Ngày 10 tháng 9 năm 2024
Liên kết website

Phù điêu Nữ thần Uma, Bạc Liêu

Phù điêu Nữ thần Uma, hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Bạc Liêu, được công nhận là Bảo vật quốc gia tại Quyết định số 73/QĐ-TTg ngày 18/01/2024 của Thủ tướng Chính phủ.

- Chất liệu: Đá (sa thạch)

- Niên đại: Khoảng thế kỷ IX- X

- Giá trị:

Phù điêu nữ thần Uma bằng sa thạch là một trong những hiện vật gốc được tìm thấy trong đợt khai quật khảo cổ ở tháp Vĩnh Hưng vào tháng 3/2002, tại hố khai quật mặt Nam, nằm ở độ sâu 0,9m - 1m.  Đây là loại phù điêu được chế tác với tạo dáng hình lá đề, dùng để đặt ở các góc kiến trúc, chỉ mới tìm thấy được tại tháp Vĩnh Hưng, chưa gặp trong các kiến trúc thời kỳ Văn hoá Óc Eo - Phù Nam và Chân Lạp ở vùng Nam bộ. Các tượng nữ Thần Uma hiện đang lưu giữ ở một số bảo tàng đều được thể hiện chủ yếu dưới hình thức tượng tròn, tư thế đứng, nhưng đối với tượng Nữ thần Uma được tìm thấy ở tháp Vĩnh Hưng lại được thể hiện dưới dạng phù điêu hình lá đề, ở giữa lá đề tạc hình nữ thần Uma ngồi trên đầu trâu.

Nữ thần Uma được chạm khắc trên phiến đá hình lá đề cho thấy một phong cách nghệ thuật tạo hình của cư dân Văn hoá Óc Eo, đó là bước chuyển tiếp từ tượng tròn qua phù điêu, nghĩa là nghệ thuật tạo hình được chuyển từ không gian ba chiều qua không gian hai chiều.

Từ những cuộc thám sát, khai quật khảo cổ và nhiều hiện vật thu được tại tháp Vĩnh Hưng, nhất là đợt khai quật vào tháng 3/2002, cho thấy di chỉ cư trú của cư dân cổ Văn hoá Óc Eo trên vùng đất Vĩnh Hưng, niên đại và các giai đoạn của di tích, tháp Vĩnh Hưng trong bối cảnh Văn hoá Óc Eo ở đồng bằng Nam bộ. Lịch sử vùng đất Vĩnh Hưng không thể chỉ đơn giản có niên đại từ cuối thế kỷ X và tháp cổ Vĩnh Hưng đã gắn liền với sự tồn tại và suy vong của cộng đồng cư dân đã từng sinh tụ trên vùng đất này từ trong lịch sử. Diễn biến lịch sử sau thế kỷ thứ XI có thể có sự thay đổi lớn, có thể đã có một tiếp biến văn hoá hoặc thay thế chủ nhân trong từng sự đứt gãy lịch sử cũng được thể hiện qua sưu tập tượng đồng tìm thấy trong bồn nước thiêng.

Nền Văn hoá Óc Eo là dấu tích văn hoá vật chất của quốc gia Phù Nam -một quốc gia cổ đại ra đời sớm nhất, có một quá trình tồn tại và phát triển lâu dài, có ảnh hưởng lớn nhất ở Đông Nam Á trong suốt nửa đầu thiên niên kỷ một Công nguyên. Văn hoá Óc Eo được hình thành bằng sự kế thừa, phát triển văn hoá bản địa và sự du nhập của các nền văn hoá bên ngoài như Ấn Độ, Ả Rập, Trung Hoa... đặc biệt là Văn hoá Ấn Độ, chủ yếu Phật Giáo và Hindu giáo. Phật giáo và Hindu giáo được du nhập vào Vương quốc Phù Nam thông qua con đường thương mại, giao lưu trao đổi các vật phẩm chủ yếu là đường biển như tiền, đồ trang sức, hình chạm khắc, và sau đó là các tượng nhỏ được các thương nhân và giáo đoàn mang tới. Từ đó, các tôn giáo mới này đã nhanh chóng kết hợp, hoà đồng với tín ngưỡng bản địa, góp phần thúc đẩy sự hình thành các trung tâm tôn giáo, văn hoá, cũng đồng thời là trung tâm kinh tế - chính trị lớn của Vương quốc Phù Nam. Tại khu vực tháp Vĩnh Hưng, trong các cuộc điều tra, thám sát khảo cổ học, cán bộ bảo tàng Bạc Liêu đã thu thập được 02 phù điêu làm bằng sa thạch màu xám trắng có mặt trước hình tam giác, mặt sau hình khối tam giác có góc vuông cân, là loại phù điêu được chế tác để đặt ở các góc kiến trúc rất phổ biến trong văn hóa Champa, chưa gặp trong các kiến trúc thời kỳ Văn hóa Óc Eo - Phù Nam và Chân Lạp ở vùng Nam bộ. Cùng với phù điêu nói trên, loại gạch mỏng (dày 05cm) là loại gạch hiếm thấy trong các kiến trúc cổ ở Tây Nam bộ mà chỉ thấy trong các kiến trúc tháp thờ thuộc Văn hóa Champa ở miền Trung đã phần nào cho thấy, có thể vào giai đoạn cuối khoảng thế kỷ X - XIII, cư dân cổ Vĩnh Hưng có mối giao lưu văn hóa với Champa./.   

                                                                          Thúy Hà

(Theo hồ sơ tư liệu Cục Di sản văn hóa)

Liên kết website