Ngày 21 tháng 12 năm 2024
Liên kết website

Lễ Pang Phóong (Tạ ơn) của người Kháng

Lễ Pang Phoón của người Kháng (xã Rạng Đông, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên) là lễ tạ ơn tổ tiên, thần linh đã phù hộ cho mọi người trong gia đình, dòng họ luôn được mạnh khỏe, làm được nhiều ruộng nương, lúa gạo, nuôi trâu bò nhanh lớn, công việc làm ăn thuận lợi, phát triển; anh em con cháu trong dòng họ gần gũi nhau, chia sẻ những khó khăn vui buồn, thắt chặt hơn nữa tình đoàn kết gắn bó; đồng thời nhắc nhở, răn dạy con cháu luôn nhớ về tổ tiên, cội nguồn của dân tộc mình.

Theo truyền thuyết, lễ Pang Phoóng bắt nguồn từ một sự tích về câu chuyện tình dang dở giữa chàng trai con Tạo bản và nàng vượn hóa thân thành thiếu phụ. Để tránh sự dò xét của dân làng, nàng vượn ra đi và dặn chồng sau mùa gặt làm cỗ tưởng nhớ nàng. Từ đó, lễ Pang Phoóng ra đời để tỏ lòng nhớ thương, biết ơn mẹ vượn.

Hàng năm, cứ đến mùa hoa mào gà nở đỏ trên nương cũng là mùa lúa chín, người Kháng dòng họ Lò Khul lại tổ chức lễ Pang Phoóng tại nhà trưởng họ. Theo phong tục truyền thống, lễ Pang Phoóng của dòng họ Lò, ngành Lò Khul, người Kháng tỉnh Điện Biên được tổ chức hàng năm, gần đây chỉ tổ chức 2 hoặc 3 năm một lần vào khoảng tháng 11 - 12, khi mùa vụ đã thu hoạch xong bà con có nhiều thời gian rảnh rỗi tham gia các nghi lễ trong gia đình, dòng họ và cộng đồng, làng bản.

Ngày làm lễ Pang Phoóng thường được chọn vào ngày rằm (vào ngày rằm có trăng sáng, nhân dân sẽ vui chơi được lâu hơn). Thầy cúng (Pắp lể) - người chủ trì hành lễ phải là người trong dòng họ Lò, ngành Lò Khul và là người am hiểu về nguồn gốc, lịch sử dòng họ mình (thường là trưởng họ). Nghi lễ được tổ chức trong 02 ngày tại nhà trưởng họ hoặc một gia đình nào đó trong dòng họ Lò, ngành Lò Khul được các thành viên trong họ thống nhất lựa chọn để làm lễ.

Để tổ chức lễ Pang Phoóng, trưởng họ sắm lễ vật, nhờ thầy chọn ngày tốt để làm lễ và họp anh em họ hàng để thông báo ngày giờ làm lễ; phân công công việc cho mọi người. Trước ngày lễ, trưởng họ cùng anh em lên rừng lấy cây sung rừng (mắc chắc, với mong muốn tổ tiên phù hộ cho lúa ngô luôn xanh tốt giống như cây này), hoa mào gà (bảnh cảng hoong só, loài cây gắn bó với lúa nương, cây bảo vệ lúa nương), cây mía rừng (làm mía, mía phan), ống nứa (bẳng om)… để trang trí gian thờ tổ tiên, nơi thờ cúng trong lễ Pang Phoóng. Lễ vật là các nông sản của địa phương để dâng lên tổ tiên, thần linh, đặc biệt phải có rượu cần (hay kha xả) - một trong những lễ vật không thể thiếu trong lễ cúng Pang Phoóng do vợ của trưởng họ làm. Theo lý của người Kháng, trưởng họ phải chuẩn bị được ít nhất ba bình rượu cần: dành cho tổ tiên nhà nội, tổ tiên nhà ngoại và anh em trong họ; hai ống hút rượu cần làm bằng ống tre; các bẻng chẹp kha - được tạo ra từ một sợi dây lạt đan thành phên như hình chữ A - cho từng người trong họ đến dự làm lý với tổ tiên, đồng thời là vật dụng dùng để gạt, vẩy rượu trong lễ mời rượu tổ tiên.

Lễ cúng chính bao gồm hai nghi thức: cúng lễ vật sống và cúng lễ vật chín. Lễ cúng vật sống bắt đầu với nghi thức gõ 3 hồi chiêng của thầy cúng, sau đó anh em trong dòng họ lần lượt vào gian thờ lấy bẻng chẹp kha thực hiện nghi thức vẩy rượu mời tổ tiên. Tiếp theo, các con vật hiến tế (1 con lợn và 1 con gà) được đặt vào mâm cúng (khọ lọ hoỏng) để thầy cúng làm lễ xin phép tổ tiên cho con cháu được dâng các con vật hiến tế và giết mổ trước sự chứng kiến của tổ tiên. Khấn xong, trưởng họ giao gà, lợn cho những người giúp việc đem đi chế biến và chuẩn bị mâm cúng, khi lễ vật đã được nấu chín, ông cùng thầy cúng đi chặt thêm một cành mắc chắc và lấy những gốc rạ để làm đũa cúng tổ tiên. Dòng họ thờ bao nhiêu người phải làm bấy nhiêu đôi đũa.

Lễ cúng chín: lễ vật cúng sống được chế biến thành chín cùng các lễ vật khác như: xôi, các loại rau củ được đồ lên, cá nướng… làm thành 2 mâm cúng. Thầy cúng và vợ cùng chủ nhà ngồi ở gian thờ làm lễ. Mâm thứ nhất có thịt lợn, tiết canh dâng lên trước ban thờ tổ tiên để khấn mời tổ tiên về dự lễ, hưởng các lễ vật và phù hộ cho mọi người trong dòng họ được khỏe mạnh, làm ăn phát đạt. Sau đó, dâng mâm thứ 2 có thịt gà luộc để nguyên con, gói xôi, cá nướng, bánh chưng, khoai, bí…

Thầy cúng bày lá mắc chắc trên một tấm phên nhỏ, lần lượt chia đều mỗi thứ đồ cúng một ít vào trong lá mắc chắc (gia đình thờ bao nhiêu người thì chia thành bấy nhiêu phần), đặt lên mỗi phần một đôi đũa rồi khấn mời tổ tiên nhận lễ, kể tên các lễ vật và cầu xin tổ tiên phù hộ con cháu khỏe mạnh, vụ sau trồng được nhiều thóc ngô, nuôi được nhiều lợn gà để dòng họ lại làm lễ Pang Phoóng tạ ơn tổ tiên. Vợ thầy cúng phụ giúp việc cúng lễ: gõ chũm chọe và nhảy múa trước bàn thờ. Tiếp đó thầy cúng lấy bẻng chẹp kha nhúng vào từng chum rượu trong gian thờ rồi vẩy ra ngoài sân với ý niệm mời ma nhà uống rượu, xong xuôi ông ghé miệng, vít cần rượu xuống uống một ngụm rượu nhỏ. Sau đó lần lượt chủ nhà, vợ chủ nhà, những người trong dòng họ cũng thực hiện như vậy để mời tổ tiên uống rượu.

Khi nghi thức cúng tổ tiên ở gian thờ đã xong, thầy cúng và trưởng họ chuẩn bị làm lễ cúng thần đất. Trong ngày làm lễ Pang Phoóng, người Kháng thường múa điệu “xék pang”. Điệu múa này thường tạo nên những âm thanh lớn, có thể ảnh hưởng đến thần đất. Vì vậy phải dâng mâm lễ cúng cái áo của chủ lễ (chủ dòng họ hoặc chủ gia đình) cho thần đất nhận biết để trình báo và xin phép thần đất cho phép dòng họ và dân bản được múa điệu “xék pang”. Để tham gia điệu xék pang, mọi người xếp thành hàng đứng sát bên nhau, một tay bám lên vai người đi trước, một tay cầm cây tăng bu (ống nưa). Mọi người cầm ống nứa vỗ đều xuống nền nhà cùng một nhịp theo tiếng trống, chiêng, chũm chọe. Tay họ bám vào vai nhau, chân nhún nhảy ra vào theo nhịp gõ. Hàng người di chuyển trước sau, trong ngoài, tiến lùi theo quy luật nhất định và theo người đứng đầu hàng, cuộc vui kéo dài sang tới tận ngày hôm sau.

Cùng với điệu xék pang, bà con còn tổ chức thêm một số trò chơi như ném còn, đẩy gậy, kéo co, hát dân ca, múa tầm đao, nhảy sạp, múa vòng tròn khiến cho lễ Pang Phoóng càng thêm phần náo nhiệt, thu hút nhiều người đến xem và tham gia. Tiếng gõ ống nứa trong điệu xék pang hòa nhịp với tiếng hát, tiếng hò reo cổ vũ của người xem, người chơi, người múa tưng bừng, rộn ràng vang động khắp một vùng.

Lễ Pang Phoóng kết thúc, bà con tin tưởng tổ tiên đã nhận được lễ vật của con cháu dâng cúng, phù hộ cho con cháu quanh năm được mạnh khỏe, công việc làm ăn thuận lợi, mùa màng tốt tươi, chăn nuôi phát triển.

Lễ Pang Phoóng của người Kháng góp phần thỏa mãn nhu cầu tâm linh của cộng đồng, là chỗ dựa tinh thần để mỗi người hướng về tổ tông, dòng tộc, các vị thần để gửi gắm niềm tin, cầu mong một cuộc sống bình an, khỏe mạnh, sung túc và củng cố sức mạnh cộng đồng; cũng là dịp để gặp gỡ, trao đổi, thắt chặt mối quan hệ cộng đồng, dòng họ; thể hiện tinh thần đoàn kết, tương trợ, bảo vệ và giúp đỡ nhau là truyền thống tốt đẹp của các dòng họ người Kháng. Lễ Pang Phoóng là nơi bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, khuyến khích sự phát triển những giá trị văn hóa cộng đồng: các nghi thức, nghi lễ, diễn xướng dân gian, sinh hoạt của người Kháng. Lễ Pang Phoóng đã đem lại giá trị tinh thần, niềm lạc quan, niềm tin vào những điều tốt đẹp, cao cả, thiêng liêng, mang nhiều ý nghĩa nhân văn cao đẹp, đáp ứng đời sống văn hóa tâm linh của phần lớn bộ phận cư dân trong cộng đồng người Kháng. Lễ Pang Phoóng góp phần tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, khẳng định sức mạnh cộng đồng và là chất kết dính tạo nên sự cố kết cộng đồng.

Với giá trị tiêu biểu, Lễ Pang Phoóng (Tạ ơn) của người Kháng được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 2742/QĐ-BVHTTDL ngày 30/9/2020../

Dương Anh

(Theo Hồ sơ tư liệu, Cục Di sản văn hóa)

Liên kết website