Ngày 21 tháng 11 năm 2024
Liên kết website

Tết Khu Cù Tê của người La Chí ở Hà Giang

Người La Chí đã tụ cư lâu đời tại vùng đất Hà Giang hiện nay. Theo truyền thống của tộc người này ở Hà Giang, họ tự coi nhóm La Chí ở bản Díu (huyện Sín Mần) được coi là anh cả, còn các nhóm La Chí ở bản Phùng (huyện Hoàng Su Phì) là anh thứ 2, bản Máy (cũng thuộc huyện Hoàng Su Phì) là em út.

Truyền thuyết cho rằng: Hoàng Dìn Thùng là tổ tiên của người La Chí. Hóa thân của ông chính là các dãy núi trùng điệp, trên đó có các bản làng của người La Chí sinh sống. Trong đó, người bản Díu được coi là anh cả vì được sinh ra từ đầu của ông; người bản Phùng là anh thứ hai, được sinh ra từ bụng của ông; và người em út là bản Máy, được sinh ra từ đôi chân ông. Một dị bản của truyền thuyết lại kể rằng: Ngày xưa, khi có nạn lụt lớn, nước ngập hết núi rừng, ông Hoàng Dìn Thùng đã bế ba người con trai của mình chạy lên núi. Sau đó, ông biến thành dãy núi để các con sinh sống và trở thành Tổ tiên của người La Chí.

Người La Chí định cư trên vùng núi cao, chủ yếu là phát nương làm rẫy, trồng lúa trên những thửa ruộng bậc thang mà mình khai phá. Vào dịp tháng 7 (Âm lịch), tiết trời mát mẻ, công việc của người nông dân ít bận rộn, các trưởng làng (Mổ Cóc) thường tụ họp nhau lại cùng tổ chức Tết Khu Cù Tê để tưởng nhớ Tổ tiên, cầu cho làng bản, gia đình ấm no hạnh phúc, cây lúa tốt tươi, mùa màng bội thu, đồng thời, truyền lại cho lớp cháu con các bài cúng của dân tộc mình.

Thời gian ăn Tết và nghi thức cúng bái Tổ tiên của người La Chí thường được ấn định theo lịch Âm như sau: bản Díu ăn Tết từ ngày 01/7, bản Phùng ăn Tết từ ngày 17/7, bản Máy ăn Tết từ ngày 01/08. Thời gian ăn Tết của mỗi bản dài hay ngắn do hội đồng già làng, trưởng bản quyết định, nhưng không quá 15 ngày. Nếu năm nào nhuận hai tháng Tư thì cộng dồn, Tết ở bản Díu sẽ được tổ chức vào tháng 6. Các già làng, trưởng bản tại ba bản người La Chí thường xuyên liên lạc để thông báo cho nhau biết thời gian ăn Tết của từng năm.

Khu Cù Tê được coi là nhà cộng đồng để thờ cúng Tổ tiên của người La Chí. Như vậy, Tết Khu Cù Tê có nghĩa là Tết được tổ chức tại nhà cộng đồng. Riêng tại bản Máy, việc cúng Tết chỉ diễn ra trong từng gia đình, mâm cúng được bày trên các tàu lá chuối rừng trải trên mặt sàn.

Việc tổ chức Tết Khu Cù Tê của người La Chí phải tuân thủ những lề luật chung của cộng đồng. Đầu tiên là việc bầu ra người chủ trì lễ cúng. Người được đề cử phải là người đã lập gia đình, đã có con, gia đình hạnh phúc, không vi phạm luật lệ của làng bản, có uy tín trong cộng đồng, trong nhà không có người ốm yếu. Hội đồng trưởng tộc sẽ lấy chân gà khô để xem, nếu chân gà tốt thì người đó mới được làm...

Trước ngày Tết, các hộ gia đình đi phát quang, dọn cỏ ở các ngôi mộ và kính cáo Tổ tiên biết ngày mở Tết, dặn người chết không được đi đâu và chờ trưởng họ mời về ăn Tết. Riêng ở bản Máy, người dân làm việc này vào ngày 03/3 (Âm lịch). Các hộ gia đình chuẩn bị nấu rượu uống và rượu hoẵng để cúng. Rượu hoẵng được làm từ gạo nếp, nấu lên để nguội, đem ủ cùng một loại men cổ truyền gồm 12 thứ lá lấy ở trên rừng (Mạc Hầu, Pở Sẩm, Lạc Nỏa Buộc, Pi Pi, Nắng Kề, Sính Cà, Thủ Ối, Nha Nà Ti, Nhàng Cha Nóc Chỉn, Bác Nhài, Nhạc Thào Lâm, Mạc Ượt). Rượu có màu trắng đục, vị ngọt thơm.

Tuỳ từng năm, ngày Tý hoặc ngày Mùi sẽ được chọn là ngày mổ trâu của cộng đồng (loại thực phẩm bắt buộc phải có khi cúng Tổ tiên), nhà nào có điều kiện có thể mổ thêm ngựa hoặc lợn. Người La Chí quan niệm, “trần sao âm vậy”, nên người sống cúng xôi để Tổ tiên có lúa trồng trọt, cúng thịt trâu cho Tổ tiên có trâu cày ruộng.

Các gia đình trong dòng tộc thường chung tiền mua một con trâu để mổ, chia đều cho các gia đình, riêng trưởng họ sẽ được đôi sừng. Sừng trâu (Khâu vài) được rửa sạch hết mùi rồi đem đi phơi nắng, cưa ngắn bớt phần gốc và khoan một lỗ tại đầu nhọn của sừng, xỏ một sợi dây để treo cùng chiếc giỏ (La mổ) và một củ gừng ở gian giữa của ngôi nhà, đó chính là bàn thờ tổ tiên của người La Chí.

Theo phong tục truyền thống của người La Chí, Tổ tiên được thờ tính từ 3 đời trở lại, những linh hồn này sẽ được mời về khi cúng tại nhà trưởng tộc của các dòng họ. Các gia đình tập trung tại nhà trưởng tộc, khi đi mang theo một chai rượu, một gói xôi, một miếng thịt. Họ mặc quần áo truyền thống, những người được trưởng tộc chỉ định sẽ ngồi xung quanh một mâm gỗ có các giỏ đựng, gói xôi, gói thịt. Họ giúp trưởng tộc cúng để gọi hồn những người đã mất về ăn Tết. Khi cúng, trưởng tộc phải bỏ khăn ra để bài cúng được linh nghiệm. Người giúp việc cho trưởng tộc sẽ chuẩn bị cành hoa trắng bó cùng một vài lá cỏ dài, to bản (người bản Díu gọi là “Đoọc Khâu”, người bản Phùng gọi là "Méo", người bản Máy không dùng cành hoa trong lễ cúng). Mỗi người giúp việc cầm một cành hoa để xua đuổi tà ma, làm cho cây lúa tốt tươi, không bị sâu bọ cắn phá. Vật cúng là một con gà trống, được vặt lông rồi đặt lên mâm gỗ để cúng, tiết gà được đặt trên mâm; Sau đó, gà được treo ở vách tường. Kế tiếp, trưởng họ buộc củ gừng vào sợi chỉ và cầm bên tay phải, tay trái cầm sừng trâu, bên trong đựng rượu hoẵng, miệng đọc bài cúng ba đời. Trưởng tộc sẽ mời các linh hồn là nam giới trước tiên. Các linh hồn này về sẽ nhập vào những người phụ giúp việc cho trưởng tộc. Khi các linh hồn đã về đông đủ thì trưởng tộc và các linh hồn (nhập vào những người giúp việc) cùng ăn xôi, uống rượu hoẵng, uống nước cà đắng. Nước cà đắng có tác dụng xua đuổi những tà ma bám theo linh hồn người chết khi quay về nhà. Nhờ uống nước này, mà tà ma không vào được nhà, không quấy rối linh hồn và người sống trong những ngày Tết. Các linh hồn nam giới được ăn thịt trâu, thịt lợn muối chua. Riêng thịt trâu dùng để cúng có thể xào với gừng hoặc không kèm gừng, nhưng không được cho rau thơm, vì theo người La Chí, rau thơm không tốt khi xào cùng thịt trâu. Người xào thịt trâu không được nếm trước, nếu không sẽ bị coi là phạm thượng, bị Tổ tiên trách phạt.

Trưởng tộc mời các linh hồn nam giới ở lại ăn Tết cùng con cháu, phù hộ cho con cháu sức khoẻ, làm ăn may mắn, cây cối tươi tốt, mùa màng bội thu...

Khi các linh hồn nam giới được mời về đầy đủ, trưởng tộc lại dùng củ gừng và sừng trâu chứa rượu, miệng đọc bài cúng đọc tên mời từng linh hồn nữ giới trong dòng tộc về. Các linh hồn này cũng sẽ nhập vào những người nam giới giúp việc. Trưởng tộc lại mời các linh hồn uống nước cà đắng và ăn thịt trâu, ăn xôi, uống rượu hoẵng. Trưởng tộc xin các linh hồn phù hộ cho dòng họ ngày càng cường thịnh. Sau bài cúng này, chiêng trống sẽ nổi lên. Tuy nhiên, một số tộc họ nay không còn thực hiện nghi thức đánh chiêng trống nữa.

Kết thúc lễ cúng, mọi người chuẩn bị mâm, bát, rượu, thịt cùng ăn uống chúc tụng nhau, đến tối mới về nhà. Sau đó, các gia đình trong họ mới được phép làm cỗ mời họ hàng đến ăn. Tại bản Díu, việc cúng bắt đầu từ gia đình người em út (người em út phải có con thì mới được cúng), tiếp diễn theo thứ tự lớn dần và cuối cùng là nhà anh cả. Trong khi đó, tại Bản Phùng, việc cúng bắt lại bắt đầu từ nhà anh cả.

Sau lễ cúng tại nhà các trưởng tộc, là lễ cúng tại nhà trưởng làng, với sự tham gia của các trưởng tộc. Đội cúng ở bản Díu gồm 7 người, trong đó, 5 người đại diện cho dòng họ mình, còn tại bản Phùng gồm 6 người, với 4 người cúng đại diện cho dòng họ. Khi cúng, trưởng làng hoặc trưởng họ là người chủ trì, còn các trưởng họ khác cùng phụ giúp thực hiện nghi lễ. Ai được bầu làm trưởng làng phải dựng thêm một nhà phụ nối tiếp sát ngay nhà chính của nhà mình để hành lễ. Cộng đồng sẽ giúp trưởng làng dựng nhà phụ. Trong nhà đặt một thân cây khô nằm ngang để treo chiêng, trống. Trước đây, người La Chí còn sử dụng cả trống đồng, bao gồm một trống đực và một trống cái để hành lễ. Sau buổi lễ, trống sẽ được mang vào hang trong núi để cất, nhưng từ năm 1976, vật thiêng này đã bị mất.

Trong lễ cúng, trưởng làng và những người phụ giúp phải mặc quần áo dài, đầu đội mũ vải hình chóp, màu đen, đỉnh mũ gắn một đoạn vải tượng trưng cho tóc của phụ nữ. (Tương truyền, trước đây, việc cúng bái Tổ tiên của người La Chí do phụ nữ trong gia đình đảm nhiệm, nhưng một ngày kia, họ mải đi hát mà quên cúng Tổ tiên. Do vậy, người đàn ông trong gia đình đã giả làm nữ giới để cúng tổ tiên. Từ đó đến nay, người đàn ông đảm nhận công việc này và mặc bộ quần áo của phụ nữ để cúng).

Người La Chí không dùng tiền giấy bản trong lễ cúng, vì theo họ, xưa, người La Chí cùng các tộc người khác đi tìm đất canh tác. Các tộc người khác nhanh chân hơn, nên họ đi đến vùng đất nào, thì đánh dấu vùng đất ấy, bằng việc dùng cỏ khô đốt thành các đống tro nhỏ. Người La Chí đi rất chậm, họ xếp ba tảng đá kê thành bếp và dùng cành củi, thân cây to để nấu ăn. Với địa hình sườn núi dốc, thường xuyên có gió lớn và mưa to, nên các đống tro, đốt từ cỏ của các tộc người khác bay đi hoặc trôi hết, chỉ những bếp kê ba tảng đá, có vết cháy xém đen của người La Chí còn sót lại. Các tộc người khác nhận đất đó là của họ nhưng không tìm được những điểm đánh dấu của mình, đành phải nhường lại đất cho người La Chí. Chính vì vậy, khi có người chết, các tộc người khác phải tung tiền giấy với dụng ý là mua đất của người La Chí để chôn. Người La Chí nhiều đất không phải cầu cạnh ai, không cần mua đất của ai, nên không phải dùng tiền giấy là vì lẽ ấy.

Trưởng làng là người cúng đầu tiên, sau đó, các trưởng họ mới được cúng. Nếu trưởng làng chưa thuộc hết các bài cúng thì sẽ được một người già am hiểu nhất về phong tục giúp đỡ khi cúng. Những người phụ giúp trong lễ cúng thường mặc áo ngắn và quần chân què ống rộng, đầu quấn khăn. Trưởng làng cúng mời Tổ tiên về ăn Tết cùng dân bản, cùng ăn thịt trâu mà dân bản nuôi được, cùng ăn xôi của dân bản trồng được trên mảnh đất bản Díu màu mỡ, cùng uống rượu ngọt (rượu hoẵng) như tấm lòng thảo thơm của dân bản vậy. Trưởng làng cũng dùng “Đoọc Khâu” để cầu mong cho cây lúa tốt tươi mùa màng bội thu.

Sau khi trưởng làng cúng xong, các trưởng họ mới được cúng. Họ cũng dùng sừng trâu chứa rượu hoẵng gọi Tổ tiên dòng họ của mình về chứng giám cho lòng thành của con cháu, nhờ Tổ tiên phù hộ cho người trong họ ngày càng đông, sức càng mạnh, ngô, thóc đầy bồ, đầy nhà, trâu, ngựa đầy chuồng... Các trưởng tộc cúng xong thì uống rượu, ăn xôi, thịt để báo hiệu Tổ tiên đã về, chia các phần thịt, rượu cho nhau để thể hiện sự đoàn kết, tương trợ giữa các dòng họ.

Cúng xong, hai người đánh chiêng và hai người đánh trống gõ dạo trước. Sau đó, các trưởng họ lần lượt đánh trống. Trước khi đánh trống, trưởng họ cầm đôi dùi trống vái trưởng làng và các trưởng họ. Khi đánh, phải đánh mặt bên phải của trống trước và nhún người theo nhịp trống, rồi nhảy một vòng theo chiều kim đồng hồ, sang đánh mặt trống đối diện. Khi tiếng trống của người phụ giúp cuối cùng dừng lại cũng là lúc nghi lễ kết thúc. Chủ nhà dọn mâm mời tất cả mọi người tham dự uống rượu, ăn thịt trâu.

Ngày Tết cuối, dân làng tập trung tại nhà cộng đồng “Khu Cù Tê” làm lễ đánh trống để tiễn Tổ tiên trở về thế giới bên kia. Theo quan niệm của người La Chí, đây là ngôi nhà thiêng, không ai được phép phá huỷ, hoặc làm tổn hại. Lễ cúng tiễn Tổ tiên được tổ chức ngoài trời, bên cạnh nhà cộng đồng, diễn ra từ trưa đến 3 giờ chiều dù mưa hay nắng. Trưởng làng và người phụ giúp đặt những mâm lễ đã chuẩn bị trước ở dưới đất, lần lượt đọc các bài cúng tiễn đưa Tổ tiên về lại thế giới bên kia. Cúng xong, họ cùng nhau nhảy múa và đánh trống. Khi tiếng trống kết thúc, đồ cúng mà các dòng họ mang đến được bày ra, tất cả mọi người tham dự cùng thụ hưởng. Trong khi ăn uống còn có màn hát đối đáp nam nữ. Hát xong cũng là lúc Tết Khu Cù Tê kết thúc.

Trong bản của người La Chí, tiếng trống chỉ được đánh trong những ngày Tết. Sau Tết, người dân kiêng không đánh vì tiếng trống vang lên nghĩa là mời Tổ tiên về, làm họ không được yên nghỉ và người dân cũng không có điều kiện để tổ chức lễ. Hơn nữa, khi Tổ tiên được mời về, các ma ác cũng bám theo gây hại cho sức khoẻ và mùa màng của dân bản, lúc đó dân lại phải mổ nhiều trâu để cúng, tốn kém tiền của...

Tết Khu Cù Tê của người La Chí có lịch sử lâu đời, là dịp người trong dòng tộc, cộng đồng ở khắp nơi về sum họp, tưởng nhớ Tổ tiên, cầu mong cuộc sống ấm no, hạnh phúc, qua đó góp phần duy trì và củng cố mối gắn kết cộng đồng, dân tộc. Với những giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học tiêu biểu của di sản, Tết Khu Cù Tê của người La Chí ở Hà Giang đã được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Liên kết website