Nghề quỳ vàng, bạc Kiêu Kỵ
Nghề quỳ vàng bạc (làng Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội) xuất hiện cách đây khoảng trên 400 năm, thời Hậu Lê. Tổ nghề là ông Nguyễn Quý Trị, khi đi sứ Trung Quốc học được nghề dát đập vàng bạc để sơn thếp vàng câu đối, hoành phi, tượng… về nước, chỉ truyền nghề cho dân làng Kiêu Kỵ. Tương truyền, sau khi truyền nghề quỳ vàng bạc cho dân làng, ngày 17 tháng Tám Âm lịch, Ôngng bỏ đi, không rõ tung tích. Từ đó, để tưởng nhớ tới công ơn của ông, dân làng Kiêu Kỵ đã suy tôn Nguyễn Quý Trị là Tổ nghề quỳ vàng bạc và lấy ngày ông ra đi làm ngày cúng giỗ Tổ nghề hàng năm.
Tại nơi cột cái của nhà Tràng, làng Kiêu Kỵ, ông Nguyễn Quốc Trị đã đóng lên cột một cái đinh loại răng bừa dài 15cm và thề rằng “Không ai được truyền ra ngoài”. Sau đó, Tràng trở thành nơi thờ cúng Tổ nghề, nơi truyền dạy nghề cho thế hệ kế cận. Một tục lệ khác đặc biệt của làng là người dân trong làng ai muốn học nghề quỳ vàng đều phải làm lễ khấn Tổ nghề. Nếu ai không làm lễ khấn ngài thì khi đập quỳ sẽ đập vào tay và người ta cho rằng đây là ngài có ý quở trách kẻ đó vô lễ, không cho theo nghề này. Người lạ ở địa phương khác đến xin việc ít khi được chủ cơ sở quỳ vàng chấp nhận do khó kiểm soát việc thất thoát vàng.
Ngày 11 - 12 tháng Giêng, các gia đình làm nghề làm lễ khai Tràng, dâng lễ vật, cầu mong Tổ nghề phù hộ cho gia đình trước khi bắt tay vào sản xuất của một năm mới. Lễ giỗ được dân làng tổ chức vào ngày 17 tháng Tám để bày tỏ lòng tôn kính, ghi nhớ công ơn Tổ nghề.
Nghề quỳ vàng bạc Kiêu Kỵ đòi hỏi sự công phu, kiên trì và khéo léo của người thợ. Để có quỳ thành phẩm cần trải qua nhiều công đoạn, đều cần sự tỉ mỉ, yêu cầu cao về kỹ thuật, đòi hỏi sự cảm nhận chính xác của con người mà không máy móc nào thay thế được. Từ việc xây lò kín và thấp, dùng mùn cưa trộn với nhựa thông, viên nhỏ đốt dưới chiếc nồi ang để tạo bồ hóng, làm mực “lướt” quỳ, vàng phải đập mỏng đều, không rách, người thợ phải tập trung cao độ. Người thợ dát vàng quỳ ở Kiêu Kỵ, chỉ cần 1 chỉ vàng có thể đập mỏng thành 980 lá có diện tích lớn hơn 1m2, hiện chưa có máy móc nào làm được.
Quy trình sản xuất dát vàng bạc trải qua 3 khâu chính: làm quỳ mới, đập diệp và làm quỳ cũ sau đó mới thếp lên sản phẩm Để có một vàng quỳ, người thợ phải đập khoảng 1 giờ đồng hồ liên tục, tính ra phải đập trên 400 nhát búa cho một quỳ vàng. Ở giai đoạn cuối, khi gỡ vàng, người thợ phải làm việc trong phòng kín, đeo khẩu trang và ngồi ở trong màn, vì chỉ cần vô ý thở mạnh vàng sẽ bị bay. Dát vàng bạc quỳ lên sản phẩm người thợ dùng chiếc bay rất mỏng bằng xương hoặc bằng mảng tre vát mỏng để dát vàng lên các sản phẩm; họa sỹ dùng bút vẽ với dầu sơn chấm vào vàng quỳ để vẽ lên tranh sơn mài.
- Về nguyên liệu: là vàng, bạc nguyên chất. Nếu vàng, bạc xấu phải chuyên lại để lọc bỏ tạp chất và làm cho vàng sáng. Cách chuyên thủ công: dùng lá đề, vôi bột, đất sét nặn thành nồi. Sau đó, cho vàng/bạc, diêm sinh, muối ăn vào nồi dùng than hoa đun nhỏ lửa để lọc, trên nồi có đặt than xoan để hút các chất bẩn. Ngày nay, với công nghệ phát triển người Kiêu Kỵ chỉ cần đặt mua vàng/bạc là được.
Keo da trâu: Da trâu (đã loại bỏ hết chất mỡ) đun với nước sạch khoảng 48 giờ liên tục. Khi nước gần cạn, đun nhỏ lửa đến lúc da nhừ có màu vàng vàng sẽ bỏ ra lọc rồi phơi trên lá chuối. Trời nắng đẹp thì keo mới tốt và làm mực mới đẹp. Trung bình 1kg da trâu khô thường nấu thành 0,3kg keo. Trước đây, người Kiêu Kỵ thường mua da trâu tươi về để làm, nhưng hiện nay họ mua da trâu khô về nấu keo hoặc mua keo làm sẵn ở phố Hàng Hòm.
Mực: Các gia đình tự nấu mực, không được mua mực tàu vì khi làm lướt mực tàu trên lá giống vàng sẽ không giãn ra được. Mực được làm từ việc trộn các nhựa thông, bồ hóng, mùn cưa theo tỷ lệ nhất định (bí kíp riêng của các gia đình làm nghề), sau đó đun lên để tạo thành mực.
- Dụng cụ làm vàng, bạc quỳ gồm: búa đánh quỳ (được chỉnh sửa mặt búa có độ vát 15 độ), đá kê; kéo; cối đá, chày giã mực; miếng đá nhỏ hình thang nghiêng 35 độ, dùng để lướt (hay bôi) mực vào lá giống hay lá vỡ; đai buộc quỳ bằng loại vải dày như vải ka ki; cái bay mỏng dùng để chại bạc hay chại vỡ hoặc bay để lấy quỳ ra xếp thành xấp quỳ; lá vả dùng để phơi khô các lá giống khi lướt mực xong.
- Các bước làm vàng, bạc quỳ
+ Làm lá giống
Lá giống được làm từ giấy dó, được pha thành miếng vuông nhỏ có kích thước 5cm (xưa kia người ta pha giấy ra hình chữ nhật). Xếp thành từng xấp dày 500 lá quỳ; mỗi xấp giấy như vậy sẽ làm thành một quỳ vàng, hay một quỳ bạc về sau. Sau đó, đưa các buộc giấy dó đi ngâm nước và ép khô. Sau đó, giấy được đem đập 5 lần, bóc 5 lần, cụ thể: bóc ướt, nấm giai, thâm tím, bong chập, bóc cải và cải giấy.
Sau khi đập và lướt giấy bản xong, người thợ tiến hành ngay việc lướt mực vào làm giấy giống để đập quỳ. Người thợ đem các xấp giấy đã qua 5 lần lướt nước và đập khô, rồi dùng chổi nhỏ lướt mực tàu lên hai mặt của từng tờ giấy bản đặt trên bề mặt của hòn đá hình thang nghiêng 35 độ, sau đó phơi lên lá vả (vì lá vả có các tơ mịn, khi bóc giấy ra sẽ không bị bay mực) để nơi thoáng cho khô. Khi giấy đã khô thì chỉ việc cầm cả chồng lá vả rũ mạnh là các tờ giấy bong ra hết.
Những tờ giấy này lại được xếp vào thành từng quỳ 500 tờ, rồi lấy đai buộc chặt lại và tiến hành đập một hồi lâu. Sau đó quy trình lại lặp lại như trên tất cả là 3 lần mới được giấy quỳ giống để cho miếng dòng vàng hay bạc vào đánh thành quỳ ở cung đoạn sau. Công đoạn làm lá giống là công đoạn quan trọng nhất, quyết định đến chất lượng của việc dát mỏng vàng bạc sau này. Lá giống đạt tiêu chuẩn phải đủ độ dai để không bị rách, nhưng lại không được phai màu keo lẫn vào mới vàng, nhất là phải khô để miếng vàng không bị dính vào lá giống. Một điều cần lưu ý khi lướt và đập giấy quỳ thì phải loại bỏ những tờ giấy bị rách nát ra, nếu không lúc cho vàng bạc vào đánh quỳ sẽ bị vỡ vụn, hoặc dàn mỏng không đều làm ảnh hưởng đến chất lượng của quỳ.
+ Làm quỳ cũ
Pha giấy khấu làm lá quỳ vỡ: Giấy khấu cũng làm từ vỏ cây dó nhưng dầy hơn giấy bản, giống như giấy xi măng. Giấy khấu mua về được pha ra thành miếng kích thước 7cm2. Đây là miếng giấy dùng để cho các miếng diệp vàng hay bạc vào đánh vỡ. Pha giấy xong xếp lại thành từng xấp dày từ 200 đến 300 lá vỡ, và mỗi xấp giấy này được gọi là một vỡ. (Số lượng lá vỡ trong một vỡ tuỳ thuộc vào việc làm quỳ vàng, quỳ bạc cựu hay quỳ bạc tân).
Lướt mực và đập giấy quỳ vỡ: Sau khi pha giấy vỡ xong thì đem các lá quỳ vỡ này cho vào nồi luộc kĩ, và vớt ra cho vào bàn ép khô, rồi đập cải. Tiếp đến phải gỡ bong ra từng lá, rồi lướt mực lên các lá vỡ tương tự như lướt lá quỳ và phơi khô trên lá vả, tạo cho các lá vỡ có độ đen nhẵn bóng là được. Công đoạn này người trong nghề gọi là làm quỳ mới hay quỳ dòng.
+ Cán vàng/bạc (cắt điệp) - xếp nhân - Quỳ vỡ - cắt dòng
Cán vàng/bạc: Pha chế vàng, bạc rồi cho vào nồi (làm bằng đất sét to hơn ngón chân cái) nấu trên bếp lò có bễ kéo bằng tay cho chảy ra; rồi đổ ra rãnh nhỏ bằng nửa chiếc đũa, thành thỏi dài 10cm. Xưa kia người ta thường làm quỳ vàng bằng vàng nguyên chất nên phải có công thức pha chế là 1 chỉ vàng + 1/10 chỉ bạc thành vàng trên 85% để đánh quỳ mới dẻo, không bị vỡ vụn. Còn bạc nguyên chất thì không cần pha chế. Tiếp theo, đem thỏi vàng hay bạc để lên đe, lấy búa đập cán dài ra. Theo kinh nghiệm của các cụ cao niên trong nghề quỳ vàng bạc thì 1 chỉ vàng (hay 1 chỉ bạc) cán dài được 2m là vừa đẹp.
Cắt dòng: Cắt sợi vàng (bạc) ra thành từng đoạn nhỏ bằng móng tay (khoảng 1cm2) gọi là diệp.
Quỳ vỡ: Những miếng diệp được xếp giữa 2 lớp lá giống, 50 miếng lá giống vuông sẽ kèm 49 diệp vàng nhỏ.
Đánh vỡ và cắt dòng: Đặt những miếng diệp đó vào giữa các lá vỡ, rồi buộc thành từng vỡ và xếp hết lượt vào lồng cho lên bếp lò sấy một đêm. Sau đó bít đai chặt lại, người thợ cầm búa sắt (nặng khoảng 5kg) gõ nhịp nhàng vào giữa thếp lá giống kẹp vàng trên một hòn đe bằng đá xanh nguyên khối, một tay gõ, tay kia đồng thời xoay đều thếp lá giống. Thao tác này trong nghề quỳ vàng gọi là đánh. Sau khoảng 40 phút miếng diệp vàng nhỏ 1cm2 mỏng dàn kín 4 chiều cái vỡ là được (7 x 7cm). Sau khi đánh vỡ xong, đem gỡ miếng diệp vàng ra và dùng kéo cắt nhỏ thành 9 hay 12 miếng đều nhau.
Quỳ vỡ đã được cắt dòng, tiếp tục xếp 1 lá giấy, 1 lá dòng, gọi là nong quỳ.
+ Đánh quỳ: quỳ được xếp vào lồng và cho lên bếp lò sấy nóng trong 1 đêm. Sau đó, lấy từng quỳ ra buộc đai chặt, cho lên bàn đá dung búa tay đập đều đến khi miếng quỳ mỏng dính dàn đều ra 4 cạnh lá quỳ (5 x 5cm), không bị rách. Trung bình mỗi quỳ vàng hay quỳ bạc cựu phải đánh liên tục trong khoảng 1 tiếng để quỳ dừ. Ước tính 1 chỉ vàng hay 1 chỉ bạc cựu có thể dát mỏng ra được rộng gần 1m2.
+ Trại quỳ thu thành phẩm
Giấy bản mỏng nhẵn cả 2 mặt được cắt tương ứng với kích thước giấy quỳ, 5 x 5cm để trại quỳ. Giấy đã cắt được xếp và buộc từng bó 50 tờ. Sau đó, những người thợ khéo tay dùng chiếc bay nhỏ nhẹ nhàng gỡ các lá quỳ đã được đánh dừ ra, lần lượt nong vào giữa các miếng giấy bản, hết 1 quỳ thì niêm phong thành từng gói. Theo quy định của nghề, mỗi quỳ vàng hay quỳ bạc có 500 lá quỳ và được bó lại thành 10 buộc. Một chỉ vàng hay bạc đánh được 22 buộc = 2,2 quỳ.
Quy trình làm quỳ vàng, bạc được tiến hành theo trình tự rất nghiêm ngặt, không được làm lẫn lộn khâu sau lên khâu trước và không được làm tắt hay ăn bớt bỏ một khâu nào. Chỉ khâu nấu keo da trâu, khâu giã mực, khâu cán vàng bạc và khâu đánh quỳ là được làm ở chỗ mát thông thoáng; các khâu khác đều phải làm trong nhà che kín gió. Đặc biệt, khâu cuối cùng thu hồi sản phẩm người làm phải xoa phấn rôm vào tay cho khỏi dính quỳ để không bị hao hụt nguyên liệu và sản phẩm. Theo các cụ cao niên có nhiều thâm niên trong nghề quỳ vàng bạc thì khâu làm giấy giống và giấy vỡ là khâu quan trọng nhất có tính quyết định đến chất lượng của sản phẩm.
Nghề quỳ vàng bạc là kết tinh sự sáng tạo của người dân Kiêu Kỵ qua nhiều thế hệ. Mỗi sản phẩm dát vàng quỳ thể hiện tri thức, kỹ năng, độ tinh xảo và dấu ấn của người làm nghề bởi nó hoàn toàn được làm thủ công. Kỹ thuật dát vàng, bạc quỳ thỏa mãn những đòi hỏi khắt khe trong việc trang hoàng, tô điểm cho các công trình văn hoá tâm linh. Quá trình làm nghề với nhiều công đoạn chuyên sâu đã tạo nên tính cố kết cộng đồng. Qua bao đời, nghề quỳ vàng bạc được cha truyền con nối, hình thành nên trong công đồng ý thức về sự kế tục, trân quý nghề, tôn kính và biết ơn cụ Tổ đã truyền nghề cho dân làng. Thực hành và trao truyền nghề cho các thế hệ kế cận là cách giáo dục người thợ, con cháu về tính thật thà, trung thực, giữ uy tín trong nghề bởi họ sử dụng kim loại quý để làm nghề. Nghề quỳ vàng bạc Kiêu Kỵ đã giải quyết hiệu quả vấn đề việc làm, mang lại thu nhập chủ yếu cho phần lớn hộ dân trong làng, tạo ra sự ổn định kinh tế - xã hội ở địa phương.
Với giá trị tiêu biểu, Nghề quỳ vàng bạc Kiêu Kỵ được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 826/QĐ-BVHTTDL ngày 09 tháng 3 năm 2021./.
Dương Anh
(Theo Hồ sơ tư liệu, Cục Di sản văn hóa)