Lễ hội truyền thống làng Lệ Mật năm 2010
Từ ngày 05 đến 07 tháng 5 năm 2010 (tức ngày 22 - 24 tháng 3 Âm lịch), Lễ hội truyền thống làng Lệ Mật đã được tổ chức tại làng Lệ Mật, phường Việt Hưng, quận Long Biên, thành phố Hà Nội.
Lễ hội làng Lệ Mật là một sinh hoạt văn hóa truyền thống của dân làng nhằm tưởng nhớ vị Thành hoàng làng, người có công đưa dân làng sang khai phá phía Tây kinh thành Thăng Long, lập ra Thập tam trại. Ngày nay, do sự thay đổi về địa giới hành chính, 13 trại xưa đã tăng lên thành 16 trại, gồm Liễu Giai, Cống Vị, Cống Yên, Vạn Phúc, Thủ Lệ, Xuân Biểu, Ngọc Hà, Hữu Tiệp, Hào Nam, Giảng Võ, Kim Mã Hạ, Kim Mã Thượng, Ngọc Khánh, Vĩnh Phúc Hạ, Vĩnh Phúc Thượng, Đại Yên, tuy nhiên, người dân vẫn quen gọi là “Thập tam trại”.
Ngày mở hội, làng chọn các chàng trai đại diện cho các họ trong làng ra bắt cá ở giếng làng để dâng lên Thành hoàng. Tương truyền, cá được đưa từ Hồ Tây về thả vào giếng để phục vụ nghi thức này. Vào ngày hội chính, con cháu của các trại phía Tây thành Thăng Long xưa rước kiệu và đội lễ vật từ kinh đô về đình làng Lệ Mật để dự hội. Để thể hiện sự hiếu khách, đoàn rước làng Lệ Mật ra tận cổng làng nghênh đón đoàn của các trại vào đình làm lễ. Sau lễ dâng hương là trò diễn múa rắn độc đáo của làng tái hiện sự tích chàng trai họ Hoàng (sau được suy tôn làm Thành hoàng làng) diệt thủy quái, đòi lại thi thể công chúa con vua Lý. Đây là trò diễn thể hiện cuộc đấu tranh chế ngự thiên nhiên của người nông dân châu thổ sông Hồng.
Hội làng Lệ Mật là cơ hội để hàng năm con cháu trong làng (gọi là dân cựu quán) và con cháu đi xa khai hoang bên kinh đô (gọi là dân kinh quán) gặp gỡ nhau ôn lại trang sử dựng làng và cùng bày tỏ lòng biết ơn đối với tổ tiên. Lễ hội làng Lệ Mật năm nay được dân làng tổ chức cùng với sự hỗ trợ của Ủy ban nhân dân quận Long Biên nhằm hướng tới đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, là dịp thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, tri ân các thế hệ ông cha đã có công dựng nước và giữ nước.