Ngày 27 tháng 4 năm 2025
Liên kết website

Lễ hội Xa Mã - Rước kiệu đình Hoàng Châu

Lễ hội Xa Mã - Rước kiệu đình Hoàng Châu gắn với di tích lịch sử quốc gia đình Hoàng Châu, xã Hoàng Châu, huyện Cát Hải, thành phố Hải Phòng. Lễ hội truyền thống được tổ chức từ ngày mùng 9 – 12 tháng Sáu Âm lịch hằng năm, để kỷ niệm ngày dân làng dựng đình, tạ ơn đức vua bà Nam Hải và đức vua Đông Hải đã hiển linh giúp dân đưa bè gỗ từ biển Quảng Ninh về dựng đình; tri ân 2 vị Thành hoàng Đô nguyên soái và Phó nguyên soái có công tiễu trừ hải tặc, dạy dân nghề đánh bắt cá; và là thời gian ngư nhàn của ngư dân ven biển Cát Hải, cầu mong thần linh biển cả - thủy thần bảo trợ cho mùa ra khơi đánh bắt cá được an toàn, bội thu.

Làng Hoàng Châu có 12 dòng họ, chia thành 2 giáp Đông và giáp Tây. Để chuẩn bị cho lễ hội, ngày 15 tháng Năm, chính quyền và cộng đồng tổ chức họp rút kinh nghiệm lễ hội năm trước và bàn tổ chức lễ hội tới, lập Ban Tổ chức, các tiểu ban (dựa vào các dòng họ trong xã). Trước ngày hội 15 ngày, Ban Tổ chức lễ hội phân công việc cho từng tiểu ban.

Cộng đồng cùng tổ chức chuẩn bị cho lễ hội như: dọn dẹp vệ sinh, bao sái đồ thờ; Đội tế là những cụ cao niên trong làng, gia đình đuề huề, con cháu ngoan hiền. Đội Nam quan, Nữ quan tham gia Xa Mã - Rước kiệu (đội phù giá) là những nam thanh, nữ tú (giai tân, gái tân), khoẻ mạnh, có lối sống lành mạnh. Trước ngày hội 5 đến 7 ngày họ phải ăn chay, gia đình không có tang trở. Đây là những người đại diện của từng xóm tham gia vào nghi thức tế thần.

Trước đây, vào ngày 5 tháng Sáu, người dân từ 14 tuổi đến 60 tuổi đều phải ra đình để tế Hội diện. Viên Thủ khoán kiểm duyệt nhân đinh và đọc lại Hương ước cho mọi người cùng nghe để nhớ các điều lệ của làng. Ai vắng mặt bị phạt tiền sung công, trừ người đại tang thì được miễn.

Ngày mùng 9, ngay từ sáng sớm, ông Chào vua (người làm nhiệm vụ mời chào, khấn lễ vua Thuỷ Tề - Thần biển), Chủ tế cùng một số người được dân tín nhiệm thực hiện nghi lễ rước nước, đi thuyền ra vùng biển nước trong, lấy nước đựng vào choé, rồi rước về đình để thực hiện nghi lễ mộc dục tượng Mẫu, bao sái kiệu và ngai thờ, lễ Gia quan - mặc áo cho tượng đức Thánh mẫu Liễu Hạnh.

Công việc hoàn tất, các nhóm được phân công tiến hành trang trí, sắp sửa lễ nghi ở đình và 2 miếu giáp Đông và Tây. Sau đó, Chủ tế và Cai đám mang lễ ra 2 miếu, nơi thờ ngài Đô nguyên soái và Phó nguyên soái, để thắp hương thỉnh 2 Ngài về ngự tại cung đình đình làng, cho nhân dân vào lễ hội.

Buổi chiều, vào 14 giờ làm lễ Cáo yết mời Thánh, thần linh về ngự. Lễ do đoàn tế Nam quan (gồm 20 người) của làng Hoàng Châu tham gia cùng người dân và toàn thể các dòng họ trong làng.

Sau nghi lễ Cáo yết, tại sân đình, người dân tổ chức các trò chơi dân gian truyền thống như chọi gà, cờ tướng; các hoạt động thể dục, thể thao; buổi tối có trình diễn hát Quan họ, hát Chèo...

Mùng 10 là ngày chính hội, đại nghinh thần, đại tế của đình làng Hoàng Châu. Sáng sớm, Chủ tế và Cai đám ra đình thắp hương xin phép các vị Thánh thần cho làng vào lễ hội. Đội Nam quan mặc đồ tế thực hiện các nghi thức lễ trước long đình. Hai Cai đám (của hai giáp) sắp đồ lễ hoa quả cho Chủ tế, Chào vua vào lễ Thánh. Chủ tế thực hiện các nghi thức lễ tế truyền thống, quỵ gối, phủ phục 4 vái rồi làng mở chiêng trống, xin phép thần linh cho làng an toàn, may mắn trong lúc Xa Mã - Rước kiệu.

6 Đình phe, 4 người cầm cờ, 2 người cầm chiêng, tay cầm cờ thần, đầu chít khăn mỏ rìu đỏ, áo thụng vàng, thắt đai đỏ, quần bó ống, vái thánh thần và reo hò rước 2 ông xa mã ra ban, chiêng trống cùng đội nam quan, nữ quan (đội hình phù giá) vào rước lần lượt kiệu long đình, Long ngai Đức Đô nguyên soái, Phó nguyên soái, Long ngai hai vị Đức vua Đông Hải bản lộ đô thống đại vương và Đức vua bà Nam Hải càn quý nương quốc mẫu đại vương (thường gọi là long ngai, kiệu Chào) và kiệu Thánh mẫu Liễu Hạnh ra trước cửa đình để bắt đầu cho nghi lễ Xa Mã - Rước kiệu vào lúc 10 giờ. Trong rước kiệu đình Hoàng Châu, vai trò của những Đình phe rất quan trọng, theo các cụ cao tuổi, Đình phe cầm cờ múa trước khi rước kiệu để ngăn thế lực hắc ám tranh chỗ ngự trên kiệu của các Thánh. Hơn thế, trong lúc rước kiệu, nếu thấy có kiệu rước nào mệt, không thể tiếp tục được nữa nhưng các Thánh vẫn ngự và bay tiếp thì chỉ Đình phe mới có thể dừng kiệu lại được và đổi vai để cho đám phù giá khác vào thay hoặc dừng hẳn kiệu lại. Như vậy, sự có mặt của Đình phe có thể được coi là một trong những nét đặc sắc riêng có của lễ hội đình Hoàng Châu.

Khi làm xong nghi thức dâng hương của đại diện 12 dòng họ trong xã và khách thập phương, cộng đồng tổ chức Xa Mã – Rước kiệu.

Trước đây, trước mỗi lần rước kiệu Thánh là một lần xa mã. Hiện nay, có đôi chút thay đổi: vào buổi sáng, tiến hành rước kiệu Thánh trước, sau đó mới xa mã. Buổi chiều thi xa mã trước, rước kiệu Thánh sau. Lễ rước kiệu được tiến hành sau khi chủ lễ đọc văn khấn. Lễ rước có sự tham gia của 6 cỗ kiệu gồm có kiệu long đình 4 người khiêng là nữ quan của đội tế trong trang phục áo vàng khăn xếp; kiệu bát cống đặt khám và thần tượng đức Thánh mẫu Liễu Hạnh do 8 nữ tú trong trang phục áo đỏ, khăn xếp vàng, quần bó ống khiêng; 2 kiệu đòn trên đặt long ngai và hòm sắc của đức Đô nguyên soái và Phó nguyên soái được 8 nam thanh trong trang phục truyền thống khiêng; 2 kiệu đòn trên cũng đặt long ngai Đức vua Bà Nam Hải và Đức vua Đông Hải được 8 nữ tú khiêng.

Nét đặc biệt của nghi lễ rước kiệu đình Hoàng Châu mang dấu ấn văn hoá vùng biển, không có cờ thần, cờ tiết mao, chấp kích, bát bửu, phường bát âm, chiêng trống. Trong không gian và thời gian linh thiêng, con người được hoà vào cùng đội rước, được chứng kiến những cỗ kiệu bay, kiệu quay trên đôi vai của những nam thanh, nữ tú phù giá. Thông thường kiệu long đình được rước trước, đến kiệu mẫu Liễu Hạnh và các kiệu khác. Nhưng trong khoảnh khắc linh thiêng, sự siêu linh đạt độ đỉnh điểm thì các cỗ kiệu cùng phù giá cũng phiêu linh cùng Thánh thần, kiệu không còn theo một trật tự hay quy luật nào. Người dân nơi đây cho rằng khi kiệu bay là lúc Thánh ngự, kiệu quay tròn (cút) là Thánh chưa thoả lòng du ngoạn. Trên đôi vai của những phụ giá, kiệu Thánh có thể bay đi khắp chốn trong vùng mà không theo sự chỉ định nào của con người và thời gian cũng không biết trước được điểm dừng...

Bên cạnh nghi lễ rước kiệu bay, lễ hội truyền thống đình làng Hoàng Châu không thể thiếu nghi lễ, trò diễn xa mã. Trong lễ hội truyền thống Hoàng Châu, dân làng vẫn tổ chức giao hiếu với làng Văn Chấn, xã Văn Phong cùng huyện để tổ chức rước xa mã và rước bát nhang về các đình để cùng hội tế. Tuy nhiên, nay nghi lễ này chỉ tổ chức gói gọn trong khuôn viên của đình.

Lễ hội xa mã đình Hoàng Châu bao giờ cũng chia làm 2 đội chơi, đại diện cho giáp Đông và Tây, mỗi giáp từ 15 – 20 người, gồm: 3 Đình phe và các trai đinh. Trang phục giáp Đông màu đỏ, giáp Tây màu vàng. Ngựa giáp Đông chạm nổi biểu tượng "Hổ phù", "Long mã", mang tính "dương" - chỉ mặt trời. Ngựa giáp Tây chạm biểu tượng "Hổ phù”, “mặt nguyệt", mang tính âm - chỉ mặt trăng. Đôi xa mã đình Hoàng Châu là một cặp âm dương, phản ánh ước vọng cầu sinh sôi, phát triển của người dân. Giáp nào thắng thì năm đó cả làng được may mắn. Xa mã được đội nam quan chằng néo chắc chắn để khi chạy ngựa không làm tổn hại đến xa mã.

Hai ông Đình phe đứng trên xa mã, một ông tay ôm cổ ngựa (gọi là tiền hoạt), tay rung lục lặc để tạo khí thế xung trận; một ông ngồi khom lưng phía cuối xa mã múa cờ thần (gọi là hậu cờ); các trai đinh thì chia đều làm đôi để phân bổ theo hai bên dây kéo, một người cầm đầu dây (người cầm chịch), bên cạnh đó có người cầm chiêng gõ tưng bừng. Tiếng hò reo của những người tham gia đội kéo xe, của người xem tái hiện lại tiếng quân reo, ngựa hý, vó ngựa đạp cùng chiêng trống vang lên khi tập duyệt binh sĩ và xung trận đánh giặc của 2 vị Thành hoàng. Xa mã của hai giáp sẽ chạy ngược chiều, đối nhau theo vòng tròn của sân cỏ đình làng. Xa mã giáp Đông sẽ di chuyển từ Đông sang Tây; Xa mã giáp Tây sẽ di chuyển ngược lại từ Tây sang Đông. Quy định của cuộc chơi, bên nào muốn giành giải thưởng của làng phải kéo ngựa chạy đủ ba vòng, không chạm vạch. Đội thắng cuộc phải ở vòng trong.

Sau khi Xa Mã - Rước kiệu, trong khuôn viên đình tổ chức nhiều trò chơi dân gian truyền thống như: kéo co, đu tiên (đã bị mai một), cầu thùm dưới nước, bắt vịt dưới nước, bịt mắt bắt vịt trên sân đình.

Buổi trưa, 2 đội tế thực hiện nghi lễ mời Đức vua Long vương Thuỷ tề, công chúa Thuỷ tề Cô Ba thoải và chư vị thuỷ thần về ngự cung đình.

Buổi chiều tiếp tục Xa Mã - Rước kiệu như buổi sáng. Tuy nhiên, rước kiệu buổi chiều không còn bó hẹp trong không gian đình làng mà các cỗ kiệu trên đôi vai những nam thanh, nữ tú cùng bay ra khỏi khuôn viên của đình và các Thánh được thoả vui khắp chốn. Thời gian kết thúc rước kiệu cũng không dự báo trước được bởi nó phụ thuộc vào sự thăng hoa của đội rước và sự siêu linh của Thánh thần. Sau khi các kiệu quay trở lại đình, tiến hành tế yên vị, rước kiệu Thánh, xa mã ngự tại cung đình. Tham gia tế yên vị là đội tế nữ quan của làng, đây là nét đặc sắc của lễ hội truyền thống đình Hoàng Châu bởi di tích gắn liền với việc phụng thờ Thánh mẫu Liễu Hạnh. Buổi tối lễ Thánh bằng trà oản.

Theo lệ trước đây, vào ngày 14 tháng Sáu, trước khi làm lễ tống tịch (tống thần), người dân Hoàng Châu còn tổ chức Xa Mã - Rước kiệu lần hai (hai ngày). Rồi sau đó 5 năm, 3 năm thì lại Xa Mã - Rước kiệu hai ngày. Đến nay, thời gian tổ chức lễ hội bị rút ngắn nên Xa mã – Rước kiệu chỉ được tổ chức trong một ngày chính hội vào mùng 10 tháng Sáu.

Ngày 11 tháng Sáu, tế trực nhật trong cung đình. Ngày 12, làm lễ tống tịch, đóng cửa đình. Kết thúc một mùa lễ hội, người dân Hoàng Châu lại trở về với cuộc sống thường nhật, mong một vụ mùa mới no đủ và ra khơi thuận lợi.

Lễ hội Xa Mã - Rước kiệu đình Hoàng Châu là dịp người dân bày tỏ lòng tri ân sâu sắc, đạo lý “uống nước nhớ nguồn” tới các vị Thành hoàng làng, các vị tiền nhân, anh hùng dân tộc đã “Hộ quốc tý dân”, tiễu trừ giặc, giữ yên bờ cõi; dạy dân nghề nghiệp để mưu sinh. Lễ hội tổ chức vừa thỏa mãn nhu cầu tâm linh, vừa thể hiện ước mong được thần linh phù trợ cho biển yên sóng lặng, cuộc sống ngư dân no đủ, buông thuyền khơi xa cá khoang đầy ắp.

Lễ hội Xa Mã - Rước kiệu đình Hoàng Châu là hình thức sinh hoạt văn hóa tâm linh, tín ngưỡng mang tính chất cộng đồng dân cư chặt chẽ, góp phần cố kết cộng đồng, xã hội. Thông qua lễ hội, người dân Hoàng Châu còn giáo dục cho các thế hệ con em truyền thống quý báu của cha anh; giáo dục tình yêu quê hương, đất nước, yêu lao động và sản xuất. Lễ hội còn là nơi lưu giữ nguồn sử liệu quý giá, giúp các nhà nghiên cứu lịch sử có thêm các cứ liệu về những nhân vật lịch sử được nhiều triều đại sắc phong, nhân dân tôn kính thờ phụng.

Với giá trị tiêu biểu, Lễ hội Xa Mã – Rước kiệu Đình Hoàng Châu được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 1852/QĐ-BVHTTDL ngày 08/5/2017.

Liên kết website