Bến K15 - Điểm xuất phát đường Hồ Chí Minh trên biển
Thung lũng Xanh dưới chân núi Vạn Hoa, phía Nam bán đảo Đồ Sơn (thành phố Hải Phòng) là điểm xuất phát của đường Hồ Chí Minh trên biển, được biết đến với các tên gọi khác nhau như: Bến tàu không số, Km số không, Bến K15, H10, di tích đường Hồ Chí Minh trên biển.
Các tên gọi: Bến tàu không số, Km số không mang ý nghĩa toàn bộ những con tàu đã cập bến làm nhiệm vụ vận chuyển vũ khí vượt biển vào Nam chi viện cho các chiến trường đánh Mỹ đều không mang số hiệu, không đánh số trên mũi tàu.
Các tên gọi: Bến K15, H10 là những mật danh quân sự được sử dụng bảo đảm tuyệt đối bí mật, chỉ những người có trách nhiệm mới biết nó ở đâu, có chức năng gì.
Đường Hồ Chí Minh trên biển được sử dụng nhiều vì được ví tương đương đường Hồ Chí Minh trên bộ về mức độ gian nan, nguy hiểm cũng như những kỳ tích lập được trong thời gian chiến tranh chống Đế quốc Mỹ. Khi nhắc đến tên đường Hồ Chí Minh trên biển người ta hình dung toàn bộ tuyến đường từ điểm xuất phát ở Đồ Sơn, Hải Phòng đến bến cuối cùng là bến Vàm Lũng, tỉnh Cà Mau.
Sau Hiệp định Giơnevơ năm 1954, Đế quốc Mỹ tiến hành âm mưu mở rộng cuộc chiến tranh xâm lược và chiếm đóng lâu dài đất nước ta. Tại miền Nam, từ giữa năm 1959, phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân có bước phát triển mới, đấu tranh vũ trang ngày càng lan rộng, yêu cầu về cán bộ quân sự và vũ khí ngày càng lớn, đường giao liên bí mật xuyên Trường Sơn trong kháng chiến chống Pháp không đủ đáp ứng yêu cầu. Đầu tháng 5/1959, Bộ Chính trị giao cho Tổng quân ủy nghiên cứu tổ chức một đoàn giao thông quân sự đặc biệt, mở đường giao liên và vận tải trên bộ đưa người và vũ khí cùng những mặt hàng thiết yếu từ hậu phương miền Bắc vào chiến trường. Đồng thời với việc mở đường vận tải trên bộ, Bộ Chính trị cũng quyết định mở tuyến vận tải chiến lược trên biển Đông. Ngày 23/10/1961, Bộ Quốc phòng ra Nghị quyết số 97/QP thành lập Đoàn 759 vận tải đường biển. Nhiệm vụ ban đầu của Đoàn 759 được giao là mua sắm phương tiện, tiến hành vận chuyển, tiếp tế các loại hàng cho chiến trường miền Nam bằng đường biển. Đoàn 759 nhanh chóng ổn định tổ chức, biên chế, mua sắm, sửa chữa phương tiện, tổ chức trinh sát mở đường nhằm nắm các quy luật tuần tra hoạt động trên biển của địch, hiệp đồng với các tỉnh ven biển Nam bộ xây dựng các bãi tiếp nhận vũ khí. Theo yêu cầu của Đoàn 759, Bộ Giao thông vận tải giao Xưởng đóng tàu I Hải Phòng nghiên cứu đóng tàu vỏ gỗ gắn máy đúng theo kiểu tàu của ngư dân Nam bộ vẫn sử dụng để phục vụ công tác vận tải. Cuối tháng 7/1962, chiếc tàu vỏ gỗ đầu tiên được đóng xong và bàn giao cho Đoàn 759.
Nhằm giữ bí mật, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho công tác vận chuyển, việc lựa chọn điểm trú đậu, nhận hàng hóa và xuất phát của các con tàu được Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh đặc biệt coi trọng; và cực Nam bán đảo Đồ Sơn dưới chân núi Vạn Hoa đã được lựa chọn. Ngay từ đầu năm 1960, hàng trăm gia đình ngư dân vùng Vạn Sơn, Vạn Hoa, chùa Đông vui vẻ dời nhà ra phía ngoài bán đảo, dành nơi sinh sống của mình cùng các bến bãi cho bộ đội, cả vùng khu 2, khu 3 Đồ Sơn hiện nay đã trở thành khu vực quân sự. Khi ấy và hàng chục năm tiếp theo không một người dân Đồ Sơn nào biết rằng việc làm ấy của họ đã góp phần làm nên những chiến công trên con đường Hồ Chí Minh trên biển sau này.
Ngày 11/10/1962, chiếc tàu võ gỗ đầu tiên chở 30 tấn vũ khí mang mật danh “Phương Đông I” do đồng chí Lê Văn Một làm Thuyền trưởng, đồng chí Bông Văn Dĩa làm Bí thư Chi bộ rời bến lên đường vào Nam. Do tính chất quan trọng của chuyến đi, cán bộ chiến sĩ tàu Phương Đông I được các đồng chí Phạm Hùng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ; Trung tướng, Phó Tổng tham mưu Trần Văn Trà trực tiếp tới động viên. Năm ngày sau, ngày 15/10/1962, tàu Phương Đông I vào cửa Bồ Đề (Cà Mau) và cập bến Vàm Lũng an toàn. Chuyến vận tải vũ khí đầu tiên bằng đường biển đã thành công. Tuyến vận tải trên biển Đông “Đường Hồ Chí Minh trên biển” đã mở, lập tức tin vui được báo cáo tới Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị.
Theo chỉ thị của Bác, chuyến tàu thứ hai xuất phát ngay trong đêm nhận được tin chuyến tàu thứ nhất đến Cà Mau an toàn. Tiếp sau là chuyến thứ ba ngày 14/11/1962, chuyến thứ tư ngày 14/12/1962. Cả bốn chuyến đi, Đoàn 759 đã vận chuyển được 111 tấn vũ khí.
Xuất phát từ tình hình thực tế, không thể cứ sử dụng tàu vỏ gỗ chạy trong sông và ven biển hoạt động ngoài khơi xa trong điều kiện thời tiết phức tạp, để tạo điều kiện cho Đoàn 759 hoàn thành nhiệm vụ, Bộ Chính trị giao cho Bộ Giao thông vận tải đóng tàu vỏ sắt. Xưởng đóng tàu III được nhận nhiệm vụ này. Ngày 08/02/2963, xưởng hoàn thành chiếc tàu vỏ sắt đầu tiên giao cho Đoàn 759, tàu có trọng tải trên 100 tấn, máy đẩy khỏe, đảm bảo cho tàu hoạt động ngoài khơi xa, vỏ thép chịu được sóng cấp 7, 8. Mớn nước nông giúp cho tàu dễ dàng vào được các lạch nước cạn ở Đồng bằng sông Cửu Long. Đến cuối năm 1963 các tàu 2, 3, 4, 5, 6 lần lượt được hạ thủy bàn giao cho Đoàn 759 sử dụng.
Trong những năm 1963, 1964 các con tàu chở đầy ắp vũ khí liên tục rời “Thung lũng xanh” ở Đồ Sơn và môt số bến khác (từ năm 1964, các con tàu không số còn sử dụng quân cảng Bính Động, huyện Thủy Nguyên và Bãi Cháy, Quảng Ninh làm bến xuất phát) vượt qua hàng ngàn hải lý, sóng gió, mưa bão, và hàng rào ngăn chặn, phong tỏa gắt gao của máy bay, tàu chiến địch, đưa vũ khí vào chiến trường. Tính đến tháng 02/1965, tuyến vận tải chiến lược trên biển đã vận chuyển được 4.919 tấn vũ khí và một số mặt hàng thiết yếu vào chiến trường, góp phần đẩy mạnh chiến tranh nhân dân ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ và Nam Trung Bộ, góp phần làm nên chiến thắng oanh liệt của quân và dân ta ở Ấp Bắc, Bình Giã, Đồng Xoài...
Qua những trang hồi ký của cán bộ, chiến sĩ tham gia vận chuyển hàng hóa chi viện cho miền Nam, tuyến vận tải chiến lược trên biển là tuyến chính vận chuyển vũ khí, những tư liệu hình ảnh con thuyền không số, lúc ẩn, lúc hiện trên biển Đông cùng nhiều tấm gương hy sinh anh dũng... tất cả làm nên huyền thoại trong trong quá trình kháng chiến chống Đế quốc Mỹ của dân tộc ta.
Năm 2006, biểu tượng của Bến tàu không số được xây dựng hình cánh buồm màu trắng cách điệu gồm 04 cạnh, 04 mặt lõm theo các lớp gấp của cánh buồm. Chiều cao của cảnh buồm từ chân bệ đỡ lên đỉnh là 15m. Tại mặt chính diện cao nhất, đắp nổi hình ngô sao vàng, dưới ngôi sao là dòng chữ nổi “Di tích đường Hồ Chí Minh trên biển”. Phía dưới chính giữa cánh buồm là bia di tích, trên các bậc lên xuống hai bên có đắp biểu tượng vô lăng bánh lái tàu.
Bến K15 đã được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích lịch sử quốc gia tại Quyết định số 63/2008/QĐ-BVHTTDL ngày 18/8/2008 và là 01 điểm di tích trong di tích quốc gia đặc biệt đường Hồ Chí Minh trên biển (theo Quyết định 1473/QĐ-TTg ngày 26/11/2024 của Thủ tướng Chính phủ)./.
Tuyết Chinh
(Theo Hồ sơ tư liệu Cục Di sản văn hóa)