Trụ sở Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh
Khoảng năm 1871 - 1873, Chính quyền Pháp xem xét chọn vị trí và tổ chức thi tuyển đồ án thiết kế xây dựng trụ sở làm việc cho Hội đồng thành phố. Vị trí phía cuối Kinh Lớn nhận được nhiều sự đồng tình của Hội đồng thành phố. Đồ án thiết kế của kiến trúc sư Codry (năm 1871) và đồ án thiết kế của kiến trúc sư Métayer (năm 1873), hai đồ án đều được Hội đồng thành phố đánh giá cao. Tuy nhiên vì nhiều lý do khách quan các đồ án chưa được triển khai và chỉ nằm trên giấy. Ngày 8/01/1877, ông De Mac Mahon, Tổng thống Pháp đã ban hành Sắc lệnh thành lập Thành phố Sài Gòn, thành phố được xếp loại thành phố lớn (cấp 1). Đồng thời, quy định Hội đồng thành phố chịu trách nhiệm quản lý thành phố, nhân sự của cơ quan này gồm 01 vị Đốc lý, 02 vị Phó Đốc lý và 12 Hội viên. Thi hành Điều 77 của Sắc lệnh nêu trên, Thống đốc Nam kỳ cử ông Lamy giữ chức vụ Đốc lý, ông Mayer và ông Renaud giữ chức vụ Phó đốc lý. Sau khi hoàn thiện tổ chức nhân sự, Hội đồng thành phố đã đề xuất việc xây dựng trụ sở làm việc.
Ngày 27/7/1895, Hội đồng thành phố có công văn về việc tổ chức “Chương trình thi tuyển dự án xây dựng Tòa Thị chính”. Ngày 19/5/1896, Đốc lý Sài Gòn đã có công văn gửi Thống đốc Nam kỳ về việc chọn địa điểm xây dựng Tòa Thị chính. Địa điểm được chọn để xây dựng Tòa Thị chính là khu đất cao, địa thế vững chãi phía cuối đường Charner (nay là đường Nguyễn Huệ), tầm nhìn được mở rộng về hướng sông Sài Gòn.
Năm 1898, Tòa Thị chính được khởi công xây dựng theo thiết kế của kiến trúc sư Paul Gardès. Tòa nhà gồm một khối sảnh ở giữa và hai khối nhà một tầng ở hai bên khối sảnh. Phần trang trí kiến trúc được giao cho nhà điêu khắc trẻ tuổi tài năng Louis Lucien Ruffier.
Năm 1907, sau những bất đồng ý kiến giữa Ruffier và các Nghị viên trong Hội đồng thành phố, công việc trang trí tòa nhà được bàn giao cho họa sĩ Bonnet.
Năm 1909, Tòa Thị chính được khánh thành với sự tham dự của Toàn quyền Đông Dương. Tòa Thị chính có tên gọi tiếng Pháp là Hôtel de ville de Saigon, người dân thành phố quen gọi là Dinh Đốc lý hay Dinh Xã Tây.
Ngày 25/8/1945, tại đây đã ghi dấu sự kiện lịch sử của Ủy ban Hành chánh Lâm thời Nam Bộ: từ ban công của Tòa Thị chính Thành phố, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch đã tuyên đọc danh sách Ủy ban Hành chánh lâm thời Nam Bộ trong tiếng hoan hô của hàng trăm đồng bào. Sự kiện đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng nhân dân cả nước nói chung và nhân dân Thành phố Sài Gòn nói riêng.
Năm 1966, để mở rộng thêm các văn phòng, trong khuôn viên tòa nhà xây dựng thêm ba khối nhà bốn tầng.
Sau ngày 30/4/1975, nơi đây là văn phòng của Ban Chính quyền và Ban Kiểm tra của Ủy ban Quân quản Sài Gòn.
Ngày 02/7/1976, Quốc hội Việt Nam quyết định đổi tên Thành phố Sài Gòn – Gia Định thành Thành phố Hồ Chí Minh, tòa nhà được sử dụng làm trụ sở làm việc của chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh.
Tính đến nay, tòa nhà đã trải qua hơn 120 năm hình thành và phát triển, nơi đây luôn là trụ sở làm việc của cơ quan quản lý cao nhất Thành phố Sài Gòn, nay là Thành phố Hồ Chí Minh. Sự thay đổi tên gọi qua từng thời kỳ, giai đoạn của công trình này phản ánh quá trình chuyển biến lịch sử, chính trị, hành chính, địa lý của Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh.
Trong xu thế phát triển và hội nhập, tòa nhà đã nhiều lần được trùng tu, nâng cấp, tôn tạo cảnh quan, mở rộng cơ sở vật chất.
Năm 1990, xây dựng một khu nhà hai tầng phía bên trái tòa nhà cổ, là nơi Tổ bảo vệ kiểm tra khách ra vào và phòng làm việc. Nhiều trụ đèn được lắp đặt để chiếu sáng bên ngoài tòa nhà. Năm 1998, xây dựng một khu nhà hai tầng dọc theo ranh đất khuôn viên trụ sở ở phía đường Pasteur. Năm 2004, sửa chữa và gia cố kết cấu mái vòm, phục chế các mảng tranh sơn dầu và chỉ trần ở khối sảnh tầng lầu của khối nhà cổ. Năm 2005, lắp đặt hệ thống chiếu sáng nghệ thuật hiện đại theo công nghệ Pháp đã làm cho tòa nhà càng thêm rực rỡ. Năm 2016, trùng tu, sửa chữa kết cấu mái vòm và lớp trang trí trần sảnh tầng lầu của khối nhà cổ. Năm 2017 - 2018, cải tạo mở rộng thêm khối văn phòng và nhà giữ xe ở phía giáp đường Đồng Khởi.
Ngày nay, trụ sở Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh không chỉ giữ kiến trúc cổ kính mà càng trở nên bề thế và lộng lẫy. Công trình mang nhiều giá trị lịch sử - văn hóa, là điểm nhấn giữa khu trung tâm thành phố năng động và hiện đại, là điểm tham quan nổi tiếng thu hút du khách trong và ngoài nước.
Trụ sở Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh được xây dựng trên một mảnh đất hình thang có diện tích khoảng 7.556m2, gồm hai khu nhà song song nhau và một khu nhà ở phía bên phải (phía đường Pasteur) nối liền hai khu nhà song song này. Khu nhà phía trước trải dài sát vỉa hè đường Lê Thánh Tôn, có chiều dài gần 160 mét, gồm khu nhà cổ (A1) và khu hành chánh (A2). Khu nhà phía sau, cách khu A1, A2 một khoảng sân rộng, gồm các khu B1, B2 và B3. Khu C (phía đường Pasteur) nối liền khu A1 với B1.
Trụ sở Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh được xây dựng khoảng cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Trải qua những lịch sử thăng trầm, tòa nhà như một chứng nhân cho lịch sử hình thành và phát triển của Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh.
Nhiều kiến trúc sư cho rằng kiến trúc của tòa nhà tiếp thu từ Toà Thị chính ở Paris theo phong cách Phục Hưng. Toàn bộ mặt tiền tòa nhà mang phong cách kiến trúc của thời Đệ Tam Cộng hoà Pháp, với tháp chuông, thức cột và cửa vòm. Trên trán tường nổi bật trang trí tràng hoa, điêu khắc hình tượng người phụ nữ và những đứa trẻ. Hình tượng mũ tự do Phrygia, vành nguyệt quế và nhà cách mạng, là mô típ lập lại suốt mặt tiền tòa nhà.
Ngày nay, trụ sở Ủy ban nhân dân Thành phố gồm có khu nhà A1, A2, B1, B2, B3 và nhà C. Khối nhà A1 là công trình được xây dựng sớm nhất, nội thất và ngoại thất công trình phong phú mô – tip trang trí, kết hợp các kiểu Louis XV, hình kỷ hà của phong cách Art Décord và Nouveau. Vật liệu xây dựng chủ yếu là xi măng, gạch, đá xanh, sắt và gỗ. màu sắc chủ đạo của công trình là màu vàng, xanh lá và trắng. Một số khối nhà xây dựng muộn hơn được xem xét kỹ lưỡng để đảm bảo hài hòa với tổng thể kiến trúc. Trải qua các lần trùng tu, nâng cấp, tôn tạo, trụ sở Ủy ban nhân dân thành phố không chỉ gìn giữ được những nét cổ kính, thanh lịch vốn có mà còn trở nên tráng lệ, rực rỡ hơn với hệ thống chiếu sáng nghệ thuật. Nhiều năm qua, tòa nhà luôn được các nhà khoa học, các nhà chuyên môn, các chuyên gia đánh giá cao về tính mỹ thuật và nhận định đây là công trình có giá trị lịch sử - văn hóa, mang dấu ấn kiến trúc cho một thời kỳ lịch sử của Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh hơn 300 năm.
Với giá trị tiêu biểu trên, Trụ sở Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, phường Bến Nghé, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia theo Quyết định số 3244/QĐ-BVHTTDL ngày 04/11/2020./.
Khánh Chi
(Theo hồ sơ tư liệu Cục Di sản văn hóa)