Ngày 26 tháng 10 năm 2024
Liên kết website

Tượng Shiva Mỹ Sơn C1, Đà Nẵng

Tượng Shiva Mỹ Sơn C1, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng, được công nhận là Bảo vật quốc gia tại Quyết định số 73/QĐ-TTg ngày 18/01/2024 của Thủ tướng Chính phủ.

- Chất liệu: Sa thạch

- Niên đại: Thế kỷ VIII.

- Giá trị:

Tượng Shiva Mỹ Sơn C1 là hiện vật gốc, độc bản, được thể hiện ở dạng tượng tròn, dáng đứng, có kích thước cao lớn bằng người thật và duy nhất được khai quật tại tháp C1 Mỹ Sơn từ năm 1903 và đưa về bảo tàng năm 1918.

Tượng Shiva Mỹ Sơn C1 có hình thức thể hiện độc đáo của vị thần Shiva trong tư thế đứng thẳng, hai tay đưa ra phía trước, được thờ trong tháp chính C1 ở thánh địa Mỹ Sơn, dưới dạng Nhân Thần. Tư thế này của tượng Shiva không xuất hiện nhiều tại Mỹ Sơn, ngoại trừ một pho tượng tròn kích thước khá lớn bị mất đầu đứng trên bệ yoni, hiện đang bị chôn vùi trong lòng tháp Mỹ Sơn E4 và pho tượng nhỏ hơn tìm thấy tại tháp A’4 Mỹ Sơn. Khu di tích Mỹ Sơn được xem là trung tâm tín ngưỡng của Champa, hiện còn lại một quần thể kiến trúc độc đáo, được UNESCO đưa vào Danh sách di sản văn hóa thế giới. Một nét đặc trưng trong việc thực hành tôn giáo ở Mỹ Sơn là sự đồng nhất thờ Thần Shiva và vua Chăm, còn gọi là tập tục thờ Thần - vua (devaraja). Trong một số văn bia, tên của vua Chăm được ghép với tên Thần Shiva thành một danh xưng tôn kính. Hiện vật này được xem là tượng Thần Shiva theo kích thước người thật, có tính chất tiêu biểu cho tín ngưỡng thờ Thần Shiva tại Mỹ Sơn. Đây cũng là tác phẩm thể hiện Shiva ở dạng tượng tròn còn nguyên vẹn nhất được tìm thấy cho đến ngày nay, những bức tượng khác hầu như đã bị mất phần đầu. Tượng Shiva Mỹ Sơn C1 với bố cục, nội dung, đề tài thể hiện tương đối hoàn chỉnh giúp chúng ta phác họa được chân dung to lớn, uy nghiêm, điềm tĩnh của một vị vua đã được thần hóa và thờ cúng trong không gian linh thiêng của ngôi đền C1 Mỹ Sơn.

Tượng Shiva Mỹ Sơn C1 còn tương đối nguyên vẹn, đặc biệt ở phần dái tai còn dấu vết lỗ đeo trang sức, dùng để đeo trang sức bằng vàng, bạc trong các nghi lễ. Trang phục của tượng Thần Siva là một sampot dài đến đầu gối, có vạt trước và vạt sau dài, có dải tà vắt qua bên phải. Khuôn mặt của Thần được đặc tả với hàng lông mày giao nhau, hai mắt mở lớn có con ngươi, mũi thẳng, đôi môi dày với bộ râu mép thanh tú, tóc kiểu jata-mukuta kết lại buông dài đến thái dương. Các chi tiết điêu khắc trang trí trên bức tượng này được xem là tinh tế và độc đáo, mang tính bản địa rõ rệt, là một tác phẩm đẹp thể hiện Shiva ở dạng tượng tròn còn được lưu giữ đến ngày nay. Các nhà nghiên cứu nghệ thuật điêu khắc Champa trong và ngoài nước thống nhất xếp hiện vật này vào giai đoạn muộn của phong cách Mỹ Sơn E1, niên đại vào khoảng thể kỷ VIII./.

                                                                            Thúy Hà

(Theo hồ sơ tư liệu Cục Di sản văn hóa)

Liên kết website