôn bán”.
Điện Trường Bà ở Trà Bồng ngoài việc thờ phụng thần chủ là Thánh mẫu Thiên Y A Na (thiên thần) còn thờ hai vị nhân thần xác thực trong lịch sử ở bàn thờ Tả ban là Bùi Tá Hán và Mai Đình Dõng. Bùi Tá Hán (1496 - 1568) là cận thần của Đại thần Nguyễn Kim, có công khôi phục triều đại Lê Trung Hưng, thu hút một lượng lớn dân từ miền Bắc vào định cư tại đây, khai hoang, lập làng với chủ trương sống hòa hợp giữa người Việt với người Chămpa, người Thượng, và giữa người Việt với nhau. Ông cho xây dựng hệ thống phòng thủ Trường Lũy nổi tiếng vắt từ Bắc Quảng Ngãi đến Nam Bình Định. Mai Đình Dõng có công dẹp loạn, lập lại an ninh trật tự và giúp dân an cư lạc nghiệp, cộng đồng người Việt, người Thượng sống hòa hiếu. Việc phối thờ hai vị nhân thần có công khai khẩn vùng đất này thể hiện sự trân trọng, biết ơn của nhân dân trong vùng đối với hai ông.
Điện Trường Bà Trà Bồng trở thành trung tâm tín ngưỡng, văn hoá tạo nên sự đoàn kết giữa người Việt với những cư dân bản địa như: Co, Hre, Ca dong. Quá trình người Việt mở mang bờ cõi về phương Nam đã diễn ra quá trình hòa đồng chủng tộc và văn hóa giữa người Chăm và người Việt qua hiện tượng thờ bà Thiên Y A Na, sự chuyển tiếp từ thờ nữ thần của người Chămpa thành phúc thần của người Việt.
Tại Trà Bồng (nay là Trà Bồng và Tây Trà) hiện còn lưu truyền câu chuyện về thánh Mẫu Thiên Y A Na đã giúp dân diệt ác thủ, khử yêu ma, khai sơn trị thủy. Từ đó, công cuộc khai hoang mới thành công và nhân dân các dân tộc vùng Thanh Bồng được sống an lạc, no đủ. Để tỏ lòng cảm tạ công đức của Bà, nhân dân đã lập đền thờ phụng.
Điều đặc biệt là sự xuất hiện của Thánh mẫu Thiên Y A Na - nữ thần Chămpa trên vùng đất Thanh Bồng lại không đối lập với nữ thần Mod Hwýt([1]) - một nữ thần được tôn kính trong “tín ngưỡng đa thần” của người Co bản địa bởi ở chỗ công đức, hành trạng của Thánh mẫu Thiên Y-A-Na/Mod Hwýt có những nét khá tương đồng. Do đó, ở đây đã có hiện tượng “nhập thần”([2]) được thể hiện qua cơ sở thờ tự Điện Trường Bà với tên gọi riêng về Bà là “Mop Trơn”. Vì thế, đồng bào Việt - Thượng ở vùng đất Trà Bồng xem Bà là vị chúa đất cai quản một vùng, họ dựng điện thờ Bà và vị tướng Bạch Hổ của Bà, những vị thần có công khai khẩn đất đai, bảo vệ sự bình yên cho các dân tộc ở miền sơn cước này.
Hằng năm, để tri ân các vị thần có công bảo vệ xóm làng, ngày 15 tháng Tư và 16 tháng Chín Âm lịch, dân làng mổ trâu, bò, lợn, gà… tổ chức lễ hội cúng Bà và vui chơi hai ba ngày đêm, đặc biệt là dịp tế xuân, diễn ra rất quy mô thu hút đông đảo nhân dân trong và ngoài tỉnh về tham dự. Lễ hội được duy trì với nhiều hình thức sinh hoạt tín ngưỡng, thể hiện bản sắc văn hóa của đồng bào Việt – Co đang sinh sống ở Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi.
Theo truyền thống trước đây, chủ làng là người thay mặt dân làng đứng ra tổ chức tế lễ thần linh và phân công việc cho các thành viên trong cộng đồng. Những năm gần đây, lễ hội Điện Trường Bà tổ chức quy mô lớn, trở thành lễ hội chung của cả vùng (gồm 10 xã, thị trấn trong huyện Trà Bồng và cả một khu vực miền Tây Quảng Ngãi). Lễ hội Điện Trường Bà là lễ hội của cộng đồng người Việt nhưng đã thu hút được đông đảo người dân các dân tộc như: Co, Hre, Chăm, Hoa và hàng nghìn du khách trong nước đến tham gia, hưởng ứng, tạo không khí lễ hội hết sức sôi nổi.
Để chuẩn bị lễ hội, khu vực xung quanh Điện Trường Bà được trang trí cờ hoa rực rỡ. Dân làng bầu ra Ban lễ tế khoảng 17 đến 21 người, gồm: 1 chủ tế, 5 phân hiến (đứng hầu tại các ban thờ), 1 tư nghi (người điều hành), 4 trò lễ (còn gọi là đội dâng đèn thực hiện các nghi thức dâng trà, dâng rượu), 4 học trò gươm (đội nghi thức cầm gươm), một số người phụ tế để dâng hương, rót rượu... Những người được chọn phải đạt những tiêu chuẩn sau:
Chủ tế là một già làng có uy tín, đức độ được nhân dân kính trọng. Trước đây, ông Cả làng là người đảm nhận, ngày nay, chủ tế do Ban khánh tiết chọn lựa. Thành phần còn lại của Ban lễ tế được chọn từ những người trong làng có phẩm chất tốt, trong năm không có tang hoặc vợ mang thai, là thanh thiếu niên trong xã, khỏe mạnh, có phẩm chất và tương đối đồng đều nhau về hình thể để tham gia thực hành các nghi thức tế lễ.
Trang phục của những người thực hiện lễ tế phải theo qui định truyền thống: chánh tế mặc áo dài xanh, quần trắng, đội khăn xếp đỏ; 4 người phụ tế mặc áo dài đen, quần trắng, đội khăn xếp đen; 8 học trò mặc quần trắng, áo xanh, thắt lưng đỏ, đội mũ cánh chuồn màu xanh.
Ngoài ra, Ban Tổ chức còn mời Đoàn hát Bộ (bội) ở tỉnh Bình Định, Đoàn lân sư rồng, Đoàn hát bả trạo, bài chòi ở các địa phương trong tỉnh về biểu diễn; thành lập các Đội múa Cà đáo, trình diễn cồng chiêng của người Co để tập luyện chuẩn bị các chương trình biểu diễn trong lễ hội. Có năm, Ban Tổ chức còn mời Đội văn nghệ người Co (huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam) tham gia trình diễn các tiết mục múa, cồng chiêng giao lưu, tạo nên sắc thái văn hóa độc đáo trong lễ hội Điện Trường Bà.
Đặc biệt, trong Lễ hội Điện Trường Bà còn có Lễ ăn trâu của người Co. Trước đó, Ban Tổ chức làm việc với già làng của người Co bàn việc tổ chức lễ theo nghi thức truyền thống của họ như: chuẩn bị các vật phẩm tế gồm gà, trâu, làm cột nêu. Cây nêu của người Co là một tác phẩm nghệ thuật điêu khắc, trang trí và tạo hình sống động; cột nêu làm bằng cây chò chỉ, trên tạo hình chim chèo bẻo (Sip plit), lá phướn, ngọn nêu (ra – vuyt), đan nài trâu, các dây tua, làm dàn cúng để cắm quanh cột nêu... và trang trí bộ gu. Cây nêu là nơi buộc con trâu, cũng là nơi ngự trị của thần linh và tổ tiên khi làm lễ ăn trâu. Cả vũ trụ được tái hiện trong 3 tầng của cây nêu: tầng thấp nhất khắc họa những hình ảnh của con người, sông núi, chim muông; tầng giữa thờ các vị thần và tầng trên cùng là nơi ngự trị của thần mặt trời. Vì vậy, cây nêu được xem như biểu tượng văn hóa trong lễ hội người người Co, là sợi dây tâm linh để nối con người với thần linh, ông bà, tổ tiên, để họ chứng kiến cuộc sống hằng ngày và phù hộ cho dân làng được bình an, không bị ốm đau, bệnh tật, mùa màng tươi tốt, cuộc sống no đủ.
Lễ hội Điện Trường Bà được tổ chức từ ngày 15 – 16 tháng Tư Âm lịch với nhiều lễ thức diễn ra bên trong và ngoài sân Điện như: lễ rước sắc, lễ mộc dục, lễ ngoại đàn, lễ tế chính trong điện, lễ rước Bà, lễ hoa đăng, lễ ăn trâu, lễ dâng hương tưởng niệm các danh nhân, tiền hiền và Thánh mẫu Thiên Y A Na.
- Lễ rước sắc: Thánh Mẫu Thiên Y A Na được vua triều Nguyễn phong sắc thần để nhân dân các làng xã phụng thờ. Sắc phong do ông thủ sắc coi giữ tại nhà. Trước khi tiến hành lễ hội phải rước sắc thần từ nhà thủ sắc trong làng về Điện để Bà chứng giám và dự hội cùng với dân làng. Ngày nay, việc rước sắc chỉ thực hiện mang tính nghi lễ tượng trưng.
- Lễ hoa đăng: lễ thả đèn ở bến sông, được tổ chức tối 15 tháng Tư để cầu mong cho các vong hồn được siêu thoát và cuộc sống dân làng được bình an.
- Lễ mộc dục (lễ tắm Bà): được thực hiện sau lễ rước sắc. Lễ tắm được thực hiện vào khoảng 22 giờ 15 tháng Tư. Nước được lấy vào lúc 12 giờ đêm hôm trước ở giếng khơi giữa đồng (người dân quan niệm thời điểm đó nguồn nước mới được tinh khiết), đổ vào chậu, cho thêm hoa sen và vỏ quế tạo hương thơm. Trước khi làm lễ tắm, ông Chánh tế phải làm lễ cáo yết và xin keo để xin phép Bà được thực hiện lễ Mộc dục, nếu Bà đồng ý thì nghi lễ sẽ tiến hành. Ông Chánh tế, phụ tế, các học trò gia lễ và bốn người phụ nữ lớn tuổi được lựa chọn tắm cho Bà. Hoàn thành nghi thức, ông Chánh tế và học trò làm lễ thỉnh Bà lên ngai thờ. Sau đó, những người tham gia lễ vào vái Bà. Tiếp đến, dân làng vào xin xăm hay còn gọi là xin lộc Bà, xin nước dùng tắm Bà để uống, xoa lên người để cầu may mắn bình an, xua tan bệnh tật.
- Lễ tế ngoại đàn: thực hiện sau lễ mộc dục, ở bên ngoài sân chánh điện, vào khoảng 2 giờ sáng 16 tháng Tư. Đây là lễ tế thổ thần, sơn thần, thủy thần, thần hoàng bổn xứ và thần Tiêu Diện, thể hiện lòng thành của nhân dân đối với các vị thần và cầu mong được thần linh che chở cho xóm làng bình an. Ngoài ra còn tế các âm binh, âm hồn lang thang, không nơi nương tựa.
- Lễ tế chính: thường được gọi là tế xuân, diễn ra vào sáng 16 tháng Tư tại chánh điện, tế Thánh Mẫu Thiên Y A Na, Quan Thánh, Quang Bình, Chu Xương, Bùi Tá Hán, Mai Đình Dũng, Bạch Hổ sơn thần và thần Thổ địa. Ban lễ tế gồm có: 1 chánh tế, 1 bồi tế, 4 phân hiến, 1 tư nghi, 1 tư văn, 4 học trò lễ, 4 học trò gươm, đội nhạc bát âm cùng một số người phụ tế khác. Mỗi phân hiến phụ tế tại các ban thờ Tả ban, Hữu ban, Bạch Hổ và thần Thổ địa. 4 học trò cùng với ông chánh tế thực hiện nghi thức tế Bà tại gian chính điện, còn 4 học trò tế tại Tả ban và Hữu ban, các ban thờ còn lại chỉ có người đứng hầu. Nghi lễ tế trong chánh điện được thực hiện ba bước: sơ hiến lễ, á hiến lễ và chung hiến lễ. Ban tế lễ đứng trước chánh điện, hai bên là những người tham gia cùng đông đảo nhân dân trong trong và ngoài tỉnh dự lễ tế.
Nghi lễ kết thúc, sân điện có trình diễn võ cổ truyền, chèo bả trạo và múa lân sư rồng.
- Lễ tế tại dinh Bạch hổ sơn thần: tương truyền, thần Bạch hổ là bộ tướng của nữ thần Thiên Y A Na, có công dẹp loạn, giết thú dữ. Dinh Bạch hổ nằm cách Điện Trường Bà chừng 1.500m. Thông thường, sau khi kết thúc lễ tế trong chánh Điện Trường Bà, Ban Khánh tiết phân công người (chủ tế, bồi tế và học trò gia lễ, từ 5 – 7 người) mang lễ vật (đầu heo, hoặc nọng heo, các vật phẩm...) đến tế tại dinh Bạch hổ.
- Lễ rước Bà xem hội: được thực hiện vào tối 16 tháng Tư. Ban lễ rước thỉnh ảnh Bà từ chánh điện ra cổng đền để Bà xem hội. Bà ngự ở đó dự hội đến khi hội kết thúc, ban tế lễ làm lễ thỉnh Bà về an vị trong điện.
- Lễ ăn trâu của người Co: tổ chức sáng 16 tháng Tư cách Điện Trường Bà chừng 100m, thể hiện sự thành kính của người Co đối với Thánh Mẫu - người ngự trị ở vùng đất họ đang sinh sống, đã che chở, phù hộ cho họ trước thiên tai và rủi ro trong cuộc sống. Trước khi làm lễ, người Co dựng cây nêu và xin các vị thần linh (thần đất) được phép giết trâu cúng Bà. Khi tiến hành nghi lễ, già làng cùng những người có uy tín trong làng người Co đi từ chỗ đặt cây nêu vào chính điện Trường Bà, vái lạy để xin phép tiến hành nghi lễ ăn trâu cúng Bà. Sau đó, đoàn quay về chỗ cây nêu, già làng cùng các thầy cúng tiến hành vái lạy trời đất, xin các vị thần núi, sông, suối… để được làm Lễ ăn trâu. Hoàn thành các nghi thức, trâu được mổ và chọn những phần ngon nhất (đặc biệt là lòng và gan) để dâng cúng và báo với Bà là nghi thức lễ ăn trâu đã thực hành xong. Phần còn lại của con trâu được người dân chế biến thành nhiều món ăn khác nhau để phân chia cho người tham dự sau khi lễ tế chính điện kết thúc.
Chiều 16 tháng Tư còn có các trò diễn dân gian như: múa lân, hát bội Bình Định, múa cà đáo (điệu múa phục vụ thần linh và khoe vẻ đẹp, động tác múa điêu luyện của người phụ nữ) và đánh cồng chiêng của người Co…
Lễ hội Điện Trường Bà nhằm tri ân công đức của Thánh Mẫu Thiên Y A Na trong việc diệt ác thú, trừ yêu ma, khai sơn trị thủy và giúp dân làm ăn; 2 nhân vật lịch sử Bùi Tá Hán và Mai Đình Dõng, người có công bảo vệ yên bình vùng đất mới, xây dựng tình đoàn kết hữu hảo giữa hai dân tộc anh em Việt – Co. Lễ hội phản ánh lịch sử hình thành cộng đồng cư dân ở miền Tây Quảng Ngãi nói riêng và trong tỉnh Quảng Ngãi nói chung; thể hiện sự hòa hợp, đoàn kết giữa các tộc người cùng sinh sống trên mảnh đất Trà Bồng. Lễ hội còn thể hiện sự giao lưu văn hóa Việt – Chămpa – Co, tiếp nhận sự tương đồng trong tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt, thờ Thiên Y A Na, Ngung Man nương của người Chămpa và thờ Mẹ lúa cùng với tư duy tín ngưỡng vạn vật hữu linh của người Co. Lễ hội đáp ứng nhu cầu tinh thần của đồng bào dân tộc Việt và Co ở thị trấn Trà Xuân, tính cố kết cộng đồng thêm gắn bó, tinh thần đoàn kết giữa các tộc người đang sinh sống trên mảnh đất Trà Bồng càng thêm bền chặt.
Với giá trị tiêu biểu, Lễ hội Điện Trường Bà được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 1852/QĐ-BVHTTDL ngày 08/5/2017.
([1]) Cao Chư (2009), Văn hóa cổ truyền dân tộc Cor – Tổng thể và những giá trị đặc trưng, Nxb Đà Nẵng, tr.34-36.
([2]) Cao Chư (2009), Văn hóa cổ truyền dân tộc Cor – Tổng thể và những giá trị đặc trưng, Nxb Đà Nẵng, tr.34-36.