Nghệ thuật Rô băm của người Khmer ở Sóc Trăng
Sân khấu Rô-băm ở Sóc Trăng và Trà Vinh được dân gian hóa và bản địa hóa trong môi trường thực hành đặc trưng Nam Bộ Việt Nam trên cơ sở tiếp thu và biến đổi các yếu tố nghệ thuật của ba loại hình sân khấu: lokhon kol (kịch múa mặt nạ do nam trình diễn các tiết mục Reamker và nhạc ngũ âm Pinpeat), Lokhon kbach Boran Khmer và Lokkhon pol Srey (sân khấu mặt nạ do nữ trình diễn với cách xướng dẫn truyện từ bên trong sân khấu).
Người Khmer có 2 truyền thuyết về sự hình thành của Rô-băm: một là do cung nữ của công chúa xứ Lục Chân Lạp đến vùng đất Mỹ Xuyên, Sóc Trăng, kết hôn với chàng trai địa phương, dạy lại người dân những điệu múa, lời ca của hoàng cung Chân Lạp; hai là do một lãnh chúa người Khmer chạy loạn, dừng chân ở Tham Đôn, Mỹ Xuyên, các vũ công cung đình theo hầu hạ đã truyền lại cho con cháu đời sau.
Như vậy, có thể thấy nghệ thuật sân khấu Rô-băm bắt nguồn từ khu vực huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng; hiện tại, ấp Bưng Chông, xã Tài Văn, huyện Mỹ Xuyên còn một gia đình bảo tồn loại hình nghệ thuật này, trải qua 6 đời với hơn 100 năm, thường được gọi là Rô-băm Bưng Chông.
Rô-băm thường được diễn trong thời gian lễ tết của cộng đồng, như các lễ cầu an (làm phước) trong mùa khô từ tháng 2 đến 4, tết Chol Chnam Thmay, lễ dâng bông, lễ Đol Ta, lễ cúng trăng Ook-Om-bok,... Đoàn Rô-băm được các phum, soc ở khắp nơi mời đi diễn trong các dịp lễ này. Trước khi đi biểu diễn nơi xa, ông bầu của các gánh hát Rô-băm thường tổ chức cúng tổ tại tư gia, vừa để tập hợp diễn viên, vừa cầu xin cho chuyến lưu diễn xuôi buồm mát mái.
Tuồng tích Rô-băm Bưng Chông thường dựa vào những tình tiết cơ bản của tuồng cổ điển từ Riêm-kê với các nhân vật điển hình như nàng Sita, chằn Krông Reap, thần khỉ Hanuman; dựa theo cốt truyện văn học dân gian Khmer địa phương như Preh Chinh Na Vông (Hoàng tử Chinh Na Vông), Sang Sla, Tup Soong Va Vông, Ratana Vông, Săng Sla Chêy, Linh Thuônh; ông lão, bà lão, đặc biệt là vai hề dẫn truyện, mua vui cho khán giả và dân làng. Cốt truyện thường theo mô típ Thiện và Ác, Thiện luôn thắng Ác.
Nhân vật theo hai tuyến chính diện và phản diện. Đặc biệt, nhân vật nam chính diện đều do nữ đóng. Ngoài nhân vật con người còn có nhân vật chằn thuộc phái phản diện, một vở có thể có nhiều nhân vật chằn, nhân vật thú như: chim thần (Krud), khỉ (Hanuman), nai, thỏ…
Trang phục biểu diễn gồm trang phục nam, nữ, các con vật như: yăk (chằn), khỉ Hanuman, hề. Các nhân vật trong Rô-băm hầu hết đều đội mão và mang mặt nạ, chất liệu, chi tiết trang trí đơn giản nhưng vẫn đảm bảo sự tinh tế trong thể hiện tính cách của từng nhân vật.
Hóa trang trước đây được quy định nghiêm ngặt, diễn viên thường bôi một lớp phấn hồng thật dày, tạo cho gương mặt láng bóng, chân mày phải vẽ một lớp chì đen, dày và cong như “vòng cung”. Hiện nay, hóa trang nhằm mục đích đẹp và đúng tính chất nhân vật.
Đạo cụ trong các vở diễn thường có gậy của vai chằn, roi của vai hề, cung tên của hoàng tử, nhẫn của công chúa. Nhạc cụ trong Rô-băm ở Sóc Trăng có 5 loại: trống đùi (Sko Thum), trống tay (Sko Sampo), kèn Sro Lay, cồng (Kuông Skôr), cồng không núm (Khmuôh). Trong đó, kèn Sro Lay đóng vai trò chủ đạo, định âm cho giai điệu và thể hiện tính cách của từng nhân vật. Các nhạc cụ còn lại chủ yếu đệm và giữ tiết tấu các điệu múa và nhạc nền cho hát nói.
Múa trong Rô-băm đan xen giữa múa cổ điển và múa dân gian. Tư thế múa tay của nữ bắt nguồn từ múa cổ điển với 5 thế tay: Lia (lá), Chip (nụ), Chong Ol (chồi), Phka (hoa), Khuông (quả) kết hợp với 7 tư thế khung tay và 7 tư thế chân. Múa dân gian có phong thái ung dung, khoan thai và ít tính nghiêm trang hơn. Đặc biệt, các nghệ nhân đoàn Rô-băm Bưng Chông đã sáng tạo thêm các điệu múa mới của nhân vật chằn Krông Reap, như: Hok Păng kro lăp (chằn tức giận), Réh muc Pro sat (chằn tự sự), Pro thup chơng đok đinh (chằn giận dữ tột đỉnh), Sro Nghe Pên (chằn chuẩn bị làm gì đó bí ẩn),... Theo thống kê trong Rô-băm có 33 điệu múa, thể múa, trong đó, thế tay cơ bản có 8 điệu. Riêng múa chằn được quy định trong 12 điệu, mỗi điệu có ý nghĩa và tạo hình khác nhau.
Bài bản lớn để phục vụ cho điệu múa mở đầu vở diễn là Chhu-chhay và Hum-rông. Mỗi bài bản được sử dụng cho từng động tác múa và điệu múa, thể hiện tính cách cho từng nhóm nhân vật cụ thể và được quy định rất chặt chẽ. Tên gọi các bản nhạc gắn liền với tên của các động tác múa và điệu múa. Làn điệu trong sân khấu Rô-băm thường mang tính chất tự sự, đối thoại, đối chất, hỏi đáp.
Sân khấu của Rô-băm mang tính ước lệ và tượng trưng nên khá đơn giản, nổi bật là cảnh trí vẽ quang cảnh hoàng cung hoặc rừng rậm âm u.
Nghệ thuật Rô-băm phản ánh hiện thực cuộc sống xã hội của người Khmer đương thời; qua nó chúng ta cũng hiểu được phần nào lịch sử xã hội vùng đồng bằng sông Cửu Long nói chung và tộc người Khmer ở Bưng Chông nói riêng. Rô-băm là thành quả trong hoạt động trí tuệ, sự sáng tạo độc đáo của người Khmer Nam Bộ, là biểu trưng, bằng chứng của văn hóa truyền thống Khmer. Rô-băm có vị thế quan trọng trong đời sống tinh thần của bà con người Khmer trước đây. Nó vừa phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí, vừa mang tính triết lý và giáo dục sâu sắc, do đó có tác dụng không nhỏ đối với sự hình thành phát triển nhân cách, tâm hồn, cốt cách dân tộc và thế ứng xử văn hóa của cộng đồng người Khmer. Từ đó giúp người xem cảm nhận được điều hay lẽ phải, nhận thức được thiện - ác, chính - tà, định hướng cho con người tự hoàn thiện mình và tiến tới xã hội lành mạnh, tiến bộ, văn minh. Nghệ thuật sân khấu Rô-băm Khmer đáp ứng nhu cầu văn hóa, thẩm mỹ, truyền đạt những ý tưởng tín ngưỡng, tôn giáo cho đông đảo công chúng, trở thành phương tiện truyền thông có hiệu quả đến cộng đồng. Nghệ thuật sân khấu Rô-băm là nền tảng cho các loại hình nghệ thuật khác của người Khmer ra đời và phát triển, điển hình là nghệ thuật sân khấu Dù Kê.
Với giá trị tiêu biểu, Nghệ thuật Rô-băm của người Khmer được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 446/QĐ-BVHTTDL ngày 29/01/2019.
Dương Anh (Theo Hồ sơ tư liệu, Cục Di sản văn hóa)