Lễ hội Kỳ yên đình Tân An
Đình Tân An (còn gọi là đình Bến Thế), nằm bên sông Sài Gòn thuộc khu phố 1, phường Tân An, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Đình Tân An ra đời cùng với quá trình khai hoang mở đất lập làng của lưu dân người Việt trên vùng đất này vào đầu thế kỷ XIX. Ban đầu là ngôi miếu với tên gọi Tương An miếu, nơi thờ tự của 4 xã thuộc huyện Bình An xưa, gồm: Tương Hiệp, Tương An, Tương Hòa và Cầu Định. Sau đó, các xã Tương Hiệp, Tương Bình, Cầu Định lần lượt xây dựng đình thần riêng, Tương An miếu trở thành ngôi đình riêng của xã Tương An (nay là phường Tân An). Đình Tân An thờ Quận công Nguyễn Văn Thành. Giống như các đình làng khác ở Nam Bộ, lễ hội Kỳ yên đình Tân An diễn ra hàng năm để tưởng nhớ các bậc tiền bối đã có công khai phá lập nên xóm làng, những vị có công với đất nước trong việc mở mang bờ cõi và cầu cho “quốc thái dân an”, “mưa thuận gió hòa”.
Đình Tân An tổ chức lễ Kỳ yên hàng năm vào tháng Mười Một Âm lịch. Vào các năm Sửu, Dần, Thìn, Tỵ, Mùi, Thân, Tuất, Hợi, đình Tân An tổ chức lễ qui mô nhỏ (1 ngày), cứ 3 năm đáo lệ, các năm Tý, Mão, Ngọ, Dậu, tổ chức quy mô lớn (3 ngày, từ ngày 14 - 16 tháng Mười Một), có đoàn hát Bội biểu diễn. Về cơ bản, nghi thức cúng tế trong lễ Kỳ yên thường niên chỉ làm lễ Thỉnh sắc, Cúng thần an vị, tế Hậu Bối - Chiến sĩ và Đưa sắc; không làm lễ Thỉnh sanh, Túc yết, Đàn cả, Xây chầu, Đại bội, Tôn vương và diễn tuồng hát Bội như các năm đáo lệ, nên thời gian tổ chức ngắn hơn. Ngày 14, Ban quý tế làm lễ Thỉnh sắc. Sắc phong ngày thường cất giữ tại nhà cổ của ông Nguyễn Tri Quan (thuộc dòng dõi Tiền Hiền). Đến lễ hội Kỳ yên, Sắc phong được rước về đình an vị bằng các nghi lễ: dâng hương, rượu do Ban quý tế thực hiện cùng đội Học trò lễ rất trang nghiêm. Trước khi về đình, Sắc phong được rước đi một vòng quanh khu dân cư, với mục đích cho Thần chứng kiến cuộc sống của dân làng. Khi đoàn rước sắc về tới đình, trong đình nổi 3 hồi mõ, trống, chiêng và tất cả các đèn được thắp sáng để nghinh Thần. Tiếp sau là lễ Cúng an vị. Lễ vật gồm có một con heo đã mổ thịt, làm sạch, để nguyên con đặt ở ván son trước bàn thờ Thần. Các bàn thờ trong chánh tẩm (Tiền Hiền, Hậu Hiền, Tả Ban, Hữu Ban) được kiếng/cúng một tợ thịt nọng, các bàn thờ còn lại trong đình kiếng/cúng một bẹ sườn hoặc một tợ thịt. Nghi lễ diễn ra trước bàn thờ Thần, 08 vị Học trò lễ chia thành hai hàng đứng hai bên chiếu tế, tay cầm một cây nến và quan sát chánh tế, bồi tế thực hiện nghi lễ. Ngay sau lễ Cúng an vị là nghi lễ Rước Tổ hát Bội vào đình. Vì hát Bội biểu diễn trong lễ hội Kỳ yên mang ý nghĩa là cúng Thần nên phải xin phép Thần. Sau khi thực hiện xong nghi lễ xin phép Thần, đoàn hát mới được vào đình. Đoàn hát bày sẵn bàn thờ Tổ bên ngoài đình, vị Chánh bái bưng một khay lễ vật gồm trầu, rượu, nhang, đèn, tiền lễ đến bàn thờ Tổ, trao cho Trưởng Đoàn hát Bội đặt lễ vật lên bàn thờ. Trưởng đoàn thắp hương trao cho Chánh bái cắm vào bát hương bàn thờ Tổ. Sau đó, Ban quý tế đình khiêng bàn thờ Tổ hát Bội vào đình. Lúc này đoàn hát mới mang đạo cụ vào khu vực được bố trí, trang trí sân khấu, ổn định chỗ nghỉ và sinh hoạt trong các ngày biểu diễn tại đình. Buổi chiều, Ban quý tế làm lễ Thỉnh sanh (hay Tỉnh sanh) để xin phép Thần cho dân làng yết vật tế cúng Thần trong nghi Túc yết. Vật tế là một con lợn (heo) đực còn sống, tuyền sắc, mập mạp, khỏe mạnh, không dị tật – người dân địa phương gọi là “Con sanh”. Ban quý tế chuẩn bị một con dao, ba tờ vàng bạc đại, hương, đăng, trà, rượu để làm lễ. Heo tế được tắm rửa thật sạch, cột chặt bốn chân vào một đòn khiêng tay, đặt nằm ở trước sân đình chờ hành lễ. Đến giờ làm lễ, heo tế được hai người đàn ông khỏe mạnh khiêng ra trước hương án Hội đồng ngoại, đầu hướng vào chánh điện. Sau đó, Học trò lễ xướng lễ để Ban nghi lễ thực hiện lễ tế. Chánh tế kiểm tra lễ vật, hóa ba tờ vàng bạc đại huơ lên cổ heo tế, dùng rượu rửa sạch chỗ nọng heo, rồi lấy dao miết lên đó một đường tượng trưng. Tể giả đưa heo đi yết, Chánh tế dâng trà lên bàn thờ Thần, kết thúc nghi lễ Thỉnh sanh. Thời xưa, đình Tân An yết heo tại sân đình nhưng hiện nay heo tế được đưa đến lò mổ hoặc đến nhà Tể giả để yết. Mặc dù vậy, nghi thức lấy mao huyết vẫn được người dân thực hành đầy đủ. Buổi tối là Lễ Túc yết với ý nghĩa mời Thần về dự lễ (nghinh Thần cúc cung bái). Lễ vật trong nghi Túc yết là con heo được làm trong lễ Tỉnh sanh, trên lưng cắm một con dao, sáu chung mao, huyết đặt trên bàn thờ Thần, cùng với hương, đăng, trà, quả bày sẵn trước đó. Thực hiện lễ Túc yết gồm có: Chánh tế, Bồi tế, Đông hiến, Tây hiến, Học trò lễ (16 người), Đào thài (06 người của đoàn hát bội), các thị lập cùng với các thành viên trong Ban quý tế phụ bàn hương. Trong quá trình thực hiện nghi thức, các Đào thài đứng hoặc đi sau các vị Học trò lễ để hát tán chúc tụng. Các Đào thài chỉ tham gia trong lễ Túc yết và lễ Đàn cả, hát các bài thài iống nhau, gồm: Tuần hương, Tuần sơ, Tuần á, Tuần chung, Ẩm phước (lễ Đàn cả), Thọ tợ (lễ Đàn cả), Tuần trà và Phần chúc với nội dung dâng lễ vật lên Thần, cầu chúc Thần “Thánh thọ vô cương”, tạ ơn Thần đã ban phước trước nay và mong Thần tiếp tục ban nhiều phước lộc cho bá tánh, nhân dân, cầu no đủ. Sau khi thực hiện xong lễ Túc yết, heo tế được đưa xuống nhà bếp, phân ra thành nhiều tợ thịt và luộc chín tiếp tục đưa lên các bàn: bàn thờ Thần đặt bộ thủ vĩ (đầu, đuôi, móng, lòng, thịt), các bàn thờ khác kiếng/cúng mỗi nơi một tợ thịt, một bẹ sườn và một ít lòng luộc. Nước luộc heo dùng nấu cháo phục vụ bà con dân làng và những người túc trực tại đình. Sau lễ Túc yết là lễ Xây chầu. Trống chầu sơn màu đỏ, mặt trống vẽ hình tròn âm dương được đặt theo hướng đại lợi (thường là hướng Đông), mặt trống được che kín bằng vải đỏ. Đứng lễ Xây chầu phải là người cao niên trong làng có cuộc sống mẫu mực và con cháu đề huề. Lễ Xây chầu ở đình Tân An thuộc loại Xây chầu văn, về cơ bản chia làm 2 phần: Thỉnh chầu và Xây chầu. Nghi thức Thỉnh chầu thực hiện trước hương án Hội đồng ngoại, tại gian võ ca của đình. Sau khi xướng quan hô to “Chấp sự viên nhập tịch”, Chấp sự viên nhận roi chầu đến gian võ ca lấy vải che mặt trống ra, dùng khăn sạch lau mặt trống sau đó quấn khăn vào roi chầu. Chấp sự viên dùng roi chầu vẽ bùa chú lên mặt trống “tứ tung ngũ hoành” (bốn đường dọc, năm đường ngang tượng trưng thiên địa tạo hóa); sau đó lùi lại ba bước, viết lên mặt đất hai chữ “sát quỷ”, rồi tiến tới đạp lên hai chữ này để trấn áp ma quỷ. Chấp sự viên dùng hai tay cầm trống chầu và vải che trống chầu lên bái, đọc Thơ phù, Phản nhất trịch, Kích tam thinh, xen lẫn là những hồi trống sau từng đoạn. Sau hồi trống cuối, Chấp sự viên trao dùi trống lại cho người cầm chầu, đánh tiếp ba hồi trống báo hiệu cho đoàn hát Bội thực hiện nghi thức Đại bội. Từ nghi thức này, dân gian có câu “đuôi xây chầu, đầu đại bội”. Lễ Đại bội do đoàn hát Bội đảm nhiệm. Nếu như lễ Xây chầu có ý nghĩa khai thông thái cực, thì lễ Đại bội trình diễn lại quá trình dịch lý từ Thái cực sinh Lưỡng nghi, Lưỡng nghi sinh Tứ tượng, Tứ tượng sinh Bát quái, Bát quái sinh Ngũ hành, Ngũ hành tác động qua lại sinh ra vạn vật. Lễ Đại bội về cơ bản chia làm 6 phần: Khai thiên tịch địa, Xang nhật nguyệt, Tam tài, Tứ thiên vương, Đứng cái và Gia quan Tấn tước. Sau gần ba tiếng thực hiện, Lễ Đại bội kết thúc ngày thứ nhất của Đại Lễ hội Kỳ yên. Hát Bội trong cúng đình không đơn thuần là trò diễn văn nghệ giúp vui cho bà con, cái chính là để thực hiện nghi lễ dâng Thần. Vì vậy, hát Bội (nhất là trong lễ Đại bội, Tôn vương) phải tuân thủ một cách nghiêm ngặt những quy phạm mang tính chính thống. Các đào kép biểu diễn phải nghiêm túc, thành kính và thực hiện dưới sự giám sát của người cầm chầu. Việc cầm chầu hát ở đình rất quan trọng, dân gian cho rằng, đó là người đại diện cho Thần, cho dân làng để phê phán, khen chê người hát Bội thông qua tiếng trống chầu. Vì vậy, người cầm chầu đòi hỏi phải am hiểu nội dung, bài bản, hình thức cầm chầu và phải công tâm để đánh trống khen, chê đúng người, đúng việc, không buồn lòng người diễn và thỏa lòng thưởng thức của người dân. Sáng 15 là nghi lễ tế Hậu bối (3 hương án thờ Tiền vãng Viên Quan, Tiền vãng Hương chức, Tiền vãng dịch mục) và Chiến sĩ (hương án thờ liệt sĩ và miếu thờ chiến sĩ). Trong buổi sáng, đoàn hát Bội tiếp tục biểu diễn phục vụ cộng đồng. Buổi tối, Ban quý tế đình làm lễ Đàn cả (còn gọi là Cúng Chánh, Đoàn Cả, Đại đoàn) với ý nghĩa tạ ơn Thần đã phù hộ cho dân làng được bình an, khang thái, mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi. Nghi thức lễ Đàn cả về cơ bản giống nghi Túc yết, chỉ thay đổi lời xướng từ “nghinh Thần cúc cung bái” thành “tạ Thần cúc cung bái” và thêm phần ẩm phước, thọ tợ tức là Ban quý tế đại diện dân làng hưởng lộc của Thần. Sau lễ Đàn cả, Đoàn hát Bội biểu diễn thêm một suất tuồng nữa kết thúc ngày thứ 2 của Lễ hội Kỳ yên. Sáng 16, Đoàn hát Bội tiếp tục diễn suất tuồng cuối, trong đó có lễ Tôn vương. Đình Tân An thường chọn vở San Hậu (hồi thứ 3) để diễn và làm lễ tôn vương, bởi nội dung của vở tuồng này xây dựng theo công thức “Vua băng – Nịnh tiếm – Bà thứ lên chùa – Chém nịnh – Định đô – Tôn vương – Tức vị”. Sau cảnh “định đô”, Hoàng từ sẽ dâng ấn, kiếm lên bàn thờ Thần, gọi là Tôn vương. Ban quý tế và Học trò lễ sắp thành 2 hàng dài dọc từ võ ca lên chánh điện, mỗi người cầm 1 cây nến đã thắp sáng để nghinh ấn, kiếm của Thần. Một thành viên Ban quý tế cầm lọng che ấn kiếm được Hoàng tử trịnh trọng bưng trên tay trao cho vị trưởng lão dâng lên hương án thờ Thần, một kép hát hô lớn “phản tiền vi hậu”, tất cả các đào kép quay mặt đi nơi khác, không được nhìn vào chánh tẩm. Sau khi vị trưởng lão dâng ấn kiếm lên án tiền, tiếp tục hô “Phản hậu vi tiền”, mọi người quay lại nhìn lên bàn thờ và cùng tung hô “Tôn vương tức vị, nối dõi Tiên hoàng, chúc thọ tỷ nam san, đồng tung hô vạn tuế, vạn tuế, vạn vạn tuế”. Bên ngoài, dân làng yên lặng thành kính trong lễ tôn vương. Sau lễ Tôn vương các đào kép trở lại sân khấu để diễn tiếp cảnh “tức vị” – tức là Hoàng tử lên ngôi Hoàng đế và kết thúc suất hát cuối cùng trong lễ hội Kỳ yên. Chiều 16, dân làng làm lễ đưa sắc về nơi cất giữ tại nhà cổ Nguyễn Tri Quan – gọi là lễ Đưa sắc. Về cơ bản, nghi thức cúng tế, đội hình đoàn đưa sắc cũng giống trong lễ Thỉnh sắc, nhưng số lượng người tham gia thường ít hơn. Lễ hội Kỳ yên đình Tân An là minh chứng lịch sử về quá trình mở cõi về phương Nam, khai hoang lập ấp của cư dân địa phương. Bên cạnh đó, Lễ hội thể hiện văn hóa đặc trưng của cư dân gốc nông nghiệp, cầu cho mưa thuận gió hòa, đất đai tươi tốt, mùa màng bội thu…; thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây. Thực hành lễ hội là cách để người dân bày tỏ lòng tri ân đối với các vị Thần đã có công bảo vệ, phù hộ xóm làng, tri ân các vị Tiền Hiền, Hậu Hiền, các anh linh liệt sĩ có công bảo vệ quê hương, đất nước. Ngôi đình không chỉ thỏa mãn nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng, mà còn là không gian sinh hoạt văn hóa của người dân địa phương. Thực hành lễ hội thể hiện tính cố kết cộng đồng, phản ánh tính cách người dân Nam Bộ và tính tự chủ của cộng đồng địa phương. Tham gia vào các công việc của đình làng, lễ hội là cả cộng đồng, không phân biệt nam nữ, thể hiện sự bình đẳng giới trong xã hội mới. Lễ hội Kỳ yên đình Tân An về cơ bản vẫn được người dân địa phương bảo lưu, thực hành đầy đủ và khá trọn vẹn. Với giá trị tiêu biểu trên, Lễ hội Kỳ yên đình Tân An được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 60/QĐ-BVHTTDL ngày 12/01/2022./. Dương Anh (Theo Hồ sơ tư liệu, Cục Di sản văn hóa) |