Ngày 11 tháng 7 năm 2025
Liên kết website

Bộ sưu tập văn khắc của Wat Pho, Bangkok, Thái Lan

Bộ sưu tập văn khắc của Wat Pho (chùa Cây Bồ Đề) ở Bangkok, Thái Lan, là một bộ sưu tập độc đáo, gồm 1.431 chữ khắc bằng tiếng Thái, trên đá vôi, đá cẩm thạch và đá phiến vào khoảng năm 1831 - 1841 với các chủ đề về tôn giáo và thế tục. Bộ sưu tập này đại diện cho khối tri thức Thái Lan về nguồn gốc châu Á và địa phương trong hơn năm thế kỷ giao lưu về thương mại, chính trị và văn hóa toàn cầu. Đây là một dự án lớn, mang tính đổi mới của Vua Rama III và các học giả Thái Lan nhằm bảo tồn và giới thiệu cho công chúng bằng các văn khắc đá trên 25 tòa nhà và các cấu trúc quanh khuôn viên chùa.

Toàn bộ khu phức hợp chùa cũng như các văn khắc đều được ghi danh là Di sản quốc gia, in trong phần 64 Công báo Hoàng gia Thái Lan số 66 ngày 22 tháng 11 năm 1949.

Wat Phra Chetuphon Vimolmangklararam Rajworamahaviharn, thường được gọi là Wat Pho, vị trí quan trọng chỉ đứng sau chùa Phật Ngọc ở Thái Lan. Nằm phía Nam và gần Cung điện Hoàng gia ở Bangkok, chùa được xây dựng vào thế kỷ XVII trong thời kỳ Ayutthaya, trùng tu quy mô lớn vào năm 1795 dưới triều đại Vua Rama I (Vua Phra Phutthayotfa, 1782 - 1809) - Người đã lập nên triều đại mới ở Bangkok và được coi là chùa của vua. Trong triều đại Vua Rama III (Vua Nangklao, 1824 - 1851), một cuộc trùng tu lớn khác đã diễn ra từ năm 1831 đến 1841, mở rộng khuôn viên chùa, trang trí các tòa nhà bằng gạch men Trung Quốc, tranh tường, điêu khắc bằng đá, chạm khắc gỗ và đính ngọc trai.

Nhà vua cũng đã cho khắc các văn bản về nhiều chủ đề lên những tấm đá cẩm thạch, đá vôi và đá phiến với kích thước khác nhau từ 32cm × 14cm đến 200cm × 110cm, đặt trên các bức tường, cửa sổ, cột hoặc dầm của 25 tòa nhà. Phần lớn các chữ khắc đều có thể đọc được và tình trạng vật lý tốt.

Văn khắc có thể chia thành 7 nhóm:

1. Lịch sử xây dựng và bản ghi chép trùng tu của Wat Pho (12 tấm)

2. Phật Giáo (310 tấm)

3. Văn học (276 tấm)

4. Danh sách các chức vụ Giáo hội, địa điểm và các nhóm dân tộc (124 tấm)

5. Giáo huấn đạo đức (65 tấm)

6. Sức khỏe: Dược phẩm và Mát-xa (608 tấm)

7. Phong tục Hoàng gia (36 tấm)

Về tính xác thực: Các hồ sơ bằng văn bản đầy đủ được lưu giữ tại Thư viện Quốc gia và chùa.

Về tính quan trọng, độc đáo và không thể thay thế:

-  Bộ sưu tập này là độc nhất về hình thức và nội dung. Chúng được thiết kế như một sưu tập kiến thức hữu ích của nhiều lĩnh vực khác nhau, được trưng bày công khai trên bức tường của các tòa nhà trong một cơ sở tôn giáo. Vì vậy, có lẽ không bộ sưu tập nào trên thế giới giống như vậy. Vào thế kỷ XIX, Vua Mindon (Miến Điện), đã tạo ra một tập hợp văn bản Phật giáo Tripitika khắc trên những tấm cẩm thạch lớn ở thủ đô mới của ông - Mandalay, nhưng chỉ tập trung vào tôn giáo.

- Gần một nửa các chữ khắc hiện có tại Wat Pho chứa nội dung về y học và mát-xa (Yoga Thái) do các bác sĩ Hoàng gia soạn thảo. Do đó, phần đặc biệt của kho lưu trữ Wat Pho này đã thiết lập một mô hình và tiêu chuẩn chung cho dịch vụ chăm sóc sức khỏe toàn diện, tạo ra lợi ích kinh tế và truyền cảm hứng cho nền văn hóa “sức khỏe” trên toàn thế giới.

- Nội dung văn khắc tóm tắt bản chất của tri thức y học truyền thống Thái Lan và các phương pháp thực hành hiệu quả, có liên quan đến truyền thống Ấn Độ và Trung Quốc, nhưng lại có một nét đặc trưng riêng, dưới sự bảo trợ của hoàng gia. Có 5 thành phần cơ bản gồm:

Thực hành y học: Nghệ thuật chữa lành toàn diện sử dụng dược liệu, yoga, bấm huyệt và liệu pháp tâm linh. Liệu pháp sử dụng đỉa y tế (liệu pháp hirudotherapy) cũng là một phần của truyền thống Thái.

Dược học: Sử dụng các thảo dược đặc trưng ở Thái Lan. Có hơn 1.100 công thức và 200 loại thuốc thảo dược riêng lẻ, sử dụng hơn 100 loại cây. Hiệu quả nằm ở kỹ thuật chưng cất thảo dược.

Nhi khoa học: Toàn bộ một gian được dành riêng cho nội dung và minh họa về khía cạnh chăm sóc sức khỏe này, bao gồm các giai đoạn: từ mang thai, chuyển dạ, sinh nở đến giai đoạn sau sinh, với sự chú ý đặc biệt đến cho con bú và chất lượng sữa. Cũng như các hình thức chữa bệnh truyền thống khác, một số nghi thức cũng được quy định để bảo đảm sự an toàn của mẹ và con.

Yoga và bấm huyệt: Các chi tiết minh họa về kỹ thuật này được cung cấp cho cả người mát-xa chuyên nghiệp lẫn tự mát-xa, là tiền thân của các bài tập thể dục aerobic hiện đại.

Chăm sóc sức khỏe cá nhân: Tinh hoa của Yoga Thái kết hợp giữa liệu pháp tâm linh và thể chất.

- Ban đầu có 32 bức tượng đại diện cho 32 nhóm dân tộc hoặc quốc tịch khác nhau của Châu Á và Châu Âu, kèm nội dung ngắn mô tả đặc điểm của họ, được đặt trong 16 gian. Hiện nay chỉ còn lại một tấm. Điều này là bằng chứng cho nhận thức nhân học sớm ở Thái Lan và bối cảnh đa văn hóa của đất nước. Cuộc tụ họp của các dân tộc đa dạng này thật bất ngờ và độc nhất trên thế giới khi bao gồm hầu hết các nhóm dân tộc chính của thời đó.

- Những điểm nổi bật khác của nội dung văn khắc tại Wat Pho có tầm quan trọng quốc tế bao gồm hai sử thi kinh điển của thế giới:   

Ramayana: Sử thi Ấn Độ này được người Xiêm đánh giá cao nhờ vào mô tả vị vua lý tưởng, sự chung thủy giữa vợ chồng, các trận chiến giữa thiện và ác, tài năng quân sự và lòng trung thành. Sử thi được ca ngợi qua những màn trình diễn múa và kịch bóng với các bài thơ do vị vua Rama I và II, cùng các nhà thơ của triều đình sáng tác. Có 152 phù điêu mô tả các cảnh trong Ramayana được đặt trên lan can xung quanh phòng Tu chính. Mỗi tác phẩm đi kèm với chữ khắc là các câu thơ viết bằng tiếng Thái.   

Shahnameh: Tác phẩm văn học Ba Tư, được biết đến với tên “Sách các Vua”, do Ferdowsi viết vào thế kỷ XI sau Công nguyên, đã được các vị vua Thái ở thủ đô cũ Ayutthaya đánh giá cao nhờ nội dung đạo đức và hình mẫu vương quyền lý tưởng. Một số phần đã được dịch sang tiếng Thái ở Ayutthaya vào thế kỷ XVII và được truyền lại cho các vị vua ở Bangkok. Một phiên bản của sử thi “Bayasanghori Shâhnâmeh” năm 1430 từ Iran, đã được ghi vào Danh sách của Chương trình Ký ức thế giới năm 2007.

Thời gian:

Đầu thế kỷ XIX đã đánh dấu bước khởi đầu mở rộng thuộc địa và văn hóa của phương Tây vào châu Á. Ở Xiêm, triều đại Vua Rama III (1824 - 1851) đánh dấu sự kết thúc của các cuộc chiến tranh dài với Miến Điện khi nước này phải đối mặt với các mối đe dọa thuộc địa từ Anh và giai đoạn đầu của việc sáp nhập lãnh thổ sau cuộc chiến tranh Anh - Miến đầu tiên năm 1824. Đồng thời, các nhà truyền giáo Kitô đã mang vào những tri thức phương Tây như máy in, y học, công nghệ cơ khí và thiên văn học. Bộ sưu tập văn khắc Wat Pho phản ánh rõ nhất tri thức địa phương châu Á và Thái Lan về Phật giáo và thế giới theo góc nhìn của thành phố đa văn hóa Bangkok, kết hợp với những kiến thức phương Tây mới đầu và giữa thế kỷ XIX.

Địa điểm:

Sau hàng thập kỷ chiến tranh kéo dài, Bangkok nổi lên như thành phố mới với những cung điện và chùa nổi bật - một đô thị châu Á nơi hàng hóa quốc tế có sẵn dồi dào. Tại đây, các vị vua của triều đại Chakri không bao giờ từ bỏ truyền thống học thuật và tri thức, đặc biệt là lịch sử, luật pháp, Phật giáo, nghề thủ công Thái, nghệ thuật, văn học và âm nhạc. Với truyền thống văn khắc đã tồn tại ở Thái Lan qua nhiều thế kỷ, Wat Pho lại được chọn là nơi duy nhất trong thế giới Phật giáo nguyên Thủy, tập hợp tài liệu về các chủ đề khác nhau, được khắc trên đá, trưng bày công khai như minh chứng của tri thức hiện có, cung cấp thông tin và hướng dẫn về đạo đức, thể chất hướng tới một cuộc sống tốt đẹp hơn. Mặc dù nhiều tài liệu đã có sẵn ở dạng bản thảo, nhưng chúng không phải lúc nào cũng dễ tiếp cận. Môi trường mở của chùa tạo điều kiện thuận lợi cho việc đọc trong không gian công cộng, việc sử dụng nhiều loại hình nghệ thuật như điêu khắc và tranh tường kết hợp với văn học đã mang đến cho công chúng một phương thức tiếp cận đa phương tiện độc đáo và sáng tạo.

Con người:

Khái niệm về một thư viện - chùa đến từ chính Vua Rama III. Như Giáo sư David K Wyatt đã viết trong cuốn Thailand A Short History xuất bản năm 1984: “Một trong những hành động phi thường nhất của triều đại Vua Rama III là việc ông đã trùng tu Wat Phrachetuphon (Wat Pho) ở Bangkok. Ông đã đặt hàng trăm chữ khắc và tranh tường để trưng bày công khai: những bài viết về mọi chủ đề có thể tưởng tượng được, bao gồm thơ ca, luận văn về y học, chiến tranh, yoga, chiêm tinh, thực vật học, lịch sử và tôn giáo, cũng như danh sách các cơ sở giáo hội, các tỉnh của vương quốc và các dân tộc nước ngoài. Vua Rama III đã nhận thức rất rõ rằng đất nước ông đang trải qua sự thay đổi nhanh chóng và văn hóa truyền thống sẽ biến mất trừ khi có các biện pháp bảo tồn. Có vẻ như ông không đồng tình với hướng đi của sự thay đổi này, nhưng ông cũng không làm gì để ngăn cản nó.”

Đối với ông, từng bộ sưu tập văn khắc trên bia là vô giá - sự mất mát của nó sẽ đồng nghĩa với việc làm suy giảm đáng kể di sản của Xiêm và nhân loại. Mặc dù nhiều văn bản đã có sẵn ở dạng sách truyền thống và bản thảo từ lá cọ, nhưng bằng cách tập hợp chúng lại ở một nơi, ông thực sự đã biến chùa thành một thư viện mở, du khách có thể tự do tham quan.

Trên thực tế, Vua đã từng trùng tu một chùa khác ở Bangkok, Wat Ratchaorot, vào những năm 1820 và khắc trên 92 tấm cẩm thạch các văn bản về dược liệu. Tuy nhiên, bộ sưu tập của Wat Pho lớn hơn, đa dạng hơn và dễ tiếp cận hơn nhờ vị trí của nó. Thật không may, do đây là một dự án tốn kém, nên Wat Pho chưa bao giờ được sao chép ở bất kỳ nơi nào.

Chủ đề và đề tài:

Nội dung của các chữ khắc rất đa dạng, bao gồm lịch sử, chính trị, văn học, Phật giáo, y dược, liệu pháp thể chất, dân tộc học và đạo đức. Chúng đại diện cho một tập hợp tri thức quý báu bao gồm:

1. Tập hợp kiến thức tổng hợp về địa lý, chính trị và sự đa dạng văn hóa;
2.
Lịch sử của Phật giáo, các tín ngưỡng và thực hành;

3. Phương pháp toàn diện về sống tốt đẹp cả tâm linh, thể chất và đạo đức;

4. Tinh hoa và tài năng của ngôn ngữ Thái.

Phương pháp trình bày đảm bảo rằng các chữ khắc này bền vững và người đọc dễ tiếp cận.

Hình thức và phong cách:

Trong khi hầu hết các văn bản Phật giáo là bản sao từ kinh Tripitaka, thì các tác phẩm văn học và thơ ca được sáng tác bởi Hoàng tử, Thượng tọa Poramanuchit Chinorot - người được coi là một trong những nhà thơ và nhà văn xuất sắc nhất mọi thời đại của Thái Lan. Ông là chuyên gia trong việc chuyển thể các vần thơ theo phong cách Ấn sang phong cách Thái Lan, khéo léo chơi chữ có vần, điệu (ít nhất 4 tác phẩm chính) của ông.

Các minh họa:

Các minh họa trong các văn bản về y học và yoga tương tự như những gì được tìm thấy trong các bản thảo truyền thống Thái, nhưng chúng có kích thước lớn hơn và thu hút ánh nhìn của du khách. Vì vậy, chúng rất hiếm trên thế giới.

Ý nghĩa xã hội, tâm linh và cộng đồng:

Hiện nay, Wat Pho là một trong những điểm du lịch hàng đầu thế giới, với 1.200.000 du khách/năm. Không gian yên tĩnh và bầu không khí Phật giáo của chùa là một điểm thu hút quan trọng. Các chữ khắc và minh họa là những phần không thể thiếu trong tuyến tham quan vì chúng hiện diện khắp nơi trong khuôn viên chùa, với nhấn là các hoạt động mát-xa và yoga, mà du khách có thể trải nghiệm trực tiếp tại chỗ.

Đối với người Thái, Wat Pho chính là “đại học mở” - nơi bất kỳ ai cũng có thể tiếp cận với tri thức quý báu của đất nước được thể hiện qua giáo lý Phật giáo, truyền thuyết Jataka, sử thi Ramayana, thơ ca và kiến thức y học đã duy trì cuộc sống của hàng triệu người qua nhiều thế kỷ.

Tính hiếm có, tính toàn vẹn

- Tính hiếm có: Sự kết hợp giữa thời gian, địa điểm (một ngôi chùa Phật giáo nguyên thủy), các chủ đề tôn giáo rộng rãi, văn học, y học dân tộc được khắc trên cẩm thạch khiến nó trở thành một di sản tư liệu hiếm có, chưa tìm được sưu tập này nơi nào trên thế giới.

- Tính toàn vẹn: Theo ước tính khoảng 25% chữ khắc ở Wat Pho năm 1830 đã bị mất bởi sự bất cẩn và sao nhãng. Tuy nhiên, trên thực tế được biết, không có nội dung thông tin nào bị thay đổi mặc dù có một số tấm bia đã được làm mới trong những năm qua để thay thế bia bị hư hỏng.

(nguồn:https://www.unesco.org/en/memory-world/epigraphic-archives-wat-pho?hub=1081)

Tuyết Chinh (lược dịch)

Liên kết website