Ngày 26 tháng 10 năm 2024
Liên kết website

Linga vàng Po Dam

Linga vàng Po Dam, hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Bình Thuận, được công nhận là Bảo vật quốc gia tại Quyết định số 73/QĐ-TTg ngày 18/01/2024 của Thủ tướng Chính phủ.

- Chất liệu: Kim loại vàng

- Niên đại: Thế kỷ VIII - IX

- Giá trị:

Linga là những vật thờ quan trọng trong các di tích kiến trúc tôn giáo cổ thuộc Văn hóa Champa ở miền Trung Việt Nam với đặc trưng nổi bật mặt bên của phần đầu Linga gắn tượng đầu Thần Shiva. Hiện vật Linga bằng kim loại vàng của di tích Po Dam là trường hợp duy nhất cho đến nay là loại hình Linga một phần làm bằng kim loại vàng được tìm thấy trong Văn hóa Champa.

Loại hình hiện vật Linga nói riêng và Linga Yoni được tìm thấy rất phổ biến trong các di tích Văn hóa Champa ở miền Trung Việt Nam cũng như trong nhiều nền văn hóa cổ chịu ảnh hưởng đậm nét của văn minh Ấn Độ ở khu vực Đông Nam Á và chủ yếu được làm từ chất liệu đá. Số lượng hiện vật làm bằng kim loại (vàng, bạc, đồng, sắt) được tìm thấy không nhiều và hầu hết là những Kosar mang phong cách nghệ thuật đặc trưng của thế kỷ IX - X, có không gian phân bố tập trung trên địa bàn Trung Trung bộ. Hiện vật Linga làm bằng kim loại tương tự như ở Po Dam cho đến nay là phát hiện duy nhất.

Linga là loại hình hiện vật tiêu biểu cho dấu ấn lịch sử mạnh mẽ của Văn hóa Ấn Độ đối với vùng đất Nam bộ và khu vực Đông Nam Á, đặc biệt trong nửa sau thiên niên kỷ I Công nguyên; là bằng chứng quan trọng trong việc nhận diện lịch sử phát triển của các hoạt động trao đổi thương mại, tương tác, giao lưu và tiếp biến văn hóa giữa cư dân bản địa với Văn hóa Ấn Độ, phản ánh quá trình truyền bá - ảnh hưởng của tôn giáo Ấn Độ đến vùng đất này trong lịch sử. Với hệ thống di tích kiến trúc tôn giáo và các sản phẩm điêu khắc có liên quan còn hiện diện trên hầu khắp không gian Văn hóa Champa trải dài từ vùng đất Quảng Bình vào đến Bình Thuận khiến cho dấu ấn Văn hóa Ấn Độ nổi bật, thể hiện đậm nét trên hầu hết mọi mặt trong cấu trúc vật chất tổng thể của nền văn hóa này, đặc biệt là trong tín ngưỡng - tôn giáo, trong đó, loại hình vật thờ là Linga cũng không nằm ngoài phạm vi ảnh hưởng này.

Linga vàng Po Dam là một đại diện tiêu biểu cho nghệ thuật điêu khắc, kiến trúc tôn giáo của Văn hóa Champa nói chung và không gian địa phương ở phía Nam của nền văn hóa này. Đây là sản phẩm của quá trình hội tụ các thành tố ngoại sinh và nội sinh, từ kỹ thuật chế tác đá, nghệ thuật tạo hình đến triết lý tôn giáo. Champa được biết đến với tên danh xưng là “xứ trầm hương”, “xứ sở vàng” nổi tiếng với các sản phẩm trầm, gỗ quý, vàng được khai thác từ các vùng núi Trung - Trung bộ trong quá khứ mà cho đến ngày nay vẫn còn thu hút nhiều sự quan tâm. Hiện vật Linga vàng Po Dam với chất lượng cao về độ tinh khiết là một tư liệu nổi bật góp phần minh chứng cho các thông tin ghi chép về hoạt động khai khoáng, chế tác và trao đổi kim loại vàng ở mức độ thương phẩm trong thời kỳ Văn hóa Champa.

Hiện vật là sản phẩm chế tác thủ công có nghệ thuật tạo hình độc đáo, là Linga một phần làm bằng kim loại vàng duy nhất được tìm thấy trong Văn hóa Champa cho đến hiện nay, là sản phẩm của quá trình trao đổi, giao lưu văn hóa của cư dân Văn hóa Óc Eo với bên ngoài, đặc biệt là văn hóa Ấn Độ gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của Văn hóa Champa, nền tảng vật chất của Vương quốc cổ Champa./.

                                                                    Thúy Hà

(Theo hồ sơ tư liệu Cục Di sản văn hóa)

Liên kết website