Ngày 3 tháng 1 năm 2025
Liên kết website

Nhạc Ngũ âm của người Khmer ở Sóc Trăng

Nhạc Ngũ âm là loại hình âm nhạc hòa tấu mang tính chất nghi lễ và tôn giáo, gắn bó chặt chẽ với các nghi lễ và đời sống sinh hoạt của Phật giáo Tiểu thừa Theravada trong các ngôi chùa và phum, sóc của người Khmer. Loại hình âm nhạc này được xác định có ảnh hưởng từ cung đình và tôn giáo của Ấn Độ và một số quốc gia trong khu vực Đông Nam Á (Campuchia, Thái Lan) nhưng vẫn phản ánh những nét đặc trưng, riêng biệt của người Khmer nói chung và ở Sóc Trăng nói riêng.

Nhạc Ngũ âm truyền thống của người Khmer (Pinn Peat) là một dàn nhạc được hợp thành bởi 5 bộ nhạc cụ được làm từ 5 loại chất liệu khác nhau tạo nên 5 âm sắc riêng biệt: bộ đồng, bộ sắt, bộ mộc, bộ hơi và bộ da. Trong đó, mỗi bộ sẽ có một, hai hoặc ba loại nhạc cụ tham gia tạo nên biên chế hoàn chỉnh của dàn nhạc Ngũ âm truyền thống gồm loại 9 nhạc cụ: Kèn Srolai Pinn Peat (Bộ hơi); đàn Rôneat Ek, Rôneat Thung (Bộ mộc); Rôneat Đek (Bộ sắt); Kuông Vông Tôch, Kuông Vông Thum, Chhưng (Bộ đồng); Trống Samphô, Trống Skô Thum (Bộ da). Có thể thấy, cấu trúc dàn nhạc Ngũ âm của người Khmer ở Sóc Trăng có sự tương đồng rất lớn với dàn nhạc Ngũ âm của người Khmer ở các tỉnh thành khác, cũng như với dàn nhạc Pinn Peat của người Khmer ở Campuchia, hay các dàn nhạc Sebnai của Lào, Piphat của Thái Lan, Saing Waing (Patwaing) của Myanmar, Gamelan của Malaysia,…

Cách biên chế và liên kết dàn nhạc Ngũ âm của người Khmer còn mang đậm triết lý âm dương lưỡng hợp và nguyên lý ngũ hành của văn hóa phương Đông. Cụ thể:

Triết lý âm dương lưỡng hợp: Đàn Rôneat Ek (chính) - Rôneat Thung, Rôneat Đek (phụ); Đàn Kuông Vông Thum (lớn) - Kuông Vông Tôch (nhỏ); Trống Samphô (2 mặt: 1 trầm, 1 bổng); 2 Skôr Thum (Trống lớn 2 mặt: 1 trầm, 1 bổng)...

Nguyên lý ngũ hành: 5 âm sắc được phát ra từ các nhạc cụ gắn với 5 nguyên lý ngũ hành là: đồng – hỏa, sắt – kim, gỗ - mộc, da – thổ, hơi – thủy.

Trong kỹ thuật trình tấu của dàn nhạc Ngũ âm, đàn Rôneat Ek giữ vị trí là nhạc khí trung tâm, đóng vai trò dồn bè và diễn tấu giai điệu chính để các nhạc cụ khác đánh đồng âm theo. Nhạc cụ này cũng được dùng để mở đầu hoặc kết thúc một bản nhạc. Trong khi đó, vai trò làm nền hòa thanh và tạo ra các tầng âm thanh được giành cho đàn Rôneat Thung và Rôneat Đek. Đàn Kuông Vông Tôch và Kuông Vông Thum thì lại giữ chức năng tạo hòa thanh trong dàn nhạc. Việc làm nền tiết tấu sẽ do Skô Samphô (Trống Samphô) thực hiện. Còn cặp Skô Thum (Trống lớn) có nhiệm vụ điểm vào những phách mạnh và tạo ra động lực để dẫn dắt cả dàn nhạc đi lên cao trào. Riêng Chhưng (chũm chọe) sẽ là nhạc cụ giúp tô điểm thêm âm sắc cho dàn nhạc bằng những phách mạnh được đệm vào. Tất cả các nhạc cụ của dàn nhạc Ngũ âm, với từng đặc điểm, kỹ thuật diễn tấu và vai trò riêng, nhưng cùng phối hợp gắn kết chặt chẽ, hợp lý với nhau tạo nên sự hòa quyện, liền mạch và hoàn chỉnh cho từng bản nhạc được trình diễn.

Về bài bản diễn tấu, tại Sóc Trăng, đến thời điểm hiện nay, chỉ còn khoảng 21 bài bản là được sử dụng thường xuyên và mang tính phổ biến, gồm: 1 bài tổ (Sa thô ka), 5 bài chính thức (Krau Nây, Krau Not, Chong Not, Thông Dot, Chơt) và 15 bài lễ thức tôn giáo (Preah Thum, Khlom, Sa Doi, Soi Suôn, Sorya, Lom, Kam Van, Kam Mon, Bonh Chôs, Chuôn Pô, Chao Priêm, Chao Sanh, Pô Dia Don, Si Nuôn, Chhop (Kết)). Bài tổ là bản nhạc quan trọng nhất, luôn được sử dụng để mở đầu cho hoạt động trình diễn nhạc Ngũ âm trong tất cả các nghi lễ tôn giáo hay tang ma của người Khmer. Bài này cùng với các bài chính thức là những bài bản gốc, mang tính cơ bản, được sử dụng ở tất cả các nghi lễ, có lịch sử lâu đời và làm cơ sở cho sự hình thành, phát triển của những bài bản còn lại. Tiêu biểu trong một số nghi lễ quan trọng, bài bản được tấu như sau: Nghi lễ Phật đản (Bonh Pisakh Bôchea) có 07 bài: 1 bài tổ, 5 bài chính thức và bài Preah Thum; Nghi lễ An vị Phật (Bonh Putthea Phisek) có 12 bài: 1 bài tổ, 5 bài chính thức và các bài Preah Thum, Khlom, Sadoi, Chau Pream, Chau Sanh, Chhop; Nghi lễ cầu an, cầu siêu (Bonh Băng skôl) và Lễ đại cầu siêu (Chhak môha băng skôl) có 16 bài: 1 bài tổ, 5 bài chính thức và các bài Preah Thum, Klom, Sa doi, Soi Suôn, Sorya, Lom, Kam Van, Khec Mon, Bonh chôs, Chuôn Pô; Lễ tang có 12 bài: 1 bài tổ, 5 bài chính thức và các bài Sorya, Preah Thum, Kam Van, Khec Mon, Khlom, Chuôn Pô.

Các bài bản âm nhạc dân gian Khmer, trong đó bao gồm cả nhạc nghi lễ, thường có khúc thức cân đối, vuông vắn. Nhịp điệu, tiết tấu rất rõ ràng, chủ yếu được xây dựng trên cơ sở của nhịp 2/4 và 4/4, rất ít khi có nhịp 3/4. Về đặc tính âm nhạc, nhạc Ngũ âm truyền thống của người Khmer Sóc Trăng vừa mang hình thức “phức tiết tấu”, nhưng đồng thời, cũng mang tính hệ thống, quy cách, khuôn mẫu và trang nghiêm, được tuân thủ nghiêm ngặt. Tuy nhiên, các tầng phức điệu, bài bản chỉ được truyền miệng, truyền ngón nên lại tạo nên sự ngẫu hứng, ứng tấu, ứng khẩu của âm nhạc Ngũ âm, có thể có nhiều dị bản, sắc thái hay biến tấu riêng trong cách diễn tấu của từng nhạc công, từng dàn nhạc, từng địa phương hay từng thời điểm khác nhau.

Xét ở góc độ thang âm - điệu thức, dàn nhạc Ngũ âm của người Khmer có cấu tạo thang 7 âm đều nhau (nhưng khác với thang 7 âm diatonique trong hệ thống Bình quân luật của châu Âu). Các bản nhạc lễ dân gian của người Khmer thì bao gồm nhiều thể thang âm và dạng thức vô cùng phong phú. Phần nhiều giai điệu của chúng được hình thành và phát triển trên hệ thống thang 5 âm (ngũ cung) của Đông Nam Á, chẳng hạn như một số bài bản: Chơt, Chong Not, Chuôn Pô,… Ngoài ra, các hệ thống 6 âm và 7 âm cũng được sử dụng ở những bài bản nhất định, ví dụ: Preah Thum, Kam Van, Khlom,… (6 âm); Khek Mon, Krau Noth, Sorya,… (7 âm). Riêng bài tổ Sa thô ka lại có sự kết hợp của các thang âm và dạng thức khác nhau.

Nhạc Ngũ âm truyền thống của người Khmer ở Sóc Trăng hầu hết được cất giữ, bảo quản và gắn chặt với ngôi chùa cùng các sinh hoạt nghi lễ Phật giáo Tiểu thừa và tang ma của tộc người. Người phụ trách về các nghi lễ của nhà chùa (Acha Voth) sẽ làm nhiệm vụ tuyển chọn và quản lý nhạc công cũng như dàn nhạc. Và theo quy định trước đây, dàn nhạc Ngũ âm cơ bản chỉ được sử dụng để trình tấu trong các đại lễ tôn giáo tại chùa như lễ Phật Đản, An vị Phật,  Nhập hạ, Xuất hạ, Dâng y cà sa, Kết giới, các lễ cầu an, cầu siêu,… Bên ngoài ngôi chùa, nhạc ngũ âm chỉ xuất hiện ở nghi lễ tang ma tại nhà của người dân trong cộng đồng. Tuy nhiên, ngày nay, không gian và phạm vi hoạt động của nhạc Ngũ âm đã có sự thay đổi theo hướng mở rộng cho phù hợp với các nhu cầu và sự phát triển của xã hội. Bên cạnh nhà chùa thì dàn nhạc này đã được sở hữu bởi các cơ quan, tổ chức hay cá nhân khác trong cộng đồng. Đồng thời, nội dung âm hưởng và diễn tấu âm nhạc ngũ âm cũng hòa nhập và tham gia nhiều hơn vào hoạt động thực hành các nghi lễ dân gian và lễ hội truyền thống khác của tộc người như Chol Chnam Thmay, Ooc Om Book, Sene Dolta,… hay các vở diễn nghệ thuật Dù Kê, các chương trình ca - múa - nhạc,…

Nhạc công của dàn nhạc Ngũ âm là những nam giới phải vào chùa tu tối thiểu là một tháng, được người phụ trách về nghi lễ của nhà chùa (Acha Voth) tuyển chọn, 14 - 15 tuổi. Tại đây, ngoài việc được tu học về giáo lý nhà Phật và các tri thức, kinh nghiệm cuộc sống, họ còn có cơ hội được học tập, truyền dạy và lĩnh hội về nhạc Ngũ âm để từ đó chọn ra các cậu bé có tố chất và giao cho ông thầy dạy nhạc (Kru Phlêng) và các thành viên trong ban nhạc Ngũ âm của ngôi chùa trực tiếp chỉ bảo, hướng dẫn về những bài bản âm nhạc trong nghi lễ tôn giáo cùng các kỹ thuật, kỹ năng diễn tấu các nhạc cụ, tạo ra thế hệ kế cận cho cộng đồng như chùa Mahatup (chùa Dơi). Hiện nay cũng có thêm các cơ sở đào tạo về nhạc ngũ âm như: các trường Dân tộc nội trú, Trường Trung cấp Văn hóa nghệ thuật, các Trung tâm văn hóa,… trên địa bàn Tỉnh.

Nhạc Ngũ âm đóng vai trò rất quan trọng trong đời sống sinh hoạt tôn giáo và cộng đồng của người Khmer ở tỉnh Sóc Trăng, gắn bó mật thiết và in dấu sâu đậm trong tâm thức và đời sống sinh hoạt của mỗi người dân Khmer, tạo ra sự kết nối cộng đồng một cách tự nhiên, nhẹ nhàng nhưng bền chặt; kết nối và neo giữ nhân sinh quan, thế giới quan của mình với những giá trị cội nguồn, gốc rễ và bản sắc tộc người. Nhạc Ngũ âm là minh chứng mang tính tiêu biểu về mối quan hệ giao lưu và ảnh hưởng văn hóa giữa người Khmer với các quốc gia và dân tộc xung quanh trong suốt quá trình lịch sử tồn tại và phát triển của mình; đóng góp vào bức tranh văn hóa phong phú, đa dạng và đặc sắc của tộc người Khmer nói chung và văn hóa của cộng đồng người Khmer tỉnh Sóc Trăng nói riêng. Nhạc Ngũ âm của người Khmer phản ánh sự tiếp biến và dung hòa với môi trường và tính cách của tộc người so với sự chặt chẽ, chuẩn mực, khuôn mẫu của nhạc Ngũ âm ở Campuchia. Nhạc Ngũ âm Khmer có thể được xem là mối chất xúc tác kết nối giữa Đạo và Đời, giữa những Phật tử và con người trần tục với thế giới tâm linh thiêng liêng của Đức Phật, là cây cầu và lời tiễn đưa để giúp con người về thế giới bên kia; giáo dục, khuyên răn con người hướng đến những điều thánh thiện, tốt đẹp. Dàn nhạc Ngũ âm mang tính thẩm mỹ cao, trình tấu âm nhạc chuẩn mực, có chất lượng nghệ thuật cao.

Với giá trị tiêu biểu, Nhạc ngũ âm của người Khmer ở Sóc Trăng được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 4602/QĐ-BVHTTDL ngày 20/12/2019.

Dương Anh

Theo Hồ sơ tư liệu, Cục Di sản văn hóa

Liên kết website