Ngày 26 tháng 10 năm 2024
Liên kết website

Trống đồng Sao Vàng

Trống đồng Sao Vàng, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia, được công nhận là Bảo vật quốc gia tại Quyết định số 73/QĐ-TTg ngày 18/01/2024 của Thủ tướng Chính phủ.

- Chất liệu: Đồng.

- Niên đại:  Văn hóa Đông Sơn (khoảng 2.000 năm cách ngày nay)

- Giá trị:

Trống được đúc theo kỹ thuật truyền thống, của thợ đúc đồng Đông Sơn; bằng khuôn đất 03 mang (01 mang mặt, 02 mang thân), sử dụng hệ thống con kê định vị khắp trên mặt và thân trống, đúc xong phá khuôn để lấy sản phẩm. Đây là chiếc trống lớn nhất hiện biết trong số các trống Đông Sơn được phát hiện cho đến nay. Trống được xếp vào loại I theo phân loại Heger, thuộc dòng trống lư­ng thẳng (trống cao), dáng cân đối, mặt trống đúc liền chưa chờm ra khỏi tang, tang trống nở phình, thân trống hình trụ đứng, chân trống hình nón cụt hơi choãi ra.

Nghiên cứu về trống đồng Đông Sơn nói chung, trống Sao Vàng nói riêng góp phần tìm hiểu về đời sống kinh tế, xã hội thời Đông Sơn - xã hội nông nghiệp phát triển làm lúa nước. Môi trường sống là môi trường châu thổ, lắm sông ngòi. Qua trống Sao Vàng, chúng ta có thể thấy được bóng dáng của một số ngành thủ công nghiệp, dệt vải, làm mộc (dựng nhà, đóng thuyền), đúc đồng... Đặc biệt là luyện kim phát triển với nghề đúc đồng đạt đến đỉnh cao và chủ nhân là những người, có trình độ kỹ thuật tinh xảo thể hiện trên sản phẩm là chiếc trống đồng hoàn mỹ.

Căn cứ vào dấu vết để lại trên trống, chúng ta thấy đây là sản phẩm hoàn chỉnh, đúc bằng kỹ thuật “con kê”, người nghệ nhân đã biết cách pha chế hợp kim đồng - chì - thiếc (Cu - Pb - Sn) là hợp kim đúc các trống Đông Sơn ở miền bắc Việt Nam. Qua so sánh kết quả phân tích thành phần hợp kim của trống Sao Vàng với dữ liệu của những trống đồng và đồ đồng Đông Sơn khác đã được phân tích cho thấy kết quả tương đồng. Các nét hoa văn sắc nét chứng tỏ thành phần hợp kim pha chế hợp lý, nước đồng nóng chảy đều, mỏng (1,5mm - 2,0mm), không có dấu vết thủng do nước đồng không điền kín hay dấu vết vỡ khuôn.

Bên cạnh những giá trị lịch sử, văn hóa thì giá trị nghệ thuật, đặc biệt là nghệ thuật đồ họa của trống Sao Vàng nói riêng và trống Đông Sơn nói chung cũng được coi là di sản vô cùng quý báu, thể hiện tâm thức, tư duy, tín ngưỡng... của cư dân Việt cổ. Nghệ thuật đồ họa trên trống Sao Vàng phong phú và sống động thể hiện trên hai mảng hoa văn tả thực và hình học. Những băng hoặc dải hoa văn vận hành nhịp điệu xung quanh trống, tạo nên các vòng tròn đồng tâm khép kín. Đặc biệt trên mặt trống, các băng hoa văn rộng hẹp khác nhau, xoay quanh ngôi sao chính giữa, chạy ngược chiều chuyển động của kim đồng hồ tựa như vòng quay của mặt trời thể hiện quan niệm về vũ trụ của cư dân nông nghiệp trồng lúa, mà đến nay vẫn còn đọng lại khá đậm nét trong cộng đồng các dân tộc ít người ở Việt Nam và Đông Nam Á. Nghệ thuật tả thực với nhiều đề tài: muông thú, chim cá, đời sống của cư dân... nổi bật nhất là những đề tài liên quan đến nông nghiệp, đến những lễ hội đông đúc với những chiếc thuyền chở đầy người hóa trang... Hình ảnh những ngôi nhà sàn mái cong, mái tròn với những người hóa trang nhảy múa, hành lễ, giã gạo... vẫn tồn tại trong nghi lễ thu hoạch mùa của một số đồng bào ít người vùng Tây Bắc, Việt Nam. Hoa văn hình học trên trống bao gồm: vành hoa văn chữ N, vành hình tròn kép có chấm giữa, vành hình ô trám lồng, vạch ngắn song song… thường được bố cục trong các băng hẹp, tôn cho các băng hoa văn chủ đạo. Ngôn ngữ ẩn chứa bên trong những băng hình học này vô cùng bí ẩn, có thể đó là sự phản ánh những hiện tượng tự nhiên, các hình ảnh trực quan trong đời sống…

Với kích thước lớn, hình dáng hài hòa, cân đối, hoa văn tinh xảo, phong phú, trống đồng Sao Vàng là hiện vật đặc sắc, quý hiếm, có giá trị trên nhiều phương diện về lịch sử, văn hóa Việt Nam, thể hiện đỉnh cao của nghệ thuật luyện kim, đúc đồng của cư dân Đông Sơn. Các đề tài trang trí trên trống đã hội tụ đầy đủ tri thức và quan niệm nhân sinh sâu sắc cũng như tài năng, nghệ thuật và tâm hồn của người Việt cổ, cùng với Trống đồng Ngọc Lũ, Hoàng Hạ… trở thành biểu tượng của văn hóa Việt Nam./.

                                                                           Thúy Hà

(Theo hồ sơ tư liệu Cục Di sản văn hóa)

Liên kết website