Ngày 4 tháng 12 năm 2024
Liên kết website

Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu, Hà Tĩnh

Ngày 26/11/2022, tại Kỳ họp thứ 9 diễn ra ở Thành phố Andong (Hàn Quốc), Ủy ban Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO (MOWCAP) đã thông qua hồ sơ “Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu, Hà Tĩnh (1689-1943)” là Di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương, hiện được lưu giữ tại làng Trường Lưu, xã Kim Song Trường, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh.

Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu, Hà Tĩnh là bộ sưu tập gồm: 26 Sắc lệnh của Hoàng đế triều đình nhà Lê và nhà Nguyễn, nhằm tôn vinh, tặng, phong chức tước cho một số người dân làng Trường Lưu, xã Kim Song Trường, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh; 19 Văn bản giao dịch giữa các cơ quan của nhà Nguyễn với người dân làng Trường Lưu 3 bức trướng. Toàn bộ các văn bản được viết bằng chữ Hán và Nôm trong thời gian từ năm 1689 đến 1943. Mặc dù trải qua thời gian dài, chịu nhiều biến động của chiến tranh, thiên tai bão lụt… các tư liệu đề cử có một số hư hỏng nhẹ, tuy có chỗ mất vài chữ, nhưng vẫn thể hiện và bảo đảm toàn vẹn nội dung của di sản tư liệu.

Đây là những tài liệu quý hiếm, có giá trị và độc đáo do triều đình và tổ chức từ thiện/cộng đồng địa phương ban cho một số người dân ở làng Trường Lộc, ca ngợi những đóng góp của họ cho các hoạt động xã hội, văn hóa và giáo dục...

Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu, Hà Tĩnh gồm:

- 26 Sắc phong gốc do các vua triều Lê, Nguyễn ban tặng từ năm 1689 đến năm 1943, trong đó có: 22 Sắc phong triều Lê, có niên đại từ năm 1689 đến năm 1783, kích thước 50x120 cm; 2 Sắc phong triều Nguyễn, có niên đại từ năm 1824 đến năm 1943,  kích thước 45x120cm. Các sắc phong này đều được viết bằng chữ Hán đẹp, trên giấy dó đặc biệt (giấy sắc), một mặt có vẽ hình rồng, tượng trưng cho quyền lực của nhà vua, ghi cụ thể tên vị Hoàng đế ban sắc, cùng ngày tháng năm ban Sắc, có dấu đỏ Sắc mệnh chi bảo 敕命之寶; ghi rõ người được phong, lý do, chức vụ/tước vị của người được phong trước và sau khi được phong tặng; và 2 Sắc vinh danh phụ nữ thời Nguyễn làm bằng gỗ, có kích thước 45x 100cm, khắc chữ Hán, chữ khắc dương bản.

- 19 tờ Văn bằng giao lưu giữa chính quyền các cấp với dân làng, những người tham gia chính quyền thời Nguyễn từ năm 1803 đến năm 1943: Bằng, tấu, sao lục, sức và bẩm, có kích thước từ 40x60 cm, 60x80 cm, giấy dó, chữ Hán viết tay, có dấu của các cơ quan chính quyền từ tỉnh đến trung ương của triều Nguyễn, cùng ngày tháng năm ban hành.

- 3 bức Trướng bằng lụa, kích thước 97x197cm, 121,5x177cm và 70x127cm, viết bằng chữ Hán và chữ Nôm, chữ màu đen, trên nền lụa trắng và lụa vàng thời nhà Lê và nhà Nguyễn.

Ngoài Sắc phong và Văn bản hành chính, ở làng Trường Lưu còn giữ được nhiều tư liệu liên quan đến các hoạt động của cộng đồng như: mừng thi đỗ, mừng thọ…

Những tài liệu này cung cấp bằng chứng xác thực cho các nghiên cứu liên quan đến lịch sử, giáo dục, chính trị, văn hóa, danh nhân, bình đẳng giới và ca ngợi phụ nữ, truyền thống hiếu học và lòng kính trọng đối với người cao tuổi.

Những sự kiện ghi chép trong mỗi tư liệu đều mang tính xác thực cao, bởi đó là những thông tin phục vụ cho thực tiễn quản lý và được tiếp nhận, xử lý bởi Hoàng đế triều Lê và Nguyễn, hoặc các cơ quan trong chính quyền, hoặc chính người trong làng Trường Lưu.

Trên mỗi Sắc phong, Văn bằng đều ghi rõ ngày tháng năm ban hành và được đóng dấu của Hoàng đế hoặc các cơ quan trong chính quyền. Quy trình soạn thảo, ban hành, luân chuyển, giải quyết văn bản cũng như hệ thống con dấu đóng trên văn bản được quy định chặt chẽ về thẩm quyền, loại hình, thể thức. Trên các Trướng đều ghi rõ thời gian soạn và sự kiện liên quan, người soạn và người được tặng Trướng.

Sắc phong, Văn bằng, Trướng là loại hình văn bản hành chính và giao lưu thời chế độ quân chủ, viết bằng chữ Hán. Loại hình tư liệu này xuất hiện sớm và phổ biến tại các nước đồng văn như Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam v.v… Hoàng đế và các cơ quan hành chính thường ban hành Sắc lệnh phong chức tước, tôn vinh cho những người lập được công trạng hoặc đỗ đạt trong các kỳ thi, giao nhiệm vụ… Người dân cũng có thể làm các đơn từ gửi đến các cấp của chính quyền. Cộng đồng cũng có nhiều hình thức hoạt động giao lưu văn hóa như mừng thọ, mừng thi đ, mừng được thăng chức. Đây là nguồn tư liệu độc đáo, quý hiếm để bổ sung cho hệ thống tư liệu chính sử quốc gia.     

Chất liệu mang tin đa dạng: giấy dó, giấy dó đặc biệt, gỗ và lụa, chữ viết đẹp, rõ ràng, dễ đọc, chữ viết trên các tư liệu là chữ Hán và chữ Nôm… Chữ Hán là chữ viết có tính phổ biến ở các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản và được dùng chính thức trong hệ thống Nhà nước thời quân chủ.

Văn bản sử dụng 3 màu cơ bản, trong đó: màu đen dùng để viết chữ,  mau đỏ của con dấu, màu vàng của giấy dó thời Nguyễn. Trên các trang giấy đều được trang trí rất đẹp, thể hiện uy quyền của nhà nước. Hình thức và phong cách trình bày đa dạng và phong phú, có ghi chú cụ thể về thời gian, nguyên nhân hình thành tư liệu cũng như tác giả của tư liệu v.v… Bản thân mỗi tư liệu là một tác phẩm nghệ thuật nguyên bản, độc đáo.

Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu là tài liệu độc bản được viết bằng tay, không có bản đúp, nên nếu chẳng may bị mất hoặc hư hỏng thì sẽ rất khó khôi phục. Ngoài giá trị về nội dung thông tin, bản thân tư liệu là đã trải qua thời gian gần 300 năm với bao biến cố của thời gian, chiến tranh, thiên tai…, đã trở thành những cổ vật quý giá.

Sắc phong, Văn bản Hán Nôm phần lớn đang được lưu giữ trong các gia đình, làng quê, họ tộc, chùa, và một số cơ quan Nhà nước. Nhưng cho đến nay, số tư liệu dạng này được đề cử và công nhận còn quá ít, trong số 56 di sản được MOWCAP ghi danh, chỉ có 1 di sản được MOWCAP công nhận năm 2012 và MOW công nhận năm 2013 là Hồ sơ chính thức về Tây Tạng thời Nhà Nguyên (1304-1367) của Trung Quốc. Trong khi đó, loại tư liệu này rất có giá trị để nghiên cứu về lịch sử, nhân vật, quan hệ giữa Nhà nước với các cá thể, vinh danh việc học, vinh danh phụ nữ, tôn trọng người cao tuổi, hiện đang được giữ gìn cẩn thận.

Văn bản Hán Nôm  làng Trường Lưu, Hà Tĩnh bộ tài liệu gốc có tính xác thực cao - các dấu ấn và ngày tháng ban hành, chất liệu vật mang tin, tính toàn vẹn - nội dung, hình thức của văn bản giữ nguyên.

Tính độc đáo của bộ sưu tập thể hiện ở chỗ các sắc phong cho các nhân vật đều vinh danh thành tích học tập: Con thi đỗ thì bố được vinh danh, người có công trong sự nghiệp giáo dục đào tạo học trò, chủ nhân của trường học được vinh danh là vị Thần, được thờ lúc còn sống, học trò được miễn việc binh, người cao tuổi được kính trọng, tôn vinh… Đây là trường hợp hi hữu trong lịch sử giáo dục Việt Nam.

Đề cao vai trò phụ nữ (có 06/48 tư liệu - 05 Sắc phong và 01 Trướng), vinh danh việc học hành và công lao trong giáo dục (02 Sắc phong, 01 Trướng, 01 tờ bẩm có phê chuẩn và tôn trong người cao tuổi (02 Trướng mừng thọ)…

Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu, Hà Tĩnh được dân làng Trường Lưu giữ gìn, phổ biến nhằm giáo dục truyền thống học hành, xây dựng gia đình, giao lưu văn hóa. Hàng năm, dân làng và học sinh các trường học tổ chức tế Lễ Kỳ Phúc vào ngày 13 tháng Sáu (Âm lịch), nhằm vinh danh các vị Thần, những người đỗ đạt. Lễ Tế Thần Trường học Phúc Giang theo tinh thần và nội dung của Sắc phong. Từ lâu làng Trường Lưu vinh dự đón nhiều đoàn chuyên gia Việt Nam và quốc tế đến tham quan và làm việc. Những việc này minh chứng cho ý nghĩa văn hóa và cộng đồng của làng quê, của dòng họ vẫn mãi trường tồn./.

Tuyết Chinh

(Theo hồ sơ tư liệu Cục Di sản văn hóa)

Liên kết website