Ngày 23 tháng 11 năm 2024
Liên kết website

Lễ hội Lăng Ông Trà Ôn

Ông Tiền quân Thống chế Điều bát Nguyễn Văn Tồn (1763 - 1820) (tên thật: Thạch Duồng, quý danh: Duyên, còn gọi là Tà Duồng), là người Khmer, thuộc làng Nguyệt Lãng, huyện Vĩnh Bình (nay là xã Bình Phú, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh). Ông theo phò chúa Nguyễn, có công lớn trong việc khai khẩn vùng đất Trà Ôn, Cầu Kè và tạo được mối đoàn kết giữa các dân tộc Kinh, Hoa, Khmer, ngăn chặn được sự xâm lấn của quân Xiêm La. Ông cùng các tướng sĩ tham gia hỗ trợ cùng Thoại Ngọc Hầu đào vét kênh Vĩnh Tế nên chúa Nguyễn cảm kích phong chức Điều bát và được mang Quốc thích là Nguyễn Văn Tồn. Khi ông mất được truy tặng là Tiền quân Thống chế Điều bát.

 

Khu di tích Lăng Ông Tiền quân Thống chế Điều bát, thuộc ấp Giồng Thanh Bạch, xã Thiện Mỹ, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long, được trùng tu tôn tạo vào các năm 1937, 1953, 1960, 1963, 1967, 1992, 1994, 1997 và gần đây nhất là năm 2004. Trong Lăng Ông còn thờ các nhân vật khác như: Phó soái Nguyễn An, Nguyễn Trung Trực, Trương Công Định và Lê Văn Duyệt.

Từ xưa đến nay, lễ hội Lăng Ông Tiền quân Thống chế Điều bát Nguyễn Văn Tồn được tổ chức vào dịp đầu xuân trong khu di tích, do cộng đồng người Kinh – Hoa – Khmer vùng Trà Ôn thực hiện. Lễ hội Lăng Ông có nguồn gốc từ lễ giỗ ông Nguyễn Văn Tồn vào ngày mùng 4 tháng Giêng năm Canh Thìn (1820), thu hút rất nhiều người dân trong huyện Trà Ôn và các vùng lân cận tham gia: Mang Thít (Vĩnh Long), Cầu Kè, Càng Long (Trà Vinh),...

Lễ hội có đầy đủ các nghi thức cúng tế truyền thống như: Túc yết, Chánh tế, lễ tế Tiền hiền, Hậu hiền, xây chầu và hát bội, trình diễn nhạc lễ 03 dân tộc Kinh, Hoa, Khmer: người Kinh tổ chức hát bội, người Hoa tổ chức múa lân, nhạc Tùa Lầu Cấu, còn bà con người Khmer trình diễn nhạc ngũ âm và múa hát theo truyền thống tộc người. Trước đây, vào ngày lễ hội, người dân vùng Trà Ôn tổ chức lễ rước sắc phong với trống chiêng, cờ đuôi nheo, mọi người mặc võ phục triều Nguyễn thời xưa với thắt lưng màu đỏ, hoặc khăn đóng áo xanh hành lễ. Hiện nay, tục rước sắc đã không còn được thực hành.

Tuy lễ hội diễn ra chính trong 2 ngày: mùng 3 và mùng 4 tháng Giêng nhưng thực chất người dân vùng Trà Ôn đã vào hội từ ngày 30 tháng Chạp. Mở đầu cho các nghi thức của lễ giỗ ông là tục trồng cây nêu, làm các loại bánh như bánh tét, bánh ít, … và trái cây dâng cúng. Trồng cây nêu trong những ngày đầu năm mới là nét văn hóa đặc trưng của Văn hóa Á Đông, nhưng ở đây nó còn mang ý nghĩa báo hiệu ngày tổ chức lễ hội sắp bắt đầu. Tre được chọn để dựng nêu phải là loại tre "hóp", vừa nhỏ, đanh, lại tươi rất lâu, các nhánh, lá tre được róc hết chỉ còn thừa lại phần đọt có lá. Ngày 30 tháng Chạp, các vị hương lão cúng trình trời đất và ông Tiền quân Thống chế Điều bát rồi dựng cây nêu trước lăng. Người dân chọn cây tre làm cây nêu phải có đốt tre khi đếm đến đốt ngọn trên cùng thuộc cung sinh mới chặt gốc. Trên phần đọt của nêu treo lá bùa gọi là bùa nêu và một vật tượng trưng như cá chép làm bằng đất hoặc bằng gỗ, khánh, chuông,… khi gió thổi cây nêu phát ra những âm thanh nhẹ và êm. Người dân nơi đây cho rằng: cây nêu dùng để chỉ đường cho ông Tiền quân Thống chế Điều bát về ăn tết và chuẩn bị cho ngày giỗ.

Từ sáng sớm ngày mùng 3 Tết, dàn nhạc ngũ âm của người Khmer đến từ chùa Gò Xoài, xã Tân Mỹ, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long, đã vang lên những âm thanh rộn rã ở lăng. Kế tiếp là lễ tụng kinh cầu an của các vị sư người Khmer. Sau đó là biểu diễn múa lân của người Hoa để cầu an lành, thịnh vượng, tạo bước khởi đầu tốt đẹp cho năm mới. Các điệu múa dân gian như múa rô - băm, múa trống sa - dăm hay hát dù - kê cũng được cộng đồng thực hành. Đến giờ Thân là lễ Túc yết, cúng tế các vị Tiền hiền khai khẩn, Hậu hiền khai cơ cùng những người có công với đất nước, với các nghi thức dâng hương đăng, trà rượu, nhạc lễ,… Lễ vật dâng cúng là hoa quả, sản vật địa phương, nơi ông Tiền quân xưa kia đã dày công khai khẩn như: con lợn trắng được làm sạch nhưng chưa nấu chín hoặc một cái đầu heo, mâm xôi rặc không có đậu, mâm trái cây, mâm bánh, rượu, trà, trầu cau, đĩa gạo, muối. Lễ hội cũng là lễ giỗ Ông Tiền quân nên trên mâm cúng được bày như bữa cơm dành cho Ông với các món ăn dân dã của người dân làng quê Nam Bộ như thịt kho hột vịt, dưa cải, canh xương heo hầm, cà ri bánh mì,…

Sau nghi lễ là trình diễn nghệ thuật tuồng với các vở mang tính lịch sử như: Lý Thường Kiệt bình Tống, Mộc Quế Anh, Lưu Kim Đính, Hoa Mộc Lan, Thạch Kim Huê, Nhị Phước Tinh lâm phàm,… để cúng thần và giúp vui cho bà con. Nội dung các vở diễn nhắc lại đạo đức tốt đẹp của người xưa, để răn dạy con cháu ngày nay.

Lễ Chánh tế được tổ chức vào ngày mùng 4, vừa là lễ giỗ Ông, vừa cầu những điều tốt lành, mùa màng tốt tươi, quốc thái dân an… cho cộng đồng. Lễ Chánh tế cũng diễn ra trong tiếng nhạc ngũ âm, diễn tích Tùa Lầu Cấu, nhạc lễ,… Sau nghi lễ là nghi thức “ẩm phước” được tiến hành sau tuần trà. Đây là lễ phân hưởng rượu đã dâng cúng Ông để hưởng phước. Các vị chánh tế và bồi tế nâng ly cung kính uống rượu và lạy Ông. Chúc văn được hóa, nhân dân vào lễ bái cầu nguyện những điều tốt lành cho gia đình, bản thân.

Lễ Xây chầu đại bội để cầu cho quốc thái dân an. Sau lễ xây chầu, trống chầu được khiêng đặt dưới sân khấu, dân làng cử ra người cầm chầu, đào, kép của đoàn hát được cộng đồng mời tham gia lễ hội diễn các lễ như: Lễ Khai thiên tịnh địa (Điềm hương - Điềm hoa), Lễ Xang nhật nguyệt, Lễ Tam tài (Tam đa hay Tam tinh) chúc tụng phúc, lộc, thọ, Lễ Tứ thiên vương, Lễ Đứng cái, Lễ Gia quan – Tấn phước (Gia quan phổ tước), Lễ Bát tiên hiến thọ.

Bên cạnh đó, các đội nhạc lễ của người Khmer, người Hoa, người Kinh tiếp tục trình diễn những âm điệu đặc sắc dâng lên cúng ông: nhạc ngũ âm, múa trống Sa - dăm, múa Rô - băm, hát Dù – kê; đội nhạc Tùa Lầu Cấu với các vở Bái tông đường, Cao săn sin, múa lân, múa sư tử, múa rồng…; trình diễn hát bội được các câu lạc bộ tuồng ở địa phương thể hiện qua các trích đoạn tuồng cổ. Ngoài ra còn có hội thi múa lân, các trò chơi dân gian vui nhộn.

Lễ hội Lăng Ông Trà Ôn được cộng đồng thực hành hàng năm, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần của người dân. Lễ hội đã có sức sống mạnh mẽ, tầm ảnh hưởng không chỉ trong phạm vi ở vùng Trà Ôn mà còn lan rộng ra cả tỉnh Vĩnh Long, thu hút số lượng lớn người tham gia.

Lễ hội Lăng Ông Trà Ôn thể hiện lòng tri ân sâu sắc của nhân dân các dân tộc Kinh, Hoa, Khmer đối với vị tướng có công với dân, với nước. Đồng thời thông qua lễ hội khơi dậy tinh thần đoàn kết, tình yêu thương gắn bó của dân tộc Kinh, Hoa, Khmer trong cộng đồng để cùng nhau xây dựng quê hương, đất nước giàu đẹp. Lễ hội Lăng Ông Trà Ôn là sự tổng hòa, thống nhất trong đa dạng về loại hình nghệ thuật dân gian nhưng lại mang những nét độc đáo riêng biệt của từng dân tộc Kinh, Hoa, Khmer sinh sống tại vùng đất Trà Ôn, đồng thời các trình diễn dân gian như: nhạc ngũ âm, múa Sa - dăm, múa dân gian Khmer, múa lân, nhạc Tùa Lầu Cấu, hát bội,… đã tái hiện được những nét sinh hoạt văn hoá cổ xưa của người dân vùng Trà Ôn. Lễ hội Lăng Ông còn là “sợi dây” gắn kết cộng đồng, tình đoàn kết, yêu thương giúp đỡ nhau. Đây chính là giá trị nhân văn sâu sắc giúp con người hướng đến những giá trị chân - thiện - mỹ.

Với giá trị tiêu biểu, Lễ hội Lăng Ông Trà Ôn được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 261/QĐ-BVHTTDL ngày 22/01/2020.

Dương Anh

Theo Hồ sơ tư liệu, Cục Di sản văn hóa

Liên kết website