Miếu Ông - Miếu Bà, tỉnh Quảng Ninh
Miếu Ông được xây dựng từ thời Trần, thờ Thành Hoàng làng là thần Tam Trĩ (thần sông) và những anh hùng dân tộc, các vị có công trong cuộc kháng chiến chống giặc Nguyên Mông thế kỷ thứ XIII: Vua Trần Thái Tông, Vua Trần Thánh Tông, Vua Trần Nhân Tông, Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn và Tướng quân Lê Bá Đức; cũng là nơi gắn liền với sự kiện hai vua Trần hành quân chiến lược lui binh về khu vực sông Ba Chẽ năm 1285. Cuộc lui binh ấy là quyết định chiến lược sáng suốt ấy đã tạo tiền đề cho chiến công vẻ vang của nhà Trần trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông xâm lược lần thứ hai. Di tích Miếu Ông nằm trên địa danh lịch sử ấy chính là chứng nhân cho cuộc kháng chiến vĩ đại chống ngoại xâm của ông cha ta ở thế kỷ XIII.
Miếu Bà thờ Bà chúa Thượng Ngàn (Bà chúa của rừng xanh), là nơi thực hành tín ngưỡng dân gian: tín ngưỡng thờ Mẫu - một truyền thống rất đẹp của người Việt là sự tôn trọng, lòng biết ơn với “bà mẹ thiên nhiên”.
Miếu Ông - Miếu Bà có diện tích quy hoạch khoảng 50.000m2 (5ha), gồm các khu vực chính: phế tích Miếu Ông cổ, khu vực bến thuyền với vụng thuyền trong và vụng thuyền ngoài, Miếu Ông và khu vực Miếu Bà.
Bến thuyền:
Bến ở hướng Bắc, nằm trong một vụng nhỏ (vụng trong), dài gần 200m, rộng khoảng 15.000m2. Đây là bến tự nhiên, rộng, kín, có thể đậu được hàng chục thuyền lớn mà đi ngoài sông Ba Chẽ không thể phát hiện được. Bến này còn nhiều mảnh vỡ của đồ gốm, sành Việt Nam thế kỷ XIII - XIV và một số mảnh gốm Trung Quốc có niên đại thế kỷ XII - XIV.
Phế tích Miếu Ông cổ và một số di vật
Căn cứ vào phế tích kiến trúc còn lại thì ngôi miếu cổ quay hướng Đông, tức là quay ra biển, hướng Thanh Long.
Đến khoảng cuối thế kỷ XIX, Miếu Ông bị sập đổ do thiên tai, chỉ còn lại dấu vết một số đoạn bó nền, một số viên gạch đất nung, một số chân tảng đá... Đoạn bó nền còn lại dài 1,95m - rộng 0,5m, được xếp kè bằng đá cát kết, chạy theo hướng Tây Bắc - Đông Nam.
Chân tảng đá hiện còn 04 chiếc, gồm các loại: Loại 1 là loại chân tảng hình vuông có u tròn nổi cao, làm bằng đá cát kết, dài 35cm, rộng 35cm, cao 24cm. Phần đế cao 14cm, u tròn cao 10cm, đường kính u tròn 30cm. Ở phần rìa của u tròn có hai lỗ mộng đối xứng nhau ở hai đầu mút đường kính u tròn. Lỗ mộng rộng 3cm, sâu 3cm, cao 10cm; Loại 2 cũng làm bằng đá cát kết, dài 33cm, rộng 33cm, cao 13cm. Phần đế cao 5cm, u tròn cao 8cm, đường kính u tròn dài 16cm; Loại 3: làm bằng đá cát kết, dài 32cm, rộng 32cm, cao 13cm. U tròn cao 1cm, đường kính dài 27cm; Loại 4: làm bằng đá xanh, dài 37cm, rộng 37cm, cao 14cm. U tròn cao 1,5cm, đường kính 32cm.
Gạch đất nung: hiện còn 3 viên, thuộc hai loại hình. Loại 1: hình hộp chữ nhật, dài 39cm, rộng 18cm, dày 10cm. Gạch được làm bằng đất sét nung, có màu nâu - nâu vàng, nguyên liệu được lọc khá kỹ, xương đanh chắc, nặng; Loại 2: nguyên liệu và tính chất giống loại 1 nhưng ngắn hơn, dài 34cm, rộng 18cm, dày 10cm.
Một số mô hình tháp đất nung: Hiện ở Miếu Ông còn 03 mô hình, mảnh mô hình tháp đất nung. Tháp số 1 cao 5 tầng, 4 mặt. Tháp này đã gãy mất phần chóp, phần còn lại cao 37cm; đế dài 14cm, rộng 14cm và cao 4cm; tầng 1 cao 7,5cm; tầng 2 cao 6,5cm; tầng 3 cao 5,5cm; tầng 4 cao 5cm; tầng 5 cao 4,5cm. Tháp màu vàng gạch; 4 mặt của mỗi tầng đều có cửa, các cửa đều có tượng Phật. Tháp số 2 cũng là tháp 5 tầng nhưng gãy mất 2 tầng trên cùng. Phần còn lại cao 29cm, đế có kích thước 15cm x 15cm. Tháp màu đỏ đậm; 4 mặt của mỗi tầng đều có cửa, các cửa đều có tượng Phật. Tháp số 3 chỉ còn 1,5 tầng, cao 13cm. Có thể tháp này cũng có kích thước tương đồng với tháp số 1 và số 2. Cả ba mô hình tháp này đều có niên đại khoảng thế kỷ XIII - XIV.
Hiện nay, Miếu Ông còn lưu giữ được 02 bia đá. Bia “Vạn phúc đồng du” được làm bằng đá cát kết, rộng 76cm, cao 94cm, được ốp chìm vào tường, dựng năm Tân Mùi, niên hiệu Bảo Đại thứ 6 (1931), ghi tên những người cung tiến tôn tạo miếu. Bia “Đơn ký danh nhân đa tâm cung tiến thần tướng phù Trần thống lĩnh tả tướng quân Lê Bá Đức” làm bằng đá xanh, rộng 47cm, cao 60cm, dày 12cm. Đây là bia cổ đã bị mài chữ cũ, khắc đè chữ mới vào năm 1993.
Ngoài ra, tại di tích còn một số hiện vật như mảnh bát, đĩa gốm; mảnh bình, vò, lon sành có niên đại thời Trần, thời Lê; một quả chuông sắt cao 65cm (thân cao 37cm, quai cao 28cm), đường kính đáy 26cm, trên thân khắc minh văn Hán - Nôm.
Miếu Ông
Ngày 20/3/2015, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh ra Quyết định số 744/QĐ-UBND về việc Phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử Miếu Ông - Miếu Bà (xã Nam Sơn, huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh). Ngày 17/7/2015, Ủy ban nhân dân Tỉnh ra Quyết định số 2036/QĐ-UBND về việc phê duyệt Dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử Miếu Ông - Miếu Bà (xã Nam Sơn, huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh). Theo đó, Miếu Ông được tôn tạo với các hạng mục công trình trên nguyên tắc kiến trúc truyền thống, phù hợp với loại hình di tích. Cụ thể, khu vực Miếu Ông gồm các hạng mục sau: Miếu Ông, bình phong kiểu cuốn thư, cổng miếu, nhà tả vu hữu vu, nhà bia, nhà Ban quản lý di tích, am hóa vàng, bến thuyền xây bằng đá hộc …
Miếu Bà
Tọa lạc trên núi Cái Tăn, sát bờ trái của sông Ba Chẽ, Miếu Bà được xây dựng từ năm 1931, năm 2014 được đầu tư tôn tạo. Miếu có kiến trúc hình chữ Đinh (丁), quay hướng Tây Bắc, gồm ba gian Bái Đường và một gian Hậu Cung, xây bằng gạch, lợp ngói đỏ, đầu hồi bít đốc. Bái đường dài 7,9m; rộng 5,9m. Hậu cung dài 2,8m; rộng 2,1m.
Di tích Miếu Ông - Miếu Bà (xã Nam Sơn, huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh) là minh chứng của quá trình chinh phục tự nhiên khai phá vùng đất biên giới phía Bắc Tổ quốc, cũng như công cuộc chống giặc ngoại xâm gìn giữ non sông, bờ cõi của các thế hệ cha ông ta. Sự tồn tại của di tích có giá trị như một “cột mốc văn hóa” trường tồn, khẳng định chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam nơi địa đầu Tổ quốc.
Với những giá trị tiêu biểu trên, Miếu Ông – Miếu Bà, tỉnh Quảng Ninh được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia theo Quyết định số 3081/QĐ-BVHTTDL ngày 27/10/2020./
Khánh Chi
(Theo hồ sơ tư liệu Cục Di sản văn hóa)