Ngày 21 tháng 12 năm 2024
Liên kết website

Nau M’pring của người M'nông

Dân ca của người M’nông ở Đắk Nông (còn gọi là Nau M’pring), là hình thức diễn xướng dân gian (không có nhạc đệm) được người M’nông sáng tác, sản sinh từ lao động sản xuất, lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác và được cộng đồng coi là tài sản chung của tộc người

Dân ca M’nông gồm hai thành phần cơ bản là âm nhạc giữ chức năng nhịp điệu, tiết tấu; lời ca thể hiện nội dung, gắn bó với nhau và hỗ trợ cho nhau. Những bài hát dân ca là lời ăn tiếng nói thường ngày được nghệ thuật hóa, khái quát hóa mang sắc thái dân tộc, địa phương tạo sự phong phú về giai điệu, tiết tấu và tô đậm bản sắc dân tộc trong dân ca của người M’nông. Xét về thang âm, dân ca M’nông có đủ các thể từ thang 3 bậc âm, 5 bậc âm, 6 bậc âm và 7 bậc âm. Tuy nhiên, người M’nông dùng chủ yếu là thang 5 âm (có hoặc không có bán âm).

Nội dung cơ bản của dân ca M’nông thường đề cập đến sự hình thành của vũ trụ, con người và xã hội; ngôn ngữ rất gần với lời nói hàng ngày và mang đậm tính thơ ca; phương pháp sử dụng tục ngữ và thành ngữ được vận dụng một cách sáng tạo; các thủ pháp nghệ thuật được sử dụng rất tài tình, như so sánh, tương phản, mô phỏng, ngoa dụ… thường được kết hợp với nhau trong quá trình khắc họa tính cách của nhân vật và sự việc. Ngoài ra, Dân ca M’nông là thể loại giàu chất trữ tình, những câu hát có hình ảnh, nhịp điệu, có vần điệu… thường dẫn ra trong cuộc sống hàng ngày. Chủ đề của lời hát còn được dùng trong các nghi lễ và những điệu hát khấn thần. Chính nhờ hình thức này mà dân tộc M’nông đã dựng nên những pho sử thi rất hoành tráng, có dung lượng dài đến hàng ngàn câu.

Tất cả những đặc điểm nói trên của dân ca M’nông được bắt nguồn từ một nền nông nghiệp nương rẫy, một xã hội tiền giai cấp. Dân ca M’nông hình thành cơ bản trên cơ sở lời nói vần, một hình thức đặc biệt trong ngôn ngữ của tộc người M’nông. Mặc dù đã trải qua quá trình giao lưu văn hóa, đặc biệt là văn hóa ngoại lai của Pháp, Mỹ và văn hóa của người Kinh, song dân ca M’nông vẫn phát triển, phong phú về thể loại, đa dạng về thang âm và giữ được những nét đặc trưng. Hình thức truyền miệng dân ca vẫn là phương thức lưu truyền, phổ biến trong cộng đồng.

Trong những bài hát dân ca người ta phân thành nhiều thể loại như các bài hát ru con, các khúc hát ngắn tả các con vật khác, các khúc ca mà ta có thể đặt tên là khúc hát của các cô nàng thời xa xưa (Noo toong uur drôh), hay còn là khúc hát của các chúa tể thời xa xưa (Noo toong kuang), những bài hát minh họa một sự kiện nào đó thường rất gần… nhưng quan trọng nhất là các bài hát về tình yêu (Noo toong soh). Dựa vào nội dung của các bài hát dân ca M’nông, có thể phân loại theo hai nhóm sau: hình thức diễn xướng và hình thức nghi thức.

Nhóm dựa vào hình thức diễn xướng

- Hát đơn là hình thức hát phổ biến của người M’nông cho mọi tầng lớp, thường do một người hát như hát ru, hát trữ tình…thể hiện nội dung sâu lắng, mang tính tự sự, những ước mơ thầm kín, tình cảm riêng tư hoặc cả những nhu cầu tâm linh của con người.

- Hát đối đáp của người M’nông thường chia làm 2 nhóm để hát thi với nhau, phổ biến nhất là hát giao duyên. Hát đối đáp thường có sẵn bài để hát, đôi khi người hát ứng tác những lời ca mới; nội dung thường nói về cảnh quan thiên nhiên, tình yêu quê hương, tình yêu đôi lứa.

- Hát kể sử thi (Ot N’drông) diễn ra trong thời gian nông nhàn, những đêm giá lạnh quây quần bên bếp lửa hay trong lễ hội, do các già làng kể cho mọi người nghe. Hát kể là những huyền thoại liên quan đến các thần linh, biểu hiện ước mơ con người trước thiên nhiên và đất trời huyền bí, khắc nghiệt. Đây là những bản anh hùng ca có vần điệu, được kết hợp các hình thức kể giữa nói, ngâm vịnh, với các động tác múa có tính xúc cảm cao.

- Hát múa diễn ra trong các ngày lễ hội truyền thống và sinh hoạt chung của cộng đồng; là sự kết hợp của cả 3 yếu tố là hát, múa và nhạc đệm (bằng dàn chiêng hoặc một số nhạc khí bằng tre nứa).

- Hát khóc thể hiện sự thương tiếc về người mất trong đám tang (kể về số phận, những công trạng của họ đối với gia đình cũng như cầu mong cho người chết siêu thoát) hoặc con trâu sắp chết trong lễ hội.

Nhóm dựa vào hình thức nghi thức

- Dân ca tín ngưỡng (khấn thần Bưh Rrah): thường được hát trong các buổi lễ, hội của cộng đồng nhằm cầu xin các thần giúp con người vượt qua khó khăn, dịch bệnh; mùa màng được bội thu; cho con cháu vui chơi; trâu, bò, lợn, gà đầy chuồng; thóc đầy kho, đầy bồ.

- Dân ca đợi chờ (M’prơ) khá phổ biến trong thanh niên nam nữ. Khi vắng người yêu, chàng trai hay cô gái cất lên những lời ca có tiếng nhạc rừng phụ họa làm vơi nỗi nhớ thương, có khi ở chòi canh trên rẫy, hoặc trên nhà sàn sau giờ làm việc, trong một đêm trăng hay những lúc nghỉ ngơi.

- Dân ca giao duyên (Tăp tà Weu) hay còn gọi là hát tỏ tình, hát đối đáp… Trai gái làm quen, ưng ý nhau thì thông qua câu hát họ nói lời ước hẹn, thề thốt giữ trọn tình yêu, hẹn ngày chung hạnh phúc. Trước khi chia tay, họ hát những khúc ca tiễn biệt với tình yêu tha thiết và hẹn nhau những lần hát sau đó.

- Hát ru con (Mprơ n’him kon) hầu hết có nội dung về nhận thức, ước mơ, hoài bão của các bà, các mẹ, các chị đối với cháu, con, em mình; được thể hiện ở nhà, khi địu con đi nương, trong quá trình lao động sản xuất…

- Đồng dao (Nao mưi kon xe) được hát trong trò chơi dân gian của con trẻ người Mnông như đi cà kheo, kéo co, trốn tìm… các em vừa chơi vừa hát phụ họa, làm cho các trò chơi thêm phần sôi nổi, vui vẻ. Hình thức hát đồng giao có nội dung phong phú, đa đạng thích hợp với cách nghĩ cách làm của trẻ em; lời hát ngắn gọn, dễ hiểu, có ý nghĩa giáo dục.

Ngoài việc phân loại dân ca dựa vào nội dung bài hát, dân ca M’nông có thể chia thành các thể loại như: Dân ca gắn với lao động sản xuất, phong tục tập quán, sinh hoạt và nghi lễ tín ngưỡng.

- Dân ca gắn với lao động sản xuất: từ lao động sản xuất, đồng bào M’nông dùng lời ca, điệu nhạc phản ánh cuộc sống và động viên nhau với những bài dân ca miêu tả cuộc sống lao động sản xuất, gắn với nương rẫy, núi rừng, cỏ cây, làng bản…

- Dân ca gắn với phong tục tập quán và sinh hoạt: được thể hiện nhiều nhất trong thể loại kể trường ca, các điệu hát trong lễ đâm trâu hoặc người già khi uống rượu... Đây là loại dân ca phổ biến nhất và gắn bó thường ngày với đời sống nhân dân, như: Hát đợi chờ, hát giao duyên (hát đối đáp), hát ru, hát đồng giao (hát trò chơi con trẻ)… Đó là những điệu dân ca tình tứ, ví von, sôi nổi rộn ràng, biểu hiện tâm hồn, tư tưởng tình cảm của con người trong các lĩnh vực của cuộc sống xã hội.

- Dân ca gắn với nghi lễ tín ngưỡng: gồm nhiều bài hát ca ngợi oai linh của các vị thần, cầu xin những điều tốt đẹp cho con người.

Không gian diễn xướng của dân ca M’nông rất rộng, bao trùm toàn bộ môi trường sinh sống của người M’nông. Sau các nghi lễ trang trọng, người ta quây quần bên các ghè rượu thưởng thức những đồ ăn, thức uống mang linh khí của các thần bảo mệnh, rồi thả hồn vào những bài hát dân ca, ca ngợi quê hương, làng bản. Hình thức hát dân ca tương đối tự do thoải mái, không bị câu thức bởi lễ nghi, phép tắc diễn xướng. Người nghệ nhân bằng giọng hát của mình, đặt chỗ lấy hơi, chọn nơi thêm luyến láy, từ phụ, hư từ làm cho lời hát sinh động. Giọng, điệu, lời hát, cách sử dụng ngữ điệu, ngữ khí, sắc thái là những phương tiện cơ bản của diễn xướng mà nghệ nhân hát dân ca cần có để có thể diễn xướng được những bài dân ca M’nông.

Dân ca của dân tộc M’nông mang đậm giá trị lịch sử, văn hóa, gắn liền với sự hình thành và phát triển của cộng đồng người M’nông. Dân ca M’nông để giao tiếp giữa con người với thế giới siêu nhiên, hát về tình yêu đôi lứa, ca ngợi những chàng trai anh dũng chống lại cái ác để bảo vệ buôn làng, thiên nhiên tươi đẹp. Dân ca M’nông góp phần làm phong phú đời sống tinh thần, khích lệ quá trình lao động và sinh hoạt cộng đồng của cộng đồng. Dân ca M’nông bảo vệ và trao truyền các tri thức về tự nhiên, xã hội và con người như: các hiện tượng nắng, mưa, gió, bão, sấm sét, đêm ngày, núi rừng, sông suối, ao hồ, đầm lầy, trời đất...; ứng xử với tự nhiên trong lao động sản xuất, săn bắt, hái lượm...; ứng xử giữa con người với nhau; về văn hóa vật chất (ăn, mặc, ở…) và văn hóa tinh thần (nghi lễ, lễ hội, phong tục, tập quán...)… Dân ca M’nông góp phần cố kết cộng đồng, giáo dục các thế hệ về ý thức cội nguồn dân tộc, bản sắc tộc người, đạo đức trong gia đình và trong cộng đồng, tình yêu đôi lứa, trao truyền kinh nghiệm lao động sản xuất… để truyền dạy cho thế hệ sau. Dân ca của người M’nông góp phần nghiên cứu lịch sử, văn hóa, tri thức dân gian như phong tục, tập quán, lễ hội của dân tộc M’nông trên địa bàn tỉnh Đắk Nông; có giá trị khoa học trong nghiên cứu ngôn từ dân gian của dân tộc M’nông.

Với giá trị tiêu biểu trên, Nau M’Pring (Dân ca) của người M’nông được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 2743/QĐ-BVHTTDL ngày 30/9/2020.

Dương Anh

(Theo Hồ sơ tư liệu, Cục Di sản văn hóa)

Liên kết website