Ngày 21 tháng 11 năm 2024
Liên kết website

Lễ hội Gầu Tào của người Mông ở Lào Cai

Lễ hội Gầu Tào là lễ hội truyền thống của người Mông và được cộng đồng dân tộc Mông thuộc các huyện Mường Khương, Bắc Hà, Si Ma Cai và thị trấn Phong Hải, tỉnh Lào Cai gìn giữ từ xưa đến nay. Thông thường, khi một gia đình người Mông không có con, ít con hoặc sinh con một bề hay có người ốm đau hoặc làm ăn không tốt…, họ sẽ lên đồi Gầu Tào khấn xin thần linh ban cho con cái, cầu xin sức khỏe hay làm ăn thuận lợi. Khi lời cầu khấn trở thành hiện thực, họ làm lễ Gầu Tào để tạ ơn thần linh.

Theo tiếng Mông, Gầu Tào có nghĩa là “địa điểm chơi”. Theo tập quán, lễ hội Gầu Tào thường do ba gia đình có quan hệ huyết thống hoặc thông gia với nhau và có hoàn cảnh như nêu trên cùng tổ chức. Lễ hội được tiến hành vào mùa xuân trong ba năm liền - mỗi năm người ta trồng một cây nêu để ba gia chủ sẽ lần lượt lấy cây nêu và những vật treo trên cây về để lấy phúc, lấy lộc. Địa điểm làm lễ Gầu Tào được gọi là Hấu Tào (Đồi Hội), là một quả đồi thấp, đỉnh bằng phẳng tạo nên một bãi rộng và được bao quanh bởi những ngọn đồi cao hơn, phía trước có một không gian trũng, hẹp. Đồi Gầu Tào phải quay theo hướng Đông để cây nêu khi dựng lên đón được ánh nắng mặt trời. Người Mông quan niệm, quả đồi Gầu Tào tượng trưng cho phúc mệnh của gia chủ. Không gian trũng phía trước tượng trưng cho sự đứt gãy, không may mắn; những ngọn đồi phía sau cao hơn tượng trưng cho sự phát triển: con cái hơn cha mẹ, tài lộc ngày càng nhiều.

Để tổ chức lễ Gầu Tào, gia chủ phải mời chủ lễ (Trứ Tào) giúp chủ trì lễ hội và một người phụ nữ giúp việc (Nẹ Tào), đều phải là những người có gia cảnh yên ấm, hạnh phúc, kinh tế khá giả; cùng với hai thanh niên, nam nữ, giúp chủ lễ là Tú Tào và Sảy Tào.

Lễ hội tổ chức vào tháng Giêng hàng năm, nhưng việc chuẩn bị được tiến hành từ cuối tháng Chạp, với hai nghi lễ là chặt tre và dựng nêu. Ngày chặt tre để dựng nêu, chủ nhà bày mâm lễ để chủ lễ và những người giúp việc tiến hành nghi thức cúng. Gia chủ mời chủ lễ uống rượu và sau hai ly rượu, chủ lễ bắt đầu hát bài “sây giể” (xem bói) về lý do làm lễ Gầu Tào. Sau đó, chủ lễ xòe ô, hát bài “sáy dìn sê” (đi tìm cây nêu) và dẫn đoàn người đến chỗ cây tre đã chọn, để chặt tre. Cây tre làm nêu phải thẳng, đều dóng, cao từ 9 - 12m, không sâu bệnh, không cụt ngọn, không ra hoa, ngọn cây hướng về phía mặt trời mọc. Nghi lễ chặt tre diễn ra ngay tại gốc tre, người chủ lễ làm lễ và cầm ô che, vừa hát bài “chía dìn sê” (chặt cây nêu) vừa đi quanh gốc tre, sau mỗi vòng lại chặt một nhát. Hết bài hát, người ta chặt tiếp để sao cho tre được đổ về phía mặt trời mọc và có người đỡ lên vai để tre không chạm đất. Sau đó, thân tre được tỉa nhẵn, còn ngọn tre để nguyên cành lá để tượng trưng cho “bờm rồng” hay sự linh thiêng. Chủ lễ che ô cho cây, hát bài “cứ dìn sê” (vác cây nêu) để mọi người vác ra bãi hội, gốc hướng phía trước, ngọn phía sau, không chạm đất và không nghỉ giữa đường. Đến bãi hội, người ta đào lỗ cắm cây tre, lúc này được gọi là cây nêu và không trùng với lỗ của các năm trước. Chủ lễ buộc lên ngọn nêu hai dải vải lanh màu đen (sự tập hợp lực lượng) và màu đỏ (mời tổ tiên về dự hội), một bầu rượu, ba bông lúa nếp (tượng trưng cho tài lộc) và một túm cây “sưi” (họ dương xỉ, tượng trưng cho sự sinh sôi) rồi mọi người cùng nhau dựng nêu, quay ngọn về hướng mặt trời mọc.

Lễ cúng bên cây nêu được diễn ra ngay buổi sáng hôm đó với lễ vật là gà, rượu và cơm. Chủ lễ thắp hương, đốt tiền mã, rồi đi ngược chiều kim đồng hồ quanh cây nêu, hát bài “Tịnh chay” (hẹn ngày) cúng báo thần linh biết việc gia đình dựng nêu tổ chức lễ tạ ơn (như đã hứa), rồi mọi người hưởng lộc ngay dưới chân cây nêu.

Khi thấy cây nêu cao giữa bãi đồi Hầu Tào, mọi người trong vùng biết năm ấy có hội Gầu Tào. Không khí hội hè nhộn nhịp, mọi người thông tin cho nhau ở chợ, ở trên đường, trong xóm… về lễ Gầu Tào và tập luyện để chơi hội Gầu Tào. Người thạo múa khèn sẽ luyện lại các bài khèn, giọng khèn, động tác múa khèn và chỉ bảo cho con cháu cùng luyện tập. Người thông thạo các bài võ với các binh khí cổ truyền thì luyện lại các miếng võ, bài quyền để “khoe tài” trước thiên hạ. Thường thì các võ sư này chỉ truyền dạy cho con trai trưởng của mình, nên các môn võ cổ truyền trong ngày hội Gầu Tào ngày càng ít người biết và thực hiện. Ngày hội này cũng là dịp để nam nữ chuẩn bị quần áo đẹp, vui chơi cùng chúng bạn, gặp gỡ người yêu… để bộc bạch tình cảm qua những bài hát mà thường ngày họ không thể thổ lộ.

Ngày chính hội được tổ chức từ mùng 2 đến mùng 4 Tết, tuỳ theo tuổi của gia chủ hợp với ngày nào. Chủ lễ và người giúp việc treo đồ lễ lên cây nêu, đặt tiền mã dưới gốc và quỳ xuống khấn, vái cây nêu. Sau nghi lễ cúng bên cây nêu, chủ lễ tuyên bố mở đám hội. Nghi thức hát mở màn lễ hội được thực hiện bởi một người thạo hát nhưng phải có gia đình khỏe mạnh, kinh tế khá giả. Sau đó, mọi người dự hội đều có thể vào hát, trình diễn và thưởng thức các trò chơi, múa khèn, múa võ, múa gậy sinh tiền, hát hội Chù Gầu Tào… và đều được chủ lễ mời rượu. Cuộc vui kéo dài đến tối với các cuộc hát đối chủ - khách, nam - nữ. Khách phương xa có thể ngủ lại tại nhà của gia chủ để những ngày sau tiếp tục cuộc vui.

Lễ hội Gầu Tào kéo dài trong ba ngày. Chiều ngày thứ ba, chủ lễ tuyên bố lễ hạ cây nêu, rồi cầm ô dẫn đoàn người đi ngược chiều kim đồng hồ xung quanh cây, hát bài “khâu dìn sê” (hạ cây nêu). Cũng như nghi thức lúc chặt tre, khi hạ nêu, người ta phải cho cây ngả xuống theo hướng mặt trời mọc, thân cây không chạm đất, rồi vác cây nêu về nhà gia chủ. Gần tới nơi, người ta cắt một đoạn gốc nêu dài khoảng 1m, tẽ hạt của ba bông lúa nếp và bỏ tiền vào mẹt thóc. Gia chủ đóng cửa chờ sẵn, hát đối đáp nhận cây nêu với chủ lễ, rồi mở cửa đón nhận cây nêu. Cây nêu được vác vào nhà theo hướng gốc vào trước. Chủ lễ trao cho gia chủ dải vải lanh và đoạn gốc của cây nêu: gốc cây dùng để “lát” giường ngủ, dải vải lanh dùng để may quần áo cho đứa trẻ sinh được ra nhờ cầu xin trên đồi Gầu Tào hoặc cho người khỏi bệnh nhờ khấn Gầu Tào.

Lễ hội Gầu Tào là lễ hội lớn nhất và có quy mô cộng đồng duy nhất, gắn với đời sống tâm linh, tinh thần của cộng đồng người Mông. Tuy nhiên, lễ hội Gầu Tào của người Mông nói chung, ở Lào Cai nói riêng, đang dần mai một, vì các nghệ nhân đều đã cao tuổi mà họ chỉ truyền dạy cho con trai trưởng nên đã hạn chế việc trao truyền cho thế hệ kế tiếp. Hơn nữa, thế hệ trẻ ngày càng không mặn mà với việc tham gia các nghi lễ cũng như các hoạt động trình diễn truyền thống trong lễ hội.

Để khẳng định giá trị về mặt lịch sử, văn hóa, khoa học cũng như sự cần thiết bảo vệ và phát huy di sản này, Lễ hội Gầu Tào của người Mông ở Lào Cai đã được Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia (đợt 1, tháng 12 năm 2012), loại hình Lễ hội truyền thống.

(Theo Hồ sơ di sản, tư liệu Cục Di sản văn hóa)

Liên kết website