Ngày 22 tháng 1 năm 2025
Liên kết website

Chùa Cự Đà, Thành phố Hà Nội

Chùa Cự Đà (còn gọi là Cự Đà tự, chùa Khoan Hồng, chùa Khoan Tế) thuộc thôn Khoan Tế, xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm, Thành phố Hà Nội.

Chùa Cự Đà có quy mô lớn, nằm trong khu đất rộng, phía trước là hồ nước, dấu tích của dòng sông cổ Đài Bi. Di tích gồm các hạng mục chính: Tam quan, chùa chính, hai dãy hữu tả mạc, khu thờ Mẫu, thờ Tổ.

Tam quan chùa được làm kiểu hai tầng, bốn mái, phần cổ diềm giữa hai mái làm chấn song lấy ánh sáng cho bên trong, kết cấu đơn giản, hai mái trên làm kiểu vì thượng kẻ hạ bẩy, đỡ mái dưới là kẻ cong dài ăn mộng qua hai đầu cột. Toàn bộ phần khung nhà được bào trơn, bào soi tạo cảm giác nhẹ nhàng. Hai bên Tam quan có hai cổng gạch nhỏ, xây hai tầng tám mái cong, hai bên có hai trụ biểu đắp nổi đề tài tứ linh (long, ly, quy, phượng) trong các ô lồng. Sát sau cổng vào, hai tấm bia cổ ghi việc trùng tu chùa và những người công đức. Tấm bia lớn có niên hiệu Đức Long thứ 6 (1634), bia nhỏ dựng năm Khải Định thứ 7 (1922). Qua Tam quan đến một sân gạch rộng dẫn vào khu chùa chính.

Chùa chính có quy mô kiến trúc lớn, kết cấu kiểu chữ Đinh gồm Tiền đường, Thiêu hương và Thượng điện. Giống như hầu hết kiến trúc các ngôi chùa khác được xây dựng lại vào thời Nguyễn, Thiêu hương và Thượng điện của chùa Cự Đà được nối liền thành một lớp nhà dọc bốn gian gắn với Tiền đường. Nhà Tiền đường gồm năm gian hai dĩ, xây gạch kiểu tường hồi bít đốc tay ngai, mái lợp ngói ta, loại ngói mỏng mũi hơi nhô lên. Bờ nóc đắp dạng bờ đinh, chính giữa nhô lên mảng tường nhỏ, mặt trước ghi ba chữ Hán "Cự Đà tự". Hai bức tường hồi xây vượt khỏi hiên trước khoảng 1,5m, ngoài cùng là một trụ biểu, mặt trong trang trí bằng kỹ thuật đắp nổi đề tài tùng, lộc, mai, điểu.

Bộ khung đỡ mái nhà Tiền đường gồm sáu bộ vì chính, kiểu thượng chồng rường giá chiêng hạ kẻ. Các con rường được đặt thưa qua một đấu kẻ dày, kẻ nách ăn mộng qua đầu cột cái và cột quân, trên kẻ có ván gỗ dày để đỡ các con hoành. Mỗi bộ vì gồm có 04 hàng chân. Hàng hiên rộng tương ứng với 05 khoảng hoành, đỡ mái hiên là một kẻ cong dài, đầu của các kẻ hiên chạm nổi văn thực vật, văn mây.

Nền nhà Tiền đường tôn cao 30cm so với mặt sân, mặt trước mở hé thông của bức bàn, phía sau, gian giữa thông với Thượng điện, các gian bên xây tường bao, sát tường hậu xây bệ gạch cao để tượng thờ.

Thượng điện gồm 04 gian xây gạch, mặt ngoài rất cổ kính. Các bộ vì đỡ mái gồm 02 loại: Vì ngoài cùng làm kiểu chồng rường giá chiêng, các vì trong có kết cấu thượng rường giá chiêng hạ kẻ. Mỗi vì có hai hàng cột cái, kẻ nách đặt trên thành xà gối trên tường bao. Giá trên của mỗi bộ vì đều treo hoành phi, cửa võng để tăng thêm vẻ lộng lẫy, khang trang trong khu thờ Phật.

Trong toà Thượng điện, khoảng rộng giữa hai hàng cột xây những bệ gach cao dẫn từ ngoài vào để đặt tượng thờ, khoảng hẹp hơn giáp tường bao để trống làm đường chạy đàn - một tín ngưỡng cổ xưa của đạo Phật.

Song song với Thượng Điện có hai dãy nhà dài vũ, mỗi dãy gồm năm gian xây tường hồi bít đốc, các vì làm giống nhau kiểu "chồng rường giá chiêng hạ kẻ".

Khu thờ Mẫu, thờ Tổ nằm phía sau toà Thượng điện qua một sân gạch hẹp. Nhà có kết cấu chữ Đinh, Tiền tế gồm năm gian tường hối bít đốc tay ngai. Các vì đỡ mái được làm thống nhất theo kiểu thượng chồng rường giá chiêng hạ kẻ, hàng hiên phía trước rộng tương ứng với 7 khoảng hoành. Trong đó, gian chính giữa thờ Tam tòa Thánh mẫu (Mẫu Thiên, Mẫu Thoải, Mẫu Địa với ba màu truyền thống đỏ, vàng, trắng). Hai gian bên thờ vị sư Tổ của chùa đã viên tịch và động sơn trang.

Do bộ khung gỗ của chùa chủ yếu được bào trơn, bào soi tạo cảm giác nhẹ nhàng, nên vẻ đẹp của di tích được tập trung thể hiện qua hệ thống tượng tròn. Tượng có số lượng lớn và xếp đặt đúng với quy tắc truyền thống, ở vị trí trang trọng nhất là ba pho Tam thế thường trụ diệu pháp thân, đại diện cho ba thế giới Phật trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Ba pho tượng này có kích thước ngang nhau đang ngồi kiết già trên toà sen, tay kết ấn tam muội. Lớp thứ hai có Phật Adida tọa lạc trên toà sen, hai bên có hai đại bồ tát Quan Âm, Thế Chí đứng thị giả. Tiếp đến là nhóm tượng Quan âm thiên thủ thiên nhãn hai bên có Văn Thù, Phổ Hiền phò trợ. Tượng Văn Thù, Phổ Hiền được thể hiện khá độc đáo, cả hai vị đang ngồi trên tòa sen đặt trên lưng hai con vật quen thuộc là Thanh Sư và Bạch Tượng. Lớp dưới cùng có tòa Cửu Long tái hiện hình ảnh Đức Phật Thích ca sơ sinh.

Bên cạnh kiến trúc Phật giáo, trong khuôn viên chùa có ngôi đền nhỏ thờ Thành hoàng Khoan Tế là Phúc thần Phùng A, người có nhiều công lao với làng. Đền kết cấu kiểu chữ Nhị với hai nếp nhà ngang xây tường hồi bít đốc, các vì của khung nhà làm dạng vì kèo quá giang. Trong khu đền vẫn lưu giữ được nhiều hiện vất quý thời Lê, Nguyễn như: bộ bát bửu, bộ đòn kiệu lớn thế kỷ XVII - XVIII và 7 đạo sắc phong các niên hiệu: Cảnh Hưng thứ 44, Chiêu thống nguyên niên, Cảnh Thịnh nhị niên, Tự Đức thập niên, Khải Định cửu niên.

Sau mấy trăm năm tồn tại, chùa Cự Đà vẫn bảo lưu được bộ di vật phong phú, đa dạng, có giá trị như: bia Cự Đà bi ký niên đại 1634 phản ánh về nhiều mặt đời sống xã hội, lịch sử ngôi chùa, một tiêu bản mẫu mực của nghệ thuật điêu khắc đá truyền thống, các bia đá ghi công đức, hai quả chuông đồng, chuông to niên đại 1817, chuông nhỏ niên đại 1917, khánh đồng niên đại 1826, môt long ngai chạm rồng, 32 tượng tròn có niên đại từ thời Lê đến thời Nguyễn được tạo tác tỉ mỉ, hoành phi, câu đối...

Chùa Cự Đà được Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là di tích nghệ thuật quốc gia tại Quyết định số 310/QĐ-BT ngày 13/2/1996./.

Tuyết Chinh

Theo hồ sơ tư liệu Cục Di sản văn hóa

Liên kết website