Ngày 6 tháng 11 năm 2024
Liên kết website

Mô hình đất nung kiến trúc thời Lê Sơ, Hoàng thành Thăng Long

Mô hình đất nung kiến trúc thời Lê Sơ, Hoàng thành Thăng Long, hiện lưu giữ tại Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội, được công nhận là Bảo vật quốc gia tại Quyết định số 73/QĐ-TTg ngày 18/01/2024 của Thủ tướng Chính phủ.

- Chất liệu: Đất nung phủ men

-  Niên đại: Thế kỷ XV

- Giá trị:

Mô hình kiến trúc thời Lê Sơ, Hoàng thành Thăng Long là một trong những hiện vật tiêu biểu đặc sắc phát hiện trong lòng đất Khu chính điện Kính Thiên, thuộc trung tâm của Cấm Thành thời Lê. Đây là hiện vật được tạo tác hoàn toàn thủ công, do vậy, đó là sản phẩm đơn chiếc và độc bản. Về mô hình kiến trúc, ngoài mô hình tìm thấy trong các mộ thời Bắc thuộc, số lượng mô hình thuộc thời đại quân chủ Việt Nam phát hiện không nhiều. Mô hình kiến trúc thời Lê Sơ, Hoàng thành Thăng Long là hình mẫu sống động giúp nhận diện hình thái và cấu trúc của kiến trúc cung điện thời Lê Sơ. Với cách thức chế tạo từng cấu kiện rồi lắp ghép thành công trình hoàn chỉnh như một công trình trên thực tế, Mô hình kiến trúc thời Lê Sơ, Hoàng thành Thăng Long giống như một bản mẫu của một công trình ở tỉ lệ nhỏ hơn. Qua đây cho chúng ta một số nhận thức rất căn bản về kiến trúc hoàng cung thời Lê sơ, cụ thể: Mô hình kiến trúc thời Lê Sơ, Hoàng thành Thăng Long đã cung cấp luận cứ quan trọng và có sức nặng làm sáng tỏ công năng của các cấu kiện gỗ sơn son, thếp vàng đã được phát hiện trong các hố khai quật tại khu vực điện Kính Thiên những năm gần đây. Với cấu trúc và sự diễn tả chi tiết từng cấu kiện, mô hình giúp nhận thức đầy đủ và rõ ràng hơn về kết cấu và hình thái kiến trúc cung điện thời Lê sơ. Mô hình kiến trúc thời Lê Sơ, Hoàng thành Thăng Long cung cấp dữ liệu khẳng định, kiến trúc cung điện thời Lê sơ vẫn duy trì và tiếp tục sử dụng hệ cấu trúc đấu củng làm hệ kết cấu của công trình. Mô hình này cùng với các cấu kiện gỗ phát hiện trong các hố khai quật tại Hoàng thành Thăng Long một lần nữa khẳng định, thời Lê sơ, kiến trúc đấu củng không chỉ còn tiếp tục tồn tại mà hình thức kiến trúc này còn là biểu tượng và thể hiện đẳng cấp của công trình.

Về mặt hình thái, với kiến trúc hai tầng mái (chồng diêm) rất phổ biến dưới thời Lê sơ, mô hình kiến trúc thời Lê Sơ, Hoàng thành Thăng Long cho thấy có nhiều nét tương đồng với kiến trúc gác chuông chùa Keo (Thái Bình). Nhưng điểm khác biệt căn bản nhất giữa Mô hình kiến trúc thời Lê Sơ, Hoàng thành Thăng Long và kiến trúc gác chuông chùa Keo là, trong Mô hình đấu củng là hệ thống chịu lực chính, quan trọng của công trình, trong khi, gác chuông chùa Keo, đấu củng chủ yếu mang tính trang trí, ít đảm nhiệm chức năng chịu lực của công trình.

Không chỉ cung cấp những thông tin về bộ khung, mô hình cũng cho thấy rõ hơn về cấu trúc của bộ mái kiến trúc thời Lê sơ, qua đó hiểu rõ hơn công năng và cách thức sử dụng một số loại hình vật liệu kiến trúc cùng thời phát hiện tại Hoàng thành Thăng Long, góp phần hiểu rõ và cung cấp luận cứ cho việc nghiên cứu phục dựng công trình kiến trúc hoàng cung Thăng Long thời Lê sơ. Mô hình kiến trúc thời Lê Sơ, Hoàng thành Thăng Long là tư liệu tham khảo quan trọng cho việc nghiên cứu phục dựng điện Kính Thiên./.

Thúy Hà

(Theo hồ sơ tư liệu Cục Di sản văn hóa)

Liên kết website