Ngày 26 tháng 10 năm 2024
Liên kết website

Phù điêu Đản sinh Brahma Mỹ Sơn E1

Phù điêu Đản sinh Brahma Mỹ Sơn E1, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng, được công nhận là Bảo vật quốc gia tại Quyết định số 73/QĐ-TTg ngày 18/01/2024 của Thủ tướng Chính phủ.

- Chất liệu: Sa thạch

- Niên đại: Thế kỷ VII - VIII.

- Giá trị:

Phù điêu Đản sinh Brahma Mỹ Sơn E1 là hiện vật gốc, độc bản hiện đang trưng bày tại phòng Mỹ Sơn của Bảo tàng Điêu khắc Chăm, Đà Nẵng. Đây là bức chạm khắc trang trí trên vòm cửa của tháp E1 Mỹ Sơn, được Henri Parmentier và các cộng sự tìm thấy tại tháp E1 Mỹ Sơn trong đợt khai quật năm 1903 - 1904, và đưa về bảo tàng từ năm 1935.

  Về nghệ thuật điêu khắc và kiến trúc, các tháp Chăm được xây chủ yếu bằng gạch và một phần nhỏ chất liệu đá, chủ yếu là các trụ cửa, bậc cấp và phần lanh - tô, mi cửa. Đặc biệt bộ phận mi cửa là nơi được chọn để chạm khắc những nội dung quan trọng. Hiện vật này là một mi cửa tiêu biểu vừa có tính nghệ thuật cao vừa có chủ đề về sự ra đời của vị thần chính yếu của Ấn Độ giáo - Thần Brahma, cũng là sự khởi đầu của vũ trụ theo thần thoại Ấn Độ. Đa phần các tác phẩm điêu khắc của Champa thể hiện các đề tài về Thần Shiva, chỉ có một số ít thể hiện Thần Vishnu và Brahma ở hình thức phù điêu trong tư thế ngồi xếp bằng, hoặc hình thức tượng tròn, cưỡi trên các con vật linh, tay cầm các vật biểu trưng. Đây là tác phẩm duy nhất tìm thấy ở Mỹ Sơn thể hiện đề tài thần thoại về Thần Vishnu nằm thiền định bồng bềnh trên biển vũ trụ, từ rốn của Thần Vishnu mọc lên đóa hoa sen và Thần Brahma tọa lạc bên trên, bắt đầu công việc sáng thế. Cùng đề tài còn có tác phẩm khác được tìm thấy ở Phú Thọ, Quảng Ngãi tuy nhiên phần thể hiện Thần Brahma của tác phẩm này đã bị thất lạc và các chi tiết, đường nét điêu khắc có phần mòn mờ, không sắc nét, tinh tế, đầy đủ tính biểu trưng như tác phẩm của tháp E1 Mỹ Sơn.

        Phù điêu Đản sinh Brahma Mỹ Sơn E1 tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm là hiện vật có giá trị tiêu biểu được chạm khắc đẹp, cân đối, hài hòa, hình thức độc đáo, hiếm thấy trong văn hóa, nghệ thuật Champa, là một minh chứng quan trọng về sự du nhập sớm của Ấn Độ giáo vào Vương quốc Champa nói chung và Văn hóa Champa nói riêng ở thế kỷ VII - VIII.

Về đề tài, hiện vật này thể hiện một sự tích rất cổ điển trong Văn hóa Ấn Độ, đó là sự tích về Thần Brahma được sinh ra từ rốn Thần Vishnu, khi Thần Vishnu đang nằm bồng bềnh trên biển vũ trụ, được biết đến trong tiếng Phạn dưới tên gọi Anantasayana Visnu. Tại Campuchia, một số lượng lớn phù điêu thể hiện đề tài này, có niên đại thế kỷ VII – VIII, thuộc thời kỳ Tiền Angkor đã được phát hiện. Phù điêu Đản sinh Brahma Mỹ Sơn E1 này là cứ liệu cho thấy sự tiếp xúc rất sớm và mạnh mẽ giữa Văn hóa Ấn Độ và Văn hóa Champa, cũng như giữa Champa và các chính thể Đông Nam Á cổ đại.

  Đây là tác phẩm điêu khắc hoàn chỉnh, đẹp, trang nghiêm, nghệ thuật tôn giáo được khắc tạc với khối nổi gọn, lấy tính đăng đối làm chủ đạo. Khối khắc đẹp về tổng thể, trau chuốt về chi tiết, tạo khối nông sâu với tỷ lệ hợp lý, nêu bật được chủ đề trang trí. Được tìm thấy cùng địa điểm với các hiện vật khác như Đài thờ Mỹ Sơn E1, cột cửa, tượng Ganesha đứng của tháp E5… vì vậy, các nhà nghiên cứu thống nhất xếp tác phẩm này thuộc phong cách Mỹ Sơn E1, niên đại khoảng thế kỷ VII - VIII. Sự tương đồng về chủ đề điêu khắc, và qua đối sánh một số chi tiết của Phù điêu Đản sinh Brahma Mỹ Sơn E1 với các tác phẩm điêu khắc thuộc nghệ thuật Dvaravati của Thái Lan và Tiền Angkor của Campuchia cũng cho phép chúng ta xác định tác phẩm này có niên đại vào thế kỷ VII - VIII./.

                                             Thúy Hà

(Theo hồ sơ tư liệu Cục Di sản văn hóa)

Liên kết website