Mộc bản chùa Dâu, Bắc Ninh
Mộc bản chùa Dâu, hiện lưu giữ tại chùa Dâu, phường Thanh Khương, thị xã Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, được công nhận là Bảo vật quốc gia tại Quyết định số 73/QĐ-TTg ngày 18/01/2024 của Thủ tướng Chính phủ.
Một mặt ván trong bộ Cổ châu hạnh
Mộc bản chùa Dâu, hiện lưu giữ tại chùa Dâu, phường Thanh Khương, thị xã Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, được công nhận là Bảo vật quốc gia tại Quyết định số 73/QĐ-TTg ngày 18/01/2024 của Thủ tướng Chính phủ.
- Chất liệu: Gỗ.
- Niên đại: Từ năm 1752 - 1859
- Giá trị:
Bộ mộc bản chùa Dâu hiện có 107 ván, với nhiều loại hình văn bản như: truyền thuyết về Phật Tứ pháp, kể hạnh về Phật Tứ pháp, kinh Phật, các nghi lễ cầu mưa, cầu tạnh, nghi lễ cúng tế các vị Tổ chùa... Đây là những bộ ván khắc dành riêng cho chùa Dâu do chính các vị sư trụ trì bản chùa vào những thời kỳ khác nhau đứng ra san khắc ngay tại chùa. Do vậy, các tác phẩm hoặc mang tên chùa là Cổ Châu, hoặc khắc rõ địa điểm tàng lưu là chùa Diên Ứng (chùa Dâu). Thời gian san khắc được khắc rõ trong từng bộ ván, chủ yếu vào thế kỷ XVIII, số ít trong thế kỷ XIX và đầu XX. Bộ mộc bản từ khi san khắc đến nay được bảo quản, lưu giữ tại chùa Dâu, là hiện vật gốc duy nhất, độc bản.
Xuất phát từ giá trị nội tại của hiện vật. Mộc bản là những cổ vật được tạo tác từ thế kỷ XVIII trở đi. Trong khi công nghệ in ấn phương Tây chưa ra đời thì phương pháp in ấn bằng mộc bản được sử dụng như một phương tiện chính thức để in ấn, phát hành các tài liệu ở khu vực Đông Á, trong đó có Việt Nam. Mỗi tác phẩm này là một công trình nghệ thuật điêu khắc thể hiện giá trị thẩm mỹ của người xưa. Hình thức độc đáo nhất của bộ mộc bản chùa Dâu là sự thể hiện một cách linh hoạt các hình thức diễn đạt nội dung. Bộ mộc bản chùa Dâu có tác phẩm là sự kết hợp hài hòa giữa đồ hình minh họa và văn tự theo các dạng: thượng đồ hạ văn (trên hình dưới chữ), nhất thư nhất họa (một trang chữ một hình). Hình thức này giúp người đọc, người xem tác phẩm dễ hiểu đễ nhớ nội dung tác phẩm. Các bức đồ hình được chạm khắc ở đây một cách tỉ mỉ, chau chuốt, sống động.
Bộ mộc bản chùa Dâu đặc biệt là tác phẩm Cổ Châu hạnh, Cổ Châu lục không những có giá trị khi nghiên cứu lịch sử còn có giá trị khi nghiên cứu lịch sử Phật giáo Việt Nam thông qua sự tích Phật Mẫu Man Nương cùng các vị Phật hệ Tứ pháp. Qua nội dung hai tác phẩm trên cho thấy lịch sử Phật giáo Việt Nam có sự du nhập, ảnh hưởng từ các nền văn hóa nước ngoài kết hợp với tín ngưỡng, truyền thống văn hóa của người bản địa, từ đó hình thành và phát triển nên một trung tâm tôn giáo mang đậm bản sắc dân tộc Việt.
Hệ thống mộc bản chùa Dâu chủ đạo sử dụng lối thư pháp Tống thể (hay còn gọi là Minh thể) là lối chữ được kế thừa và tiếp thu lối chữ khắc thư của Lâm An thư bằng có chuyển biến trong việc biến các nét trở nên thẳng hơn, cứng cáp hơn. Đường nét có sự biến hoá về mặt lớn nhỏ thông thường là ngang nhỏ, dọc đậm, cuối các nét có bộ phận mang tính trang sức (chân chữ), điểm, phiệt, nạt, câu đều có đầu nhọn, mang tính chất trang trọng. Lối chữ này đến nay vẫn được sử dụng một cách rộng rãi (lối chữ này cùng với một số khác như phỏng Tống, Khải thể, Hắc thể là bốn lối chữ in ấn thông dụng nhất trong hệ thống các văn bản in ấn). Lối chữ Tống thể được ra đời nhằm thích ứng với việc thuận theo hướng của các vòng của gỗ, Khải thư vốn có xu hướng trái thấp phải cao, nghiêng chéo hơn chếch lên trên, các nét sử dụng trong chữ đều có một xu hướng cố định biến đổi lớn nhỏ. Lối chữ này có một đặc điểm đó là chiếm hàng lối nhiều, giản đơn cho người khắc hơn hết nó mang lại hiệu quả thị giác rất tốt và không bị mỏi mắt khi người đọc phải đọc nhiều trang sách.
Một trong các điểm độc đáo của tài liệu mộc bản là chất liệu làm ván in. Trải qua thời gian gần 300 năm nhưng khi chiêm ngưỡng các ván khắc hiện nay còn khá nguyên vẹn, đẹp đã cho thấy tri thức bản địa sâu sắc về kỹ năng chọn gỗ, xử lý gỗ đạt đến trình độ cao của nhà chùa. Gỗ Thị nhẹ dễ vận chuyển nhưng dai dẻo, bền, ít khi bị mục nát. Chính vì vậy, mà các vị Tổ sư thường dùng gỗ Thị để khắc ván in. Với đặc tính gỗ màu sáng thớ mịn gỗ mềm không vỡ thớ nên nét khắc tinh xảo đã tạo ra những sản phẩm chuẩn xác, tính thẩm mỹ cao. Trước khi san khắc loại gỗ này còn được xử lý kỹ nên thích nghi được với thời tiết miền Bắc khá khắc nghiệt. Một số mộc bản không đủ độ dầy sẽ được được xẻ rãnh ở đầu ván chèn cật tre già vào để chống cong vênh.
Tiếp đến là yếu tố con người: Chữ viết trên mộc bản hoàn toàn là chữ Hán cổ và chữ Nôm là khối chữ dạng vuông, nhiều nét, cỡ chữ khắc trên mộc bản nhiều bộ rất nhỏ (ví dụ bộ Tam giáo bình tâm luận) và toàn bộ chữ đều được khắc ngược để in ra giấy trở thành bản xuôi. Vì vậy, người thợ khắc phải là người giỏi chữ Hán, chữ Nôm, có bàn tay khéo léo, bản tính kiên trì, thận trọng và trình độ thẩm mỹ cao mới có thể tạo ra được bộ mộc bản này. Nét chữ khắc trên mộc bản rất tinh xảo và sắc nét, bố cục hài hòa cân đối. Trên một số bộ mộc bản tại chùa Dâu đều cho biết người khắc ván ở xã Hồng Lục. Qua đây cho biết thêm về lịch sử nghề in khắc ở Việt Nam thời kỳ Trung đại./.
Thúy Hà
(Theo hồ sơ tư liệu Cục Di sản văn hóa)