Ngày 27 tháng 12 năm 2024
Liên kết website

Mộc bản chùa Trăm Gian, Hải Dương

Mộc bản chùa Trăm Gian, hiện lưu giữ tại chùa Trăm Gian, xã An Bình, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương, được công nhận là Bảo vật quốc gia tại Quyết định số 73/QĐ-TTg ngày 18/01/2024 của Thủ tướng Chính phủ.

Ván khắc Thỉnh Phật khoa

- Chất liệu: Gỗ                 

- Niên đại: Thế kỷ XVII - XX

- Giá trị:

Mộc bản chùa Trăm Gian hiện có 864 tấm mộc bản với nhiều loại văn bản như: kinh, sách, luật, luận và các loại sớ, điệp, ván lục thù, bùa chú… thuộc gần 26 đầu kinh, sách chính được chế tác nhiều đợt trong những khoảng thời gian xác định khác nhau, nhưng cơ bản được san khắc trong giai đoạn thời Nguyễn và một số ít được san khắc ở thời Lê (thế kỷ XVII - XVIII). Trong đó, mộc bản có niên đại sớm nhất được khắc vào triều vua Cảnh Hưng (1750).

Chùa Trăm Gian là một trung tâm đào tạo Phật giáo lớn, các vị sư trụ trì đã xây dựng nên hệ thống sách vở quan trọng, dù đã bị thất lạc nhiều nhưng vẫn còn lại tương đối nguyên vẹn nhiều ván khắc có giá trị cao. Chính vì vậy, mộc bản chùa Trăm Gian là sưu tập duy nhất của một số pho kinh/sách/luật giới nhà Phật theo thiền phái Lâm Tế sơn môn Bổ Đà - Yên Ninh nên mang tính độc bản, không nơi nào có, nếu mất khó có thể thay thế được, vì hiện nay nghề khắc mộc bản gần như đã bị thất truyền.

Mộc bản chùa Trăm Gian là những cổ vật được tạo tác cách đây hàng trăm năm, hiện vật được các cánh thợ ở làng nghề Thanh Liễu, Liễu Tràng (nay thuộc phường Tân Hưng, thành phố Hải Dương) tạo tác với kỹ thuật tinh xảo, tất cả các khâu trong quá trình chế tác mộc bản được làm rất công phu, cầu kỳ, tỉ mỉ, tốn kém nhiều công sức. Chữ viết trên mộc bản là chữ Hán, chữ Nôm hoặc cả chữ Hán xen chữ Nôm, chữ Phạn, chữ triện, chữ được khắc ngược để khi in ra giấy trở thành bản chữ xuôi. Vì vậy, người thợ khắc phải là người đa năng: giỏi chữ Hán/chữ Nôm, có bàn tay khéo léo, có con mắt tinh tường, bản tính kiên trì/nhẫn nại/thận trọng và trình độ thẩm mỹ cao mới tạo ra được các mộc bản này. Ngoài các mộc bản khắc chữ, một số mộc bản chùa Trăm Gian còn có khắc trang trí các đề tài về Phật giáo. Các đề tài trang trí trên mộc bản ấy chủ yếu là hình họa tiết hoa sen, hình bùa chú, hình Đức Phật, rồng, phượng, hoa lá độc đáo với đường nét trang trí đẹp, bố cục hài hòa nên mỗi mộc bản đều được coi là một tác phẩm điêu khắc gỗ hoàn chỉnh có giá trị nghệ thuật, thẩm mỹ cao, hình thức thể hiện độc đáo.

Thông qua những tư liệu có thể thấy sự mở mang, phát triển không ngừng của chùa Trăm Gian nói chung, việc giữ gìn mộc bản kinh sách Hán Nôm do nhà chùa cho chế tác nói riêng, luôn gắn với sự quan tâm, đóng góp của nhân dân. Danh tính của hàng trăm cá nhân, gia đình dòng họ ở khắp càng làng xã, chùa chiền trong vùng hãy còn lưu trên các bản khắc “Phương danh”; trong các bộ kinh sách. Điều này rất có ý nghĩa khi nghiên cứu đời sống văn hóa tâm linh của người Việt, lịch sử địa danh các làng xã, gia phả các dòng họ trong cả vùng đồng bằng sông Hồng cũng như lịch sử tiền tệ. Đặc biệt, mộc bản chùa Trăm Gian có giá trị rất lớn về mặt nhân văn, giáo dục con người làm điều thiện tránh điều ác, sống có trách nhiệm, sống tốt với mọi người xung quanh.

Qua những giá trị cơ bản của mộc bản chùa Trăm Gian cho thấy, đây là một trong những hiện vật quý hiếm của quốc gia, chứa đựng giá trị to lớn. Các mộc bản kinh Phật ở chùa Trăm Gian trên thực tế đã trở thành một bảo vật tôn vinh sự hưng thịnh của Phật giáo, nó vừa mang giá trị tôn giáo, lại vừa mang các giá trị giáo dục, thẩm mỹ, ngôn ngữ, lịch sử hết sức đặc sắc. Những giá trị ấy vừa có hình thù, hoa văn họa tiết, ván khắc chữ viết để chúng ta chiêm ngưỡng được một cách trực diện bằng thị giác. Tuy nhiên, bên cạnh đó, kho mộc bản này còn có giá trị vô hình chúng ta không thể tiếp nhận một cách trực diện được, mà phải nhìn nó bằng cái nhìn bên trong, sự hiện hữu vô hình của kho mộc bản đã tác động rất lớn đến sự tồn tại, phát triển của Phật giáo và văn hóa Phật giáo ở nước ta.

Có thể khẳng định, tổng tập mộc bản kinh, sách Hán Nôm tại chùa Trăm Gian chính là những tác phẩm lớn chứa đựng nội dung cốt lõi của tư tưởng nhân văn Việt Nam. Đây cũng là nguồn di sản tư liệu phong phú, đa lĩnh vực giúp các nhà nghiên cứu hiểu được cơ sở phát triển của Thiền học Lâm Tế, lịch sử Phật giáo Việt Nam, văn hoá giáo dục, văn học, ngôn ngữ học, sinh thái môi trường, tâm linh học, lịch sử nghề khắc in mộc bản, nghệ thuật điêu khắc gỗ cổ truyền cùng các lĩnh vực khác thuộc về khoa học xã hội của Việt Nam.

                                                                        Thúy Hà

(Theo hồ sơ tư liệu Cục Di sản văn hóa)

Liên kết website