Ngày 21 tháng 11 năm 2024
Liên kết website

Tết Nào pê chầu của người Mông đen

Người Mông có nhiều phong tục tập quán phong phú, đặc sắc, trong đó, có Tết Nào pê chầu (còn gọi là Nào chía pê chầu). “Nào” là ăn, “chía” là tết, “pê chầu” là ngày 30. Nào chía pê chầu là ăn Tết ngày 30, là ngày diễn ra các nghi lễ chính để bước sang một năm mới và được hiểu là ăn Tết chính, Tết cổ truyền của người Mông. Tết năm mới không cố định vào một ngày cụ thể, mà là khoảng ngày do Hội đồng già làng trưởng bản ấn định, trên cơ sở giao thời mùa vụ giữa năm cũ và năm mới, lúc mùa vụ thu hoạch xong, thời tiết thuận lợi. Vì vậy, Tết chính của người Mông dựa vào thiên thời, địa lợi, nhân hòa để ấn định, từng bản, từng vùng có thể ăn Tết vào những ngày khác nhau trong khoảng thời gian đó.

Trước đây, Tết Nào pê chầu chỉ diễn ra với quy mô nhỏ theo từng thôn, bản, địa phương, nhưng đến nay, Tết diễn ra hàng năm tại bản Nậm Pọng và phổ biến tại các bản của người Mông (trừ những bản người Mông theo đạo Tin lành), từ 3 – 5 ngày để mọi người được nghỉ ngơi, vui chơi thỏa thích.

Để chuẩn bị cho Tết Nào pê chầu, các gia đình phải có đủ các đồ lễ như: lợn, gà, bánh dày, hương, giấy dó. Lợn thường được các gia đình nuôi từ đầu năm, đến Tết mới thịt. Gà, đặc biệt là gà trống, là vật dâng cúng chính trong các nghi lễ ngày Tết của người Mông. Người Mông quan niệm và tin rằng con gà là giống vật thiêng, có khả năng trừ ma và sai khiến được cả hồn người, hồn trâu, bò, lợn, hồn thóc lúa... Bánh dày (tượng trưng cho mặt trăng, mặt trời, là vũ trụ, là nguồn gốc sinh ra con người và muôn loài trên trái đất) được làm từ gạo nếp nương, không bị pha tạp. dùng để cúng, ăn trong Tết và làm quà biếu. Hương thắp được đồng bào làm từ loại cây rừng có tên là lộng xeng. Giấy dó được làm từ cây giang bánh tẻ, dùng để trang trí nhà cửa, dán lên bàn thờ xử ca, làm tiền âm phủ đốt trong nghi lễ.

Khoảng từ ngày 25 Tết (theo lịch Mông), các gia đình bắt đầu mổ lợn để làm lý tạ ơn tổ tiên, trời đất đã phù hộ cho dân bản có sức khỏe tốt, mùa màng bội thu và mọi điều may mắn trong năm qua: một phần để dâng cúng, một phần đem sấy treo gác bếp, thịt mỡ ngâm muối làm thực phẩm ăn lâu dài, một phần mời anh em họ hàng đến ăn mừng cùng gia đình.

Cùng với việc tổ chức làm lễ tạ ơn tổ tiên, từ ngày 27 đến ngày 29 Tết, tại nhà thầy Mo tiến hành làm lễ “thả âm binh” (ua nênh tro khua) về ăn Tết với gia đình hoặc đi rong chơi ngày Tết. Nhà thầy Mo ngoài việc dán giấy dó, trang trí dải đỏ như mọi nhà còn treo một đoạn dây thừng được dắt 4 thanh kiếm màu trắng, cạnh đó còn treo một ống tre đựng nước được phủ giấy dó với mục đích để ngăn chặn những điều xấu trong năm mới, đem lại những điều tốt và bảo vệ mọi thành viên trong nhà được mạnh khỏe, gặp nhiều may mắn. Những thanh kiếm và ống nước đó được treo cả năm trong nhà, đợi đến Tết năm sau mới thay. Với nhà thầy Mo được lập bàn thờ riêng gồm 2 tầng trang trí giấy dó có hoa văn và buộc những dải màu đỏ để làm đẹp, tầng trên để 1 bát hương, 1 cốc nến, 1 chiếc bánh dày, 3 chén nước, 1 chiếc gương; 1 bát nước trên đó có đặt hai nửa sừng trâu tạo thành một cặp, gồm nửa sừng trắng và một nửa sừng đen (dùng để giao tiếp âm dương). Phía bên trái bàn thờ dán một đoạn giấy dó được dính 5 túm lông gà – đây được coi là nơi trú ngụ của những âm binh hàng ngày đi theo giúp đỡ thầy cúng. Bên phải ban thờ là bàn thờ xử ca. Nếu trong nhà còn có người làm nghề bốc thuốc chữa bệnh thì kế tiếp đó là bàn thờ của thầy thuốc. Ở tầng dưới ban thờ của thầy Mo là nơi để đồ cúng, bao gồm: 1 bộ sừng trâu trắng, 1 bộ sừng trâu đen, 1 bộ cồng để gõ, 1 bộ chuông có buộc dải đỏ để tránh tà ma, 1 khăn đội đầu dài chùm mặt màu đen. Trong lễ cúng “thả âm binh” phải có hai con gà (một trống, một mái), nhà nào có điều kiện thì có thể mổ thêm một con lợn, đồng thời thay bát hương, vải, chỉ và dán lại giấy mới cho bàn thờ. Sau khi chuẩn bị xong đồ để lễ, thầy Mo trong bộ trang phục truyền thống, khăn đen trùm kín mặt, tay cầm thanh âm dương, hai chân giữ nhịp theo tiếng cồng của người phụ giúp, miệng khấn cảm ơn các âm binh đã đi theo để giúp thầy cúng xua đuổi những ốm đau bệnh tật, những điều xấu trong năm vừa qua; Tết đến các âm binh hãy về nhà và đi chơi, hết 3 ngày Tết các âm binh sẽ lại về đây tiếp tục phụ giúp thầy cúng trong năm mới. Thầy cúng xin âm dương sao cho hai mặt cùng ngửa là được các âm binh đồng ý. Sau 2 đến 3 ngày Tết, thầy Mo lại làm lễ cúng để đón các “âm binh” về canh giữ bàn thờ. Trong dịp Tết này, nếu gia đình nào trong năm có nhờ thầy cúng làm lễ cho nhà mình thì cũng tự nguyện mang một con gà đến để tạ ơn.

Ngày 30 Tết, lễ dọn dẹp xung quanh nhà cửa được tiến hành. Chủ nhà là nam giới, tay cầm cán cuốc cào dọn cống rãnh và phía ngoài xung quanh hai bên đầu nhà, vừa làm vừa khấn đuổi ma quỷ, bệnh tật, những điềm xấu và rủi ro đi theo năm cũ, đón những điều tốt đẹp cho năm mới. Tiếp đến lễ quét bồ hóng, chủ nhà cầm chổi (lấy chỉ trắng hoặc đỏ buộc 3 ngọn cây tre nhỏ hoặc cành ngọn cây còn lá xanh tươi vào nhau) và cái hót rác vừa quét vừa khấn đuổi bệnh tật, ma tà quỷ dữ, quét những rủi ro, điều xấu để đón cái mới tốt đẹp, bắt đầu từ cột chính trong nhà vào buồng ngủ, qua gian bếp, đến cửa phụ, đi ra gian bàn thờ xử ca, qua cửa chính, rồi ra ngoài vứt chiếc chổi và bồ hóng vừa quét ra góc vườn như vứt bỏ những rủi ro, bệnh tật...

Sau đó, chủ nhà trang trí nhà cửa và làm mới bàn thờ. Họ cắt các mảnh giấy dó hình răng cưa dán vào các cửa, các cột nhà, cột bếp, bồ thóc, chuồng lợn, chuồng gà, chuồng trâu, chuồng ngựa và các dụng cụ sản xuất đã được rửa sạch sẽ với ý niệm đến tết tất cả các vật dụng trong gia đình đều được nghỉ ngơi, ăn Tết.

Một trong những nghi lễ quan trọng trong ngày Tết Nào pê chầu là lễ lập và thay bàn thờ xử ca (còn gọi là thay áo mới) vào ngày 30 Tết. Theo quan niệm của người Mông Đen, xử ca (có nơi người Mông còn gọi là xử cang) là ma có vị trí quan trọng trong hệ thống ma nhà của người Mông (ma nhà gồm: ma tổ tiên, ma xử ca, ma buồng, ma cửa, ma bếp), có nhiệm vụ cai quản của cải, tiền bạc, phù hộ cho gia đình làm ăn khá giả, giữ các linh hồn trong gia đình. Nơi thờ xử ca gồm một miếng giấy dó màu trắng, hình chữ nhật hoặc hình vuông, ở giữa dán miếng giấy dó màu vàng hoặc màu bạc, ở giữa dính túm lông gà mềm chấm máu gà dính hình tam giác hoặc hình chữ nhật, hay hình vuông (quy ước của từng dòng họ), dán trên tấm ván phẳngtrên tường đối diện với cửa chính, cao 1,5 – 2m. Phía dưới bàn thờ là một chiếc ghế dài 4 chân - nơi đặt bát hương và đồ lễ. Bắt đầu nghi lễ, chủ nhà (nam giới) khấn để thông báo việc thay bàn thờ mới; hết tuần hương, chủ nhà tiến hành hạ bàn thờ xử ca cũ để thay mới bao gồm thay cốt mới cho bát hương – đó là một bát thóc (cũng có thể được thay bằng ngô hoặc gạo), dỡ bỏ giấy dó cũ, dỡ bỏ xử ca có dán lông gà đã thờ suốt một năm; dán xử ca mới còn để trống, đợi làm lễ cúng gà sống xong, rồi mới lấy lông gà để dính lên.

Nghi lễ cúng sống được tiến hành trước, chủ nhà cắt một tập giấy dó để làm tiền âm phủ, đặt trước bàn thờ, một tay ôm con gà trống to, một tay cầm nắm hương, đứng trước bàn thờ xử ca, khấn xin thay bàn thờ mới. Khấn xong, chủ nhà cắm hương xuống đất, sát chân tường ngay dưới bàn thờ, rồi đốt tiền giấy biếu xử ca. Sau đó, người nhà mang con gà vừa cúng đi cắt tiết ngay trong nhà. Chủ nhà vặt 5 túm lông ở cổ gà, chấm chân lông vào bát tiết, dính lên bàn thờ xử ca, rồi ném con gà ra gian nhà. Người nhà mang đi mổ, luộc để cúng chín. Tiếp đó, chủ nhà cắt những mảnh giấy dó thành hình chữ nhật, kích thước khoảng 5cm x 7cm, một cạnh được cắt hình răng cưa, dán vào bàn thờ xử ca với ý niệm thay áo mới cho xử ca.

Chủ nhà làm lễ cúng chín, trên bàn thờ là bát hương đã được thay cốt mới, mỗi bên đặt một chiếc bánh dày, có một cấy nến, con gà đã luộc. Chủ nhà thắp 3 nén hương cắm vào bát hương và 2 chiếc bánh dày rồi cúng dâng xử ca, cầu xin những điều may mắn cho năm mới, vừa khấn vừa lấy đôi đũa chạm vào gà rồi nhấc đũa lên để thể hiện gắp mời xử ca ăn Tết. Nếu gia đình nào có người làm thầy cúng thì sau khi làm lễ lập bàn thờ xử ca, chủ nhà sẽ tiếp tục trang trí bàn thờ của thầy cúng và tiếp tục làm lễ cúng sống và cúng chín như trên, mời các vị thần linh chỉ cho biết các bài thuốc để chữa bệnh. Tuy nhiên, ở ban thờ này thầy cúng ôm một đôi gà trống mái.

Cũng vào ngày 30 Tết, thường là buổi chiều tối, người Mông làm lễ cúng tổ tiên về ăn Tết hay còn gọi là cúng tất niên, để mời ông bà, đến bố mẹ, chú bác, anh em ngang hàng với chủ nhà, người trong họ đã mất mà không nhớ tên tuổi về ăn Tết. Khi cúng tổ tiên, gia chủ lập một bàn thờ tổ tiên ngay trước bàn thờ xử ca, là một mâm cúng được đặt trên ghế, xung quanh kê thêm ghế hàm ý để tổ tiên ngồi thụ lễ. Mâm cúng có một chiếc bánh dày, một đĩa thịt gà đã luộc chín. Khi cúng, chủ nhà thắp hương ở bàn thờ xử ca, ở bếp, ở các cửa, cột nhà. Chủ nhà ngồi cạnh mâm cơm, vừa khấn vừa mời tổ tiên ăn từng món. Sau khi khấn mời tổ tiên ăn Tết, chủ nhà lấy lễ vật trên mâm, mỗi thứ một ít hắt ra ngoài mời các loại ma cùng hưởng. Cúng xong, chủ nhà xem đầu gà, chân gà, sọ gà, cánh gà để đoán biết sức khỏe và công việc làm ăn của mọi thành viên trong gia đình vào năm mới.

Đêm 30 Tết, người Mông tại bản Nậm Pọng có tục đi lấy nước ở nguồn nước đầu bản về cân lên để đoán biết việc làm ăn trong năm mới. Khoảng 3 giờ sáng, chủ nhà và những người đàn ông trong gia đình tập trung theo đoàn, đốt đuốc hoặc soi đèn mang theo mấy thẻ hương, một tập tiền âm phủ và xô đựng nước, đi ra đầu nguồn nước. Đến nơi, chủ nhà thắp hương và đốt tiền âm phủ rồi khấn cầu xin tiền lộc và xin lấy nước về nấu bữa sáng của năm mới. Sau đó, chủ nhà xách xô nước về, rồi cân lên so sánh với xô nước của năm cũ. Nếu cân tươi hơn nước của năm cũ thì năm đó gia đình làm ăn phát đạt, mùa màng thuận lợi, nếu ngược lại, gia đình làm ăn sẽ gặp nhiều khó khăn.

Sáng mùng 1, chủ nhà chuẩn bị đồ lễ gồm thịt gà, cơm, canh và bánh dày, cúng mời tổ tiên, ma nhà, rồi cúng thần thổ địa và hồn vía các loại nông sản cùng những động vật nuôi trong nhà về ăn Tết.

Các nghi thức cúng lễ trong tết Nào pê chầu của người Mông ở Nậm Pọng diễn ra chủ yếu vào ngày 30, sáng mùng 1 và chiều mùng 3 Tết. Theo quan niệm của người Mông, nếu để hương cháy hết không kịp thắp hoặc nến tắt không kịp thay, trong ba ngày đầu xuân, thì năm đó gia đình làm ăn sẽ gặp khó khăn, không may mắn. Ngoài ra, họ còn có một số kiêng kỵ như: không đổ nước xuống nền nhà vì sợ gặp nước cản trở khi đi làm ăn; quét nhà không hót rác đổ ra ngoài, chỉ dồn vào một chỗ vì sợ sẽ đổ đi may mắn của năm mới; không ăn rau vì sợ sẽ nghèo, thiếu ăn, nương rẫy nhiều cỏ; không được để bánh dày cháy khi rán, không ngủ trưa, không cãi vã trong gia đình.

Trong những ngày Tết cũng diễn ra nhiều hoạt động vui chơi, như múa khèn, thổi sáo, đàn môi, hát ống, chơi ném pao, tù lu, cầu lông gà… các thành viên mặc những bộ quần áo mới, đi chơi, giao lưu, trai gái được tự do tìm hiểu nhau, tạo sự cố kết và thống nhất trong cộng đồng.

Nghi thức cúng lễ cuối cùng diễn ra vào chiều ngày mùng 3 Tết, có nhà làm vào sáng mùng 4 hay mùng 5 Tết, đó là lễ hạ mâm bánh dày đặt ở nóc cột chính (cột ma) trong nhà, cúng mời tổ tiên ăn bánh dày và tiễn tổ tiên về cõi âm. Chủ nhà bày mâm giữa nhà, cắt chiếc bánh dày thành các miếng nhỏ, người con trai lớn hay con dâu cả hoặc nếu nhà không có con trai và con dâu thì chủ nhà trực tiếp mang đi rán chín. Ngoài ra, chủ nhà còn nướng cháy một đoạn bắp ngô đã khô treo ở gác bếp, bỏ vào bát nước cúng, ngụ ý đó là thuốc dâng lên và mong năm mới tổ tiên phù hộ cho con cháu sức khỏe. Mâm cúng gồm 1 đĩa bánh dày rán, 1 bát nước ngô nướng, 1 bát rượu, 1 bát cơm, 1 bát canh, 1 bát thịt luộc thái miếng và dây tiền bằng giấy dó (nếu bố mẹ đều mất thì chủ nhà biếu 2 dây tiền, nếu bố hoặc mẹ còn sống thì biếu 1 dây tiền). Chủ nhà thắp hương ở bàn thờ xử ca, ở cột ma, ở hai bên cửa chính, ở ngoài sân. Sau đó, trưởng họ hoặc người anh cả của chủ nhà, nếu người đó không còn thì chủ nhà sẽ cúng thông báo hết Tết với tổ tiên, miệng khấn tay lấy từng món ăn trong mâm để riêng ra một góc ngụ ý mời tổ tiên ăn. Cúng trong nhà xong, người cúng ra ngoài sân hắt chén rượu, ném chút thức ăn làm lý, mời các ma nhà cùng hưởng. Sau khi cúng xong, người cúng hóa giấy tiền cho bố hoặc mẹ đã mất ngay trước bàn thờ tại gian giữa, tiếp đó là đốt hóa xử ca của năm cũ.

Tết Nào pê chầu góp phần khẳng định quá trình tồn tại, phát triển của người Mông, phản ánh ước nguyện về một cuộc sống yên bình, no đủ của cộng đồng, thể hiện tình tình đoàn kết cộng đồng và lòng hiếu khách của người dân Nậm Pọng.

Với những giá trị đặc sắc mà người dân còn lưu giữ và thực hành, Tết Nào pê chầu đã được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 1877/QĐ-BVHTTDL ngày 08/6/2015./.

Liên kết website