Ngày 21 tháng 11 năm 2024
Liên kết website

Nghệ thuật sân khấu Dù kê

Người Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long nói chung, ở Sóc Trăng nói riêng, là những người yêu thích nghệ thuật. Phần lớn họ biết hát, biết múa những bài bản dân ca, dân vũ Khmer cơ bản, đơn giản, dễ nhớ, như các điệu múa Lâm thol, Saravan, Lâm lêv,… đặc biệt, họ rất thích Sân khấu Dù kê.

Sân khấu Dù kê là tổng hòa các loại hình nghệ thuật, như: ca, múa, âm nhạc, vũ thuật, phục trang, hóa trang, hội họa và ẩm thực... mang đặc trưng riêng của người Khmer.

Hiện còn có ý kiến khác nhau về nguồn gốc ra đời của Sân khấu Dù kê, nhưng nhiều người cho rằng, nơi khai sinh ra Sân khấu Dù kê chính là vùng đất Ba Sắc (Sóc Trăng) và người có công lớn trong việc phát triển nghệ thuật Sân khấu Dù kê của người Khmer Nam bộ chính là ông Lý Cuôn (Chhà Kọn).

Để bắt đầu buổi biểu diễn Dù kê, người diễn phải thực hiện nghi thức cúng Tổ tại gia trang trọng và bài bản để cầu mong các vị thần phù hộ, ban phước lành cho chuyến lưu diễn gặp nhiều may mắn, bình an vô sự,…

Nhạc cụ sử dụng trong lễ cúng Tổ chủ yếu là trống đôi lớn, trống mẹ, trống con, trống đực và trống cái, cùng với cồng Khmốs. Khi cúng Tổ thì trống đôi lớn và cồng Khmốs đánh liên hồi 3 lần cho mỗi lần khấn vái, còn trống mẹ, trống con, trống đực và trống cái thì đánh đệm tiết tấu cho mỗi lần hát. Hát cúng Tổ gồm 03 bài hát chính: “Lăm muôi - Lăm pi”, “Ô ra Chhưng Chhưng”, “Đok Chom pi”. Sau khi kết thúc cúng Tổ, mọi người cùng hát bài kết “SariKakeo”.

Trước khi mở màn buổi diễn, dàn nhạc hòa tấu một số bản nhạc dân ca Khmer truyền thống. Khi đến giờ diễn tuồng, tất cả diễn viên đều phải hát một bài “Chum rép” ở bên trong sân khấu với ý nghĩa để cúng Tổ lại và báo hiệu đêm diễn bắt đầu. Sau đó, bên trong sân khấu cất lên lời chào và giới thiệu, quảng cáo vở diễn trong đêm; diễn viên cùng hát một bài ca bắt buộc, gọi là “Hum rôông”; vai hề ra trước màn chào khán giả, vừa biểu diễn tấu hài, vừa tóm tắt cốt truyện với khán giả; tiếp đến diễn viên biểu diễn một số điệu múa, như: “Sa ri ka keo”, múa Măm bô, múa muỗng... Khi kết thúc các điệu múa này, vở diễn mới bắt đầu.

Xưa kia, bên trong sân khấu Dù kê luôn có người nhắc tuồng, gọi là thầy tuồng, với nhiệm vụ chính là phân đoạn, phân cảnh, phân màn và nhắc lời thoại cho các vai diễn. Âm điệu ngôn ngữ trong diễn tuồng phải bảo đảm tính đặc thù, giọng thoại phải trầm bổng, chậm rãi và kéo dài, nhất là đối với các nhân vật chính diện. Tất cả các nhân vật ra biểu diễn, khi xuất hiện lần đầu đều phải thể hiện các động tác vũ đạo thích ứng với từng nhân vật theo quy ước đã định sẵn, sau đó tự giới thiệu về nhân vật của mình đang diễn rồi mới hát bài ca dành cho nhân vật đó. Kết thúc vở diễn, tất cả các diễn viên đều phải ra sân khấu hát chung một bài chào khán giả. Ngày nay, quy định này đã được thay đổi, biểu diễn theo kịch bản với nội dung và lời thoại đã được viết và dàn dựng sẵn, kết thúc bằng vài bài hòa tấu của dàn nhạc để tiễn khán giả.

- Tích tuồng của Sân khấu Dù kê thường được khai thác từ cốt truyện cổ tích, thần thoại dân gian Khmer. Về sau, Dù kê còn diễn cả tích tuồng của người Hoa và diễn chung một số vở diễn với sân khấu cải lương. Ngoài ra, còn có những vở diễn mang đề tài văn hóa, xã hội, cách mạng, ngợi ca người lao động, kêu gọi đoàn kết dân tộc, chống giặc ngoại xâm, áp bức bóc lột,… Cũng có những vở diễn các tích truyện tương tự truyện cổ tích Việt Nam. Dù có diễn tích tuồng gì thì nội dung vở diễn thường được phân chia thành hai phái rõ rệt, tiêu biểu cho hai loại người trong xã hội: “chính diện” và “phản diện”, đại diện cho hai phái “thiện” và “ác”. Theo quan niệm Phật giáo, trong xã hội người Khmer luôn tôn vinh cái tốt, lên án cái xấu, “thiện thắng tà”, “làm điều lành, tránh điều dữ”, “làm điều phải, tránh điều sai”.   

- Vũ đạo, vũ thuật trong Dù kê phát triển trên cơ sở võ thuật của dân tộc nhưng được khái quát hóa đạt đến trình độ nghệ thuật cao và phân chia ra từng nhóm động tác vũ đạo, vũ thuật cho từng nhóm nhân vật biểu diễn. Có 13 nhóm động tác vũ đạo lớn cơ bản, gồm các loại động tác vũ đạo dành cho người (10 loại động tác), vũ đạo dành cho chằn (02 động tác), vũ đạo dành cho con vật (01 động tác); 04 nhóm động tác vũ đạo nhỏ cơ bản, gồm: vũ đạo con khỉ, con cá, con voi, con rồng; và 06 nhóm động tác vũ thuật cơ bản để biểu diễn trong giao đấu của các nhân vật, gồm: vũ thuật đấu bằng tay, dao ngắn, đấu kiếm, đấu bằng gậy, đấu bằng đao và bằng cây cung.

- Nghệ thuật hóa trang trong Dù kê chủ yếu là hình thức tô phấn, thoa son, vẽ mặt theo những quy định bắt buộc riêng, phải đậm và màu sắc rõ ràng. Việc hóa trang phải theo tính cách của nhân vật, ngoài màu trắng nền còn có màu đỏ hồng (cho con người); màu đỏ, đen (vai chằn, vai động vật có tính phép thuật); màu xanh két (vai thần tiên)… Có 03 hình thức hóa trang:

+ Hóa trang vai người: tùy theo đặc tính nam, nữ, già, trẻ, tính cách, vai chính diện, phản diện. Vai phản diện hầu như không vẽ râu, cơ bản chỉ sử dụng màu đen vẽ chân mày, màu đỏ đậm, nhạt cho khuôn mặt, kết hợp với động tác biểu diễn. Đối với màu sắc thể hiện tính cách nhân vật, thường thì màu đỏ chiếm ưu thế.

+ Hóa trang vai chằn: luôn phải ngậm một đôi răng nanh giả, có thể nhe ra, thụt vào. Đây là hóa trang cầu kỳ, phức tạp nhất, có những qui định rõ ràng để phân biệt cho từng tính cách của vai chằn. Có 05 hình thức cơ bản là:

Hóa trang nam vai chằn có phép thuật thì thường sử dụng màu đỏ chiếm ưu thế cùng với màu đen; nam vai chằn không có phép thuật thì sử dụng hài hòa ba màu chủ yếu là: trắng, đỏ và đen; nam vai chằn có tính cách hướng thiện, sử dụng hài hòa giữa ba màu đỏ, đen và xanh két; nam vai quân sĩ chằn chủ yếu sử dụng 02 màu đen và trắng; nữ vai chằn (luôn có tính cách ác độc, hầu như không có tính cách thiện) sử dụng nhiều màu đỏ, vẽ chân mày màu xanh két và màu vàng.

Ngoài ra, còn có loại hóa trang cho các vai chằn lai người (hóa trang nửa mặt chằn và nửa mặt người), chằn lai với yêu tinh. Vai con gái chằn bao giờ cũng hóa trang khuôn mặt đẹp, không thua gì các vai công chúa, tiểu thư con nhà lành.

+ Hóa trang các vai con vật phức tạp không kém vai chằn nhưng dễ thể hiện đặc tính của từng con vật trong vở diễn khi kết hợp với phục trang.

- Trang phục trong sân khấu Dù kê có hai dạng:

+ Trang phục dành cho nam giới với các vai: vua, chúa, hoàng tử, chằn, đại bàng, con rồng có kết cấu phức tạp, pha trộn nhiều màu sắc ảnh hưởng trang phục sân khấu hát Tiều của người Hoa và cải lương của người Kinh.

Trang phục vai chằn cũng tương tự như vai vua, nhưng thô, rộng thùng thình, màu sắc chủ yếu là đen hoặc nâu sậm, vải thường có bông to hoặc có sọc như vẩy rồng để thể hiện tính oai nghi, trên đầu có một miếng vải cứng thêu hoa bằng kim sa (biểu tượng cho đầu rồng) cột ở trán làm mũ.

+ Các bộ trang phục dành cho nữ giới là các vai hoàng hậu, công chúa, tiểu thơ, vai con gái chằn đều phải óng ánh, rực rỡ, đậm nét người Khmer.

- Về sân khấu, cảnh trí: từ “sân khấu dàn bầu” cải tiến lên phông sơn thủy, đến nay gần như thay đổi hoàn toàn, không còn sử dụng những tấm phông cảnh sơn thủy kéo lên, thả xuống như trước đây nữa, mà được thay thế bằng những phông cảnh bài trí theo ý đồ của đạo diễn do họa sĩ thiết kế, kết hợp với ánh sáng hiện đại, phù hợp với nội dung kịch bản, phong phú về sắc thái. Dù vở diễn mang nội dung mới, phản ánh xã hội thực tại, trang trí sân khấu vẫn luôn vận dụng vốn cổ làm nền tảng cho mảng trang trí chính nên cơ bản vẫn giữ được bản sắc riêng.

- Về âm nhạc: có đặc trưng riêng, có bài bản, khuôn mẫu, quy củ rõ ràng, sử dụng cho từng đối tượng, tính cách nhân vật cụ thể. Tính chất, nội dung âm nhạc rất phong phú, đa dạng bởi ngoài âm nhạc chính thống dân tộc Khmer, âm nhạc Dù kê còn tiếp nhận từ nguồn âm nhạc của các loại hình nghệ thuật khác cũng như ảnh hưởng của một số tộc người khác, như người Hoa, Lào, Myanmar và cả bài ca, bản nhạc của châu Âu, trong đó chủ yếu là Pháp, nhưng được Khmer hóa một cách tinh vi, khéo léo khó nhận biết được.

Nhạc cụ trong sân khấu Dù kê chủ yếu là bộ dây và bộ gõ, với nhạc cụ không thể thiếu là “trô u” (đàn gáo).

Bên cạnh dàn nhạc Dù kê chính, còn có dàn nhạc phụ là dàn nhạc Pinpet (dàn nhạc ngũ âm) đảm nhận vai trò phụ diễn như tấu nhạc “câu” khán giả trước khi biểu diễn tuồng và sử dụng ở những chỗ có thần, thánh, như thần Têvađa, thần Prum hoặc những nhân vật huyền bí để phù hợp với tính cách nhân vật.

Ngày nay, để thích ứng với một số bản nhạc mới, dàn nhạc hiện đại được hình thành thay thế cho dàn nhạc Pinpet truyền thống. Chức năng dàn nhạc này để hòa tấu thu hút khán giả trước khi diễn tuồng, đệm cho các bài bản Dù kê mới có ảnh hưởng từ châu Âu (Pháp), sử dụng phục vụ cho chương trình phụ diễn.

- Các bài hát Dù kê có sự phân chia rõ ràng, với điệu thức dành cho giọng nam và giọng nữ. Theo khảo sát, có tất cả 163 làn điệu, bài hát ở các thể loại khác nhau, bao gồm: 34 bài hát Dù kê Khmer Nam bộ chính thống; 22 bài hát có nguồn gốc ảnh hưởng từ thể loại sân khấu hát Tiều của người Hoa; 16 bài hát có nguồn gốc ảnh hưởng từ bài ca, bản nhạc của châu Âu, mà chủ yếu là Pháp; 91 bài hát có nguồn gốc ảnh hưởng từ loại hình nghệ thuật sân khấu khác, như: sân khấu Dì kê, Mahôri (Campuchia) và một ít bài ảnh hưởng từ các nước trong khu vực, như Lào, Thái Lan, Singapore và Myanmar. Tất cả các làn điệu, bài hát dù chịu ảnh hưởng từ nền văn hóa khác đều được Dù kê hóa mang âm hưởng, sắc thái của người Khmer rất đậm nét, hầu hết các bài ca khi kết thúc đều có một điểm chung là hò đệm của tập thể bên trong sân khấu.

Trong 163 làn điệu, bài ca của sân khấu Dù kê, có thể phân chia thành 5 nhóm theo tính chất khác nhau: nhóm bài bản hát tập thể khi cúng Tổ; nhóm thể hiện tâm trạng vui của các nhân vật; nhóm thể hiện tâm trạng buồn của các nhân vật; nhóm thể hiện tâm trạng giận hờn của các nhân vật, nhóm về tình yêu...

Thể loại bài bản Dù kê cũng phong phú, đa dạng, gồm các bài Lôm; bài Nô kô rek; bài bản cho giọng nữ, giọng nam, nhân vật đặc thù như thợ săn, thần tiên, chằn nam, chằn nữ, vai hề,…

- Múa trong biểu diễn Dù kê là một thể thức cần phải có của đêm diễn, vở diễn gồm những điệu múa, đoạn múa thuần túy, như: múa hầu rượu, múa chúc mừng, múa được mùa, múa luyện quân,… và múa góp phần tạo dựng tính cách nhân vật, tiêu biểu là múa chằn. Múa trong Sân khấu Dù kê hình thành hai tuyến múa khác nhau: múa của những vai chính diện và phản diện.

+ Vai chính diện như tầng lớp lao động thường là môtíp múa dân gian quen thuộc: hoàng tử, công chúa, vua, quan,… thường tiếp thu múa cổ điển, tạo hình mực thước như tranh tượng. Múa và tạo hình cơ thể vai chính diện, bất kể kiểu nào đều có một điểm chung là “đĩnh đạc, trì chí và mềm mại, duyên dáng…”.

+ Ngược lại, những vai phản diện như chằn hoặc quan ác, tướng ác,… điệu múa được cường điệu và rất dữ dằn. Chằn trên sân khấu Dù kê là một nhân vật sinh động, kết hợp giữa động tác sinh hoạt, múa và võ thuật.

Sân khấu Dù kê Khmer Nam bộ có sức sống và vị thế quan trọng trong đời sống tinh thần của bà con người Khmer. Nghệ thuật sân khấu Dù kê được hình thành qua sự giao lưu văn hóa giữa cộng đồng các dân tộc, được Dù kê hóa một cách nhuần nhuyễn, đầy tính sáng tạo và hấp dẫn.

Nghệ thuật sân khấu Dù kê vừa phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí, vừa giúp người xem cảm nhận được điều hay lẽ phải, nhận thức được thiện - ác, chính - tà, định hướng cho con người tự hoàn thiện mình và tiến tới xã hội lành mạnh, tiến bộ. Đó là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống của cộng đồng người Khmer. Với những giá trị đặc biệt của loại hình nghệ thuật này, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã quyết định đưa Nghệ thuật Sân khấu Dù kê vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, loại hình Nghệ thuật trình diễn dân gian.

Liên kết website