Ngày 23 tháng 11 năm 2024
Liên kết website

Tháp Vĩnh Hưng, tỉnh Bạc Liêu

Tháp Vĩnh Hưng (còn gọi là Tháp Trà Long hay Tháp Lục Hiền) thuộc xã Vĩnh Hưng A, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu, cách thành phố Bạc Liêu khoảng 20km về hướng Tây Bắc.

Tháp Vĩnh Hưng được xây dựng trên một doi đất dài, cao hơn mặt ruộng khoảng 0,5m. Tháp có diện tích bình diện lớn (9,36m x 9,44m) và được xây cao gần 9,5m (chưa tính được đỉnh tháp), kín 3 mặt, một mặt là cửa tháp, hơi chếch về hướng Tây Nam. Khoảng cách từ vách tháp phía Bắc đến vách tháp phía Nam đo được là 3,2m. Ở 3 mặt còn lại, cạnh trong cùng về phía Đông đo được là 3,2m, cạnh phía Bắc là 3,9m và cạnh phía Nam là 04m. Vòng ngoài chân tháp, từ mép vách phía Bắc đến mép vách phía Nam đo được là 15,6m. Độ dày của tường tháp ở phần dưới khoảng 1,8m, từ độ cao 04m trở lên có độ dày mỏng hơn, khoảng 01m và lên đến gần đỉnh chỉ còn 0,55m. Càng lên cao, vách tháp càng mỏng, không thẳng đứng mà hơi uốn khum vào, tạo thành vòm cong.

Không như các tháp Champa ở Trung Bộ, Tháp Vĩnh Hưng không có hiện tượng xây giật cấp, xây trụ cột giả, không có vết tích của đồ án trang trí hoa văn bên ngoài cũng như phía trước cửa tháp, không có các cửa giả xung quanh tháp .

Tháp Vĩnh Hưng kết cấu bằng các bức tường gạch khá dày đã tạo lên một trọng tải ước hàng vạn tấn sau khi xây dựng. Kết quả khảo sát kết cấu hạ tầng cho thấy, bên cạnh khối lượng lớn gạch, đá dùng làm móng còn có một lượng không nhỏ vỏ sò được đập nát và cát nâu vàng. Đây là giải pháp xây tháp trên nền móng diện rộng, tạo kết cấu bền vững trên nền đất yếu, lý giải cho sự bền vững của tháp, sau nhiều thế kỷ tồn tại, tháp lún không đáng kể.

Vật liệu kiến trúc của tháp chủ yếu là gạch, đá và ngói. Gạch có nhiều loại, nhiều kích cỡ, nhưng phổ biến nhất là loại gạch hình chữ nhật (kích thước 29cm x 15cm x 7cm; 30,5cm x 15cm x 7cm). Các loại gạch nêm như hình thang, gạch có vai, gạch tam giác tìm được rất ít tại di tích. nhiều phiến đá nặng hàng tấn, có thể dùng làm mi cửa, kết cấu xen trong gạch ở phần móng, hoặc dùng xen kẽ với các lớp cát nâu vàng tạo móng cho công trình. Ngoài ra, trong kết cấu tường tháp xuất lộ nhiều tảng đá ong. Loại đá này đã được dùng trong các kiến trúc ở Gò Đồn (Long An), Bến Gỗ (Đồng Nai).

Phần thân tháp: Từ chân tháp đến độ cao gần 5m xây bằng loại gạch có màu nâu đỏ. Từ 5m của thân tháp trở lên đỉnh tháp xây bằng gạch xám trắng, xám, nâu. Giữa các lớp gạch, viên gạch xây tháp không tìm thấy các lớp vữa kết dính. Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu Nguyễn Duy Tỳ, để có được kết cấu vững chãi của tháp, nhiều khả năng các nghệ nhân thời bấy giờ đã sử dụng một loại chất kết dính bằng nước để gắn chặt các viên gạch với nhau.

Cũng theo hướng suy luận về những vật liệu, chất liệu tạo sự kết dính và bền vững cho tháp thì một giả thuyết về một đỉnh tháp nguyên thủy có kết cấu kín và nhọn là có cơ sở.

Trong Tháp Vĩnh Hưng thờ sinh thực khí Linga - Yoni bằng đá xanh. Đây là biểu tượng văn hóa tín ngưỡng phồn thực của cư dân cổ Óc Eo.

Ngoài kiến trúc chính của Tháp Vĩnh Hưng, hiện nay trong khuôn viên di tích còn có các công trình phụ trợ, phát huy giá trị như: Nhà trưng bày, nhà bia giới thiệu tóm tắt lịch sử di tích, nhà làm việc của Ban Quản lý, cổng và hàng rào bảo vệ…

Cổng xây theo phong cách kiến trúc truyền thống, gồm 03 cửa ra vào. Cửa giữa rộng 5,42m, cao 6,63m. Hai cửa bên rộng 1,07m, cao 4,3m. Cổng được làm bằng bê tông cốt thép, kết hợp xây gạch đặc, trát vữa xi măng, sơn màu vàng, mái dán ngói mũi. Nối với hai cổng phụ là hệ thống tường bao xây gạch gắn hoa sắt cao 2,7m tạo quy mô khép kín bảo vệ công trình.

Nhà bia thiết kế theo hình lục lăng (6 cạnh), cao 5,5m, cạnh rộng 4,37m. Kết cấu bộ khung gồm 6 cột tròn, hệ thống hoành, rui, mái lợp ngói mũi. Nền lát đá Granit, phía trước tạo 4 bậc lên xuống. Bia đá cao 3,1m, rộng 1,34m đặt ở vị trí chính giữa nhà bia. Nội dung văn bia ghi lịch sử Tháp Vĩnh Hưng.

Nhà trưng bày có mặt bằng hình chữ “Đinh” kích thước dài 16,8m, rộng 13,5m, cao 7,3m. Công trình xây theo lối kiến trúc truyền thống, kết cấu với cột trụ bê tông, tường xây bao gạch đặc, trát vữa, sơn màu vàng, mái dán ngói mũi, nền lát gạch 400 x 400.

Thông qua các kết quả nghiên cứu khảo cổ học có thể khẳng định trên vùng đất Vĩnh Hưng từng có một di tích cư trú của cộng đồng cư dân cổ có niên đại khởi điểm từ khoảng thế kỷ IV Sau Công Nguyên, thuộc Văn hóa Óc Eo. Các cư dân cổ không chỉ cư trú trên gò đất cao hơn khu vực xung quanh (sau này được dùng vào việc xây tháp) mà lan rộng trên một không gian rộng có thể tới hàng chục hecta (khu vực trung tâm khoảng 5 hecta) với các vết tích cư trú rải rác được phát hiện qua đào thám sát và người dân quanh vùng tìm thấy trong quá trình canh tác. Các cuộc khai quật đã phát hiện tàn tích của quá trình sinh hoạt như: bình, nồi, vò bằng đất nung, gốm, than, tro...

Hiện vật phát hiện được qua các cuộc thám sát, khai quật khảo cổ tại di tích với số lượng lớn, phong phú về thể loại, chất liệu. Trong số hàng trăm hiện vật được phát hiện tại di tích, đáng chú ý là một số hiện vật:

- Bộ sưu tập cổ vật bằng đồng (năm 2002) được đánh giá vào loại hiếm và rất có giá trị. Đây cũng là bộ sưu tập tượng đồng nhiều nhất đến nay được ghi nhận ở các công trường khai quật khảo cổ học khu vực phía Nam. Trong bộ sưu tập này, có nhiều tượng đồng với hoa văn tinh xảo, kỹ thuật chế tác điêu luyện và mang đậm dấu ấn văn hóa của nền Văn minh sông Hằng (Ấn Độ).

- Tượng Sadasiva (BTBL 935/KL-410) còn có tên gọi khác là tượng Siva panchanana “Siva năm đầu”, được phát hiện trong bồn chứa nước thiêng ở phía Bắc của Tháp Vĩnh Hưng trong đợt khai quật khảo cổ năm 2002, hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Bạc Liêu. Tượng bằng đồng (kích thước dài 32,3cm, rộng 5cm; trọng lượng: 2700gr), niên đại: Khoảng thế kỷ XII - XIII, được đúc theo tư thế đứng, có 5 đầu (hay 1 đầu, 4 mặt), 10 tay. Tượng Sidasiva là hiện thân cao nhất của Siva toàn năng, là bản chất của năng lực sinh sôi. Trong Văn hóa Ấn Độ, tất cả mọi sinh vật đều nảy sinh từ vị thần này.

Tượng Sadasiva tìm thấy ở Tháp Vĩnh Hưng là pho tượng Sadasiva đầu tiên được phát hiện trong các di tích khảo cổ học ở Nam Bộ; hình dạng rất độc đáo. Đây là hiện vật có giá trị về lịch sử, văn hóa, khoa học, minh chứng cho lịch sử hậu văn hóa Óc Eo ở Bạc Liêu nói riêng và đồng bằng Nam Bộ nói chung.

- Tượng Nam thần (BTBL 936/KL-411), được phát hiện trong bồn chứa nước thiêng ở phía Bắc của Tháp Vĩnh Hưng trong đợt khai quật khảo cổ năm 2002, hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Bạc Liêu. Tượng bằng đồng, kích thước dài 22cm, rộng 11cm; trọng lượng: 2100gr. Niên đại: Khoảng thế kỷ XII - XIII. Tượng còn khá nguyên vẹn, được đúc theo tư thế ngồi, chân phải chống cao, chân trái xếp bằng; có nhiều mô tuýp trang trí tinh xảo.

  Đây là hiện vật gốc độc bản, có hình dạng độc đáo, có giá trị về lịch sử, văn hóa, khoa học, minh chứng cho lịch sử hậu văn hóa Óc Eo ở Bạc Liêu nói riêng và đồng bằng Nam Bộ nói chung.

- Tượng Nữ thần Parvati (BTBL 948/Đ-25), được tìm thấy và hoàn chỉnh qua 2 đợt đào thám sát và khai quật khảo cổ học năm 1990, 2002, hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Bạc Liêu. Tượng bằng đá, kích thước dài 78cm, rộng vai 21,5cm, rộng bụng 8,8cm. Niên đại: Cuối thế kỷ VII đầu thế kỷ VIII. Được chế tác bằng đá sa thạch màu xanh xám, theo tư thế đứng. Đây là loại tượng tròn được tạc giản lược với khuôn mặt, vóc dáng trẻ trung, kỹ thuật chế tác gần gũi với phong cách nghệ thuật tượng tròn Phù Nam. Dựa vào hình trăng tròn trên mũ miện, các búi tóc cong ngược lên và thế đứng hơi lệch mông có thể đoán định đây là tượng Nữ thần Paravati - vợ của Siva.

- Tượng Nam thần (BTBL 928/KL-403), được phát hiện trong bồn chứa nước thiêng ở phía Bắc Tháp Vĩnh Hưng trong đợt khai quật khảo cổ năm 2002, hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Bạc Liêu. Được đúc bằng đồng, theo tư thế ngồi, có 2 tay, chân phải chống cao, chân trái xếp bằng; trang trí nhiều mô tuýp, kích thước dài 19cm, rộng 10cm, trọng lượng: 1800gr. Niên đại: Khoảng thế kỷ XII - XIII...

Với những giá trị đặc biệt tiêu biểu, di tích khảo cổ Vĩnh Hưng (huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu) được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt (tại Quyết định số 694/QĐ-TTg ngày 18/7/2024)./.

Tuyết Chinh

Theo hồ sơ tư liệu Cục Di sản văn hóa

Liên kết website