Nghi lễ Mạng Ma
Theo tín ngưỡng của người Xinh Mun Dạ, mỗi thầy mo thường có một thầy mo cao tay đỡ đầu, nên khi bắt đầu hành nghề đều phải có nghi lễ nhận thầy đỡ đầu cho mình gọi là Nghi lễ cầu sức khỏe (Mạng Ma). Sau đó, cứ khoảng từ 5 - 10 năm, thầy mo này phải tổ chức Nghi lễ Mạng Ma một lần để cầu sức khỏe, cầu bình an cho mình, ngoài ra, còn cầu cúng cho người dân trong bản khỏe mạnh, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, bội thu; súc vật không mắc bệnh dịch, sinh sôi nảy nở.
Quy mô tổ chức Lễ Mạng Ma là những thành viên trong gia đình, tổ chức nghi lễ cho bố, mẹ (là những thầy mo), nhưng các thủ tục đều được làm đầy đủ. Thành phần tham gia chủ yếu là người thân trong gia đình nội, ngoại và bà con dân bản đến góp vui.
Thầy mo người Xinh Mun có cả đàn bà (Êm dua bi mạ) và đàn ông (Ải dua bi mạ). Thầy mo có 2 loại: một là: “tự biết nghề, được thần linh lựa chọn” do sau một thời gian ốm, mệt rồi bỗng nhiên biết các bài cúng, chữa bệnh (chiếm đa số và hành nghề cao tay); hai là: học để hành nghề (phải sau nhiều năm mới thành thạo nghề). Nhưng cả hai loại thầy mo, mới vào nghề hay hành nghề lâu năm, hàng năm đều phải tổ chức Nghi lễ cúng tổ nghề (Ksaisatip).
Nghi lễ Mạng Ma của người Xinh Mun Dạ (xã Chiềng On, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La) thường được tổ chức vào đầu năm, khi hoa ban, hoa mạ nở, măng đắng mọc lên, diễn ra trong 2 - 3 ngày, vào ngày lành tháng tốt. Thành phần tham gia nghi lễ gồm: 02 thầy mo (một thầy là người đỡ đầu, một thầy được đỡ đầu hoặc thầy mo bị ốm (có thể là đàn ông hoặc đàn bà); Họ bên ngoại; Con cháu trong gia đình, dòng họ; Người dân trong bản.
Khi hành lễ, thầy mo mặc trang phục truyền thống của người Xinh Mun, đầu đội khăn được tạo bằng cách ghép 2 mảnh vải thổ cẩm đỏ, đính các loại vải nhiều màu rực rỡ, khăn dài đến thắt lưng. Những người tham gia mặc trang phục truyền thống của người Xinh Mun (hiện nay, chỉ còn phụ nữ mặc trang phục truyền thống, đàn ông mặc âu phục)
Khi thầy mo thấy trong người không khỏe, hoặc thầy mo đỡ đầu mới chết, trong gia đình, bản có nhiều người ốm, gia súc, gia cầm bị dịch bệnh thì thầy mo phải đem áo của mình đi nhờ một thầy mo khác (cao tay hơn mình), xem có vấn đề gì? Nếu thầy mo đó nói thần linh yêu cầu phải cầu cúng, dâng lễ, hoặc giải hạn thì thầy mo này về phải chuẩn bị làm Lễ Mạng Ma. Đồng thời, cũng xem luôn thầy mo nào có thể hợp hồn, hợp tuổi để cúng cho mình, làm người thầy đỡ đầu cho mình.
Ngày thứ nhất: Chủ nhà nhờ họ hàng, dân bản đến để làm các đồ lễ và chuẩn bị mọi thứ phục vụ cho nghi lễ. Đồ lễ đều được làm 1 đôi trở lên (nếu thầy mo tổ chức lễ Mạng Ma lần đầu sẽ làm mỗi thứ 1 đôi, nhưng cứ thêm một lần thì làm thêm một đôi) gồm: Đồ lễ đặt vào mâm, gian thờ, đồng thời làm đạo cụ để múa trong nghi lễ, được làm bằng gỗ, tre, chỉ màu: dao nhọn, dao chặt, cuốc, xẻng, cào thóc, rìu, bừa, cày; ô, con ve sầu, gậy, ống tre; Đồ lễ được buộc vào một sợi dây, gắn vào một thanh tre dài 1,5m, treo từ nóc nhà thả xuống xung quanh cây nêu được làm bằng gỗ, tre, chỉ màu: Trống và dùi, thuyền và mái chèo, chùm hoa, con cá, con chim, tổ ong; 4 cái khăn vải thổ cẩm mầu đỏ để thầy mo làm lễ (nếu thầy mo là nữ thì khâu vải thổ cẩm làm thành mũ); 6 cái khăn bằng vải bông (ba cái màu đỏ, 3 cái màu trắng); 1 cái trống da; 2 cái chiêng; 2 cái chũm chọe; quả nhạc.
Ngày thứ 2: Lễ cúng chính do thầy mo chủ trì. Khi thầy mo đến, họ hàng và dân bản mới được giết mổ các con vật hiến linh như: lợn, gà, dựng cây nêu, bày biện các lễ vật. Họ hàng mang theo gạo nếp, rượu hay tiền để giúp gia chủ.
Chủ nhà tiến hành sửa soạn hai mâm cúng chính: Một mâm của thầy mo thực hiện nghi lễ, một mâm của chủ nhà (tức là thầy mo bị ốm). Hai bàn cúng được đặt tại gian đầu tiên của ngôi nhà (tính từ bên sàn phơi, gọi là gian xia). Hai mâm cúng này được bày giống nhau gồm: vải, khăn, gạo, trầu cau, trứng gà, tiền xu bạc, vòng bạc, nến, dây thắt lưng, áo của thầy mo bị ốm.
Lợn, gà được mổ, làm sạch đặt vào vách bên cạnh gian cúng, đậy lá chuối kín, bỏ gọn 4 con gà trong bụng con lợn (cho thần linh nhận lễ vật mang đi dễ dàng), nội tạng của lợn để lại mỗi thứ 1 ít trong bụng (coi như đầy đủ các bộ phận của một con lợn), còn lại đem chế biến để ăn trưa; để lên trên con lợn các loại đồ lễ: Cuốc, xẻng, ô, lọng, cây kết con ve sầu nhuộm xanh, đỏ, cày, bừa, cào, ống tre...
Cây nêu (cọc đắng) làm bằng tre dài khoảng 4m - 4,5m, từ mặt sàn đến nóc nhà, dựng trước gian thờ tổ nghề của thầy mo (xìa), trước cửa ra vào (bên sàn phơi). Dây rau bò khai (khả lín: vừa là một loại rau rừng, vừa là vị thuốc nam chữa bệnh) được buộc xung quanh cây nêu dâng lên thần linh; 4 tấm phên bằng tre đan hình xương cá, dài từ sàn nhà đến đỉnh cây nêu, được ốp xung quanh cây nêu có ý nghĩa dâng những con cá lên thần linh; cài vào thân cây nêu các loại hoa ban, hoa mạ, bông lúa chẻ bằng lạt tre; treo 2 dây con chim én đan bằng tre dài từ trên đỉnh cây nêu xuống sàn nhà; từ gốc lên khoảng 50cm, chốt 1 thanh gỗ ngang, trên đó treo một đôi chũm chọe, 1 chiếc chiêng nhỏ không có núm (bàn sang), 1 chiếc sừng trâu để uống rượu cần; gốc cây nêu buộc 2 cái gậy bằng gỗ (lắc mắn), 2 củ măng đắng; đặt 2 chum rượu cần, đan 2 dây con chim én bằng tre thành vòng thắt quanh miệng chum.
Người nhà đan 2 phên tre (mùng mường) dài 1 sải tay, rộng 40cm gác lên sát mái nhà trên chỗ gian thờ của thầy mo, cứ để đó đến khi hỏng hoặc tổ chức lễ tiếp theo mới tháo xuống. Hai phên tre này ghép vào nhau, phía trong có 2 sải vải trắng tượng trưng cho trời, trên tấm vải trắng đặt những chiếc lá, cành tre tượng trưng cho sự sống, để cầu thần linh phù hộ cho dân bản có sức khỏe, làm ăn mưa thuận gió hòa.
Bên ngoại đặt một mâm lễ gồm 1 đống thóc, một đống gạo, đặt 2 chiếc cầu thang nhỏ bằng gỗ vào 2 bên mâm, đặt tiền vào 2 phần thóc, gạo. Mâm lễ này được gác lên gần nóc nhà ở góc thờ của thầy cúng, cầu mong cho con cháu bên ngoại được mùa, thóc lúa đầy bồ, đầy kho. Khi cúng xong, phần tiền được chia cho 2 thầy mo, phần thóc thì thầy mo chính gói về một ít làm hạt giống, cầu thang gỗ đặt lên bàn thờ.
Ở góc gian cúng đặt một mâm cúng gồm: vải thổ cẩm, kéo cắt vải, cây kết con ve sầu... Cạnh mâm cứng đặt hai mô hình ngôi nhà sàn được làm bằng gỗ, kích thước nhỏ gắn khau cút, xung quanh vẽ trang trí hình xương cá. Một ngôi nhà của bên nội tặng, một ngôi nhà của bên ngoại (của người được cúng) tặng, với mong muốn kêu mời thần linh xuống ngự trị ở hai ngôi nhà này, phù hộ cho gia đình, con cháu làm ăn phát đạt.
Hai thầy mo thực hiện các nghi lễ: cúng mời thần linh về dự lễ, cúng thần phù hộ chủ cúng, mời thần linh ăn trưa, cám ơn họ bên ngoại, lễ cúng thần linh phù hộ cho gia chủ (cầu xin sức khỏe, tuổi thọ, con cái, nhà cửa khang trang, ngô lúa nhiều, lợn, gà sinh sôi đầy đàn). Sau đó, thầy mo (người ốm) tự cúng cho mình mời thần linh, tổ tiên về kiểm tra và thụ hưởng lễ vật.
Cúng xong, hai thầy mo mời các thần linh múa xòe. Họ đội vòng hoa lên đầu, lấy khăn treo trên tường cùng dây thắt lưng (sài eng) buộc ngang eo, số khăn còn lại quàng qua cổ, một tay cầm quạt, 1 tay cầm bó dao, cây ve sầu, gậy tre, gỗ, ô chỉ. Trong khi các thầy chuẩn bị đạo cụ thì mọi người phân công nhau đánh trống, chiêng, chũm chọe, tăng bu, bàn sang (chiêng nhỏ được đặt trên một chiếc chum rỗng, một người ngồi gõ bằng que tre chẻ thành lạt). 2 thầy mo bắt đầu đi xung quanh cây nêu, mọi người chân bước theo nhịp xòe, ngược chiều kim đồng hồ, tay đưa ra trước bụng rồi vung ra sau. Đi được 2 vòng, các thầy đi xem chuồng lợn, chuồng gà, lúc này mỗi người ăn một miếng trầu và nhai trầu, đến chuồng lợn hay chuồng gà các thầy mo lại nhổ nước trầu vào mình lợn gà và cầu xin thần linh phù hộ cho lợn gà không bị dịch bệnh mau lớn, sinh sôi đầy đàn…, rồi lên nhà tiếp tục xòe. Mọi người lấy đạo cụ: phụ nữ thì cầm ô, lọng, hoa, ve sầu … xòe theo kiểu dâng hoa, che lọng; đàn ông thì cầm cày, bừa, dao, xẻng…làm các động tác cày, bừa, phát nương.... Vòng xòe đầu tiên thể hiện nhiều động tác rất sôi động, có tính chất làm cho thầy mo và các thần linh vui. Thầy mo cởi bỏ khăn, thắt lưng, đạo cụ tiếp tục cúng. Mọi người bỏ đạo cụ về chỗ cũ, người nhà mang lợn, gà cúng ra ngoài để chia cho nhà ngoại và chế biến đồ ăn tối.
Đồ ăn được chế biến và bày lên 2 mâm lễ để thầy cúng làm lễ mời các thần linh, tổ tiên về ăn tối; lễ cúng thần linh phù hộ người ốm, gọi hồn người ốm về. Sau đó, mọi người cùng múa xòe, ăn tối, tiếp tục múa đến nửa đêm.
Ngày thứ 3, nhà gia chủ mổ con lợn khoảng 20kg để biếu bên ngoại, dùng thịt lợn cúng hôm trước để chế biến đồ ăn trưa. Vào nghi lễ, 2 thầy mo hướng dẫn mọi người múa xòe và diễn trò, đạo cụ bổ sung thêm 1 quả hoa chuối, 1 cây chuối nhỏ, bỏ ngọn, gốc. Trước khi múa, người nhà đặt một mâm lễ ngoài sàn phơi (bên xia, lối đi lên của phụ nữ), trước cửa phía sau, để ngăn cản tà ma không cho vào nhà quấy phá buổi lễ, thắp nến xong thầy mo đóng cửa vào, mọi người trong nhà không ai được ra, bên ngoài không ai được vào. Ngoài vòng xòe, mọi người còn trình diễn các trò như: chèo thuyền, đấu võ, bắt tổ ong. Sau đó là lễ cúng mời tổ tiên về ngự tại nhà và lễ cúng tiễn thần linh, kết thúc lễ Mạng Ma.
Nghi lễ Mạng Ma là nghi lễ cầu sức khỏe, giải hạn, cầu bình an cho các thầy mo, cầu cho dân bản khỏe mạnh, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, gia súc sinh sôi, không có bệnh dịch, là một nghi lễ quan trọng trong đời sống tâm linh của người Xinh Mun dạ ở Chiềng On. Các điệu múa, trò diễn tái hiện lại cuộc sống, lao động sản xuất của người dân, thể hiện mong ước về cuộc sống no đủ, khỏe mạnh. Lễ Mạng Ma bảo lưu các giá trị văn hóa truyền thống cộng đồng: Ẩm thực, diễn xướng dân gian, nghệ thuật múa, nghệ thuật tạo hình... của người Xinh Mun. Nghi lễ còn phản ánh đời sống tín ngưỡng phong phú, quan niệm về nhân sinh quan, thế giới quan, nguồn gốc của tộc người Xinh Mun, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa tộc người...
Với giá trị tiêu biểu, Nghi lễ Mạng Ma (Cầu sức khỏe) của người Xinh Mun Dạ được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 2727/QĐ-BVHTTDL ngày 30/9/2020./.
Dương Anh
(Theo Hồ sơ tư liệu, Cục Di sản văn hóa)