Ngày 10 tháng 10 năm 2024
Liên kết website

Múa rối nước ở Hải Dương

Múa rối nước (Trò rối nước) ở tỉnh Hải Dương là di sản văn hoá phi vật thể, thuộc loại hình Nghệ thuật trình diễn dân gian, đã được Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia (đợt 1) năm 2012.

Chủ thể văn hóa của di sản này hiện nay là nhóm nghệ nhân của 3 phường rối nước, thuộc xã Hồng Phong, huyện Ninh Giang; xã Thanh Hải, huyện Thanh Hà và xã Lê Lợi, huyện Gia Lộc.

Trước Cách mạng tháng Tám, ở Hải Dương có 3 phường rối nước: Bồ Dương (nay thuộc xã Hồng Phong, huyện Ninh Giang), An Liệt (nay thuộc xã Thanh Hải, huyện Thanh Hà), Bùi Thượng (nay thuộc xã Lê Lợi, huyện Gia Lộc). 

- Phường Rối nước Bồ Dương: các tài liệu và hoạ tiết chạm khắc còn lưu giữ tại đình thôn Bồ Dương cho thấy, nghề Múa rối nước được truyền từ  Bắc Ninh về thôn Bồ Dương từ thế kỷ XIV, sau này ở phường có cụ Lý Tiêu sang dạy học trò ở Nguyên Xá (Thái Bình) và trở thành một phường rối nước nổi tiếng của cả nước.

- Phường Rối nước Bùi Thượng: ở đình làng Bùi Thượng, xã Lê Lợi (Gia Lộc) thờ vị tướng thời Lý là Trương Công Tế - tương truyền là vị Đại Nguyên soái, kiêm Đô đốc Thuỷ quân, có công đánh giặc Tống. Khi về già, ông đem nghề múa rối truyền dạy cho dân làng Bùi Thượng. Khi mất, ông được suy tôn làm Thành hoàng. Ngoài ra, tại đình còn thờ một vị tướng khác là Trần Bình (thời Lý), người dùng các con rối để lừa giặc Tống. Sau làng Bùi Thượng có hai đội rối nước, một đội của họ Phạm Thế, một đội của họ Đinh, mỗi đội có 30 người. Phường Rối nước Bùi Thượng có vai trò quan trọng trong các dịp cúng tế Thành hoàng.

- Phường Rối nước An Liệt: theo lưu truyền tại địa phương, phường rối nước ở đây có từ thời hậu Lê, do một người làng An Liệt đi làm ăn xa, được xem Múa rối nước, thấy hay nên đã học, về làng lập ra phường và hành nghề.

Ba phường rối nước nói trên có các loại con rối chủ yếu sau: chú Tễu, rồng, thuyền rồng, rùa, rắn, cá, lân… Mỗi con rối là một tác phẩm nghệ thuật, có vị trí nhất định trong từng trò diễn, trong đó chú Tễu là hình tượng tiêu biểu cho trò múa rối nước. Tùy vào tiết mục biểu diễn của mỗi phường rối mà có số lượng, loại hình, quy mô và kích thước con rối riêng.

Con rối thường được làm bằng gỗ sung, loại gỗ nhẹ, dễ nổi trên mặt nước, được tạc chau chuốt, với những đường nét cách điệu riêng, sau đó gọt giũa, đánh bóng và trang trí với nhiều màu sơn khác nhau để làm tôn thêm đường nét, thể hiện tính cách cho từng nhân vật. Các con rối thường lộ vẻ tươi tắn, ngộ nghĩnh, hài hước và có tính tượng trưng cao.

Phần thân rối là phần nổi lên mặt nước, thể hiện nhân vật, còn phần đế là phần chìm dưới mặt nước, giữ cho rối nổi bên trên và là nơi lắp “máy” điều khiển (máy sào và máy dây) cho con rối cử động.

Nghệ thuật rối nước dùng mặt nước, nhà rối hay thủy đình làm sân khấu. Thủy đình thường được dựng lên ở giữa ao, với kiến trúc cân đối, tượng trưng cho mái đình của vùng nông thôn Việt Nam. Người nghệ nhân rối nước đứng trong buồng trò, để điều khiển con rối. Thủy đình di động, có diện tích khoảng 30m2, xưa thường được làm bằng tre, nứa, phía sau có phông che, xung quanh trang trí cờ, quạt, voi, lọng, cổng (hàng mã) và tên phường rối... Ngày nay, ở cả 3 phường rối nước, thuỷ đình đều được xây dựng bằng gạch, bê tông cốt thép chắc chắn trên các ao làng. Mức nước đảm bảo là 0.8m, được hòa phẩm màu xanh lục. Sân khấu rối nước là khoảng trống trước mặt buồng trò.

Ngoài hệ thống thủy đình, các di tích đình, đền và chùa ở 3 xã trên cũng là nơi lưu giữ những tư liệu, hình ảnh độc đáo, liên quan đến nghệ thuật rối nước như:

- Đình Bồ Dương, xã Hồng Phong (huyện Ninh Giang): có các bức cốn chạm khắc hình các con rối đang cưỡi rồng, đặc biệt là có hình các chú Tễu đang đấu vật.  

- Đình Bùi Thượng, xã Lê Lợi (huyện Gia Lộc): là nơi thờ Thành hoàng làng, người có công truyền nghề làm con rối nước cho dân làng.

- Chùa và đền An Liệt, xã Thanh Hải (huyện Thanh Hà): đây là 2 di tích trong một quần thể kiến trúc. Chùa có hướng nhìn ra ao múa rối nước. Bên cạnh chùa là đền. Tương truyền, ngôi đền trước kia có chạm khắc hình các chú Tễu trên các bộ vì nhưng nay đã mất. Trong lễ hội đền và các ngày lễ chùa thường có biểu diễn Múa rối nước, do phường rối nước An Liệt trình diễn, để phục vụ dân làng và khách thập phương.

Các phường rối nước ở tỉnh Hải Dương có nhiều tiết mục biểu diễn, tiêu biểu như:

- Tễu giáo đầu: tiết mục đầu tiên chào khán giả và giới thiệu chương trình.

- Đấu vật: thể hiện tinh thần thượng võ và rèn luyện sức khỏe của người dân.

- Đánh bắt cá: cảnh sinh hoạt thôn quê, thể hiện sự hòa hợp trong cuộc sống và lao động sản xuất của vợ chồng.

- Múa rồng, múa lân: thể hiện sức mạnh của các linh vật và tạo sự vui nhộn.

- Múa bát tiên: thể hiện sự hòa hợp giữa trời đất và cuộc sống trần gian.

Hiện nay, các phường rối cũng sáng tác thêm nhiều tích trò mới, như Rước ảnh Bác Hồ, Chống mất cắp cổ vật, Tây du ký…

Nghệ nhân biểu diễn rối nước có 2 nhóm chính: nhóm điều khiển con rối và nhóm các nhạc công, nghệ sỹ hát và thể hiện lời thoại.

Rối nước là nghệ thuật lấy động tác làm ngôn ngữ diễn đạt chính. Rối nước gắn bó với âm nhạc như nghệ thuật múa. Âm nhạc điều khiển tốc độ, giữ nhịp, dẫn dắt động tác, gây không khí với tiết tấu truyền thống, giữ vai trò chủ đạo của trò rối nước. Nhạc rối nước thường sử dụng các làn điệu chèo hoặc dân ca vùng châu thổ Bắc Bộ.

Có thể nói, Múa rối nước là một trong những loại hình nghệ thuật của hội hè làng xóm, là nét sinh hoạt vǎn hoá mang tính cộng đồng cao và là sáng tạo bí truyền của từng phường, từng hội, từng nghệ nhân. Những năm gần đây, múa rối nước ở Hải Dương đã được các cấp, ngành chức năng quan tâm, bảo tồn như đầu tư trang, thiết bị, dựng tiết mục biểu diễn, tổ chức liên hoan cấp tỉnh (2 năm một lần), tổ chức các lớp chuyển giao kỹ năng, gắn hoạt động biểu diễn rối nước với các tour, tuyến du lịch, tạo điều kiện cho các nghệ nhân trình diễn phục vụ nhân dân trong và ngoài tỉnh. Các nghệ nhân của 3 phường rối nước trên địa bàn tỉnh Hải Dương cũng luôn có ý thức và hành động thiết thực nhằm bảo tồn, phát huy, quảng bá di sản văn hóa đặc sắc này tới bạn bè trong nước và quốc tế.

Thế Phúc (Theo Hồ sơ di sản, tư liệu Cục Di sản văn hóa)

Liên kết website