Ngày 19 tháng 5 năm 2025
Liên kết website

Trao đổi nghiệp vụ “Triển lãm cuộc sống Hà Nội thời bao cấp (1975 - 1986) - Một cái nhìn rộng hơn về nhân học và bối cảnh lịch sử đương đại”

Ngày 13/12/2006, tại Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam và Bảo tàng Cách mạng Việt Nam phối hợp tổ chức buổi trao đổi nghiệp vụ với chuyên đề “Triển lãm Cuộc sống Hà Nội thời bao cấp (1975 - 1986) - Một cái nhìn rộng hơn về nhân học và bối cảnh lịch sử đương đại” do GS. Susan Bayly (khoa Nhân chủng học, Trường Đại học Cambright, Vương quốc Anh) thuyết trình.


Tham dự buổi trao đổi nghiệp vụ này có Lãnh đạo Cục Di sản văn hóa, đại diện lãnh đạo và cán bộ nghiệp vụ một số bảo tàng, cùng đông đảo những người quan tâm đến cuộc triển lãm “Cuộc sống Hà Nội thời bao cấp (1975 - 1986)” do hai bảo tàng đồng tổ chức (khai mạc ngày 16 tháng 6 năm 2006, tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam).

GS. Susan Bayly thuyết trình. Ảnh: Phạm Cao Quý

GS. Susan Bayly thuyết trình. Ảnh: Phạm Cao Quý

Dưới góc nhìn nhân học, GS. Bayly đã cảm nhận được “những trải nghiệm mang tính người” từ những hiện vật được trưng bày, và khẳng định, cuộc triển lãm đã biểu đạt khá toàn diện những khía cạnh của đời sống xã hội thời kỳ đó thông qua việc nghiên cứu, lựa chọn hiện vật thực sự tiêu biểu, điển hình. Bà đánh giá cao những cán bộ làm triển lãm, không những có kỹ năng về nghiệp vụ bảo tàng mà còn có sự am hiểu sâu sắc về những vấn đề cần thể hiện. Dưới góc độ lịch sử, Bà cho rằng, triển lãm đã thực sự thành công trong việc lựa chọn khung thời gian là thời kỳ từ năm 1975 đến năm 1986.

Nhiều đại biểu tham dự đã có ý kiến đánh giá, bình luận về cuộc triển lãm, như: những thành công đạt được; những hạn chế cần khắc phục; cách thức thu nhận thông tin từ công chúng; vấn đề mở rộng quy mô của triển lãm, việc đưa triển lãm đi các địa phương; xuất bản catalogue…

Trong ý kiến phát biểu, TS. Đặng Văn Bài, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa đã khẳng định về những giá trị tinh thần từ cuộc triển lãm:

- Giúp cho công chúng có sự trải nghiệm về những khó khăn của thời bao cấp, từ đó, nhận thức rõ hơn về thành tựu của công cuộc đổi mới;

- Cho thấy sự lựa chọn con đường đổi mới là phù hợp, đúng đắn và khả năng thích ứng của con người Việt Nam trước những thử thách lớn;

- Tạo dựng niềm tin vững chắc về bản lĩnh Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế.

Trao đổi nghiệp vụ về công tác của bảo tàng là một phương pháp tiếp cận mang tính đặc thù của ngành. Với chức năng và vai trò của mình, Cục Di sản văn hóa sẽ quan tâm duy trì, đưa hoạt động đi vào chuyên sâu, nhằm góp phần nâng cao nhận thức cũng như trình độ của đội ngũ cán bộ bảo tàng./.

Liên kết website