Xếp hạng di tích quốc gia Đình Phù Lưu, xã Trung Nghĩa, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh
Ngày 02 tháng 02 năm 2012, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có Quyết định số 271/QĐ-BVHTTDL quyết định xếp hạng di tích quốc gia đối với di tích kiến trúc nghệ thuật Đình Phù Lưu, xã Trung Nghĩa, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh.
Căn cứ vào các tài liệu thần tích, thần sắc và lời kể của nhân dân địa phương, đình Phù Lưu thờ nhị vị Thánh Tam Giang (Trương Hống, Trương Hát) là những danh tướng dưới thời Triệu Quang Phục, có nhiều công lao trong việc đánh đuổi quân xâm lược nhà Lương vào thế kỷ thứ VI.
Hiện nay chưa có tài liệu nào cho biết chính xác về niên đại khởi dựng của đình Phù Lưu, nhưng qua việc nghiên cứu kiểu dáng, đặc điểm và trang trí chạm khắc trên các bộ phận kiến trúc toà đại đình , đồng thời, căn cứ vào văn bia “hậu thần bi ký” dựng năm 1694 và các đạo sắc phong hiện còn bảo lưu được tại địa phương, cho phép đoán định đình Phù Lưu là ngôi đình cổ được xây dựng từ lâu đời, chí ít là vào thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVII). Đình có quy mô kiến trúc lớn, gồm nhiều hạng mục công trình như: tiền tế làm theo kiểu chồng diêm hai tầng 8 mái, đại bái hình chữ đinh, hai dãy tả mạc mỗi dãy 3 gian. Sang thời Nguyễn, đình Phù Lưu được trùng tu tôn tạo lớn, dấu ấn của lần trùng tu này cũng để lại rõ nét trên một số các bức cốn, đầu dư tại toà tiền đình và kết cấu kiến trúc trong hậu cung. Năm 1949, tòa tiền tế và hai dãy tả mạc của đình Phù Lưu được tiêu thổ để đáp ứng yêu cầu của cách mạng, chỉ còn lại tòa đại bái (đại đình) như ngày nay.
Hiên tại, đình toạ lạc trên khu đất rộng 4439m2 nằm ở phía trước làng, mặt quay hướng Nam. Công trình kiến trúc chính của đình là toà đại đình kết cấu kiểu chữ đinh gồm 3 gian 2 chái tiền đình và 2 gian 1 chái hậu cung, kiểu thức 4 mái đao cong.
Tiền đình được dựng trên cấp nền cao hơn khoảng 50cm so với mặt sân gồm 3 gian 2 chái, nền đình phía trước được lát bằng những tảng đá xanh vững chắc. Nối với gian giữa tiền đình là hậu cung 2 gian 1 chái để tạo thành hai góc đao cong. Ngăn cách giữa tiền đình và hậu cung là cửa cấm, được làm bằng ván gỗ ghép, có mở cửa ngách hai bên. Hậu cung cũng được làm theo kiểu con chồng giá chiêng nhưng không trang trí chạm khắc cầu kỳ như tiền đình, chủ yếu là bào trơn đóng bén, soi gờ chỉ, xây gạch kín hai bên hồi và hậu.
Hiện đình còn bảo lưu được nhiều tài liệu cổ vật có giá trị như: thần tích, thần sắc, bia đá, hoành phi, câu đối, cùng các đồ thờ tự cổ quý khác.
Đình Phù Lưu không những có giá trị về lịch sử - văn hoá mà còn có giá trị đặc biệt về nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc.