Ngày 3 tháng 1 năm 2025
Liên kết website

Lễ hội miếu Bà Rá

Theo những người lớn tuổi, sinh sống lâu đời tại Phước Long nói chung, Sơn Giang nói riêng, miếu Bà Rá thuộc phường Sơn Giang, thị xã Phước Long, tỉnh Bình Phước được xây dựng đầu tiên ở khu vực gốc cây Cầy vào năm 1943, cách miếu ngày nay khoảng 500m.

Hiện có 2 giai thoại về sự hình thành Miếu và lễ hội: thời Pháp thuộc, Phước Long là vùng rừng thiêng nước độc, nơi Thực dân Pháp xây dựng nhà tù Bà Rá đày ải những người chống đối lại chính quyền, bắt lao động khổ sai phục vụ cho các chủ đồn điền. Thiên nhiên khắc nghiệt, cộng với chế độ hà khắc của nhà tù Bà Rá, những người làm phu cao su bị giam cầm có cuộc sống cơ cực nên họ đã cầu nguyện thần linh, bà Chúa Xứ Nương Nương - vị thần cai quản vùng đất Bà Rá - Phước Long, mong cuộc sống đỡ vất vả. Lời cầu nguyện được linh ứng, Chúa Xứ Nương Nương đã che chở giúp người dân tai qua nạn khỏi. Với tấm lòng tôn kính thần linh, cầu mong có được cuộc sống tự do và ổn định, năm 1943, nhân dân địa phương (chủ yếu là những người mộ phu) và các tù nhân trong nhà tù Bà Rá đã xin chính quyền Thực dân Pháp cho dựng Miếu thờ để tạ ơn Bà và được Sở mật thám Pháp chấp thuận (bút tích còn lưu giữ ở mặt sau bài vị Bà). Cùng thời gian này, thực dân Pháp đã chôn sống 04 chiến sĩ cách mạng (không rõ danh tính) tại gốc cây Cầy. Để tưởng nhớ đến sự hy sinh của các chiến sĩ, các “tù nhân” và nhân dân đã đưa hương hồn của các chiến sĩ cách mạng vào Miếu để thờ tự. Hay giai thoại về một tù nhân được thần báo mộng về việc xây cho thần một ngôi nhà nếu muốn tự do. Sau này, khi được Thực dân Pháp trả tự do, ông đã xin cai ngục Pháp và tự nguyện xây dựng ngôi miếu nhỏ ngay gốc cây Cầy để thờ cúng và tỏ lòng biết ơn đến vị thần linh đã cho mình được tự do.

Từ đó, Miếu đã trở thành địa điểm tâm linh thờ Chúa Xứ Nương Nương, là nơi mà dân làng thờ cúng, cầu nguyện. Đồng thời Miếu cũng là nơi thế hệ sau tưởng nhớ tri ân các anh linh anh hùng liệt sĩ đã hi sinh nơi vùng Bà Rá trong những ngày tháng bị giam cầm tại đây. Miếu Bà Rá lúc đầu hình thành chủ yếu với mục đích là thờ Chúa Xứ Nương Nương - một hình thức thờ Mẫu phổ biến ở Nam Bộ. Trải qua quá trình phát triển, miếu Bà Rá xuất hiện thêm các hình thức thờ cúng khác, trong đó có thờ Mẫu Tam Phủ Tứ Phủ.

Lễ hội miếu Bà Rá chính là biểu tượng trung tâm của tín ngưỡng thờ Mẫu với diễn xướng múa bóng rỗi, hầu đồng (lên đồng). Lễ hội diễn ra từ ngày 01 đến 03 tháng Ba Âm lịch hàng năm, chính hội là ngày mùng 01, cứ 3 năm tổ chức lễ lớn, rước kiệu một lần, với các nghi lễ sau:

Lễ Tắm Bà thực hiện vào 0 giờ ngày mùng 01 do những người phụ nữ có uy tín, đạo đức ở địa phương dùng nước thơm và thay xiêm y cho tượng.

Lễ Tế Bà Rá được tổ chức vào buổi sáng, là một trong những nghi thức quan trọng của lễ hội. Người dân trong vùng rất coi trọng việc chuẩn bị lễ vật dâng cúng Bà, thể hiện lòng thành kính và biết ơn Bà, cầu may mắn, sức khỏe, bình an cho gia đình, người thân. Người đại diện cho cộng đồng làm lễ tế được chọn trước khi lễ hội diễn ra một tháng, là người có đạo đức, uy tín trong vùng, hiểu biết và có kinh nghiệm trong cúng tế. Trong lễ tế, chúc văn được tuyên và sau đó đem hóa. Sau khi lễ tế xong, các đoàn hành hương vào làm lễ dâng hương và xin lộc Bà.

Chiều cùng ngày, Ban Tổ chức lễ hội cùng nhân dân thực hiện nghi thức cúng Bia tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ và đồng bào tử nạn trong thời kỳ kháng chiến tại Bà Rá. Sau đó, mọi người đến thắp hương tại Nghĩa trang liệt sĩ thị xã Phước Long.

Mùng 2 khai hội miếu Bà, sau đó cộng đồng và khách thập phương tham gia Lễ rước linh vị Bà bằng kiệu. Kiệu được chạm khắc hoa văn sắc sảo, sơn son thếp vàng và trang trí các dây đỏ rực rỡ, trên kiệu đặt bài vị và hoa tươi. Trước khi khởi kiệu, các đội lân, rồng múa nghinh sân lễ và kiệu Bà. Đoàn rước kiệu theo lộ trình từ miếu Bà Rá đến miếu cây Cầy (nơi thờ Bà trước đây, cách nơi thờ hiện nay khoảng 500m). Đi đầu là các đội lân, sư, rồng, tiếp theo là 9 cô gái gánh hoa tươi, bàn hương án do 4 người khiêng, đội bát bửu 1 và 7 cặp biển bàn vị, Ban Quý tế. Sau Ban Quý tế sẽ là cặp lọng đỏ, kiệu rước linh vị Bà do 4 người khiêng; sau cùng là đoàn người tham gia hội. Đoàn rước đi đến đâu cũng được người dân hai bên đường nghinh đón, bày mâm cúng với hương, hoa, trái cây hoặc mang nhang ra đón đoàn rước, đặt tiền lì xì cho đoàn múa lân cầu may. Khi linh vị Bà được đưa đến gốc cây Cầy, Ban Tế lễ làm lễ xin Bà phù hộ độ trì cho các chiến sỹ đã hy sinh tại đây trong thời gian bị giam cầm, sau đó xin keo thỉnh sắc rước linh vị Bà về Miếu hiện tại. Sau khi rước kiệu Bà về, người dân vào thắp hương, ngoài sân miếu các đội múa lân, biểu diễn trò chơi dân gian, các đoàn cúng múa bóng rỗi, hầu đồng, hát chầu văn thực hành các nghi lễ.

Mùng 3, nhân dân tiếp tục hành lễ. Buổi trưa, Ban Tổ chức làm lễ tạ Bà và kết thúc lễ hội.

Lễ hội miếu Bà Rá là minh chứng về những sự kiện lịch sử ở địa phương thời kỳ này. Miếu Bà Rá được xây dựng lên để che chở, thờ tự linh hồn của các chiến sĩ đã hy sinh. Lễ hội miếu Bà Rá thể hiện tín ngưỡng thờ Bà Chúa Xứ Nương Nương, được xem là tín ngưỡng thờ Mẫu có ảnh hưởng lớn đối với đời sống tinh thần của nhân dân tỉnh Bình Phước. Lễ hội miếu Bà Rá góp phần vào nghiên cứu về lịch sử, về văn hóa, về vùng đất và con người Phước Long nói riêng, Bình Phước nói chung. Lễ hội đã và đang trở thành một trong những điểm đến quan trọng của nhân dân trong vùng Nam Bộ, thu hút hàng ngàn khách thập phương từ nhiều nơi đến như: Long An, Cà Mau, Tây Ninh, thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương… và nhân dân địa phương. Qua đó, di sản góp phần thúc đẩy ngành du lịch và phát triển kinh tế xã hội của địa phương trong thời gian tới.

Với giá trị tiêu biểu, Lễ hội Miếu Bà Rá được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 4600/QĐ-BVHTTDL ngày 20/12/2019.

Dương Anh

Theo Hồ sơ tư liệu, Cục Di sản văn hóa

Liên kết website