Ngày 21 tháng 12 năm 2024
Liên kết website

Lễ kết chạ Phú Mỹ - Kiều Mai

Phú Mỹ (phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm) và Kiều Mai (phường Phúc Diễn, quận Bắc Từ Liêm) là hai làng giáp nhau của thành phố Hà Nội, lấy sông Nhuệ là điểm phân giới và làm nông nghiệp xen canh. Việc kết chạ giữa hai thôn Phú Mỹ - Kiều Mai được các chức sắc 2 làng cùng ký vào bản hương ước ngày 10 tháng Tư năm Cảnh Hưng thứ 6 (1745), sau bị hỏng nên được chép lại ngày 01 tháng Sáu năm Quý Dậu (1933), niên hiệu Bảo Đại. Lễ kết chạ Phú Mỹ - Kiều Mai bắt nguồn từ tục kết chạ giữa 2 làng để giao hữu, giúp đỡ nhau trong sản xuất và đời sống. Mối giao hảo diễn ra nhiều năm, gặp năm hòa cốc phong đăng, các cụ tiên chỉ và chức sắc cùng hai dân đồng thuận họp bàn kết tình giao hiếu, phụng nghênh Thánh giá hai làng vào dịp lễ hội.

Theo lệ xưa, năm nào hòa cốc phong đăng, hai làng cùng thống nhất tổ chức lễ hội và có rước lớn: vào ngày 7 tháng Giêng (Âm lịch), theo lệ thờ Thần, dân làng Kiều Mai đến đình Phú Lễ lễ thần (thờ Lý Nam Đế, Lý Phật Tử và Ả Lã Nàng Đê); ngày 10 tháng Hai, dân làng Phú Mỹ đến đình Kiều Mai làm lễ thần (thờ vị tướng thời Hùng Vương thứ 18). Sau năm 1945 đến trước năm 2020, lễ kết chạ Phú Mỹ - Kiều Mai được tổ chức lớn 5 năm 2 lần, còn lại là hội lệ. Từ năm 2020, lễ kết chạ Phú Mỹ - Kiều Mai tổ chức lễ hội quy mô lớn 5 năm 1 lần, các năm khác chỉ tổ chức hội lệ quy mô nhỏ.

Hội lệ: người tham gia rước ít hơn, thôn này rước kiệu long đình với đầy đủ tự khí đến dự lễ với thôn kia, không rước kiệu Thánh (bát cống), không tuyển Quân kiệu nam và Quân kiệu nữ.

Lễ hội quy mô lớn, mỗi làng sẽ rước 2 kiệu, gồm: 1 long đình và 1 kiệu bát cống, đầy đủ tự khí, với số người của đoàn rước 2 làng tương đương nhau, lên đến 300 người/đoàn rước, gồm: các cụ phụ lão, Đội tế nam, Đội tế nữ, Đội chấp kích, Quân kiệu nam, Quân kiệu nữ, Đội múa lân, rồng, Đội nhạc lễ, Đại diện chính quyền Phường, Tổ dân phố, Ban quản lý di tích, Đội bảo vệ, Đội ngũ phục vụ cho các hoạt động của lễ hội (đối với thôn đón đoàn lễ của Chạ).

Tiêu chuẩn lựa chọn người trong Ban tế, đội rước của hai làng có sự giống nhau như: Chủ tế phải là người có gia đình song toàn, đạo đức, không vướng tang bụi; quân kiệu xưa kia phải là trai tân, đạo đức, không vướng tang bụi, nay có thêm quân kiệu nữ.

Lễ hội của làng Phú Mỹ tổ chức trong 3 ngày (từ mùng 5 đến mùng 7 tháng Giêng); lễ hội làng Kiều Mai tổ chức trong 4 ngày (từ mùng 9 đến 12 tháng Giêng). Trong các ngày đó, mỗi làng có một ngày tổ chức rước kiệu giao hiếu, tế lễ hội đồng đối với làng kia và ngày tiếp theo thì tổ chức hoạt động giao hữu thể thao. Ngày rước giao hiếu, đón Chạ, quy trình và sự chuẩn bị của mỗi làng như sau:

Lễ hội làng Phú Mỹ: Ngày mùng 5, làng tổ chức lễ rước nước từ đình ra giếng Mễ và ngược lại. Đoàn rước nước có kiệu rước nước với chóe, hương đăng do trai đinh khiêng kiệu, hộ giá là các cụ cao niên, ban tế, trống, thanh la và đội múa lân sư. Giếng Mễ ở giữa làng, là giếng nước rất trong, nơi cung cấp nước cho làng Phú Mỹ ngày xưa.

Mùng 6, làng tổ chức rước Nghiền, rước tập, từ đình ra đến cổng làng và ngược lại với đội hình rước như chính hội, có kiệu, quân kiệu, đồ tế khí, đội nhạc lễ, cờ quạt, đội múa lân sư… Bên cạnh đó, làng cũng cho dựng một rạp nhỏ, bên trong bày biện bàn thờ tại địa phận phường Cầu Diễn, điểm giữa của hai địa phương, để hôm sau đón đoàn rước chạ thôn Kiều Mai nghỉ chân và bái vọng chào Đức Thánh thôn Phú Mỹ, đồng thời, để đoàn rước thôn Phú Mỹ bái vọng chào Đức Thánh thôn Kiều Mai (việc này được tiến hành ở cả 2 lượt, đi và về, đối với đoàn rước của hai thôn).

Mùng 7 là chính hội, làng tổ chức rước giao hiếu với làng Kiều Mai. Buổi sáng, dân làng làm lễ tế, sau đó các đội quân kiệu, thanh la, bát bửu, đại diện chính quyền và dân làng Phú Mỹ vào dâng hương lễ Thánh. Sau lễ dâng hương, dân làng tổ chức rước kiệu ra Miếu đầu làng làm lễ và chờ đón đoàn rước làng Kiều Mai. Đoàn rước Phú Mỹ đón đoàn Kiều Mai ở giữa chặng đường, địa phận phường Cầu Diễn ngày nay (vốn xưa cũng là đất của Phú Mỹ), tại điểm đã dựng rạp và sắp đặt một bàn thờ vọng Thánh. Sáng mùng 7, khi đoàn rước Kiều Mai đến đây, chiếu đã được trải sẵn để kiệu nghỉ, đại diện Ban tổ chức lễ hội hai làng, các cụ cao niên trong Ban tế cùng vào bái vọng Đức Thánh làng Phú Mỹ tại ban thờ đã chuẩn bị sẵn. Đoàn nghỉ ngơi một lát rồi cùng nhau lên đường rước về đình Phú Mỹ. Khi 4 kiệu gặp nhau ở đầu làng Phú Mỹ, nhân dân Phú Mỹ đứng đợi rất đông hai bên đường, đặc biệt, các kiệu rước gặp nhau đều xoay nhiều vòng trong không khí rộn ràng của đám đông. Về đến đình Phú Mỹ, chiếu cũng được trải sẵn trên sân để trí kiệu. Chủ tế và các cụ trong Ban tế nam làng Kiều Mai rước bát hương, lư hương và các đồ lễ vào trao cho cụ chủ tế và các cụ trong Ban tế nam làng Phú Mỹ để rước vào an vị các Thánh trong hậu cung đình Phú Mỹ. Sau đó là nghi thức tế Hội đồng của hai bên. Đây là nghi thức rất quan trọng, thể hiện rõ mối thâm tình của hai làng. Hai cụ Chủ tế sẽ vào lễ trước, sau đó đọc chúc và hóa chúc tại chậu hóa trong hậu cung đình. Tiếp đến là Ban tế nam hai bên, tế hội đồng, rồi lần lượt các đội dâng hương, quân kiệu, lãnh đạo và dân làng vào lễ thánh đình Phú Mỹ. Buổi trưa, mọi người cùng thụ lộc tại sân đình Phú Mỹ do Ban tổ chức lễ hội làng Phú Mỹ chuẩn bị, cùng nhau chuyện trò, ôn lại các kỷ niệm, thắt chặt tình đoàn kết. Buổi chiều, hai làng giao lưu văn nghệ, thể thao rồi lại cùng nhau tế Hội đồng để phụng nghênh Thánh giá làng Kiều Mai trở về. Toàn bộ đoàn rước của làng Phú Mỹ sẽ rước kiệu và các đồ tế khí của làng Kiều Mai ra tận phía ngoài đầu làng Phú Mỹ mới trao lại cho đoàn rước làng Kiều Mai rước Thánh về đình Kiều Mai. Sau đó, dân làng tiếp tục thực hành các nghi lễ theo truyền thống.

Lễ hội làng Kiều Mai: Bắt đầu từ trưa mùng 9, làng làm lễ Phong mã (phong áo mũ Thánh), tế nhập tịch, tế dâng hương của các cụ bà và chiều tối dân làng vào lễ Thánh.

Mùng 10, buổi sáng, Ban tế làm lễ tế phụng nghênh Thánh giá làng tiếp đón chạ Phú Mỹ. Sau đó, đoàn rước Thánh giá ra khu vực Bia tưởng niệm Bác Hồ, đến đợi đón đoàn rước thôn Phú Mỹ ở đầu làng, đoạn giao quốc lộ 32. Sau khi đón chạ Phú Mỹ, cả hai đoàn sẽ cùng rước Thánh giá về đình Kiều Mai. Chủ tế và các cụ trong Ban tế làng Phú Mỹ rước bát hương, đồ lễ vật vào chuyển giao cho Chủ tế làng Kiều Mai và các cụ trong Ban tế làng Kiều Mai để dâng lên ban thờ Thánh làng Kiều Mai, sau đó bắt đầu tế Hội đồng - còn gọi là lễ Chí tịch. Hai Chủ tế cùng vào tế Thánh trước, sau đó đọc chúc văn, rồi hóa tại chỗ. Tiếp đến là Ban Tế nam hai bên cùng vào tế, rồi đến các đội dâng hương, các cụ phụ lão, đội kiệu, đội tự khí, chiêng trống, các ban ngành đoàn thể và nhân dân hai thôn vào lễ Thánh. Sau đó hai bên cùng nghỉ ngơi và giao lưu tiệc cỗ do làng Kiều Mai chuẩn bị. Buổi chiều, hai làng giao lưu văn nghệ. Tiếp đó, Ban tế hai bên cùng làm lễ phụng nghênh Thánh giá hồi cung, đoàn rước làng Kiều Mai sẽ rước kiệu và các đồ tự khí của làng Phú Mỹ để tiễn ra đến đường quốc lộ 32. Song song với đó là các trò chơi dân gian được diễn ra trong khuôn viên đình Kiều Mai.

Ngày 11, hai làng tổ chức giao lưu thể thao, thi bóng chuyền. Các cụ trong Ban tế làng Kiều Mai thực hiện nghi thức Tế trực, dâng hương.

Ngày 12, các cụ tiếp tục tế Thánh đản, dâng hương. Buổi chiều, các cụ làm lễ xuất tịch, lễ yên vị Đức Thánh và kết thúc lễ hội.

Ngày hội của hai làng còn tổ chức các trò chơi dân gian như: cờ tướng/cờ bỏi, bắt vịt dưới ao đình, chọi gà, đập niêu, leo cột..., hát Quan họ, Ca trù…

Lễ kết chạ Phú Mỹ - Kiều Mai đến nay vẫn được duy trì, thực hành theo truyền thống và bảo lưu giá trị. Tục kết chạ hay còn gọi là giao hiếu là một phong tục tốt đẹp trong mối quan hệ liên kết các làng xã trong xã hội Việt cổ truyền, góp phần củng cố khối đại đoàn kết cộng đồng, quốc gia, dân tộc. Tục kết chạ giữa hai làng Phú Mỹ - Kiều Mai là một biểu hiện sinh động về mối quan hệ độc đáo này. Lễ kết chạ Phú Mỹ - Kiều Mai tồn tại đến nay như một “hóa thạch” về hình thức liên làng truyền thống giữa lòng đô thị, đảm nhiệm chức năng liên kết phố - phường. Tham gia lễ hội là dịp để dân làng nhớ về quê hương bản quán, thắt chặt tình đoàn kết, làm phong phú thêm đời sống tinh thần của hai cộng đồng, góp phần gìn giữ những phong tục, truyền thống tốt đẹp, giáo dục tuyền thống cho các thế hệ kế tiếp.

Với giá trị tiêu biểu trên, Lễ kết chạ Phú Mỹ - Kiều Mai được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 1728/QĐ-BVHTTDL ngày 27/5/2021./.

                             Dương Anh

(Theo Hồ sơ tư liệu, Cục Di sản văn hóa)

 

Liên kết website