Ngày 21 tháng 11 năm 2024
Liên kết website

UNESCO nhấn mạnh sự cần thiết phải giảm thiểu rủi ro thiên tai gắn với hoạt động bảo vệ di sản tư liệu

Đã có những bước tiến vững chắc trong hoạt động bảo vệ di sản tư liệu thông qua việc giảm thiểu rủi ro thiên tai, đặc biệt ở các nước kém và đang phát triển. Điều này được nêu rõ trong báo cáo của UNESCO về việc thực hiện Dự án “Bảo vệ di sản tư liệu thông qua xây dựng chính sách phát triển và nâng cao năng lực”, do Nhật Bản tài trợ. Dự án này kéo dài 3 năm, đã ghi nhận những bước tiến lớn trong định hướng phát triển các chính sách nhằm bảo tồn bền vững di sản tư liệu thông qua giảm thiểu rủi ro thiên tai. Đặc biệt, báo cáo đưa ra một khung chiến lược hành động của UNESCO cho vấn đề này.

Tiến độ dự án được báo cáo qua các cuộc thảo luận đã tổ chức tại các Diễn đàn Chính sách Toàn cầu lần thứ Nhất vào năm 2018 và lần thứ Hai vào năm 2021. Diễn đàn Chính sách Toàn cầu quy tụ các tổ chức ký ức, các nhà hoạch định chính sách và các đơn vị liên quan, tập trung phân tích cách thức để bảo vệ di sản tư liệu tốt hơn, bằng cách sử dụng các khung chiến lược quốc tế đã được thống nhất, bao gồm Khung Sendai về giảm thiểu rủi ro thiên tai và Khuyến nghị năm 2015 của UNESCO liên quan đến việc bảo vệ và tiếp cận di sản tư liệu bao gồm cả dạng số.

Dự án thực hiện bởi Chương trình Ký ức Thế giới (MoW), với những hoạt động hướng đến việc di sản tư liệu được lưu giữ trong các thư viện, kho lưu trữ, bảo tàng và các cơ quan nghiên cứu tại các quốc đảo nhỏ, quốc gia đang phát triển (SIDS) và quốc gia kém phát triển (LDCs), vì các nhóm này có khả năng lớn phải đối mặt với tác động của thảm họa tự nhiên cũng như nhân tạo.

Hoạt động chính của dự án là một cuộc khảo sát thí điểm, cho thấy 40 trong số 63 báo cáo nêu rằng họ chưa có kế hoạch khẩn cấp trong trường hợp xảy ra thảm họa, thể hiện sự thiếu chuẩn bị của các tổ chức ký ức trên toàn thế giới.

Để đáp ứng nhu cầu này, các hội thảo nâng cao năng lực đã được tổ chức để đào tạo các chuyên gia đánh giá rủi ro trong các tổ chức ký ức nhằm giúp họ xây dựng các kế hoạch khẩn cấp để ứng phó và phục hồi sau thảm họa.

Tại Hội thảo, một số người tham gia đã chia sẻ rất rõ quan điểm của họ, như sau:

- Hội thảo này cho phép tôi củng cố và cập nhật kiến thức, kỹ năng của mình về nhận dạng rủi ro và đặc biệt là trong việc xử lý các tài liệu sau thiên tai, nhất là lũ lụt.” - Chuyên gia của một Thư viện ở Senegal

- Tham gia Hội thảo đã cho tôi quản lý các hoạt động để cải thiện rủi ro thiên tai”. - Chuyên viên của Thư viện quốc gia châu Mỹ Latinh và Caribe.

- Đáp lại một phần các giao thức quản lý và giảm thiểu thiên tai đối với di sản tư liệu, chúng tôi đã thành lập một Ủy ban quốc gia đa ngành để giám sát các kế hoạch khẩn cấp”. - Chuyên viên của Cơ quan Lưu trữ quốc gia ở Châu Phi.

Tổng cộng, hơn 120 tổ chức ký ức đã tham gia các buổi đào tạo, trong đó hơn 60 tổ chức tham gia cuộc khảo sát thí điểm, được cung cấp hướng dẫn để xác định rủi ro, mối nguy hiểm và xây dựng kế hoạch khẩn cấp theo nhu cầu của họ.

Được thành lập năm 1992, Chương trình Ký ức Thế giới đóng vai trò như một cầu nối để xác định và liên kết các di sản tư liệu có ý nghĩa thế giới, cho phép bảo vệ và thúc đẩy khả năng tiếp cận toàn cầu đối với di sản đó./.

Tuyết Chinh (lược dịch)

 

Liên kết website