Ngày 21 tháng 11 năm 2024
Liên kết website

UNESCO bảo tồn di sản tư liệu Al-Ula (Ả-Rập Xê-Út), bảo tàng sống khổng lồ cho đối thoại văn hóa liên khu vực, thời đại

Đây là dự án mới đầy tham vọng của Chương trình Ký ức Thế giới do UNESCO và Học viện Vương quốc thuộc Ủy ban Hoàng gia Al-Ula phối hợp thực hiện nhằm mục đích bảo tồn di sản tư liệu Al-Ula. Hàng trăm bản khắc chữ cổ trên các vách núi Al-Ula, Ả-Rập Xê-Út, là minh chứng cho sự phát triển của ngôn ngữ Ả Rập và là minh chứng cho ký ức về các vương quốc cổ đại, mang ý nghĩa toàn cầu về nguồn gốc, nơi kết nối và giao thoa các nền văn minh khu vực, một sự thống nhất trong đa dạng.

Nằm dọc theo các tuyến đường hành hương và thương mại cổ nối Bán đảo Ả Rập, lưu vực Địa Trung Hải và châu Á, Al-Ula là ngã tư nơi tập trung phát triển di sản văn hóa chung của khu vực, đồng thời, cũng là nơi lưu lại vết tích giúp truy ngược thời gian nguồn gốc ngôn ngữ Ả Rập. Ngày nay, sự phát triển của ngôn ngữ Ả Rập có thể đọc được trên các vách núi, với dòng chữ Zuhair, dòng chữ Hồi giáo lâu đời nhất có niên đại từ năm 644, được khắc trên đá bằng tiếng Ả Rập Kufic, nguyên mẫu thô sơ của chữ viết Ả Rập.

Tại đây, cùng với những bản khắc tiếng Ả Rập thời kỳ đầu, hơn 500 bản khắc đã tô điểm cho Jabal Ikmah, một trong những ngọn núi đặc sắc nhất của Al-Ula, nằm gần thành phố cổ Dadan, thủ đô của Vương quốc Dadanite và Lihyanite, được mô tả là một “thư viện ngoài trời”, địa điểm linh thiêng được bao quanh bởi phong cảnh sa mạc, ẩn mình trong thung lũng xa xôi hẻo lánh. Đây cũng là nơi các bản kinh cổ bằng các ngôn ngữ Lihyanite, Dadanite, Aramaic, Thamudic và Minaic vẫn đang được tiếp tục phát hiện và là nguồn tư liệu tưởng chừng như vô tận cho các nhà nghiên cứu khảo cổ cho đến ngày nay. Địa điểm này lưu giữ bộ sưu tập chữ khắc lớn nhất, ghi lại các nghi lễ tôn giáo, sinh hoạt hàng ngày và mối quan hệ của Vương quốc Dadanite cổ đại với các dân tộc lân cận. Hàng trăm bản khắc khác được tìm thấy ở thung lũng Abu Ud và trên Núi Al Aqra'a. Những dòng chữ cổ ở đây minh chứng cho một di sản phong phú được tạo nên bởi các nền văn minh khác nhau. Chương trình Ký ức thế giới nỗ lực bảo tồn di sản tư liệu Jabal Ikmah vì tầm quan trọng của nó trong việc ghi lại ký ức văn hóa của Al-Ula, Ả-Rập Xê-Út nói riêng, cũng như toàn bộ thế giới Ả Rập nói chung.

Theo các chuyên gia khảo cổ, tầm quan trọng của các chữ khắc của Jabal Ikmah vượt qua ranh giới khu vực để đạt đến mức độ phù hợp toàn cầu, đặc biệt là một phần của sự phát triển của các ngôn ngữ và phương ngữ Ả Rập cổ. Tính xác thực và toàn vẹn của chúng, cả về lượng thông tin được lưu giữ về các xã hội cổ đại cũng như việc bảo tồn địa điểm di sản, tập hợp những yếu tố thiết yếu đó khiến nơi đây trở thành địa điểm có giá trị độc tôn như một biên niên sử về một thời đại lịch sử đã qua đối với Chương trình Ký ức thế giới.

Khu khảo cổ Hegra của AlUla (Al-Hijr/Mada'in Salih) là Di sản thế giới đầu tiên được công nhận vào năm 2008 ở Ả-Rập Xê-Út và đóng vai trò như một bức tranh vẽ góp phần ghi lại nguồn gốc văn hóa của khu vực. Bằng chứng về sự hiện diện của con người tại Hegra có từ ngoài thiên niên kỷ thứ nhất trước Công nguyên, và là vị trí của thành phố Nabataean từ cuối thiên niên kỷ thứ nhất trước Công nguyên đến thiên niên kỷ thứ nhất sau Công nguyên. Hegra nổi tiếng là một quần thể di tích rộng 52 hecta với hơn 110 ngôi mộ hoành tráng được chạm khắc từ các khối đá được bảo tồn, nơi yên nghỉ của giới thượng lưu Nabataean. Những dòng chữ khắc thông tin chi tiết người được chôn cất bên trong vẫn còn lưu giữ trên nhiều ngôi mộ cho đến ngày nay.

Tiến sĩ Tawfik Jelassi - Trợ lý Tổng Giám đốc về Truyền thông và Thông tin của UNESCO, cho biết: “Di sản tư liệu của Al-Ula chứng tỏ tầm quan trọng của khu vực Al-Ula, trong đó ngôn ngữ Ả Rập được hình thành thông qua kết nối giao thoa giữa các nền văn hóa trải qua nhiều thế hệ. Ngày nay, nó thậm chí có thể được coi như một tư liệu tham chiếu duy nhất cho tất cả những người đến từ các quốc gia Ả Rập khác nhau, nhằm làm phong phú thêm cuộc đối thoại giao thoa văn hóa trong khu vực và trên thế giới”.

Jose Ignacio Gallego Revilla, Giám đốc điều hành của Học viện Vương quốc, Cục Khảo cổ học, Nghiên cứu Di sản và Bảo tồn tại Ủy ban Hoàng gia về Al-Ula, cho biết: “Sự tham gia chung của chúng tôi trong Chương trình Ký ức thế giới cũng như cam kết của Học viện Vương quốc đối với việc bảo tồn những giá trị mong manh nhất của di sản văn hóa của thời đại đánh dấu những nỗ lực hợp tác đặc biệt giữa Ủy ban Hoàng gia Al-Ula và UNESCO). Di sản tư liệu Al-Ula là một phần thiết yếu và quan trọng trong ký ức nhân loại, được chia sẻ bởi những người đã để lại cho chúng ta chứng tích về cuộc sống của họ cho các thế hệ mai sau”.

Chương trình Ký ức thế giới nhằm mục đích bảo tồn di sản tư liệu Al-Ula thông qua việc nỗ lực nâng cao hiểu biết của thế giới về di sản này, cải thiện khả năng tiếp cận của du khách một cách bền vững và tối đa hóa tiềm năng của di sản, sử dụng như một bảo tàng sống, minh chứng cụ thể nhất cho đối thoại liên văn hóa, gắn kết xã hội và giáo dục qua các nền Văn minh Ả Rập cổ đại. Là một phần trong quan hệ đối tác với RCU thông qua Học viện Vương quốc, chịu trách nhiệm nghiên cứu và bảo tồn khảo cổ học nơi đây, UNESCO đang tạo điều kiện cho sự hồi sinh của Al-Ula như một trung tâm văn hóa, thúc đẩy hoạt động phát huy giá trị di sản tư liệu thông qua các sáng kiến khác nhau, bao gồm tổ chức trưng bày, triển lãm, tổ chức hội thảo nâng cao năng lực, tuyên truyền phổ biến nâng cao nhận thức, trên nền tảng quảng bá di sản tư liệu trực tuyến, cung cấp quyền truy cập vào tư liệu di sản và một hội nghị chuyên đề bảo tồn và phát huy giá trị di sản đã được lên kế hoạch cho năm 2023./.

Ngọc Bích

Cục Du lịch quốc gia Việt Nam

(lược dịch)

 

Liên kết website