Nghi lễ Gội đầu (Lúng Ta) của người Thái trắng
Nghi lễ Gội đầu (Lúng Ta) của người Thái trắng ở huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La, gắn với câu chuyện về Nàng Han xinh đẹp, giả trai đi đánh giặc, chiến thắng trở về vào ngày 30 Tết, nàng cùng quân lính nghỉ ngơi, tắm gội bên bờ suối để ăn mừng chiến thắng và đón năm mới. Nơi nàng tắm, bầu trời bỗng tỏa ánh hào quang, xuất hiện một đám mây ngũ sắc đón nàng về trời. Để tỏ lòng kính trọng và biết ơn công lao to lớn của Nàng, người dân của 16 châu Thái, trong đó có Châu Chiên (Châu Quỳnh Nhai) đã lập miếu thờ Nàng Han (tại bản Mường Chiên, xã Mường Chiên), thờ cúng vào dịp lễ, tết và tổ chức nghi lễ gội đầu vào chiều 30 Tết hằng năm để cầu mong Nàng che chở, ban phát cho con người sức khỏe, tình yêu, hạnh phúc và bản, mường yên vui, mùa màng bội thu.
Hay câu chuyện về Nàng Ỏ, giả trai chỉ huy quân sỹ đánh thắng kẻ thù và trở về bản đúng vào ngày 30 Tết. Nàng cùng quân sỹ và các thiếu nữ đến mạch nước thiêng đầu bản lấy nước gội đầu, tắm gột, xua đuổi những điều không may mắn, chuẩn bị đón một mùa xuân mới. Nàng Ỏ gội đầu ở mạch nước thiêng, nhưng sau đó không ai thấy Nàng đâu... Cho rằng Nàng là người trời xuống giúp đỡ dân làng nên từ đó người Thái không gọi tên húy Nàng Ỏ nữa mà gọi là Nàng Han (nghĩa là dũng khí, anh hùng), dân bản lập miếu thờ tại một gốc cây to đầu bản Mường Chiên, Mường Chiên, huyện Quỳnh Nhai. Miếu Nàng Han nằm trong vùng lòng hồ thủy điện nên sau năm 2012, cộng đồng và huyện đã di dời đến đồi Pú Nghịu, xã Mường Giàng và xây thêm đền Linh Sơn Thủy Từ thờ thần Núi, thần Sông.
Trước ngày diễn ra nghi lễ, cả bản họp bàn trong đó già làng (đồng thời là thầy cúng), trưởng bản là những người chủ trì chính, chuẩn bị hậu cần, lễ vật cho lễ cúng. Mâm lễ vật chín được chuẩn bị tại trưởng dòng họ để cúng tổ tiên, Nàng Han, thần Núi, thần Sông và thần Thổ địa. Các thiếu nữ chuẩn bị bồ kếp, chậu gỗ, lá thơm (lấy trên rừng về) cùng các hương liệu khác để chuẩn bị nồi nước thơm gội đầu cho tất cả các thành viên trong gia đình. Ngoài ra, người phụ nữ trong gia đình cùng các thành viên khác chuẩn bị rượu thịt, gói bánh, rau rừng, cá sông cho lễ cúng và ẩm thực trong mỗi gia đình, dòng họ ngày lễ hội. Trai tráng trong bản dọn dẹp bến sông nơi diễn ra hội gội đầu, trồng cây nêu và chuẩn bị điểm diễn ra các trò chơi, múa hát. Một số nghệ nhân trong bản chuẩn bị các loại nhạc cụ (trống, chiêng) phục vụ cho các trình diễn dân gian. Quá trình tập luyện, nghệ nhân sẽ chọn 2 thanh niên nam để khiêng trống, chiêng và 2 nữ đánh chiêng trống trong nghi thức rước mâm lễ và múa xòe trong cả quá trình diễn ra lễ hội. Những người được chọn phải trong cả năm không gặp điều xui, gia đình không có người mất, người ốm đau bệnh tật và chính bản thân thanh niên đó không làm điều xấu. Trong trường hợp được phân công, nhưng tự biết mình không sạch sẽ, người đó cũng dùng mọi cách để khước từ việc tham gia để tránh điều không tốt đến với dân bản. Người dân còn tập luyện hát, múa để tham gia các tiết mục văn nghệ của cộng đồng.
Vào ngày lễ, dân làng tổ chức rước lễ đến miếu Nàng Han, gồm: thầy cúng, trưởng bản, đại diện thôn, xã, đôi nam nữ chưa vợ chưa chồng bưng lễ, nhóm rước trống chiêng, già trẻ, trai gái và đặc biệt là tốp nam, nữ trong trang phục truyền thống, dân làng. Đến nơi, đôi nam nữ dâng mâm lễ lên thần Sông, thần Núi để thầy cúng làm lễ. Nghi lễ diễn ra trong đền, bên ngoài dàn trống chiêng, đàn tính được tấu rộn ràng. Sau đó, đoàn rước đến miếu Nàng Hai, dâng mâm lễ lên Nàng Han, thầy cúng và dân làng làm lễ cầu bình an cho dân bản và đọc chúc văn kể công trạng của Nàng Han.
Sau lễ cúng, dân làng lấy nước tại giếng trời bên cạnh miếu Nàng Han làm phép để cầu an, trừ tà. Đoàn rước tiếp tục đánh trống chiêng, đàn tính múa xòe dâng lên trước cây hương thờ tại miếu Nàng Han.
Sau phần dâng lễ và cúng Nàng Han tại miếu, đoàn rước tiếp tục đánh trống chiêng từ miếu xuống bến sông. Người Thái Quỳnh Nhai quan niệm rằng lúc này Nàng Han đã đi cùng xuống sông để gội đầu. Tiếng trống, tiếng chiêng còn xua đuổi tà ma ra khỏi làng bản, để người dân được bình an vui xuân đón tết, mở hội. Đến bến sông, nơi đã được dân làng chuẩn bị cây nêu tại khu đất có địa thế bằng phẳng, tất cả mọi người tham gia đoàn rước tạo thành vòng xòe quanh cây nêu như chào thần Sông, dâng lên thần Sông, thần Núi điệu múa truyền thống của dân tộc. Cùng với xòe là những trò chơi ném còn cầu cho âm dương hòa hợp, một năm hạnh phúc, cây cối tốt tươi, chăn nuôi phát triển, con cái sum vầy... Song song với việc xòe, thầy cúng sẽ đọc bài cúng trước cây nêu, thể hiện ý nguyện của dân làng với các vị thần trong năm mới, cũng như tạ ơn một năm được các vị thần hỗ trợ, bảo vệ.
Để tiến hành nghi thức gội đầu, thầy cúng và tốp nam giới đi lên bến sông đầu trên, vừa đi vừa bẻ một số cành lá xanh ven đường để vẩy nước thiêng từ giếng trời nhằm trừ tà ma, tẩy uế tại điểm tắm gội. Vẩy nước xong, thầy cúng vứt cành lá xuống sông như đuổi cái xấu không được quay trở lại. Theo động tác của thầy, mọi người vẩy nước và tung những cành lá xanh xuống sông, với ý nghĩ đẩy, đuổi cái xấu trôi theo dòng nước không làm vấy bụi nơi bến sông để nghi lễ được thành công và mọi người được an toàn. Thầy cúng vái bốn phương để cảm tạ các thần ngũ phương, thần Sông, thần Núi, thần Thổ địa... Sau đó, nam giới vuốt nước sông lên đầu làm lý rồi gội đầu và tắm, với ý nghĩa như tắm tất niên và là sự hòa hợp âm dương trên dòng sông trong nghi thức của buổi lễ.
Bến phía dưới của dòng sông mới thực sự là hội. Các cô gái cởi bỏ váy, áo cóm, thay một chiếc váy chùm dài từ ngực, xếp thành một hàng dọc ven theo bờ của bến sông, mỗi người một chậu nước thơm đặt trước mặt, được pha cùng với nước giếng lấy từ giếng trời ở miếu Nàng Han, với ý nghĩa nước thơm làm người thơm tho, tươm tất chuẩn bị đón xuân mới, nước giếng trời để trừ tà, ma xấu không dám đi theo. Các thiếu nữ trong một bộ váy tắm như đồng phục mầu đen đứng trước chậu nước thơm, lưng quay ra sông, mặt hướng vào bờ, buông tóc sải mượt chờ thầy cúng làm phép. Thầy cúng sẽ đứng đầu hàng và xin thần Sông, thần Núi, thần Thổ địa cho phép các thiếu nữ, những đệ tử của Nàng Han được gội đầu, tắm gột sạch sẽ để đón chào năm mới. Thầy cúng lần lượt đi dọc theo hàng vẩy nước thơm trừ tà, tẩy uế cho từng thiếu nữ. Sau khi vẩy đến người cuối cùng thầy sẽ vứt cành lá xanh xuống sông để dòng nước mang cái xấu đi. Trước đây, khi đọc và làm phép xong, thầy cúng sẽ bắn ba phát súng và hội gội đầu bắt đầu, nhưng hiện nay không được sử dụng súng nên thay bằng đánh 3 tiếng trống. Sau đó, một phụ nữ trung tuổi làm việc lĩnh xướng, hô để tất cả mọi người cùng nhúng tóc xuống chậu nước thơm, gội đầu. Người lĩnh xướng tiếp tục hô để cùng lúc tất cả chị em ngẩng đầu hất tóc ra phía sau rồi quay mặt về sông và di chuyển xuống nước sao cho mức nước đến đầu gối thì dừng lại để cùng nhau xả tóc, suôn tóc cho mượt, nhấc mái tóc lên, lại thả mái tóc xuống cho khỏi rối. Theo khẩu lệnh hô: một, hai, ba tất cả cùng ngẩng đầu vung hất mái tóc ra phía sau, cứ như vậy 5 - 7 lần là xong. Trong nghi lễ này, thiếu nữ nào có mái tóc dài, vung vòng nước đẹp sẽ được già làng, trưởng tộc tặng quà là những chiếc lược hoặc một vật mang ý nghĩa của ngày xuân và động viên, ca ngợi mái tóc dài của người phụ nữ, khích lệ họ để mái tóc dài - biểu trưng về sự dịu hiền của người con gái Thái trong cộng đồng. Xong phần gội đầu, các thiếu nữ mặc trang phục truyền thống về bản, gia đình, trưởng tộc của mình để chuẩn bị bữa cơm tất niên tràn đầy niềm vui và tiếng cường đoàn tụ, hạnh phúc.
Sau phần lễ cúng tế các vị thần Núi, thần Sông, Nàng Han và gội đầu tại bến sông là nghi lễ cúng tổ tiên tại gia đình trưởng tộc trong mỗi dòng họ. Lễ vật không thể thiếu cá sông dâng thần Sông, rau rừng dâng thần Núi và xôi gà, hoa quả dâng lên Nàng Han cùng tổ tiên của mỗi dòng họ. Sau ly rượu nồng ấm chuẩn bị chào đón một năm mới, mừng cho nghi lễ gội đầu là những câu hát về công lao to lớn của Nàng Han với dân làng. Vào thời khắc này, người cao tuổi còn trao truyền cho lớp trẻ những bài hát, điệu múa, cách thêu thùa, sự tích về Nàng Han gắn với nghi lễ gội đầu... Sau khi thụ lộc, hát giao lưu đối đáp trong mâm rượu là các trò chơi như: “tó má lẹ”, ném còn, múa hát theo từng nhóm, từng đội với nhiều tiết mục khác nhau... Độc đáo nhất là màn xòe truyền thống do tất cả trai gái, già trẻ trong làng cùng tham dự.
Nghi lễ Gội đầu của người Thái trắng ở Quỳnh Nhai chứa đựng lịch sử hình thành làng bản, môi trường sống, lịch sử của từng thời kỳ trong quá trình hình thành và phát triển miền đất nằm dọc theo tả ngạn sông Đà, về tình yêu quê hương và sự gắn kết cộng đồng. Nghi lễ thể hiện giá trị tín ngưỡng phồn thực cổ xưa, giao hòa âm dương, những giá trị diễn xướng khác nhau như múa, nhạc, hát... hòa cùng với nhau, đáp ứng nhu cầu mong người yên, vật thịnh, vạn vật sinh sôi, phát triển; thể hiện văn hóa ứng xử giữa con người với con người, con người với thiên nhiên, con người với thế giới thần linh. Nghi lễ Gội đầu còn hàm chứa tri thức dân gian, giá trị tư duy, giá trị khoa học, ngôn ngữ học, ngôn ngữ âm nhạc, ngôn ngữ biểu cảm ứng xử trong cuộc sống; giá trị về du lịch, phát triển kinh tế, là nơi thu hút khách du lịch đến tìm hiểu về văn hóa truyền thống của đồng bào Thái trắng nơi đây.
Với giá trị tiêu biểu, Nghi lễ Gội đầu của người Thái trắng được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 260/QĐ-BVHTTDL ngày 22/01/2020.
Dương Anh
(Theo Hồ sơ tư liệu, Cục Di sản văn hóa)