Ngày 3 tháng 7 năm 2024
Liên kết website

Nghệ thuật tạo hoa văn trên trang phục của người Mông hoa, tỉnh Sơn La

Nghệ thuật tạo hoa văn trên trang phục của người Mông hoa ở huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La đã có từ lâu đời. Đến nay, người Mông vẫn lưu truyền truyền thuyết về nguồn gốc kỹ thuật tạo hoa văn của dân tộc mình, từ quá trình chạy trốn người Hán mà vua Mông nghĩ ra cách ghi lại chữ viết bằng cách thêu lên váy phụ nữ, lấy sáp ong vẽ vào váy.

 

Kỹ thuật tạo hoa văn trên trang phục được truyền dạy bằng phương pháp truyền khẩu, thực hành trực tiếp, qua trí nhớ của những người phụ nữ lớn tuổi. Các phương pháp tạo hoa văn trên trang phục gồm: thêu, chắp ghép vải, vẽ sáp ong, đính hạt cườm, bạc. Các loại hình hoa văn được trang trí chủ yếu trên các bộ phận trang phục gồm: áo (thân, tay, cổ), trên toàn thân váy, xà cạp, thắt lưng, khăn đội đầu, mũ; ngoài ra còn tạo hoa văn trên địu trẻ em, túi đeo…

Người Mông hoa không tạo hoa văn trên khung dệt, mà chỉ tạo hoa văn trên vải đã dệt xong, với các kỹ thuật sau:

* Vẽ hoa văn bằng sáp ong

 Chọn sáp ong của những tổ ong tự nhiên, sơ chế thành sáp vẽ, để khô, dùng lâu dài. Khi dùng phải đun nóng sáp ong, có độ loãng cần thiết để khi vẽ vào vải mới tạo thành đường nét. Đối với người Mông hoa, vải được vẽ hoa văn bằng sáp ong chủ yếu để may váy cho phụ nữ và địu trẻ em.

Dụng cụ để vẽ hoa văn gồm: nồi nấu sáp, bộ 05 chiếc bút vẽ (còn gọi là thìa vẽ), dụng cụ chia cữ, 01 chiếc bát sứ nhỏ để miết vải, 01 chiếc bàn gỗ kê vải; bút hình tam giác, kích cỡ to nhỏ khác nhau, có 02 loại: có khoang bụng (1 hoặc 2 khoang) và không có khoang bụng. Mỗi loại bút có công dụng vẽ các loại hình hoa văn khác nhau: vẽ phác họa, đường thẳng, hoa văn sóng tròn (ô cư), hoa văn khắc vạch (ntía), hoa văn chấm tròn (sau khó đắng), đa năng (lá ta ô cư). Bút vẽ gồm 02 bộ phận chính là quản bút và ngòi bút, quản bút là một đũa tre nhỏ dài từ 7 - 10cm, đường kính 01cm, ngòi bút là lá đồng bé xíu hình tam giác được nẹp vào đũa tre, ngòi rộng 0,7cm (loại nhỏ, dày 01mm) và 01cm (loại to, dày 02mm). Ngoài ra, còn có bút vẽ hình trôn ốc được làm bằng lá đồng cuộn tròn thành nhiều lớp để vẽ hoa văn hình con ốc; dụng cụ vẽ hoa văn hình răng cưa thành các đường song song.

Trước khi vẽ hoa văn, họ dùng chiếc bát sành miết cho mặt vải thật nhẵn, việc vẽ hoa văn được làm liên tục, vẽ đến đâu, sáp ong khô thì cuộn lại, in khổ hoa văn tiếp theo khi nào hết khổ vải mới kết thúc. Trên tấm vải kẻ các đường thẳng đóng khung các loại hoa văn bên trong, sau đó vẽ các hình hoa văn bên trong khung, ô đã chia sẵn như: hình tam giác, trôn ốc, hoa, đồng tiền, chữ thập, lục giác, chân chim, hoa 4 cánh, sóng nước, khắc vạch, xoáy tròn đối xứng giống con sên cuộn mình, mô típ hình vuông tượng trưng cho bàn thờ tổ tiên tạo thành các cánh hoa của một bông hoa lớn, viền ngoài là hình quả núi, chữ thập. Khi vẽ, người phụ nữ dùng chảo đun sáp ong ngay cạnh chỗ vẽ, sau đó đếm sợi vải chia đều thành 10 - 12 ô vuông theo chiều dài tấm vải. Đoạn hai đầu trên cạp váy và dưới đoạn nối thổ cẩm phải kẻ đường thẳng, vẽ từ dưới lên trên, đầu tiên vẽ các vạch chéo trước, chia các vạch chéo thành những cánh hoa, kẻ hình tam giác, hình trôn ốc… Vẽ hoa văn cho váy thì trên tấm vải khổ từ 25 - 30cm, chiều dài 5 - 7m; vẽ cho mặt địu thì trên tấm vải khổ 40 x 70cm. Để hoàn thành một tấm vải làm thân váy, người phụ nữ phải vẽ cả tuần, cả tháng, thậm chí có khi vài tháng mới xong.

* Kỹ thuật nhuộm vải:

Tấm vải sau khi vẽ hoa văn hoàn tất, người ta đem đi nhuộm chàm. Người Mông nhuộm vải lanh bằng cây Cang (giống cây chàm). Cây Cang được chặt cả thân, lá, cành về đem băm, vò kỹ ngâm vào chum, vại. Khi lá Cang nát ngấm thì vớt ra bỏ bã, nước chàm được lọc kỹ qua một cái rá đựng trấu. Sau đó lấy tro bếp để vào trong một cái rổ có lót lá chuối, đổ nước Cang cho chảy qua rổ tro bếp xuống một cái chum. Dung dịch này để từ 3 - 5 ngày rồi cho vôi bột vào khuấy thật đều, vôi nhiều hay ít tùy thuộc vào lượng nước Cang và kinh nghiệm của người nhuộm vải. Ngâm để chàm lắng xuống, khi nào thấy nước trên mặt chum có mầu nâu nhạt thì gạn đi, lấy phần chàm và vôi lắng ở dưới đáy chum, đó chính là cao Cang. Khi nhuộm vải, lấy cao Cang hòa với nước lá ngải cứu đã đun để nguội pha thêm ít nước tro, rượu rồi khuấy đều, nhúng tay vào nước cang để thử màu, thấy da tay có mầu xanh giống màu chàm là được.

Người Mông thường nhuộm Cang vào tháng 7 - 8, vì thời gian này trời nắng nhiều, vải mau khô và bắt mầu tốt. Trước khi nhuộm phải ngâm giặt thật kỹ để vải hết hồ mới dễ bắt màu và khi dùng không bị loang lổ. Khi nhuộm cho vải chìm ngập trong nước Cang, đạp thật kỹ cho vải thấm đều, công đoạn phải làm nhiều lần (ngày phơi nắng, đêm ngâm Cang) nhằm tạo ra sản phẩm đạt chất lượng cao, có màu sắc xanh sẫm. Khi đã nhuộm được màu Cang ưng ý, họ phơi khô vải rồi nhúng vào nước sôi, sáp ong tan ra sẽ hiện lên các hoa văn có màu xanh lơ trên nền chàm truyền thống.

Người Mông hoa nhuộm 02 loại vải: thứ nhất là nhuộm vải lanh trắng thành vải màu chàm đen, rồi thêu các họa tiết hoa văn lên đó, cắt ghép thành trang phục; thứ 2 là in các đồ án hoa văn lên vải trắng bằng sáp ong rồi nhuộm chàm để được loại vải chàm đen có hoa văn xanh lơ, sau đó mới tạo thêm các loại hoa văn bằng các kỹ thuật khác.

* Kỹ thuật thêu, chắp ghép, can vải:

Kỹ thuật thêu, chắp, ghép, can vải được thực hiện ở phần thân váy, chân váy, cổ, nẹp cổ áo, gấu sau áo, tay áo, tạp dề, khăn đội đầu; địu trẻ em, túi đeo, mũ trẻ em. Đây là công đoạn mất nhiều thời gian và đòi hỏi sự khéo tay, tỉ mỉ để tạo nên những bộ trang phục thổ cẩm bền, đẹp. Với kỹ thuật thêu, chắp ghép, đáp vải này để lộ nền đen hoặc nền trắng có tác dụng làm giảm độ rực chói sắc đỏ, vàng của chỉ thêu tạo nên sự hài hòa giữa các gam màu chỉ và vải nền.

          Người Mông hoa thêu ở mặt trái nhưng các họa tiết lại nổi lên trên mặt phải của vải tạo nét mềm mại mang sắc thái riêng biệt, thể hiện khiếu thẩm mỹ tinh tế của tộc người, có hai cách thêu: thêu lát và thêu chéo mũi. Thêu lát là thêu đột các mũi kim xuyên vào vải liền khít vào nhau tạo nên những mảng màu mịn, thêu chéo mũi là thêu hình chữ X, chữ thập để tạo khung hoa văn hay các họa tiết hoa văn trên vải. Đầu tiên, nghệ nhân chia các ô trên mảnh vải theo dự kiến thêu, bắt đầu từng họa tiết hoa văn, thêu từ ngoài vào trong và hoàn thiện dần từng đồ án hoa văn. Một loại hình hoa văn được thể hiện trên bao nhiêu ô của tấm vải thì phải được thêu hết, sau đó mới thêu đến loại hoa văn khác, cứ như vậy cho đến khi tấm vải thêu được hoàn chỉnh. Khi thêu người thêu phải tính toán theo một nguyên tắc nhất định để luồn chỉ thêu theo đồ án có bố cục nội dung phức tạp đã in sâu vào tiềm thức, trí nhớ người phụ nữ. Các cách thêu này làm cho việc tạo nét mềm mại chủ động, phóng khoáng, không bị gò bó trong kỹ thuật thêu luồn sợi dựa theo thớ vải ngang, dọc mà các dân tộc khác thường làm.

Người Mông hoa có 03 cách chắp, ghép vải tạo hoa văn: dùng vải màu hoặc vải hoa rực rỡ chắp ghép vải theo từng ô, nối các ô đã thêu hoa văn với nhau; Chắp ghép vải màu tạo thành đường viền của cổ, tay, gấu áo, gấu quần làm cho các vị trí này rực rỡ, nổi bật trên nền áo, quần; Chắp ghép thành các đường vòng nhỏ, liên tục, khít nhau quấn quanh tay áo với màu sắc rực rỡ, cảm giác như người mặc đeo rất nhiều vòng. Hoa văn được tạo từ chắp, ghép vải thường có hình con ốc, hình sao tám cánh, hình hoa bầu, hoa bí, hình chữ thập cách điệu.

* Kỹ thuật ghép hạt cườm, nhựa, bạc… thường được ghép cho những chiếc áo đi hội, mũ trẻ em, đồ của thầy cúng tạo ra những chiếc mũ, khăn, áo có vẻ đẹp độc đáo, tính biểu tượng cao, ngăn chặn ma tà, thú dữ.

Hoa văn được tạo ra từ các kỹ thuật nhuộm, cắt, ghép vải, kỹ thuật ghép hạt có các loại như: hoa văn hình học làm nền cho hoa văn chính (hình núi, rẻ quạt, răng cưa, chấm tròn, đường gạch dài song song, dích dắc, ô trám, đồng tiền, chong chóng, xoắn ốc, chữ S); hoa văn hiện thực (hình người, móng chân gà, con cua, con ốc, hoa dưa)…

Màu sắc truyền thống trên y phục người Mông có 5 màu: chàm sẫm thành đen, đỏ, vàng, trắng, xanh lơ. Trang trí hoa văn trên nền vải của người Mông hoa là có một màu nóng giữ vai trò chủ đạo, có thể là màu đỏ, màu vàng (hiện nay, họ đã dùng cả màu tím, xanh, cà rốt…làm màu chủ đạo) nhưng lại rất hài hòa với các màu sắc phối hợp khác.

Hoa văn trên trang phục của người Mông hoa là biểu trưng văn hóa của cộng đồng người Mông, phản ánh những tâm tư, tình cảm của con người, là một trong những tiêu chuẩn để đánh giá tài năng, sự thông minh và khéo léo của người phụ nữ; chứa đựng yếu tố tâm linh sâu sắc, là vật dẫn đường giúp linh hồn tổ tiên về với cõi vĩnh hằng và ngược lại sẽ giúp tổ tiên nhận ra và về với phù hộ cho con cháu những điều tốt lành; phản ánh điều kiện tự nhiên, môi trường sinh thái và thực tiễn đời sống tộc người. Những hình họa, mô-típ và đồ án hoa văn trên trang phục của người Mông hoa tàng ẩn ngôn ngữ đặc biệt của chủ nhân sáng tạo ra chúng, thể hiện ý nghĩa biểu trưng của cộng đồng được trao truyền, gìn giữ qua nhiều thế hệ. Hoa văn trên trang phục của người Mông hoa không chỉ là những chứng nhân lịch sử, ghi nhận, phản ánh sinh động, phong phú đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội Mông mà còn ngợi ca tư tưởng, tình cảm, tâm lý và khiếu thẩm mĩ độc đáo của tộc người... Vì thế, hoa văn Mông còn là một nguồn sử liệu đặc biệt, ghi nhận, phản ánh một cách cụ thể tất cả những hoạt động văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần của tộc người Thái, giúp chúng ta hiểu biết sâu sắc về nhân sinh quan, vũ trụ quan, thế giới tâm linh độc đáo của người Mông và mối quan hệ thân thiết với nhiều dân tộc anh em.

Với giá trị tiêu biểu trên, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch  đã đưa Nghệ thuật tạo hoa văn trên trang phục của người Mông hoa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 259/QĐ-BVHTTDL ngày 22/01/2020.

Dương Anh

Theo Hồ sơ tư liệu, Cục Di sản văn hóa

Liên kết website