Ngày 21 tháng 11 năm 2024
Liên kết website

Tượng thờ Vua Pô Klong Garai, Ninh Thuận

Tượng thờ Vua Pô Klong Garai, hiện thờ tại Tháp Pô Klong Garai, Phường Đô Vinh, Thành Phố Phan Rang - Tháp Chàm, Ninh Thuận, được công nhận là Bảo vật quốc gia tại Quyết định số 73/QĐ-TTg ngày 18/01/2024 của Thủ tướng Chính phủ.

- Chất liệu: Đá (Sa thạch)

- Niên đại: Thế kỷ XVI - XVII

- Giá trị:

Hiện vật tượng thờ Vua Pô Klong Garai được tạo tác trên Linga - Yoni, một biểu tượng sáng tạo của Thần Shiva, được thờ phụng trong đền tháp chính Pô Klong Garai có niên đại cuối thế kỷ XIII đầu thế kỷ XIV. Đây là hiện vật gốc độc bản được đặt trong một ngôi đền tháp có quy mô lớn nhất trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận. Tháp Pô Klong Garai là quần thể kiến trúc có 3 ngôi tháp, xét về mặt phong cách nghệ thuật, đều được xây dựng thời vua Jaya Simhavarman III cuối thế kỷ XIII - đầu thế kỷ XIV và có tên gọi là đền Thần Jaya Simhalingesvara. Di tích tháp Pô Klong Garai lúc bấy giờ là nơi sinh hoạt tôn giáo tín ngưỡng của vương quốc Champa tại khu vực Panduranga (Ninh Thuận ngày nay), là di tích có giá trị lịch sử, kiến trúc nghệ thuật và điêu khắc tiêu biểu, điển hình được các nhà kiến trúc, nhà điêu khắc Chăm giai đoạn này thể hiện với một trình độ cao và hoàn mỹ nhất.

Tượng thờ Vua Pô Klong Garai ở tháp Pô Klong Garai là tác phẩm điêu khắc cổ Champa thể hiện hình ảnh Thần - Vua rất đặc biệt trong nghệ thuật cổ Champa. Sự kết hợp hoàn hảo hai yếu tố thần quyền và vương quyền đã tạo ra một loại hình tượng thờ mang hai hình tượng và hai chức năng. Trong tác phẩm điêu khắc này, người nghệ nhân Champa đã thể hiện thật khéo léo và cũng thật độc đáo về hình tượng Mukhalinga, nhưng không có đầu thần Shiva, mà thay vào đó là tượng vua gắn vào Linga - một hình ảnh trừu tượng của một vị thần tối cao là Thần Shiva tượng trưng cho sự hủy diệt, huyền ảo, uy quyền và bất diệt, cùng hình ảnh vị vua oai nghiêm đầy sáng tạo trong điều hành đất nước và chăm lo cho hạnh phúc của muôn dân. Vì vậy, có thể xếp Tượng thờ Vua Pô Klong Garai vào danh sách những tác phẩm điêu khắc thể hiện thành công nhất có hình tượng Mukhalinga nhưng không có đầu thần Shiva mà lại có đầu tượng vua gắn vào Linga - một hình ảnh trừu tượng của thần Shiva và Thần - Vua của nghệ thuật Hindu giáo.

Tượng thờ Vua Pô Klong Garai là tác phẩm nghệ thuật cổ quý hiếm, được tạc thành một phù điêu bán tượng tròn nổi, được đục, chạm trổ cẩn trọng, khéo léo trên chất liệu đá thể hiện tính mỹ thuật cao và tay nghề tinh mỹ của nghệ nhân Champa thời cổ. Phía trên Linga, nhô ra đầu và cổ của một vua - được gọi là Mukhalinga nhưng không có đầu Thần Shiva mà lại có điêu khắc hình mặt vua gắn vào Linga - một hình ảnh trừu tượng của một vị thần tối cao là Thần Shiva, đó sự kết hợp phong cách độc đáo giữa tinh thần tôn giáo Ấn Độ và tư duy tín ngưỡng bản địa, thể hiện vương quyền và thần quyền nhất thể chỉ có ở Tượng thờ Vua Pô Klong Garai và Phù điêu vua Pô Rômê ở Ninh Thuận.

Tượng thờ Vua Pô Klong Garai mang tính lịch sử, đánh dấu một giai đoạn phát triển thịnh đạt của vương quốc Champa lúc bấy giờ - một trong những vương quốc cổ tồn tại trên lãnh thổ Việt Nam ngày nay, gắn liền với sự nghiệp vị vua của dân tộc Chăm; thể hiện những đặc trưng tôn giáo và tín ngưỡng, văn hóa xã hội, cũng như nghệ thuật điêu khắc của vùng đất Panduranga ở thời kỳ phát triển cao kéo dài suốt nhiều thế kỷ. Tượng thờ vua Pô Klong Garai đánh dấu một sự chuyển tiếp trong nghệ thuật điêu khắc tượng thờ, mà tượng thờ giai đoạn đầu chủ yếu thuộc dạng Linga của Ấn Độ sang thời kỳ mà các tượng thờ thể hiện dạng những bức phù điêu bán tượng tròn hình trụ./.

Thúy Hà

(Theo hồ sơ tư liệu Cục Di sản văn hóa)

Liên kết website